Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bước tiến mới trong tái cơ cấu ngân hàng

Hương Thủy| 12/04/2017 15:39

(HNMO) - Việc tái cơ cấu các tổ chức tín dụng (TCTD) được cho là sẽ có bước tiến mới trong thời gian tới khi Ngân hàng Nhà nước đang lấy ý kiến dự thảo dự án Luật hỗ trợ tái cơ cấu các TCTD và xử lý nợ xấu.


Sau 5 năm thực đề án “Cơ cấu lại hệ thống các TCTD giai đoạn 2011-2015”, đến nay, về cơ bản, việc cơ cấu lại hệ thống TCTD đã đạt được một số kết quả. Chẳng hạn, các TCTD yếu kém được nhận diện và được cơ cấu lại, không để xảy ra đổ vỡ TCTD ngoài tầm kiểm soát, bảo đảm giữ vững sự ổn định, an toàn của hệ thống các TCTD; tài sản của Nhà nước, nhân dân được bảo đảm an toàn; hoạt động sáp nhập, hợp nhất diễn ra trên cơ sở tự nguyện, chủ yếu sử dụng các nguồn lực của xã hội, không sử dụng trực tiếp tiền của ngân sách nhà nước; số lượng TCTD đã giảm được khoảng 22 tổ chức, trong đó một số thương vụ hợp nhất, sáp nhập đáng chú ý là: sự hợp nhất 3 ngân hàng Đệ Nhất, Tín Nghĩa và Sài Gòn; Ngân hàng TMCP Nhà Hà Nội (Habubank) sáp nhập vào Ngân hàng TMCP Sài Gòn-Hà Nội (SHB); Ngân hàng TMCP Phương Nam (Southern Bank) sáp nhập vào Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank); Ngân hàng TMCP Phát triển Mê Kông (MDB) sáp nhập vào Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (Maritime Bank); Ngân hàng TMCP Phương Tây (Westernbank) hợp nhất với Tổng công ty cổ phần Tài chính Dầu khí (PVFC) thành Ngân hàng TMCP Đại Chúng (PVcombank)....

Cùng với đó, việc sở hữu chéo, đầu tư chéo ngân hàng, tình trạng cổ đông/nhóm cổ đông lớn thao túng ngân hàng được xử lý một bước cơ bản.

Tuy nhiên, theo NHNN, quá trình cơ cấu lại hệ thống các TCTD cho thấy, hệ thống các TCTD còn nhiều tồn tại, hạn chế.

Dự thảo dự án Luật hỗ trợ tái cơ cấu các TCTD và xử lý nợ xấu nêu nhiều biện pháp hỗ trợ ngân hàng thương mại yếu kém (ảnh minh họa, nguồn: Internet)


Trước tiên, hiệu quả kinh doanh chưa cao do hoạt động kinh doanh gặp nhiều khó khăn, áp lực xử lý nợ xấu, chi phí dự phòng rủi ro lớn dẫn đến tình hình tài chính của nhiều TCTD gặp khó khăn, nhiều TCTD có kết quả kinh doanh thua lỗ. Bên cạnh đó, giai đoạn vừa qua, NHNN đã mua lại bắt buộc một số ngân hàng thương mại yếu kém để bảo đảm an toàn của hệ thống TCTD nhưng do khuôn khổ pháp lý của việc xử lý TCTD yếu kém chưa hoàn thiện nên việc phục hồi và củng cố hoạt động của các TCTD yếu kém còn gặp nhiều khó khăn, tiềm ẩn rủi ro, tổn thất nếu không kịp thời xây dựng cơ chế pháp lý để thực hiện việc hỗ trợ. Ngoài ra, việc xử lý nợ xấu bước đầu đã đạt được kết quả khả quan, nhưng pháp luật về xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm còn nhiều bất cập; thiếu nguồn lực và cơ chế đặc thù cho Công ty Quản lý tài sản các TCTD Việt Nam (VAMC) hoạt động nên cần sớm có giải pháp xử lý quyết liệt trong thời gian tới để không ảnh hưởng xấu đến an toàn hệ thống, bảo đảm tính khả thi của việc xử lý TCTD yếu kém.

NHNN cũng cho rằng, nguyên nhân chính dẫn đến những bất cập, hạn chế trong quá trình cơ cấu lại hệ thống các TCTD là do  pháp lý, cơ chế, chính sách về xử lý TCTD yếu kém và xử lý nợ xấu chưa hoàn thiện. Trong khi đó, mô hình tăng trưởng của Việt Nam là mô hình phụ thuộc vào quy mô vốn đầu tư, chủ yếu dựa vào tín dụng từ khu vực ngân hàng. Số liệu từ NHNN cho thấy, gánh nặng cung cấp vốn cho nền kinh tế đặt lên hệ thống các TCTD ngày càng lớn, tỷ lệ tín dụng so với GDP tăng liên tục trong giai đoạn 2012-2015 (năm 2012: 95,2%; năm 2013: 97,0%; năm 2014: 100%; năm 2015: 111,1%) và ở mức cao so với các nước. Sự lệ thuộc rất lớn về vốn của các tổ chức kinh tế và cá nhân vào hệ thống TCTD khiến cho hệ thống TCTD dễ bị tổn thương từ những thay đổi bất lợi của nền kinh tế. Ngược lại, nền kinh tế sẽ dễ bị tổn thương khi hệ thống TCTD đối mặt với các nguy cơ, rủi ro.

Nếu các khó khăn, vướng mắc về khuôn khổ pháp lý liên quan đến xử lý các TCTD yếu kém và nợ xấu không được tháo gỡ sẽ khó có thể khơi thông được nguồn vốn của hệ thống ngân hàng, qua đó ảnh hưởng đến mức độ an toàn, lành mạnh của hệ thống ngân hàng và tăng trưởng GDP của nền kinh tế.

Chưa kể, theo mục tiêu, quá trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng và xử lý nợ xấu đến 2020 phải đạt kết quả căn bản và thực chất. Tuy nhiên, sau khi triển khai tái cơ cấu từ năm 2012, đến nay, cơ chế pháp lý hỗ trợ tái cơ cấu TCTD và xử lý nợ xấu vẫn còn loay hoay. Bởi vậy, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về xử lý TCTD yếu kém và xử lý nợ xấu theo hình thức ban hành luật riêng về xử lý TCTD yếu kém và xử lý nợ xấu là giải pháp quan trọng, yêu cầu cấp thiết. Chính vì thế, NHNN đang gấp rút lấy ý kiến dự thảo dự án Luật hỗ trợ tái cơ cấu các TCTD và xử lý nợ xấu.

Dự thảo đã nêu các biện pháp hỗ trợ tài chính cho các TCTD yếu kém là ngân hàng thương mại. Cụ thể, ngân hàng thương mại yếu kém được áp dụng một hoặc một số biện pháp hỗ trợ như: được bán nợ xấu không đủ điều kiện hoặc nợ xấu có tài sản bảo đảm đang bị kê biên theo quy định pháp luật cho VAMC; có thể được vay tái cấp vốn, vay đặc biệt của NHNN theo phương án phục hồi đã được phê duyệt; được miễn hoặc giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc theo phương án phục hồi đã được phê duyệt, nhưng tối đa không quá thời hạn kiểm soát đặc biệt; được hạch toán dần vào chi phí đối với phần chênh lệch giữa giá bán nợ/khoản phải thu/khoản đầu tư góp vốn với giá trị ghi sổ của các khoản trên phù hợp với tình hình tài chính của tổ chức tín dụng yếu kém theo phương án phục hồi đã được phê duyệt nhưng tối đa không quá 10 năm. Bên cạnh đó, các ngân hàng yếu kém có thể được hỗ trợ bằng các biện pháp khác theo phương án phục hồi đã được phê duyệt.

Một điểm khác rất quan trọng là dự thảo đề cập đến việc hỗ trợ các TCTD yếu kém được mua bắt buộc. Đó là, TCTD yếu kém được mua bắt buộc được Chính phủ cấp vốn để bổ sung vốn điều lệ; được Chính phủ cho vay dài hạn với lãi suất đến 0%; vay tái cấp vốn của NHNN với lãi suất đến 0%; được nhận tiền gửi hoặc vay của TCTD hỗ trợ với mức lãi suất ưu đãi...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bước tiến mới trong tái cơ cấu ngân hàng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.