Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đề cao tinh thần “Thượng tôn pháp luật”

Hương Ly| 13/07/2017 06:35

(HNM) - Tinh thần thượng tôn pháp luật của Bác là sự tuyệt đối tôn trọng pháp luật, bảo đảm pháp luật được thực thi nghiêm minh. Tinh thần thượng tôn pháp luật của Bác được thể hiện toàn diện ở hai khía cạnh: Chú trọng xây dựng nền pháp chế và thực thi nghiêm chỉnh pháp luật.


Người dân xã Đại Áng (huyện Thanh Trì) tìm hiểu thông tin tại tủ sách pháp luật của địa phương. Ảnh: Linh Ngọc


Tuyệt đối tôn trọng pháp luật

Tinh thần tôn trọng pháp luật, tôn trọng nhân dân được Chủ tịch Hồ Chí Minh thực hiện từ những ngày đầu xây dựng Nhà nước pháp quyền. Đầu năm 1946, khi chuẩn bị cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội khóa đầu tiên, Bác được giới thiệu ứng cử tại Hà Nội. Gần đến ngày bầu cử, quần chúng nhân dân trên cả nước đã gửi thư “yêu cầu Cụ Hồ Chí Minh không phải ứng cử trong cuộc tổng tuyển cử sắp tới. Chúng tôi suy tôn và ủng hộ vĩnh viễn Cụ Hồ Chí Minh làm Chủ tịch của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa”.

Trước sự tin tưởng, tín nhiệm của nhân dân, Bác đã viết một bức thư, trong đó có câu: “Tôi là công dân của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nên không thể vượt khỏi thể lệ Tổng tuyển cử đã định. Xin cảm tạ đồng bào đã có lòng yêu tôi và yêu cầu toàn thể đồng bào hãy làm tròn nhiệm vụ người công dân trong cuộc tổng tuyển cử sắp tới”.

Một lần khác, xe của Bác đến ngã tư thì đèn đỏ bật. Khi đồng chí bảo vệ có ý định đề nghị bật đèn xanh, Bác hiểu ý ngăn lại: “Phải tôn trọng và gương mẫu chấp hành luật lệ giao thông, không được bắt luật pháp dành quyền ưu tiên riêng cho mình”.

Hai câu chuyện trên đã toát lên tinh thần thượng tôn pháp luật của Bác được thể hiện một cách toàn diện ở hai khía cạnh: Một là, Người đã chú trọng xây dựng nền pháp chế của nước nhà; hai là Người đã thực thi nghiêm chỉnh pháp luật trong hành động và cư xử của mình.

Theo Giáo sư Hoàng Chí Bảo, nguyên Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương, để Chỉ thị 05-CT/TƯ của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” đi vào thực tiễn, mỗi cán bộ, đảng viên hay người dân bình thường nên học Bác trước hết là làm tròn trách nhiệm, bổn phận của mình. Động cơ học theo Bác phải trong sáng, “dĩ công vi thượng”, đặt việc công lên trên hết.

Giáo sư Hoàng Chí Bảo khẳng định: "Lịch sử chỉ có một Hồ Chí Minh, nhưng có hàng triệu người đang học tập và làm theo. Nếu hơn 4,5 triệu đảng viên hiện nay và mỗi người dân đều nêu gương khi học tập, làm theo Bác sẽ tạo ra một sức mạnh lớn giúp đất nước phát triển, nhân dân gắn bó với Đảng, chế độ bền vững".

Minh bạch trong thi hành công vụ

Thực hiện Chỉ thị 05-CT/TƯ của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, tinh thần thượng tôn pháp luật, xử lý kịp thời vi phạm đã được các cấp ủy thực hiện nghiêm.

Theo báo cáo của Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hà Nội, trong 6 tháng đầu năm nay đã phát hiện 153 đảng viên có dấu hiệu vi phạm, kết luận 122 trường hợp có vi phạm, phải thi hành kỷ luật 48 trường hợp. Kiểm điểm sâu theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ, Ủy ban Kiểm tra Thành ủy đã kiểm tra 20 đảng viên có dấu hiệu vi phạm về thực hiện quy chế làm việc và lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý về trật tự xây dựng... Cấp ủy và ủy ban kiểm tra các cấp của TP Hà Nội đã thi hành kỷ luật bằng các hình thức: Khiển trách 299, cảnh cáo 71, cách chức 4, khai trừ 20 đảng viên.

Mới đây, việc Viện Kiểm sát nhân dân huyện Mỹ Đức ra cáo trạng truy tố 14 bị can về tội danh "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ" và "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" trong vụ án liên quan đến sai phạm trong quản lý đất đai tại xã Đồng Tâm cho thấy, trước pháp luật, không có trường hợp ngoại lệ. Trước đó, cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Hà Nội cũng ban hành quyết định khởi tố vụ án hình sự xảy ra tại xã Đồng Tâm để điều tra về 2 tội danh: “Bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật” và “Hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản”.

Theo ông Đỗ Đức Hồng Hà, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, các quyết định khởi tố là việc làm đúng pháp luật và nhằm bảo đảm tính công minh và quyền bình đẳng trước pháp luật. Nếu có dấu hiệu phạm tội thì bất kể ai đều phải bị khởi tố, không có trường hợp nào là đặc biệt và ngoại lệ. Điều này đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh thực hiện từ những ngày đầu xây dựng Nhà nước pháp quyền với quan điểm: “Pháp luật phải thẳng tay trừng trị những kẻ bất liêm, bất kỳ kẻ ấy ở địa vị nào, làm nghề nghiệp gì”.

Hay như trong vụ việc của gia đình ông Đoàn Văn Vươn ở xã Vinh Quang (huyện Tiên Lãng, TP Hải Phòng) cách đây hơn 5 năm... Sau khi các cơ quan chức năng điều tra làm rõ, nhiều cán bộ có liên quan đã bị đình chỉ chức vụ. Công an TP Hải Phòng đã khởi tố vụ án hủy hoại tài sản. Ban Thường vụ Thành ủy Hải Phòng đã nghiêm túc kiểm điểm, nhận trách nhiệm trước Bộ Chính trị, Ban Bí thư, trước nhân dân... Những vụ trên cho thấy, dù là cán bộ hay một công dân bình thường, khi có sai phạm đều phải xử lý công bằng trước pháp luật.

Thực tế cho thấy tinh thần thượng tôn pháp luật và sự minh bạch của người thi hành công vụ là một trong những mối quan tâm hàng đầu của Chính phủ hiện nay. Trong một bài phát biểu của mình, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã trích dẫn lời của Bác viết năm 1919: “Bảy xin Hiến pháp ban hành/Trăm điều phải có thần linh pháp quyền”, và khẳng định: Chính phủ quản lý xã hội bằng pháp luật và đồng thời Chính phủ cũng phải nghiêm chỉnh tuân thủ pháp luật. Phải đề cao tinh thần thượng tôn pháp luật, tăng cường kỷ luật, kỷ cương;… Khi có sai phạm, dù bất kể cấp nào cũng phải làm rõ trách nhiệm và xử phạt nghiêm minh...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đề cao tinh thần “Thượng tôn pháp luật”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.