Theo dõi Báo Hànộimới trên

Siết chặt kỷ cương, kỷ luật tài chính

Hà Phong| 05/05/2018 07:27

(HNM) - Các số liệu cập nhật cho thấy, tình trạng chi ngân sách nhà nước sai tiêu chuẩn, định mức, chế độ còn xảy ra tại nhiều đơn vị, đòi hỏi phải siết chặt kỷ cương, kỷ luật tài chính.

Siết chặt kỷ cương, kỷ luật tài chính sẽ góp phần giảm tình trạng chi ngân sách sai tiêu chuẩn, định mức, chế độ. Ảnh: Sơn Hà


Còn chi sai tiêu chuẩn, định mức

Theo thống kê của Bộ Tài chính tại báo cáo của Chính phủ về việc thực hiện tiết kiệm, chống lãng phí năm 2017, thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước không đưa vào kế hoạch mua sắm đối với 18 xe ô tô do các đơn vị đề xuất. Chính phủ đã trình Quốc hội thông qua 20 dự án luật, nghị quyết (tăng 8 dự án so với năm 2016), cho ý kiến đối với 9 dự án, trong đó có nhiều dự án quan trọng để triển khai thi hành Hiến pháp 2013 và tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp… Ngành Tài chính đã tích cực, chủ động phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương cơ cấu lại thu, chi ngân sách; siết chặt kỷ cương, kỷ luật tài chính, tiết kiệm triệt để từ khâu lập, phân bổ dự toán và trong quá trình thực hiện; kiểm soát chặt chẽ nợ công. Kết quả thu, chi ngân sách nhà nước năm 2017 cơ bản đạt và vượt chỉ tiêu dự toán Quốc hội quyết định; cân đối các cấp ngân sách cơ bản được bảo đảm.

Song nhìn tổng thể, vẫn còn không ít tồn tại. Qua công tác thanh - kiểm tra, phát hiện tình trạng chi sai tiêu chuẩn, định mức, chế độ còn xảy ra tại nhiều đơn vị. Trong đầu tư xây dựng, quản lý, sử dụng trụ sở làm việc, nhà ở công vụ, công trình phúc lợi công cộng, thực tế vốn cho đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng chưa đáp ứng đủ nhu cầu, trong khi giải ngân vốn đầu tư công chậm. Vẫn còn tình trạng phân bổ vốn đầu tư chưa đúng quy định, thủ tục đầu tư chưa đầy đủ.

Trong tổ chức bộ máy nhà nước, việc đề bạt, bổ nhiệm, luân chuyển cán bộ ở một số nơi chưa đúng quy định, gây bức xúc trong dư luận. Đặc biệt, theo số liệu về công tác thanh tra, kiểm toán, Kiểm toán Nhà nước đã triển khai 257 cuộc kiểm toán, phát hiện, kiến nghị xử lý về tài chính 43.660 tỷ đồng; phát hiện thừa biên chế trong khu vực nhà nước 57.175 người; kiến nghị sửa đổi, hủy bỏ 96 văn bản pháp luật.

Chưa tuân thủ quy định


Đáng lưu ý, theo quy định của Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, các bộ, ngành, địa phương có trách nhiệm ban hành và gửi về Bộ Tài chính chương trình, báo cáo kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí hằng năm trước ngày 28-2 năm sau liền kề, để cơ quan này tổng hợp báo cáo của Chính phủ trình Quốc hội. Tuy nhiên, tính đến ngày 12-4-2018, còn 15 bộ, ngành, 17 tỉnh, thành phố, 17 tập đoàn, tổng công ty 100% vốn nhà nước chưa gửi chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2017 về Bộ Tài chính; 4 bộ, cơ quan ở trung ương, 12 địa phương (UBND cấp tỉnh), 13 tập đoàn, tổng công ty chưa gửi báo cáo kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Thậm chí, UBND TP Hồ Chí Minh còn gửi nhầm báo cáo của năm 2016.

Trước tình trạng này, Bộ Tài chính đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ phê bình, kiểm điểm trách nhiệm đối với các bộ, cơ quan, địa phương, tập đoàn, tổng công ty chưa tuân thủ các quy định của Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Qua việc có nhiều tỉnh, thành phố, bộ, ngành và các tập đoàn kinh tế nhà nước không gửi báo cáo về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, vấn đề đặt ra là, đánh giá trong báo cáo của Chính phủ thực hành tiết kiệm, chống lãng phí có phản ánh đúng thực trạng hiện nay chưa (?). Ngoài ra, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu bày tỏ băn khoăn khi báo cáo không biểu dương hay phê bình, đề nghị xử lý trách nhiệm bộ, ngành, địa phương nào. Một số chính sách thí điểm chưa được đánh giá cụ thể như, khoán xe công, mua sắm tập trung…

Cùng quan điểm, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga cho rằng, báo cáo của Chính phủ dựa trên tổng hợp, phân tích dữ liệu của các đơn vị thì việc thiếu quá nhiều số liệu cụ thể dễ dẫn đến những đánh giá, nhận định thiếu vững chắc. Và đương nhiên, những “địa chỉ” cần phải khắc phục hay điểm sáng cần nêu gương trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí khó được Quốc hội chỉ đích xác.

Ở góc nhìn khác, luật sư Trần Minh Vượng (Đoàn luật sư Hà Nội) cũng băn khoăn, bên cạnh nhiều nơi chưa gửi báo cáo thì không ít báo cáo đã gửi không có số liệu về tiết kiệm, chống lãng phí. Theo ông Trần Minh Vượng, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã có công văn báo cáo Thủ tướng Chính phủ về những đơn vị chưa có chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí để kiểm điểm trách nhiệm người đứng đầu. Sự thẳng thắn này là cần thiết, nhưng việc cần thiết hơn là, Bộ Tài chính cần tiếp tục cập nhật thông tin của các bộ, ngành còn thiếu để đánh giá đầy đủ, chính xác về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2017. Từ đó đề ra các nhiệm vụ, giải pháp chỉ đạo quyết liệt trong thời gian tới, để công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đạt được hiệu quả cao hơn.

Theo số liệu báo cáo, số tiền tiết kiệm kinh phí, tiền vốn nhà nước năm 2017 của Bộ Quốc phòng là hơn 1.400 tỷ đồng, của Bộ Tài chính là hơn 795 tỷ đồng, của Bộ Y tế là 605 tỷ đồng, của Bộ Công Thương là hơn 538 tỷ đồng, của Ngân hàng Nhà nước là 410 tỷ đồng, của Bộ Thông tin và Truyền thông là hơn 192 tỷ đồng. TP Hà Nội tiết kiệm được hơn 6.890 tỷ đồng...
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Siết chặt kỷ cương, kỷ luật tài chính

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.