Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đối thoại để nâng cao năng lực lãnh đạo

Quốc Bình| 11/04/2017 06:53

(HNM) - Huyện Phúc Thọ là địa phương đầu tiên ở Hà Nội tổ chức đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với nhân dân.

- Ông có thể cho biết cơ sở để Huyện ủy Phúc Thọ quyết tâm thực hiện sớm và duy trì liên tục 3 năm qua việc đối thoại với dân?

- Trong quá trình nghiên cứu triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” và Quyết định 218-QĐ/TƯ ngày 12-12-2013 của Bộ Chính trị “Ban hành quy định về việc MTTQ Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền”, chúng tôi nhận thấy, tổ chức đối thoại với nhân dân là việc rất cần thiết nhằm đổi mới phương thức lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng; cũng như nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, củng cố niềm tin của nhân dân.

Vừa qua, Trung ương ban hành Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”. Soi chiếu vào các nội dung của Nghị quyết, chúng tôi thấy càng cần phải tiếp tục quan tâm, làm tốt hơn việc đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với nhân dân.


Người dân chất vấn tại một buổi đối thoại với lãnh đạo huyện Phúc Thọ.


- Từ thực tế hơn 3 năm thực hiện, cái được lớn nhất thông qua đối thoại với người dân là gì, thưa ông?

- Trước tiên, trong quá trình thu thập, xử lý ý kiến nhân dân, bản thân người cán bộ, công chức phải căn cứ vào chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đánh giá xem công việc mình làm đến đâu, hiệu quả thế nào… Nên đối thoại với dân giúp cho cán bộ, công chức nâng cao ý thức trách nhiệm, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ; là “thước đo” đánh giá cán bộ. Thứ hai là qua đối thoại, chúng tôi nắm bắt, giải quyết kịp thời những kiến nghị, những vấn đề dân sinh bức xúc. Cái được lớn nhất theo tôi là đối thoại giúp cho mối quan hệ giữa Đảng, chính quyền với nhân dân ngày càng bền chặt, gần gũi thân thiết, củng cố niềm tin, tạo nên đồng thuận xã hội.

- Ông có thể nêu một số điển hình về hiệu quả, tác dụng cụ thể có được nhờ thực hiện đối thoại với dân?

- Bức xúc của người dân ở nông thôn liên quan chủ yếu đến đất đai, huyện chúng tôi cũng không ngoại lệ. Nhờ đối thoại, chính quyền nắm bắt kịp thời tình hình, thấy nơi nào xuất hiện những vấn đề bức xúc là vào cuộc giải quyết ngay. Chúng tôi yêu cầu cả Chủ tịch UBND xã tham gia tiếp dân, đối thoại với dân cùng lãnh đạo huyện. Nhờ cách làm như vậy, hiện nay về cơ bản, tất cả các vi phạm đất đai trên địa bàn đều đã được xem xét giải quyết.

- Vậy kinh nghiệm nào được Phúc Thọ rút ra trong tổ chức hoạt động đối thoại với dân để bảo đảm thực chất, hiệu quả?

- Chúng tôi đã nỗ lực từng bước đưa hoạt động đối thoại với dân trở thành nền nếp của cấp ủy, chính quyền, ngày càng đổi mới, đi vào chiều sâu. Sau khi Bí thư Huyện ủy và Chủ tịch UBND huyện đối thoại với nhân dân các xã, thị trấn, chúng tôi tiếp tục chỉ đạo Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã, thị trấn đối thoại với người dân địa phương.

Ban đầu khi thực hiện, Huyện ủy giao cho MTTQ và Ban Dân vận Huyện ủy có kế hoạch tiếp nhận ý kiến của nhân dân để phục vụ cho cuộc đối thoại. Trên cơ sở đó, chúng tôi phân loại ra các lĩnh vực, chỉ đạo các cơ quan chuyên môn rà soát đánh giá kết quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành; giải quyết các kiến nghị chính đáng của nhân dân. Năm đầu tiên, nội dung các cuộc đối thoại còn nhiều vấn đề chung, càng về sau này, các cuộc đối thoại càng đi vào cụ thể, theo các chuyên đề. Trong năm 2015 và 2016, ngoài các cuộc đối thoại chính, Bí thư Huyện ủy đã đối thoại với cán bộ, đảng viên và nhân dân cụm 1, thị trấn Phúc Thọ để giải quyết những vấn đề dân sinh bức xúc; đối thoại với 80 cán bộ, đảng viên và nhân dân cụm 8, xã Võng Xuyên để giải quyết các vụ việc mâu thuẫn, khiếu kiện kéo dài…

- Theo ông, làm thế nào để phát huy tinh thần dân chủ tại các cuộc đối thoại, nhất là để người dân thấy mình là chủ thể, sẵn sàng hết lòng đóng góp ý kiến?

- Phải thể hiện rõ sự trân trọng ý kiến đóng góp, phản ánh của người dân, cụ thể là thông qua việc giải quyết các kiến nghị chính đáng. Sau mỗi cuộc đối thoại, ngoài những kiến nghị có thể trả lời trực tiếp, chúng tôi tổng hợp tất cả các ý kiến của người dân, phân loại rồi giao cho UBND huyện và các ngành chỉ đạo giải quyết. Việc giải quyết các kiến nghị của người dân phải rõ ràng, công khai, minh bạch; nói rõ cách giải quyết, viện dẫn cụ thể; vấn đề kiến nghị nào chưa giải quyết được, vượt quá thẩm quyền cũng phải nêu rõ nguyên nhân khách quan, chủ quan…

Ngoài ra, chúng tôi không chọn đại biểu nhân dân để được nghe nói tốt, thay vào đó, luôn sẵn sàng lắng nghe những ý kiến trái chiều.

- Bước vào năm thứ tư thực hiện đối thoại với dân, Phúc Thọ có giải pháp gì để tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, thưa ông?

- Chúng tôi luôn có ý thức tiếp tục triển khai và triển khai tốt hơn hoạt động đối thoại với dân. Không chỉ đối thoại thường kỳ, mà còn tổ chức đối thoại đột xuất với dân để giải quyết những vấn đề phát sinh. Tất cả những nội dung như vậy đã được đưa vào Quy chế đối thoại do Ban Thường vụ Huyện ủy ban hành. Với quy chế này, bước đầu đã “chuẩn hóa” hoạt động đối thoại với dân. Đây cũng là giải pháp nâng cao trách nhiệm của các cá nhân, tập thể liên quan, phát huy tinh thần dân chủ, đồng thời ngăn chặn hành vi lợi dụng đối thoại để đả kích, nói xấu gây mất đoàn kết.

- Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đối thoại để nâng cao năng lực lãnh đạo

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.