Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tăng mức phạt liệu có khả thi?

Đà Đông| 23/02/2013 05:04

(HNM) - Lựa chọn giới tính thai nhi trước sinh lâu nay vẫn được xem là nguyên nhân chính gây nên tình trạng mất cân bằng giới tính đang ngày một trầm trọng tại Việt Nam.

Chẩn đoán giới tính thai nhi là một nguyên nhân gây mất cân bằng giới tính. Ảnh: Bảo Lâm


Theo quy định của dự thảo, hành vi bói toán cho người đang mang thai để xác định giới tính thai nhi bị phạt từ 3 đến 5 triệu đồng; hành vi bắt mạch xác định giới tính, phạt từ 7 đến 10 triệu đồng và bị phạt tiền từ 10 đến 20 triệu đồng khi tiết lộ, cung cấp thông tin về giới tính thai nhi qua siêu âm, xét nghiệm cho người mang thai. Hành vi đe dọa dùng vũ lực, uy hiếp tinh thần, ép buộc người khác phải áp dụng các phương pháp để có được giới tính thai nhi theo ý muốn có mức phạt cao nhất 10 triệu đồng. Các chỉ định hoặc hướng dẫn sử dụng thuốc để có được giới tính thai nhi theo ý muốn sẽ có mức phạt từ 15 đến 20 triệu đồng. Cũng theo dự thảo, hành vi xuất bản những tác phẩm có nội dung về phương pháp sinh con theo ý muốn có thể bị phạt 20 đến 30 triệu đồng. Hành vi phá thai mà biết rõ người đang mang thai muốn loại bỏ thai nhi vì lý do lựa chọn giới tính có mức phạt từ 25 đến 30 triệu đồng.

Mức phạt tăng từ 2 đến 3 lần so với các quy định cũ, dự thảo mới được đánh giá có mức xử phạt nghiêm minh hơn. Tuy nhiên, dự thảo có đi vào được đời sống hay không lại là điều khiến các chuyên gia dân số và người dân hoài nghi, lo ngại bởi đây không phải là lần đầu tiên có quy định nghiêm cấm, chẩn đoán, lựa chọn giới tính thai nhi. Trên thực tế, từ năm 2003, Pháp lệnh Dân số và Nghị định hướng dẫn thi hành đã nghiêm cấm hành vi lựa chọn giới tính thai nhi. Nghị định của Chính phủ ban hành năm 2006 cũng quy định mức phạt tối đa lên đến 7 triệu đồng đối với hành vi lựa chọn giới tính thai nhi. Song nhiều năm qua, dịch vụ lựa chọn giới tính thai nhi vẫn phát triển ồ ạt và việc các bậc cha mẹ biết rõ giới tính của con trước khi sinh chẳng phải xa lạ.

Ngay trên nghị trường Quốc hội, tại Kỳ họp thứ 4 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã thẳng thắn nhìn nhận, tình trạng này của Việt Nam ngày càng trầm trọng. Bộ trưởng cũng cho biết, nền kỹ thuật y học hiện đại đã tạo điều kiện phát hiện giới tính trai hay gái từ khoảng 7-8 tuần đầu, thậm chí bằng các test sinh học có thể phát hiện từ 2 tuần đầu. Ngành y tế đã có các thông tư về vấn đề siêu âm ở các cơ sở y tế công lập, kể cả ngoài công lập và phạt nặng những trường hợp siêu âm để chọn giới tính, nhưng xu hướng lựa chọn giới tính vẫn có xu hướng gia tăng và đây cần được coi là nhiệm vụ cấp bách, cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị.

Thực tế cho thấy, để xử phạt được việc tiết lộ giới tính thai nhi không dễ. Đáp ứng nhu cầu của các bậc cha mẹ, các cơ sở y tế vẫn bất chấp quy định, "lách luật" thông báo giới tính thai nhi. Đôi khi chỉ là một câu đơn giản, "giống bố", "giống mẹ", "được dùng hàng ngoại" là đủ thỏa mãn yêu cầu. Nhiều phòng khám lại chọn dùng ký hiệu “+” và “-” ghi vào mặt sau số thứ tự để thông báo cho thai phụ. Phòng siêu âm thì nhỏ, việc thông báo lại hết sức kín đáo nên các cơ quan chức năng khó có thể "bắt quả tang" vi phạm. Vậy nên dù biết rõ mười mươi cơ sở vi phạm nhưng những năm qua, số cơ sở bị phạt chỉ đếm được trên đầu ngón tay.

Cũng có ý kiến cho rằng, mức phạt cao nhất 30 triệu đồng như dự thảo đưa ra chưa phải là chế tài đủ mạnh khi xử phạt các trường hợp vi phạm. Với tâm lý Á Đông thích con trai, tìm "người nối dõi" nên để chắc ăn, nhiều gia đình lựa chọn giới tính thai nhi ngay từ đứa trẻ đầu tiên chứ không để sinh con thứ 3 như trước đây và sẵn sàng bỏ ra thật nhiều tiền để biết được giới tính đứa trẻ. Chính vì vậy, dù dự thảo có đưa ra mức phạt cao nhất 30 triệu đồng cộng với hình phạt bổ sung là đình chỉ hoạt động khám bệnh, chữa bệnh từ 1 tháng đến 3 tháng, thậm chí tước giấy phép hoạt động khám chữa bệnh, vẫn không dễ ngăn chặn "dịch vụ" chẩn đoán, lựa chọn giới tính thai nhi.

Dự thảo Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế dù mới trong thời gian lấy ý kiến đã nhận nhiều hoài nghi về tính khả thi. Thiết nghĩ, không thể chỉ tăng mức phạt mà cần phải triệt tiêu được ý thức phân biệt nam - nữ trong cộng đồng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tăng mức phạt liệu có khả thi?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.