Theo dõi Báo Hànộimới trên

CES Asia 2018: Robot lặn sẽ thay đổi hoạt động dưới mặt nước của con người

Nguyễn Thúc Hoàng Linh| 15/06/2018 09:04

(HNMO) - Năm nay, Triển lãm Điện tử tiêu dùng Châu Á (CES Asia) đã đánh dấu sự bùng nổ của một trào lưu mới không kém phần tiềm năng - robot và các thiết bị lặn không người lái.

Thiết bị lặn hỗ trợ câu cá PowerRay.


Chiếm trọn một trong năm tòa nhà trưng bày chính, các sản phẩm robot và điều khiển từ xa là một phần quan trọng của CES Asia 2018, với sự hiện diện đông đảo các sản phẩm lặn không người lái. Trong đó, mục tiêu sử dụng cũng hết sức đa dạng, từ giải trí thuần túy (quay phim, chụp ảnh), cho tới chức năng cụ thể (hỗ trợ câu cá, giám sát, tìm kiếm, và thăm dò đại dương). Có một điểm chung thú vị là hầu hết đều mô phỏng chuyển động của các loài cá, thậm chí giống đến đáng kinh ngạc.

HNMO xin giới thiệu tới độc giả một số thiết bị tiêu biểu tại triển lãm:


BIKI

Khởi điểm từ một dự án thu hút vốn Kick Starter, BIKI tới nay vẫn là robot sinh học dưới nước đầu tiên trên thế giới, đồng thời cũng là robot duy nhất có khả năng tự cân bằng, tự tránh chướng ngại vật, và tự trở về điểm gốc.

Được trang bị máy quay độ phân giải 4K, BIKI đem tới những hình ảnh sắc nét bên dưới mặt nước. Khả năng tự vận hành của nó cũng tốt tới mức một số ý kiến cho rằng đây không chỉ là thiết bị thăm dò lý tưởng mà còn có thể được coi như một thú cưng trong nhà.

Bên cạnh chức năng quay phim dưới nước, BIKI còn có thể vận hành như một thú cưng.


PowerRay

Thiết bị lặn điều khiển từ xa bằng thiết bị thực tại ảo hoặc điện thoại Android/iOS này được trang bị nhiều tính năng săn bắt cá, cho phép “thay đổi hoàn toàn cách thức câu cá mà loài người đã sử dụng suốt 7.000 năm qua”, theo lời nhà sản xuất.

Bên cạnh việc thăm dò độ sâu (tối đa 30m) và cung cấp các thông tin thiết yếu như nhiệt độ, địa hình, PowerRay có thể sử dụng sóng sonar (giúp phát hiện cá 40m bên dưới thiết bị) xác định mật độ cá, giúp người câu quăng mồi một cách chính xác.

PowerVision PowerRay hiện đã được thương mại hóa.


Đèn LED sắc xanh tích hợp cũng giúp thu hút cá lại gần vị trí câu, trong khi một máy quay có ống kính 100 độ, và khả năng truyền trực tiếp hình ảnh ở độ phân giải Full HD tới điện thoại thông minh (hoặc 4K nếu lưu trữ) sẽ giúp người dùng liên tục nắm bắt tình hình bên dưới mặt nước.

Robo-Shark

Đây có lẽ là sản phẩm robot lặn ấn tượng nhất của CES Asia năm nay. Với kích thước và khả năng di chuyển dưới nước như một chú cá mập thực thụ, sẽ rất khó để phân biệt Robo-Shark trong môi trường biển nếu sản phẩm này được ngụy trang bên ngoài bằng lớp da mô phỏng. Đặc điểm này khiến nó trở thành công cụ thăm dò hết sức hiệu quả với mục tiêu sử dụng đa dạng, kể cả dân sự và quân sự.

Bộ khung chính của Robo-Shark.


Về mặt kĩ thuật, Robo-Shark có trọng lượng 54kg (chưa kể thiết bị tích hợp), dài 1,8m, có thể di chuyển lên tới 18,5km/giờ, lặn độ sâu tối đa 30m trong vòng 2 giờ đồng hồ. Tầm điều khiển có thể đạt từ 1,5 đến 3 km tùy điều kiện địa hình và thời tiết. Thiết bị có khả năng tự tránh chướng ngại vật ở mọi hướng chứ không chỉ phía trước (rất quan trọng khi quẫy đuôi) hoặc chuyển hướng như một chú cá.

Hệ thống điều khiển tối tân của robot cá mập Robo-Shark.


Việc di chuyển hoàn toàn bằng vây thay vì mô tơ điện và lớp vỏ bằng vật liệu tiêu âm cũng giúp giảm tiếng ồn khi vận hành dưới nước, dễ dàng ẩn mình trong các nhiệm vụ quân sự hoặc thăm dò môi trường tự nhiên. Nhà sản xuất RoboSea cho biết Robo-Shark được trang bị đầy đủ các giao thức truyền dẫn tín hiệu, nhưng không công bố cụ thể.

Biến thể hình cá đuối của Robo-Shark được trưng bày tại CES Asia 2018 dưới lớp ngụy trang.


Whiteshark Nano

Khác với hai sản phẩm trên vốn sử dụng cơ chế điều khiển từ xa, Whiteshark Nano có thể vận hành hoàn toàn tự động và di chuyển theo người dùng dưới nước, trong khi liên tục thu lại hình ảnh. Người dùng cũng có thể bổ sung thêm các thiết bị hình ảnh theo nhu cầu, như máy quay tầm xa hay GoPro.


Hệ thống xử lý thông minh dựa trên cơ chế phân tích hình ảnh dưới nước cũng cho phép Whiteshark Nano nhận mệnh lệnh cử chỉ khi cần thiết. Thiết bị này có kích thước nhỏ gọn (chỉ dài 347mm, rộng 334mm và cao 114mm), nặng chưa tới 2kg (với pin 7.000mAh), và khả năng xoay xở hết sức linh hoạt nhờ bốn mô tơ đẩy (2 dọc và 2 ngang). Tốc độ di chuyển tối đa trong môi trường nước tĩnh là 0,5m/giây, với độ sâu có thể lên đến 33,5m.

Robo-ROV

Được phát triển cho mục đích chuyên dụng, Robo-ROV không chỉ là một sản phẩm đơn lẻ, mà là một nền tảng kĩ thuật thực thụ. Với khả năng trang bị thêm cảm biến hình ảnh sonar, USBL, và tay robot điều khiển từ xa, Robo-ROV có thể thực hiện việc lập bản đồ địa hình đáy sông, lấy mẫu sinh học, hoặc chạy dây cáp ở các khu vực khó tiếp cận dưới đáy biển sâu (nhờ khả năng lặn lên tới 300m).

Sở hữu 6 mô tơ hiệu suất cao (2 dọc, 4 ngang), thiết bị này có thể di chuyển linh hoạt 360 độ trong môi trường nước, đồng thời tự động né các chướng ngại vật.

Robo-ROV có khả năng lặn sâu gấp 10 lần các thiết bị phổ thông.


Để gia tăng khả năng vận hành, nhiều Robo-ROV có thể được lập trình để vận hành tương tác với nhau trong một nhiệm vụ chung, ví dụ như bảo dưỡng một khu vực kĩ thuật dưới mặt nước, cũng như giám sát môi trường, an ninh… Mỗi lần sạc pin đầy, thiết bị có thể vận hành trong vòng 4 tiếng.

Nhìn chung, dù sinh sau đẻ muộn với thiết bị bay không người lái, các thiết bị lặn không người lái và robot dưới nước đang ngày càng được đầu tư phát triển mạnh mẽ. Thực tế này diễn ra không chỉ bởi những con người còn quá nhiều bí ẩn dưới mặt nước chưa khám phá, mà còn do công cuộc chinh phục biển, cũng như các nhu cầu về đảm bảo an ninh, bảo vệ môi trường, xây dựng hạ tầng trên biển đang được nhiều cá nhân, tổ chức và các quốc gia quan tâm hơn bao giờ hết trên toàn cầu.

Mặt khác, cũng cần phải khẳng định rằng, các loại thiết bị lặn nếu không được quản lý một cách hiệu quả, cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ lớn đối về tính riêng tư, an toàn và an ninh. Tuy đây là thực trạng đã xảy ra với thiết bị bay lâu nay, nhưng với thiết bị lặn, những khó khăn sẽ còn lớn hơn khi thử nghiệm thực tế tại CES Asia 2018 cũng cho thấy sự phát triển của công nghệ đã khiến việc phân biệt các loại robot này với cá thật trong môi trường nước là rất khó khăn, kể cả bằng mắt thường hay có sự trợ giúp của các thiết bị chuyên dụng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
CES Asia 2018: Robot lặn sẽ thay đổi hoạt động dưới mặt nước của con người

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.