Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chất lượng mỹ phẩm, quản lý thế nào?

Đỗ Tâm| 17/12/2011 07:46

(HNM) - Nghe bạn bè rỉ tai có loại kem dưỡng trắng da mặt là hàng xách tay từ Mỹ đem về, chị Hương (quận Đống Đa) vội mua luôn để dùng. Thế nhưng chị đã phải nhập viện chỉ sau khi sử dụng một tuần, khi da mặt bị những mảng mụn lớn, có mủ và sưng tấy.


Bác sĩ cho biết sẽ phải điều trị tích cực trong khoảng 1 tháng, gương mặt chị mới có thể trở lại như cũ được. Tất nhiên đi kèm theo là một khoản tiền không nhỏ… Trường hợp "tiền mất tật mang" như chị Hương chỉ là một ví dụ của việc dùng phải mỹ phẩm kém chất lượng đang diễn ra khá phổ biến hiện nay.


Bạt ngàn các loại mỹ phẩm trong một cửa hàng như thế này, người tiêu dùng khó xác định đâu là hàng thật, đâu là hàng kém chất lượng. Ảnh: Ngọc Thủy

Tràn lan mỹ phẩm kém chất lượng

Theo số liệu của Ban Chỉ đạo chống buôn lậu và gian lận thương mại thành phố (Ban Chỉ đạo 127 TP), hiện cả nước có hơn 15.000 loại mỹ phẩm đã đăng ký lưu hành. Riêng trên địa bàn Hà Nội đã có tới 314 cơ sở sản xuất, kinh doanh mỹ phẩm (chiếm 30,96% cả nước), trong đó có 268 cơ sở kinh doanh mỹ phẩm nhập khẩu, 46 cơ sở sản xuất; ngoài ra là 475 cửa hàng, cửa hiệu chuyên kinh doanh mặt hàng này (không kể các đơn vị kinh doanh hàng gia dụng có kèm theo cả mỹ phẩm), trên 100 cơ sở dịch vụ chăm sóc sức khỏe… Ngoài việc kinh doanh mỹ phẩm có giấy phép lưu hành của Cục Quản lý dược - Bộ Y tế, phần lớn cơ sở, cửa hàng đang kinh doanh nhiều loại mỹ phẩm không có giấy phép lưu hành, giả các nhãn hiệu nổi tiếng như Estee Lauder (Mỹ), L’Oreal (Pháp), Shiseido (Nhật), OHui (Hàn Quốc)... và các nhãn hiệu uy tín của Việt Nam.

Theo ông Phạm Bá Dục, Phó Chủ tịch Hội Chống hàng giả và bảo vệ thương hiệu Hà Nội, kiểm tra mỹ phẩm bày bán trên thị trường cho thấy có một lượng lớn mỹ phẩm nhập lậu, chủ yếu có nguồn gốc từ Trung Quốc, được đưa vào Việt Nam qua các cửa khẩu tại Lạng Sơn, Quảng Ninh. Những mỹ phẩm này được sản xuất theo đơn đặt hàng hẳn hoi, sau đó đưa về Việt Nam dưới dạng "hàng xách tay". Đôi khi, để hợp pháp hóa, có doanh nghiệp đứng ra là nhà nhập khẩu chính thức, sau đó lại sang Trung Quốc đặt hàng nhái y chang đưa về tiêu thụ mà vẫn bảo đảm giấy tờ nhập khẩu khi cơ quan chức năng kiểm tra. Còn cách thức tiêu thụ phổ biến hiện nay là bày lẫn hàng nhập lậu, hàng giả với hàng chính hãng, có giấy phép lưu hành, thậm chí bày bán công khai tại các cửa hàng có gắn biển hiệu tên tuổi các hãng mỹ phẩm lớn, có uy tín… Sa vào "ma trận" này, người tiêu dùng không bị mắc lừa mới là lạ!

Của rẻ tất nhiên… ôi!

Khảo sát một cửa hàng bán mỹ phẩm cỡ trung bình ở trung tâm quận Hoàn Kiếm với mặt bằng chỉ dưới 50m2, đã thấy mỗi ngày cũng có tới hàng trăm lượt khách ra vào. Hàng hóa thì có đủ loại từ những thương hiệu trong nước đến những sản phẩm nhập khẩu, có xuất xứ từ Mỹ và Châu Âu. Người mua hàng thường chỉ quan tâm đến nhãn hiệu, mùi thơm (tức là hoàn toàn bằng cảm quan) còn chất lượng thì… tin tưởng ở người bán (?). Nhiều người mua về dùng bị tác dụng ngược cũng "ngại" đến nơi bán trả lại hàng, đòi lại tiền vì sĩ diện hoặc tự an ủi là do da mình mẫn cảm với loại mỹ phẩm mới chứ còn hàng ngoại làm sao không tốt được (!) dù rằng mặt hàng này thường xuyên treo biển hạ giá, khuyến mãi trong khi không biết giá hàng chính hãng là bao nhiêu để so sánh... Còn tại nhiều chợ, người ta dễ dàng tìm thấy những gian hàng nhỏ, xập xệ, không tên, không biển hiệu nhưng lại bày bán la liệt các loại mỹ phẩm từ son môi, phấn má, sơn móng tay đến kem dưỡng da… để khách tự do chọn lựa với giá "bèo", chỉ từ 10.000 đến 50.000 đồng/sản phẩm. Hỏi đến xuất xứ, chất lượng hay việc sử dụng thế nào cho an toàn cũng bằng thừa bởi người bán còn "mù mờ" hơn cả người mua. Chính vì sự dễ dãi, cả tin và sự hiểu biết còn hạn chế về nhãn hàng hóa của phần lớn người tiêu dùng như thế mà các loại mỹ phẩm nhái, giả, kém chất lượng, quá "đát"… có đất sống, việc kinh doanh những mặt hàng này không có dấu hiệu suy giảm và số người tiêu dùng bị nạn ngày một tăng. Theo thống kê của Bệnh viện Da liễu Hà Nội, đến hết tháng 11-2011 có 98 trường hợp tới bệnh viện khám và điều trị da bị kích ứng, thâm nám, bị mụn… do dùng mỹ phẩm kém chất lượng hoặc không phù hợp. Còn số người bị ảnh hưởng nhẹ hoặc "tự giải quyết" được chắc chắn phải cao hơn rất nhiều.

Chỉ kiểm tra, kiểm soát, chưa đủ!

Từ năm 2010 đến nay, lực lượng chống buôn lậu đã phát hiện, xử lý trên 300 vụ kinh doanh mỹ phẩm nhập lậu với trị giá hàng tịch thu hơn 4 tỷ đồng, còn trong 11 tháng đầu năm 2011, theo ông Vương Trí Dũng, Phó Chi cục trưởng Chi cục QLTT TP Hà Nội, lực lượng QLTT TP đã kiểm tra, xử lý 105 vụ vi phạm trong sản xuất, kinh doanh mỹ phẩm với hơn 500 nghìn đơn vị sản phẩm các loại dùng cho da, tóc, răng miệng là hàng giả, hàng lậu, quá hạn sử dụng, vi phạm về nhãn hàng hóa, công bố chất lượng... Con số này nghe qua tưởng lớn nhưng còn là quá khiêm tốn bởi hiện nay, việc xử lý các vụ vận chuyển, kinh doanh mỹ phẩm nhập lậu mới chỉ dừng ở xử phạt hành chính. Với mức phạt còn thấp, lại chỉ thiên về tịch thu tiêu hủy hàng mà không truy cứu trách nhiệm hình sự với con người nên không có sức răn đe. Số vụ việc xử lý về chất lượng rất ít do khó khăn về giám định, thông tin về hoạt chất không được phép sử dụng... Trong khi đó, công tác quản lý mặt hàng này của các cơ quan chức năng đang rất chồng chéo, chưa rõ ràng: Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) là cơ quan quản lý về chất lượng, cấp phép lưu hành nhưng lại không theo dõi, hậu kiểm. Cơ quan công an, QLTT, thanh tra y tế… chỉ kiểm tra xử lý theo đợt hoặc vụ việc, chính quyền các địa phương thì... đứng ngoài.

Dư luận cho rằng, đã đến lúc các cơ quan có trách nhiệm của trung ương, thành phố phải có một cách tiếp cận vấn đề mới về giải quyết các tác động của mỹ phẩm đối với sức khỏe người tiêu dùng, đúng với tính chất và tầm quan trọng của nó để có kế hoạch quản lý thống nhất, toàn diện và sát thực tế. Các nhà sản xuất, kinh doanh mỹ phẩm cần thấy được tác hại của hàng giả, hàng nhái không chỉ ở khía cạnh kinh tế để có sự phối hợp thường xuyên, chặt chẽ hơn với cơ quan chức năng trong việc kiểm tra, kiểm soát, làm lành mạnh thị trường cũng như có những khuyến nghị cần thiết cho người tiêu dùng để tránh thiệt hại và những ảnh hưởng đến sức khỏe khi sử dụng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chất lượng mỹ phẩm, quản lý thế nào?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.