Theo dõi Báo Hànộimới trên

Doanh nghiệp xuất khẩu "đứng ngồi không yên"

Hà Linh| 14/11/2017 07:17

(HNM) - Theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, việc cho vay bằng ngoại tệ sẽ hết hiệu lực vào ngày 31-12-2017. Hiện, Ngân hàng Nhà nước cũng chưa có động tĩnh về việc gia hạn quy định này khiến nhiều doanh nghiệp xuất khẩu


Việc khảo sát nắm rõ nhu cầu trước khi quyết định có tiếp tục gia hạn cho vay ngoại tệ nữa hay không là rất quan trọng. Ảnh: Hải Anh


“Siết” quy định cho vay ngoại tệ

Thông tư số 31/2016/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước quy định cho vay bằng ngoại tệ của tổ chức tín dụng đối với khách hàng vay là người cư trú có hiệu lực đến hết ngày 31-12-2017. Cụ thể, tổ chức tín dụng được phép cho vay ngắn hạn để đáp ứng các nhu cầu vốn ngắn hạn ở trong nước, nhằm thực hiện phương án sản xuất, kinh doanh hàng hóa xuất khẩu qua cửa khẩu biên giới Việt Nam mà khách hàng vay có đủ ngoại tệ từ nguồn thu xuất khẩu để trả nợ vay. Khi được tổ chức tín dụng giải ngân, khách hàng vay phải bán số ngoại tệ đó cho tổ chức tín dụng theo hình thức giao dịch hối đoái giao ngay, trừ trường hợp vốn vay được thực hiện giao dịch thanh toán mà pháp luật quy định phải bằng ngoại tệ.

Như vậy, nếu cơ quan chức năng không tiếp tục gia hạn, doanh nghiệp xuất khẩu sẽ không có cơ hội vay ngoại tệ.

Trước đó, quy định này đã nhiều lần được gia hạn cho đến thời điểm 31-12-2017. Bởi, thực tế có những doanh nghiệp cần ngoại tệ để hoàn thành đơn hàng xuất khẩu với đối tác nước ngoài. Song, cũng có một số doanh nghiệp không có nhu cầu vay ngoại tệ, không thuộc nhóm doanh nghiệp cần được ưu tiên, nhưng vẫn được hưởng sự ưu đãi của chính sách vay ngoại tệ. Do vậy, việc “siết” cho vay là cần thiết. Trước mắt, sẽ "khóa" một số đối tượng doanh nghiệp không thuộc diện ưu tiên, để chuyển dần từ quan hệ vay - mượn sang quan hệ mua - bán ngoại tệ.

Sở dĩ doanh nghiệp muốn vay ngoại tệ hơn VND, vì hiện lãi suất huy động ngoại tệ đang được áp dụng mức 0% nên lãi suất cho vay cao nhất cũng chỉ ở mức 5-6%/năm, thậm chí là 4%/năm, thấp hơn mức 9-10%/năm khi vay bằng VND cho sản xuất, kinh doanh thông thường. Sự chênh lệch khá lớn về lãi suất này đã khiến không ít doanh nghiệp tìm cách có hợp đồng xuất khẩu để có thể vay bằng ngoại tệ, rồi sau đó trục lợi bằng cách bán ngoại tệ ở “chợ đen” để lấy tiền VND. Chính những chiêu “lách” quy định này tạo sự thiếu bình đẳng giữa các doanh nghiệp, nên việc Ngân hàng Nhà nước có ý định “siết” quy định cho vay vốn bằng ngoại tệ nhận được sự đồng tình của không ít các chuyên gia.

Ưu tiên hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu


Bên cạnh đó, cũng có những ý kiến trái chiều cho rằng, nếu cơ quan chức năng dừng cho vay bằng ngoại tệ, chỉ cho vay bằng VND sẽ gây khó cho các doanh nghiệp có đơn hàng xuất khẩu. Do đó, Ngân hàng Nhà nước không nên "đóng cửa" vay ngoại tệ hoàn toàn, mà chỉ nên yêu cầu các ngân hàng thương mại xét cho vay chặt chẽ hơn, tránh tình trạng "lách" quy định để trục lợi.

Các doanh nghiệp xuất khẩu cũng đang "đứng ngồi không yên" vì đến thời điểm này chưa thấy “động tĩnh” gì từ Ngân hàng Nhà nước về việc tiếp tục gia hạn đối với quy định cho vay ngoại tệ. Với những doanh nghiệp thực sự có nhu cầu và đáp ứng điều kiện vay ngoại tệ, nếu phải chuyển sang vay bằng VND sẽ phải chịu chi phí lãi suất cao gấp 2 lần so với chi phí vay bằng USD. Thực tế, tỷ lệ doanh nghiệp xuất khẩu phải vay vốn khá lớn, nên nếu phải “gánh” thêm lãi suất, doanh nghiệp trong nước khó có thể cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài.

Theo chuyên gia tài chính - ngân hàng, Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu, để kiểm soát những doanh nghiệp lợi dụng chính sách cho vay ngoại tệ nhằm trục lợi, Ngân hàng Nhà nước cần có quy định cụ thể chứ không nên khép "cánh cửa" cho vay ngoại tệ đối với tất cả doanh nghiệp. Chẳng hạn, quy định doanh nghiệp xuất khẩu có ít nhất 50% doanh thu bằng ngoại tệ mới được phép vay ngoại tệ, thậm chí có thể quy định chặt chẽ hơn, đẩy tỷ lệ này cao hơn lên 75%.

"Nếu chương trình cho vay ngoại tệ dừng vào ngày 31-12-2017, chắc chắn sẽ khiến doanh nghiệp gặp khó. Do vậy, Ngân hàng Nhà nước nên gia hạn chương trình vay ngoại tệ thêm một năm để tạo điều kiện cho xuất khẩu. Mặt khác, tỷ giá hiện vẫn được duy trì ổn định; vay bằng USD nhưng ngân hàng giải ngân bằng VND nên cho vay ngoại tệ trong bối cảnh hiện nay cũng không ảnh hưởng đến chính sách chống “đô la hóa” nền kinh tế của Chính phủ" - Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu đề xuất.

Hiện, các doanh nghiệp cũng mong muốn, trước khi quyết định có tiếp tục gia hạn cho vay ngoại tệ nữa hay không, Ngân hàng Nhà nước nên khảo sát các tổ chức tín dụng cũng như doanh nghiệp để nắm rõ nhu cầu vay. Cần tiếp tục kiên định với chủ trương chống “đô la hóa” nền kinh tế, nhưng đồng thời nên tạo điều kiện để hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp xuất khẩu.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Doanh nghiệp xuất khẩu "đứng ngồi không yên"

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.