Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đổi mới công tác đánh giá cán bộ

Hương Ly| 08/03/2018 06:53

(HNM) - Tầm quan trọng của việc sử dụng, bố trí cán bộ từng được Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ và nhắc nhở: Cân nhắc và khéo dùng cán bộ, dùng đúng cán bộ là trách nhiệm của các cấp lãnh đạo, bởi vì không đánh giá, sử dụng đúng cán bộ sẽ dẫn đến sự lãng phí nhân tài là sự lãng phí lớn nhất của đất nước.

Người dân sử dụng máy “chấm điểm” cán bộ tại bộ phận “một cửa” quận Thanh Xuân - một hình thức góp phần đánh giá công chức. Ảnh: Nhật Nam


Khắc phục tình trạng "cào bằng"

Về chuẩn mực đạo đức cán bộ, GS.TS Phùng Hữu Phú, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương cho rằng, khi soi rọi và vận dụng tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh vào vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ của cán bộ, đảng viên trong hoàn cảnh đất nước hiện nay, có thể xác định những chuẩn mực chung nhất, gồm: Trung thành, tận tụy, trung thực, sáng tạo, nêu gương. Để đánh giá cán bộ thực chất, tránh tình trạng "cào bằng", ngoài thực hiện quy định của Trung ương, của cấp trên, mỗi cơ quan, đơn vị, địa phương cần vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác cán bộ vào tình hình thực tiễn của cơ quan, đơn vị, địa phương mình.

Trên thực tế, căn cứ các quy định của Trung ương, gắn với tình hình thực tế của mình, nhiều cơ quan, đơn vị, địa phương đã có những sáng tạo trong công tác đánh giá cán bộ. Tại buổi làm việc mới đây, Đoàn công tác của Ban Tổ chức Trung ương đánh giá rất cao việc đổi mới công tác đánh giá cán bộ của quận Long Biên (Hà Nội). Sự đổi mới đó được thể hiện, thay vì hằng năm, quận đã thực hiện đánh giá cán bộ, công chức, viên chức hằng tháng nhờ đó đã khắc phục được tình trạng “cào bằng” trong đánh giá cán bộ.

Cụ thể, việc đánh giá, phân loại mức độ hoàn thành công việc được áp dụng đối với toàn thể cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn quận, thực hiện theo quy trình 3 bước. Mỗi cán bộ được phân công, giao nhiệm vụ rõ ràng, bảo đảm mỗi nhiệm vụ có người chịu trách nhiệm đến cùng, theo nguyên tắc "một việc một đầu mối xuyên suốt".

Trên cơ sở đó, 100% đơn vị, cá nhân đã xây dựng kế hoạch công tác, xác định rõ nhiệm vụ, tiến độ và trách nhiệm, coi đây là cơ sở để đánh giá kết quả hoàn thành nhiệm vụ. Việc đánh giá cán bộ cũng đổi mới theo nguyên tắc, ai giao việc thì người đó đánh giá. Kết quả đánh giá được tổng hợp và công bố hằng tháng trên Cổng thông tin điện tử quận, làm căn cứ xử phạt hoặc khen thưởng, động viên cán bộ.

Chủ tịch UBND quận Long Biên Vũ Thu Hà cho biết, quận đã xây dựng đề án đổi mới, nâng cao chất lượng công tác thi đua - khen thưởng. Hằng tháng, cán bộ, công chức xếp loại hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ sẽ được thưởng 650.000 đồng (0,5 lần lương cơ sở). Các sáng kiến, sáng tạo sẽ được thưởng 1,3 triệu đồng (1 lần mức lương cơ sở). Qua đó, năm 2017, quận đã khen thưởng 953 lượt cá nhân hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ với tổng kinh phí 577 triệu đồng, đồng thời hạ mức xếp loại 78 lượt thủ trưởng các đơn vị, 173 lượt công chức, viên chức.

Ngoài quận Long Biên, nhiều địa phương trên địa Hà Nội đã đổi mới công tác đánh giá cán bộ theo tinh thần chỉ đạo của Thành ủy bảo đảm thực chất, khách quan, công tâm.

Giữ nghiêm kỷ luật Đảng

Cùng với đổi mới công tác đánh giá cán bộ, TP Hà Nội là đơn vị đầu tiên tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện Quy định số 102-QĐ/TƯ ngày 15-11-2017 của Bộ Chính trị về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm. Theo Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng, việc Đảng bộ TP Hà Nội tiên phong triển khai Quy định số 102-QĐ/TƯ để mỗi cán bộ, đảng viên tự giác thực hiện nghiêm kỷ luật Đảng.

Đây là văn bản rất quan trọng và cần thiết, làm căn cứ để tổ chức Đảng có thẩm quyền xem xét thi hành kỷ luật đối với đảng viên có sai phạm, đồng thời là căn cứ để mỗi cán bộ, đảng viên tự soi chiếu, chủ động, tự giác chấp hành, góp phần phòng ngừa sai phạm.

Theo Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Trần Quang Cảnh, Quy định số 102-QĐ/TƯ một lần nữa đã khẳng định quyết tâm không có "vùng cấm" trong kỷ luật Đảng. Nội dung của quy định cũng khẳng định tinh thần công tâm, vô tư, xử lý nghiêm sai phạm theo đúng quy định của Đảng, bất kể người có vi phạm là ai, đang nắm giữ cương vị gì. Hà Nội là địa phương đi đầu trong triển khai quy định mới này và thực tế thành phố cũng đã bắt đầu xử lý cán bộ vi phạm theo tinh thần mới.

Như vậy, có thể thấy rõ quyết tâm của Đảng bộ Thủ đô trong việc tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng công tác cán bộ, nhất là việc đánh giá và xử lý cán bộ nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ trong sạch, vững mạnh - nhân tố quyết định tới hiệu quả thực hiện nhiệm vụ xây dựng, phát triển Thủ đô. Đây cũng là việc làm thiết thực của Đảng bộ Thủ đô trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh giai đoạn hiện nay.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đổi mới công tác đánh giá cán bộ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.