Theo dõi Báo Hànộimới trên

Biến đổi khí hậu có thể khiến dịch bệnh quay lại

Thu Trang| 26/12/2016 07:23

(HNM) - Khí hậu diễn biến bất thường là những điều kiện thuận lợi cho dịch bệnh phát triển. Thậm chí, không ít bệnh truyền nhiễm đã được loại trừ nay lại có cơ hội quay trở lại, mở rộng phạm vi lây lan.


Gia tăng bệnh nhân do nhiệt độ thay đổi

Theo Ủy ban liên Chính phủ về biến đổi khí hậu Liên hợp quốc (IPCC), 95% nguyên nhân gây hiện tượng nóng lên toàn cầu là do hoạt động của con người, trong đó đáng kể nhất là khí thải nhà kính. Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng cảnh báo về hiện tượng nóng lên ở Việt Nam. Cụ thể, từ năm 1958-2014, nhiệt độ trung bình ở nước ta đã tăng lên 0,62 độ C, lượng mưa tăng nhiều ở các tỉnh miền Nam (6,9% - 19,8%). Số lượng ngày nóng trong năm tăng lên 34 ngày trong 10 năm qua, số lượng các cơn bão cũng tăng đáng kể...

Khám, điều trị cho bệnh nhi bị sốt xuất huyết.


Theo báo cáo của Bộ Y tế, tại Việt Nam tình trạng biến đổi khí hậu đang tác động nghiêm trọng đến sức khỏe người dân. PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho rằng, có sự liên quan mật thiết giữa một số bệnh dịch phát hiện trên người và các tác động của biến đổi khí hậu trong thời gian gần đây. Trong đó, nổi cộm là các bệnh như: Thiếu chất dinh dưỡng, căng thẳng, mất ngủ, kém ăn, chóng mặt, nhức đầu…, nhất là các bệnh truyền nhiễm ghi nhận ngày một nhiều do nhiệt độ tăng cao.

Còn theo các nghiên cứu được đưa ra tại hội thảo khoa học chủ đề “Biến đổi khí hậu và sức khỏe môi trường trong thời kỳ hội nhập” vừa diễn ra tại Hà Nội, người già và trẻ em là hai nhóm dễ bị tổn thương khi thời tiết thay đổi do sức đề kháng kém. Đơn cử như tại Đồng bằng sông Cửu Long nhiệt độ tăng 1 độ C sẽ làm tăng 3,4% số trẻ nhỏ nhập viện với các bệnh nhiễm khuẩn đường tiêu hóa, đường hô hấp.

Nghiên cứu tại Vinh (Nghệ An) cho thấy, từ tháng 6 đến tháng 9 (thời gian nóng nhất), tỷ lệ trẻ nhập viện tăng 1,56 lần so với thời gian từ tháng 2 đến tháng 5. Riêng tỷ lệ trẻ nhập viện do bệnh hô hấp tăng 1,64 lần. Người già nhập viện do bệnh tim mạch ở TP Hồ Chí Minh tăng 12,9% trong những ngày có sóng nhiệt. Tại Thái Nguyên, nguy cơ nhập viện bệnh tim mạch do phơi nhiễm với lạnh cũng gia tăng đáng kể. Cứ giảm 1 độ C thì số bệnh nhân tim mạch nhập viện tăng 1,12 lần. Bệnh tiêu chảy cũng bị ảnh hưởng rất lớn khi thời tiết thay đổi. Cứ tăng 1 độ C trong 2 - 4 tuần ở Đồng bằng sông Cửu Long sẽ tăng 1,5% ca tiêu chảy.

Theo Cục Quản lý môi trường y tế (Bộ Y tế), hiện tượng nóng lên toàn cầu đã thúc đẩy sự phát triển của các loài muỗi, làm tăng nguy cơ bệnh sốt xuất huyết, sốt rét... Trong hơn 10 năm qua, diễn biến của một số bệnh truyền nhiễm gây dịch, bệnh lây truyền tăng dần qua các năm. Thống kê cho thấy, hằng năm Việt Nam có khoảng 3,5 triệu người mắc các bệnh truyền nhiễm với hàng nghìn trường hợp tử vong. Nguyên nhân khiến xuất hiện các bệnh mới nổi và tái nổi là do biến đổi khí hậu, môi trường. Một số loại bệnh nhiệt đới đã biến mất ở nhiều nước trên thế giới, nhưng đang phát triển mạnh tại Việt Nam như: Lao, sốt xuất huyết, sốt rét…

Cần hành động gấp

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) dự báo, đến năm 2080 sẽ có khoảng 1,5 - 3,5 tỷ người trên thế giới phải đối mặt với nguy cơ mắc sốt xuất huyết mà nguyên nhân là do hiện tượng trái đất ấm lên và do khí hậu thay đổi. WHO cũng chỉ ra rằng, bằng chứng về tác động của môi trường đối với sức khỏe con người ngày càng rõ rệt nhưng hành động và sự đầu tư của các nước vẫn chưa đủ. Chỉ khoảng 3% các nguồn lực y tế được đầu tư vào công tác phòng ngừa, trong khi xấp xỉ 97% được dành vào việc điều trị, làm gia tăng các chi phí chăm sóc sức khỏe. WHO kêu gọi các nước cần hành động gấp, chung tay chống biến đổi khí hậu.

Trước thực trạng trên, Ngành Y tế cần có những chiến lược mới để đối phó với tình trạng bệnh tật gia tăng này. Hiện Việt Nam đang nỗ lực cùng cộng đồng quốc tế triển khai các kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu, cảnh báo các nguy cơ, tăng khả năng ứng phó với thiên tai thảm họa để giảm tối đa ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đến sức khỏe cộng đồng nói riêng và nền kinh tế nói chung.

Theo bà Nguyễn Thị Liên Hương, Cục trưởng Cục Quản lý môi trường y tế (Bộ Y tế), các giải pháp cần tiếp tục được triển khai thực hiện, đó là xây dựng hệ thống cảnh báo sớm tình hình dịch bệnh trong bối cảnh biến đổi khí hậu. Bên cạnh đó, xây dựng và lựa chọn các mô hình cung cấp dịch vụ y tế đáp ứng với thiên tai, thảm họa do biến đổi khí hậu gây nên; xây dựng và triển khai các mô hình chăm sóc sức khỏe cộng đồng như: Nước sạch và vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân, chăm sóc sức khỏe ban đầu, thích ứng với biến đổi khí hậu tại các vùng bị ảnh hưởng.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đưa ra cảnh báo, các dịch bệnh nguy hiểm đang lan tràn ở nhiều nơi trên thế giới hơn bao giờ hết. Những vùng trước kia có khí hậu lạnh giờ đây cũng xuất hiện các loại bệnh thường chỉ có ở vùng nhiệt đới. Ước tính hằng năm có tới 150 nghìn người ở các nước thu nhập thấp tử vong do tác động của biến đổi khí hậu, từ bệnh tim do nhiệt độ tăng quá cao, đến các vấn đề hô hấp và tiêu chảy. Khu vực Đông Nam Á chiếm 30% số người nghèo trên thế giới đang phải gánh chịu hậu quả nặng nề nhất của tình trạng trên. Trong số 14 triệu người chết hằng năm ở khu vực này có tới 40% chết do các bệnh lây nhiễm. Biến đổi khí hậu đã tạo điều kiện cho sự lây lan của bệnh lây nhiễm tại khu vực này.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Biến đổi khí hậu có thể khiến dịch bệnh quay lại

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.