Theo dõi Báo Hànộimới trên

Để tục cúng ông Công, ông Táo mãi là nét đẹp văn hóa

Minh Ngọc| 03/02/2013 06:30

(HNM) - Hôm nay 3-2 (23 tháng Chạp) - ngày ông Công, ông Táo về Trời. Nhà nhà sắp mâm cơm, mua cá chép, hương hoa về làm lễ tiễn Táo quân. Không ai biết chính xác nét đẹp văn hóa này có từ bao giờ, chỉ biết rằng nó tồn tại từ rất lâu, đi vào tiềm thức của người dân Việt Nam nhiều thế hệ.

Mua sắm đồ lễ cúng tiễn ông Táo ngày 23 tháng Chạp, tại phố Hàng Mã. Ảnh: Bá Hoạt


Người Việt ta vốn có nhiều cách hiểu dẫn đến nhiều cách ứng xử khác nhau về ngày vua Bếp (Táo quân) lên chầu Ngọc Hoàng để tâu việc "thiện, ác" của nhân gian, nhưng tất thảy mọi người đều cho rằng Táo quân đi lên trời bằng… cá chép. Từ quan niệm đó, cá chép được bày bán khắp nơi, là đồ lễ không thể thiếu trong lễ tiễn Táo quân về trời. Những ngày này, địa điểm buôn bán cá cảnh sôi động bậc nhất Hà thành ở phường Yên Phụ, quận Tây Hồ trở thành "chợ cá chép". Ngoài cá chép vàng, cá chép cúng ông Công, ông Táo được bày bán ở đây còn có chép Nhật vàng, giá khoảng 50-70 nghìn đồng/con 200g; cá chép ngũ sắc nhỏ hơn một chút giá khoảng 20-30 nghìn đồng/con; chép kỳ lân giá 70-90 nghìn đồng/đôi, không tăng so với năm 2012. Trên các tuyến phố Hoàng Hoa Thám, Thụy Khuê, Đội Cấn… các cửa hàng cá cũng treo biển bán cá phóng sinh.

Cùng với cá chép, các mặt hàng cúng lễ cho Tết ông Công, ông Táo được bày bán khắp mọi mơi, đa dạng về mẫu mã, chủng loại. Tại phố Hàng Mã, nơi được gọi là thủ phủ chuyên bán đồ cho người cõi âm nhộn nhịp suốt cả tuần nay, đỏ rực cả tuyến phố. Các chủ cửa hàng cho biết, năm nay những mặt hàng thiết yếu cho ngày ông Công, ông Táo như giày dép, mũ, cá chép giấy, quần áo chúng sinh, vàng mã… vẫn bán chạy nhưng giá cả tăng không đáng kể. Một bộ đồ lễ cúng ông Công, ông Táo gồm có loại to đẹp có giá từ 100.000 - 120.000 đồng; loại vừa, nhỏ có giá 40.000 - 70.000 đồng; quần áo chúng sinh có giá khoảng 35.000 - 40.000 đồng/100 bộ…

Khảo sát cho thấy, số người mua hai bộ vàng mã, một bộ cho lễ tiễn ông Công, ông Táo và một bộ cho lễ Giao thừa không nhiều, các mặt hàng vàng mã xa xỉ khác như ô tô, máy bay, osin, nhà lầu, xe hơi… có giá lên đến tiền triệu rất hiếm người hỏi mua. "Sức mua hàng mã ở Hà Nội giảm một mặt do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế, các gia đình phải thắt chặt chi tiêu; mặt khác do công tác tuyên truyền người dân xây dựng và thực hiện nếp sống văn minh từng bước đi vào cuộc sống, làm thay đổi nhận thức và hành động của người dân" - Ông Nguyễn Khắc Lợi, Phó Giám đốc Sở VH,TT&DL Hà Nội khẳng định.

Để ngày tết độc đáo này thực sự là nét đẹp văn hóa, quận Hà Đông bố trí hàng trăm thanh niên tình nguyện, xung kích có mặt ở hầu hết các cây cầu bắc qua sông, tại các ao, hồ trên địa bàn quận để nhắc nhở người dân bỏ túi ni lông, rác khó phân hủy vào thùng rác trong hai ngày 2, 3 tháng 2 (tức 22, 23 tháng Chạp). Ở góc độ khác, lần đầu tiên nhân dân xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm tổ chức lễ hội ông Công, ông Táo với 150 người trong trang phục lễ sẽ theo đoàn rước xuất phát từ đình Bát Tràng, qua cầu Chương Dương, phố Trần Nhật Duật, Phạm Ngũ Lão, Tràng Tiền, Đinh Tiên Hoàng đến trước Tượng đài Vua Lý Thái Tổ làm lễ dâng hương bày tỏ lòng thành kính, biết ơn vị vua nhà Lý, sau đó tiếp tục dâng hương tại đền Ngọc Sơn, đền thờ Vua Lê Thái Tổ, Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long, Đài liệt sỹ Bắc Sơn và nhiều địa điểm khác. Kết thúc chương trình dâng hương, đoàn rước sẽ về Trung tâm Triển lãm văn hóa nghệ thuật Việt Nam (số 2 Hoa Lư, Hà Nội) cùng các đội múa dân gian, đội tế truyền thống làm lễ tế tại nhà thờ Tổ nghề với ý nghĩa tôn vinh thương hiệu làng nghề Bát Tràng nói riêng, làng nghề của cả nước nói chung. Kết thúc lễ hội là lễ hóa cá chép giấy tại Trung tâm Triển lãm văn hóa nghệ thuật Việt Nam và phóng sinh cá chép thật tại đình làng Bát Tràng kèm theo lời tấu tri ân, tiễn ông Công, ông Táo về trời. Nét văn hóa dân gian của lễ hội độc đáo này còn được thể hiện rõ qua hình ảnh cá chép bằng giấy, cao hơn 1m, dài 3,5m, bếp nấu truyền thống dài 1m, rộng 0,7m và 3 ông đầu rau (3 chiếu mũ Táo quân).

Ông Hà Văn Lâm, thành viên BTC lễ hội ông Công, ông Táo làng Bát Tràng cho biết: chất liệu chủ yếu để làm chiếc bếp truyền thống là đất ở đền Hùng và nước ở giếng Ngọc đền Hùng (Phú Thọ), do các nghệ nhân, thợ giỏi làng nghề Bát Tràng thực hiện. Cá chép và ông đầu rau do nhân dân trong làng chuẩn bị chu đáo, tỉ mỉ từ hơn một tháng trước. Qua đó có thể khẳng định, lễ hội ông Công, ông Táo vừa tôn vinh những người có công với nước, vừa quảng bá nét văn hóa dân gian - Tết ông Công, ông Táo. Ngay trong ngày hôm nay (3-2), GS Ngô Đức Thịnh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và bảo tồn văn hóa tín ngưỡng Việt Nam cũng sẽ nói chuyện về tục dựng cây nêu và lễ cúng ông Công - ông Táo tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam.

Như vậy, dù ở tầng ý nghĩa nào, cúng lễ ra sao thì tục cúng ông Công, ông Táo vẫn là nét đẹp văn hóa của người Việt. Thêm một Tết ông Công, ông Táo nữa đã đến, truyền thống văn hóa lại được tô đậm thêm. Hy vọng mỗi người dân Hà Nội sẽ có ý thức giữ gìn nét văn hóa này bằng cách không lãng phí tiền của mua đồ mã cúng tế và xả rác bừa bãi khi… đưa Táo quân về trời. 

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Để tục cúng ông Công, ông Táo mãi là nét đẹp văn hóa

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.