Theo dõi Báo Hànộimới trên

Lối nào cho cốm Vòng?

Bạch Thanh| 11/09/2011 07:41

(HNM) - Giờ đang là mùa cốm mà đi suốt từ đầu đến cuối làng Vòng xưa (nay là phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy) hiếm hoi lắm mới nghe thấy tiếng chày, tiếng sàng, tiếng sẩy.


Đô thị mai một làng nghề


Ông Đinh Văn Tiến, đã gần 60 tuổi, một trong số ít người còn làm cốm ở làng Vòng cho biết, mười lăm năm về trước, 80% số hộ dân làng Vòng trực tiếp mua lúa non về làm cốm, số hộ còn lại cất hàng đi tiêu thụ. Hồi đó, từ đầu đến cuối làng nhộn nhịp tiếng máy suốt lúa, tiếng chày giã cốm, tiếng sàng sẩy. Rơm nếp phơi trắng đường làng, "leo" lên cả nóc nhà, bờ tường. Mùi thơm của cốm, của rơm nếp ngát cả một vùng. Nhà ông Tiến có 8 sào ruộng. Đến mùa cốm chính vụ (từ đầu tháng 7 âm lịch đến hết tháng 10), dù vợ chồng ông cấy toàn bộ lúa nếp để làm cốm, song cũng chỉ đủ nguyên liệu làm trong tháng 7, 8. Các tháng còn lại, ông và mấy người con trai phải đi Đông Anh, Gia Lâm, Từ Liêm mua lúa nếp non. Dịp cao điểm như rằm tháng 8, mỗi ngày gia đình ông xuất hơn 1 tạ cốm.

Ông Tiến nói, không có cốm, những người lớn tuổi như ông chẳng biết làm gì ra tiền, biết là vất vả nhưng "máu nghề trong người" nên vẫn làm thôi. Trong khi đó, các anh, em khác của ông vốn trước kia cũng làm cốm thì nay đều đã "phá cối, tắt lửa lò", chuyển sang buôn bán, làm thuê. Chị Tuyên, Chủ tịch Hội Nông dân phường Dịch Vọng Hậu buồn rầu nói: Bà con rất muốn giữ và truyền nghề cho con cháu, nhưng khó trăm bề, nếu không được quan tâm, có cơ chế chính sách để vực dậy, bảo tồn nghề thì rất khó.

Được biết toàn bộ 80ha đất canh tác của làng Vòng đều đã dành cho xây dựng khu đô thị mới Cầu Giấy. Hết đất, bà con chuyển kế sinh nhai, gia đình nào có đất thì xây nhà cho sinh viên thuê. Số có diện tích nhà chật chội thì chuyển sang kinh doanh ăn uống, bán hàng phục vụ sinh viên. So với làm cốm, xây nhà cho thuê chỉ phải bỏ vốn một lần mà cho thu nhập đều quanh năm. Trong khi làm cốm chỉ diễn ra 4 tháng, thu nhập lại không cao. Trung bình một hộ 5 người làm từ sáng sớm đến tối mịt được khoảng 30-40kg cốm ngon, mỗi người thu được 100.000 đồng/ngày. Một thách thức nữa theo anh Đinh Quốc Dũng, một thanh niên hiếm hoi của làng cốm còn giữ nghề cho hay, con số hơn chục hộ làm nghề có thể tiếp tục giảm do phần lớn thanh niên có xu hướng thoát ly, kiếm việc làm khác nhẹ nhàng hơn, thu nhập cao hơn. Làm cốm rất vất vả, trải qua nhiều công đoạn, bắt đầu từ việc mua lúa non về suốt, đãi, rang, giã, sàng sẩy phân loại và tiêu thụ, giờ chẳng còn mấy người trẻ mặn mà nữa.

Cốm làng Vòng nét thơm người Hà Nội

Cụ bà Nguyễn Thị Cận, năm nay 80 tuổi ở phường Dịch Vọng Hậu kể: Xưa 12 tuổi tôi đã biết cùng mẹ làm cốm, cánh đồng làng tôi, lúa cấy mãi giáp tới Đại lộ Thăng Long bây giờ. Nay ruộng nương giờ đã thành các khu chung cư cao cấp, mương máng thành đường phố rộng thênh thang hết cả rồi… Để duy trì sức sống của làng nghề, những người thợ phải đi mua lúa ở nơi khác về, nhiều nhà phải thức dậy đi từ 4 giờ sáng, sang mãi tận Yên Viên- Đông Anh, Tiền Phong - Mê Linh… mới lấy được hàng.

Bà con trồng lúa cũng muốn bán lúa non hơn là để bán lúa già, bởi lẽ đất được quay vòng nhanh, mà lại kinh tế. Lúa nếp non bán ít nhất cũng được 2-3 triệu/sào, vào đúng dịp rằm Trung thu có thể lên tới 4-5 triệu đồng/sào. Ông Đinh Văn Tiến cho biết, tuần trước, tôi sang đặt 2 sào lúa nếp cái hoa vàng ở Tiền Phong (Mê Linh) với giá 2 triệu đồng/sào, nay sang chủ nhà đòi gấp đôi mới bán vì có người khác trả cao hơn. Giờ ở Đông Anh, Mê Linh… nhiều gia đình đã thu một khoản không nhỏ từ trồng lúa nếp cái hoa vàng, bán non cho những người làm cốm.

Chị Nguyễn Thị Sen, ở Tiền Phong nhận xét, chắc cũng chỉ còn vài năm nữa là hết đất cấy lúa làm cốm, những người giữ nghề sẽ lại phải đi xa hơn nữa mới mua được thóc nguyên liệu. Nói rồi, chị Sen chỉ vào đống lúa ngay góc nhà vừa tuốt cho khách còn xanh rì, thơm ngát mùi sữa phân trần, nhà tôi còn 3 sào ruộng, với đấu thầu được thêm một góc đầm chỉ chuyên cấy lúa bán non, nhưng muốn "kiếm tiền" được từ của hàng hoa này phải tính toán rất kỹ: để có lúa non bán đúng dịp Rằm tháng Tám, phải cấy từ đầu tháng 6 dương lịch chờ đến cuối tháng 11 thì bán cho vụ cốm cuối vụ được giá cao.

Hà Nội ngày càng phát triển, làng Vòng đã xa rồi những cánh đồng lúa non, những đêm vang tiếng chày giã cốm. Nhưng món chuối chấm cốm làng Vòng vẫn luôn là thứ quà đặc sản ai ăn một lần sẽ nhớ mãi. Và rồi, cốm làng Vòng sẽ cũng giống như nhiều đặc sản khác của Hà Nội như bưởi Diễn, cam Canh, mà không trồng trên đất Vòng, đất Diễn, đất Canh. Nên rất có thể một ngày nào đó, ở một làng quê ngoại thành xa trung tâm thành phố, lại xuất hiện một lớp nông dân khác học được bí quyết nghề của người làng Vòng. Và Hà Nội luôn giữ được những mẻ cốm ngon chào đón thu về.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lối nào cho cốm Vòng?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.