Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hà Nội tăng cường hợp tác trên các lĩnh vực với Phần Lan, Thụy Điển và Cộng hòa Áo

HNMO| 12/06/2018 20:18

(HNMO) - Đoàn đại biểu cấp cao thành phố Hà Nội do đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy dẫn đầu đã có chuyến thăm và làm việc tại Phần Lan, Thụy Điển và Cộng hòa Áo từ ngày 31-5 đến 10-6.


Trong chuyến công tác, Đoàn đại biểu cấp cao thành phố Hà Nội đã có nhiều hoạt động gặp gỡ, tiếp xúc với chính quyền và các cơ quan chuyên môn của thủ đô Helsinki, vùng Nam Ostrobothnia (Phần Lan), thủ đô Stockholm (Thụy Điển) và thủ đô Vienna (Cộng hòa Áo).

Quan hệ giữa hai thủ đô là hạt nhân quan trọng của quan hệ tốt đẹp Việt Nam - Phần Lan

Tại buổi làm việc với chính quyền thủ đô Helsinki, Đoàn đã nhận được sự chào đón trọng thị của bà Sanna Vesikansa, Phó Thị trưởng thành phố Helsinki. Trước những bước phát triển tích cực của mối quan hệ Việt Nam - Phần Lan trong thời gian qua, bà Sanna Vesikansa đánh giá cao vai trò của hai thủ đô Hà Nội và Helsinki, đồng thời chia sẻ những tiềm năng hợp tác của hai thủ đô có thể phát triển trong tương lai.

Đoàn công tác làm việc với bà Sanna Vesikansa, Phó Thị trưởng thành phố Helsinki.


Helsinki là một trong những thủ đô giàu và phát triển, đóng góp 1/3 GDP trên toàn đất nước Phần Lan. Những ngành kinh tế chính của Helsinki là dịch vụ, công nghệ thông tin, dịch vụ công. Thành phố tập trung phát triển các ngành dịch vụ - thương mại, công nghệ thông tin, công nghệ cao, vận tải. Cùng với phát triển kinh tế, Helsinki rất quan tâm đến công tác đảm bảo an sinh xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.

Chiến lược phát triển xã hội bền vững của Phần Lan đến năm 2020 xác định các mục tiêu: Đối xử công bằng với mọi thành viên của xã hội, tăng cường sự tham gia và ý thức của cộng đồng, hỗ trợ chăm sóc sức khoẻ và khả năng vận động, đảm bảo an sinh và dịch vụ cho toàn xã hội. Trong đó, các chính quyền địa phương chịu trách nhiệm về hoạt động của các dịch vụ y tế và phúc lợi xã hội bằng nguồn thuế thu nhập địa phương và ngân sách trung ương, điều phối cả những dịch vụ do doanh nghiệp tư nhân cung cấp.

Thay mặt chính quyền và nhân dân thành phố Hà Nội, đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng gửi lời cảm ơn đến nhân dân Phần Lan và thủ đô Helsinki đã dành nhiều sự hỗ trợ quý báu cho Việt Nam và Thủ đô Hà Nội trong công cuộc kháng chiến giành độc lập trước đây và công cuộc xây dựng đất nước hiện nay. Thông tin nhanh về những thành tựu phát triển mà thành phố Hà Nội đã đạt được, đồng chí Phó Bí thư Thường trực Thành ủy nhấn mạnh định hướng của Hà Nội là coi trọng thúc đẩy quan hệ hữu nghị, hợp tác cùng có lợi với các thành phố, địa phương trên thế giới, các đối tác quốc tế để huy động tổng hợp các nguồn lực bên ngoài hướng tới mục tiêu đưa Hà Nội trở thành một đô thị văn minh, hiện đại, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Về đầu tư thương mại, hiện nay, Hà Nội có 4 dự án FDI của Phần Lan được cấp phép với tổng vốn đăng ký 570.000 USD hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ công nghệ thông tin và dịch vụ thương mại.

Với những thành tựu đạt được trong những năm qua, Phó Thị trưởng Helsinki bày tỏ sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ thành phố Hà Nội trong công tác đảm bảo an sinh xã hội, nâng cao chất lượng dịch vụ công cộng cho người dân. Cả hai lãnh đạo tin tưởng kết quả hợp tác tốt đẹp giữa hai thủ đô sẽ đóng góp quan trọng vào sự phát triển của quan hệ hai nước Việt Nam và Phần Lan.

Tăng cường hợp tác Hà Nội - Nam Ostrobothnia


Rời thủ đô Helsinki, Đoàn đại biểu cấp cao thành phố Hà Nội đã đến thăm vùng Nam Ostrobothnia. Đích thân ngài Kai Potinen - Chủ tịch Hội đồng vùng, ngài Asko Peltola - Thủ hiến vùng và ông Antti Saartenoja - Phó Thủ hiến Thường trực vùng đã dành cho Đoàn sự chào đón nồng nhiệt. Tại cuộc gặp, hai bên cùng nhau điểm lại những thành tựu đạt được trong 10 năm qua kể từ khi kí kết Thỏa thuận hợp tác giữa thành phố Hà Nội và vùng Nam Ostrobothnia. Vượt qua cách trở về địa lí, thành phố Hà Nội và vùng Nam Ostrobothnia đã triển khai được nhiều hoạt động hợp tác hiệu quả, đặc biệt trong lĩnh vực văn hóa - xã hội, giáo dục - đào tạo và giao lưu biểu diễn nghệ thuật.


Đoàn đại biểu cấp cao thành phố Hà Nội đến thăm vùng Nam Ostrobothnia.


Trong không khí chân thành và hữu nghị, đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng khẳng định, chuyến thăm lần này của Đoàn thành phố Hà Nội mong muốn tiếp tục tăng cường hợp tác, trao đổi chia sẻ kinh nghiệm với vùng Nam Ostrobothnia, không chỉ dừng lại ở giao lưu văn hóa, hợp tác lao động và giáo dục - đào tạo mà mở rộng hợp tác trong các lĩnh vực: An sinh xã hội, xúc tiến đầu tư - thương mại và phát triển du lịch, thành phố thông minh, công nghệ xanh, năng lượng, chính phủ điện tử và kết nối hợp tác lao động giữa thành phố Kauhajoki với quận Tây Hồ, quận Nam Từ Liêm.

Nhân chuyến thăm, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy cũng có cuộc gặp mặt với ông Antti Rantakokko - Chủ tịch Hiệp hội Thị trưởng các thành phố của Phần Lan. Năm 2006, với vai trò là Thị trưởng thành phố Kauhajoki, ông đã kết nối và triển khai chương trình hợp tác lao động với thành phố Hà Nội. Với sự cam kết hỗ trợ của ông, các doanh nghiệp thành phố Kauhajoki đã nhận 18 lao động đầu tiên của Hà Nội sang làm việc và sinh sống theo hướng định cư. Dự án được Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đánh giá là một mô hình hợp tác lao động tốt giữa Phần Lan và Việt Nam; các lao động được ký hợp đồng trực tiếp với chủ doanh nghiệp, được bình đẳng hưởng mọi chế độ lao động, tiền lương như các đồng nghiệp Phần Lan. Với uy tín của mình, ông đã chỉ đạo thành lập trung tâm INKA để giúp đỡ các lao động Hà Nội nhanh chóng hoà nhập cuộc sống xã hội ở Phần Lan, chỉ đạo các cơ quan chính quyền hỗ trợ gia hạn giấy phép tạm cư, hỗ trợ chính sách và tạo điều kiện công ăn việc làm cho gia đình các công nhân Việt Nam tại Kauhajoki cũng như các quyền lợi kinh tế và giáo dục khác trong thời kỳ khủng hoảng.

Trong không khí xúc động và chân tình, đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng và ông Antti Rantakokko đã điểm lại những thành tựu hợp tác giữa hai bên trong 10 năm qua và khẳng định dự án đưa lao động Hà Nội sang làm việc tại Phần Lan là một điểm sáng trong quan hệ hợp tác. Trong số 18 lao động của Hà Nội sang làm việc tại Phần Lan, đến nay có 9 gia đình ở lại sinh sống và làm việc ổn định.


Đoàn công tác gặp gỡ và trao đổi với đại diện các gia đình công nhân của TP Hà Nội đang làm việc và sinh sống tại vùng Nam Ostrobothina.


Trong chương trình làm việc, đồng chí Phó Bí thư Thường trực Thành ủy và Đoàn đại biểu đã có buổi gặp gỡ và trao đổi với đại diện 9 gia đình công nhân của thành phố Hà Nội đang làm việc và sinh sống tại vùng Nam Ostrobothina theo chương trình hợp tác giữa hai địa phương năm 2018. Trong sự vui mừng và xúc động khi được gặp mặt Đoàn đại biểu thành phố Hà Nội, các gia đình công nhân đều bày tỏ lời cảm ơn sâu sắc tới sự quan tâm của lãnh đạo thành phố Hà Nội và lãnh đạo vùng Nam Ostrobothnia đã tạo cơ hội cho các gia đình công nhân sang Phần Lan làm việc, đến nay cuộc sống đã ổn định, được nhập quốc tịch hoặc có thẻ cư trú dài hạn, được hưởng các chế độ phúc lợi an sinh xã hội, các gia đình đều có nhà riêng, con cái được học hành tiến bộ; cộng đồng người Việt sinh sống tại đây tuân thủ pháp luật, được phía bạn đánh giá cao về tay nghề và ý thức cộng đồng. Đánh giá cao bản lĩnh kiên cường vượt qua mọi khó khăn của các công nhân Hà Nội, đồng chí Phó Bí thư Thường trực Thành ủy khẳng định thành phố Hà Nội sẽ luôn sát cánh và tạo mọi điều kiện hỗ trợ đối với các công nhân có tay nghề sang làm việc tại Phần Lan bởi đây không chỉ là chương trình xuất khẩu lao động đơn thuần mà là chương trình hợp tác giữa chính quyền hai địa phương.

Ưu tiên hợp tác giáo dục - đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho thành phố Hà Nội

Với mục tiêu thúc đẩy hợp tác về giáo dục - đào tạo, đặc biệt là đào tạo nghề vốn là thế mạnh của Phần Lan, đoàn đại biểu cấp cao thành phố Hà Nội đã thăm và làm việc với Trường Dạy nghề đặc biệt Keskuspuisto thành phố Helsinki, Trường Đào tạo nghề Sedu vùng Nam Ostrobothnia và Trường Đại học Khoa học ứng dụng Seinajoki. Đây là những cơ sở đào tạo hoạt động hiệu quả tại Phần Lan, trong đó Trường Đại học Khoa học ứng dụng Seinajoki là một trong những đại học hàng đầu của Phần Lan, 10% trong số đó là sinh viên quốc tế. Phương châm đào tạo của các cơ sở này đều coi trọng nội dung thực hành, truyền dạy kĩ năng lao động để sinh viên, học viên khi tốt nghiệp có thể thích ứng ngay với công việc, đáp ứng tốt nhu cầu của thị trường lao động.

Sau khi nghe các trường giới thiệu về hoạt động đào tạo, các ngành nghề chính, Đoàn đã tham quan cơ sở vật chất với những trang thiết bị giảng dạy tiên tiến. Tại đây, đồng chí Phó Bí thư Thường trực Thành ủy đã đề nghị các trường dạy nghề, đại học của Phần Lan hợp tác với các trường đại học, cao đẳng và trung cấp nghề của thành phố Hà Nội, vì mục tiêu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho thành phố.

Nhân dịp này, Đoàn đã đến thăm Trung tâm Chăm sóc người cao tuổi Simunanranta và các công trình công cộng của thành phố Seinajoki. Với sự quan tâm đầu tư của chính quyền địa phương, các công trình này đã góp phần quan trọng trong đảm bảo và nâng cao chất lượng đời sống vật chất và tinh thần cho người dân địa phương.

Mở rộng hợp tác giữa Hà Nội - Stockholm (Thụy Điển) và Hà Nội - Vienna (Cộng hòa Áo)

Tiếp tục chuyến công tác, Đoàn đại biểu cấp cao thành phố Hà Nội đã có buổi làm việc với ông Mats Berglund, Chủ tịch Hội đồng thành phố Stockholm (Thụy Điển). Tại cuộc gặp, ông Mats Berglund bày tỏ niềm vui mừng được đón tiếp đồng chí Phó Bí thư Thường trực Ngô Thị Thanh Hằng và Đoàn tại thủ đô Stockholm và đánh giá cao ý nghĩa của chuyến thăm sẽ mở ra nhiều cơ hội hợp tác giữa hai thủ đô. Trao đổi tại buổi làm việc, ông Mats Berglund đã thông tin tới Đoàn về thế mạnh của thủ đô Stockholm trong các lĩnh vực bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị của các di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch, công nghệ thông tin, môi trường và khẳng định, Stockholm sẵn sàng hợp tác và hỗ trợ thành phố Hà Nội trong các lĩnh vực trên.


Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng làm việc với ngài Mats Berglund, Chủ tịch Hội đồng Stockholm.


Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng bày tỏ ấn tượng về vẻ đẹp uy nghi của các công trình di sản cũng như đối với những thành tựu về kinh tế, xã hội, môi trường, cảnh quan đô thị của thủ đô Stockholm. Đồng chí nhấn mạnh, qua chuyến thăm này, Hà Nội mong muốn thúc đẩy quan hệ hữu nghị hợp tác với Stockholm, từ đó học hỏi các kinh nghiệm trong quá trình phát triển đô thị, bảo tồn di sản văn hóa, đặc biệt là các di sản văn hóa đã được UNESCO công nhận nhằm phát huy các giá trị văn hóa, phục vụ phát triển du lịch, trao đổi chia sẻ kinh nghiệm trong việc phục dựng các khu nhà cổ; quy hoạch đô thị và xúc tiến các dự án hợp tác song phương. Về đầu tư thương mại, hiện nay Hà Nội có 13 dự án FDI của Thụy Điển được cấp phép với tổng vốn đăng ký 6 triệu USD hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ công nghệ thông tin, tư vấn, xây dựng, công nghiệp chế biến chế tạo và dịch vụ thương mại.

Cũng trong chuyến thăm tại Thụy Điển, Đoàn đại biểu thành phố Hà Nội đã có buổi làm việc với Bộ Y tế và Các vấn đề an sinh xã hội của Thụy Điển. Thụy Điển là quốc gia có diện tích 449.964 km2, dân số 10,2 triệu người, thu nhập bình quân đầu người 458,000 SEK/năm (tương đương 53.000 USD/năm). Thụy Điển là một trong 5 nước có tuổi thọ trung bình cao nhất thế giới và có hệ thống chăm sóc y tế, dịch vụ xã hội phát triển. Tại buổi làm việc, hai bên đã trao đổi, chia sẻ các thông tin về hệ thống phân cấp quản lý y tế, nguồn kinh phí ngân sách phân bổ dành cho y tế và phúc lợi xã hội…

Tăng cường kết nối và thúc đẩy các chương trình hợp tác giữa Hà Nội với Phần Lan, Thụy Điển và Cộng hòa Áo thông qua Đại sứ quán Việt Nam tại các nước


Trong khuôn khổ chuyến thăm, Đoàn đại biểu cấp cao thành phố Hà Nội cũng đã đến thăm và gặp gỡ, trao đổi với Đại sứ quán Việt Nam tại ba nước Phần Lan, Thụy Điển và Cộng hòa Áo và gặp gỡ thân mật với Hội người Việt Nam tại Thụy Điển.


Đoàn đại biểu cấp cao thành phố Hà Nội làm việc với Đại sứ Việt Nam tại Thụy Điển Đoàn Thị Phương Dung và Hội người Việt Nam tại Thụy Điển.


Tại đây, Đại sứ Việt Nam tại ba nước đã thông báo với đoàn những nét chính trong quan hệ giữa Việt Nam với Phần Lan, Thụy Điển, Áo, trong đó nhấn mạnh những dự án hợp tác nổi bật giữa hai bên cũng như thế mạnh của các nước này mà thành phố Hà Nội có thể tranh thủ cơ hội hợp tác. Tại cuộc làm việc với Đại sứ Việt Nam tại Phần Lan, Thụy Điển và Cộng hòa Áo, đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng đã đề nghị các đại sứ làm cầu nối để thúc đẩy hợp tác Hà Nội với các địa phương bạn trong các lĩnh vực: Đào tạo dạy nghề, thành phố thông minh, công nghệ xanh, năng lượng, chính phủ điện tử, môi trường, xử lý rác thải theo công nghệ tiên tiến nhất Châu Âu, thiết lập quan hệ kết nghĩa Hà Nội - Vienna và trao đổi đoàn cấp cao giữa các thủ đô.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng thăm và làm việc với Đại sứ quán Việt Nam tại Áo.

Các đại sứ khẳng định với vai trò là cơ quan đại diện ngoại giao của Việt Nam tại nước ngoài, cán bộ, nhân viên của các đại sứ quán luôn nỗ lực hết mình, hỗ trợ tối đa cho việc thúc đẩy hợp tác giữa Việt Nam với Phần Lan, Thụy Điển và Cộng hòa Áo cũng như giữa thành phố Hà Nội với các thành phố, địa phương của phía bạn trên tinh thần hợp tác hữu nghị, bình đẳng cùng có lợi, có các chương trình dự án hợp tác thiết thực, hiệu quả.

Thay mặt Đoàn đại biểu cấp cao thành phố Hà Nội, đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng chân thành cảm ơn sự hỗ trợ, giúp đỡ nhiệt tình của các đại sứ quán dành cho chuyến công tác của Đoàn và mong muốn các đại sứ quán tiếp tục đóng vai trò cầu nối góp phần thúc đẩy hơn nữa quan hệ hữu nghị hợp tác giữa Việt Nam với các nước cũng như giữa Thủ đô Hà Nội với các đối tác của phía bạn.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hà Nội tăng cường hợp tác trên các lĩnh vực với Phần Lan, Thụy Điển và Cộng hòa Áo

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.