Theo dõi Báo Hànộimới trên

Sau một tuần Hà Nội triển khai tăng viện phí: Chất lượng dịch vụ có tăng?

Thu Trang| 08/08/2017 06:23

(HNM) - Khi được hỏi ý kiến về việc tăng giá dịch vụ y tế, đa phần người bệnh đều quan tâm đến chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh liệu có tăng theo.


Việc điều chỉnh viện phí giúp Bệnh viện Đa khoa Hà Đông có điều kiện nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh. Ảnh: Bá Hoạt


Tầm quan trọng của thẻ bảo hiểm y tế

Sau khi điều chỉnh giá dịch vụ y tế, nhiều bệnh viện của TP Hà Nội đang tồn tại 3 hình thức viện phí, đó là: Do bảo hiểm y tế (BHYT) chi trả; khám, chữa bệnh không có BHYT và khám chữa bệnh theo yêu cầu. Trước đây, đa phần người dân chọn khám, chữa bệnh không có BHYT vì không muốn phải xếp hàng, đợi chờ. Thế nhưng, trong tuần đầu tiên điều chỉnh viện phí, người dân quan tâm tới BHYT nhiều hơn. Hầu hết người bệnh đều sử dụng thẻ BHYT khi đi khám, chữa bệnh.

Những ngày này, tại Khoa Khám bệnh của Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, lượng bệnh nhân đến khá đông. Bà Đặng Thị Thìn (65 tuổi, ở đường Hoàng Hoa Thám, quận Ba Đình) cho biết, dù cả gia đình đều có thẻ BHYT nhưng mỗi khi đau ốm, mọi người thường chọn khám dịch vụ cho nhanh. Cách đây mấy hôm, con dâu bà đi nội soi ổ bụng, chi phí đã tăng từ 575.000 đồng, lên 793.000 đồng... Trong khi nếu sử dụng thẻ BHYT chỉ phải chi trả 20% mức phí nói trên. Vì vậy, lần này đi khám bệnh, bà Đặng Thị Thìn không quên mang theo thẻ BHYT.

Hiện, mỗi ngày Bệnh viện Thanh Nhàn có khoảng 300 trường hợp đến khám sốt xuất huyết và khoảng 500 ca điều trị nội trú. Bác sĩ Phạm Thị Mai Ngọc, Phó Trưởng khoa Bệnh nghề nghiệp đơn nguyên cơ, xương khớp (Bệnh viện Thanh Nhàn) cho biết, nếu chỉ mắc sốt xuất huyết ở thể nhẹ, phải nằm viện khoảng một tuần thì tiền giường điều trị là 1,4 triệu đồng/bệnh nhân. Còn với bệnh nhân nặng, phải truyền tiểu cầu máy thì riêng một khối tiểu cầu máy đã là 4,2 triệu đồng. Do đó, bệnh nhân không có thẻ BHYT sẽ gặp khó khăn. Tuy nhiên, đa phần bệnh nhân đang điều trị tại đây đều có thẻ BHYT, nên việc điều chỉnh viện phí không gây ảnh hưởng nhiều.

Tương tự, hiện Bệnh viện Việt Nam - Cuba mỗi ngày khám, chữa bệnh cho gần 1.000 lượt bệnh nhân. Theo Giám đốc Bệnh viện Việt Nam - Cuba Nguyễn Đình Phúc, trước đây, một số dịch vụ y tế, bệnh nhân không có thẻ BHYT trả viện phí thấp hơn so với nhóm có BHYT, khiến nhiều người không sử dụng thẻ khi đi khám bệnh. Giá dịch vụ y tế được điều chỉnh với nhóm không có BHYT hiện tương đương với nhóm có BHYT, đã tạo sự công bằng với những người tham gia BHYT.

“Do hơn 80% người bệnh khám, chữa bệnh tại bệnh viện có thẻ BHYT nên việc điều chỉnh giá này không tác động nhiều đến phần lớn người bệnh. Gánh nặng đặt lên vai các bác sĩ vì phải cập nhật liên tục các danh mục kỹ thuật kịp với sự phát triển của khoa học kỹ thuật cũng như đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh kỹ thuật cao của người dân” - ông Nguyễn Đình Phúc nói.

Cải thiện nguồn thu, nâng cao chất lượng dịch vụ

Khi được hỏi ý kiến về việc tăng giá dịch vụ y tế, đa phần người bệnh đều quan tâm đến chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh liệu có tăng theo. Bởi thực tế, khi vào viện, người bệnh phải phát sinh nhiều chi phí, nhưng họ vẫn chưa nhận được những tiện ích tương xứng, vẫn phải xếp hàng chờ khám, nằm ghép giường...

Về vấn đề này, ông Nguyễn Đình Hưng, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn khẳng định, cùng với các cơ sở y tế của Hà Nội, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn đã và đang thay đổi rất nhiều trong thời gian qua, từ cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, chất lượng điều trị, cải tiến quy trình khám bệnh. Không chỉ đẩy giờ khám bệnh lên sớm hơn, bắt đầu từ 7h sáng, để tiết kiệm thời gian cho bệnh nhân, bệnh viện đã nhận đặt lịch hẹn khám bệnh qua mạng internet, điện thoại…

Còn tại Bệnh viện Ung bướu Hà Nội, do đây là cơ sở y tế tự chủ hoàn toàn nên từ tháng 3-2017, bệnh viện đã áp dụng viện phí mới theo Thông tư 02 thay vì thời điểm 1-8-2017 như các đơn vị khác. Đến nay, sau hơn 5 tháng áp dụng viện phí mới, PGS.TS Trần Đăng Khoa, Giám đốc Bệnh viện Ung bướu Hà Nội cho biết, bệnh viện chưa nhận được ý kiến phàn nàn hay phản ánh nào của người bệnh, người nhà bệnh nhân về giá dịch vụ y tế. Mặt khác, công tác khám, chữa bệnh của bệnh viện cũng không bị xáo trộn nhiều. Theo PGS.TS Trần Đăng Khoa, giá dịch vụ y tế được điều chỉnh đợt này mới chỉ tính 4/7 yếu tố cấu thành viện phí, chưa phải mức viện phí tính đúng, tính đủ nên chưa tác động quá lớn đến người bệnh. Dù vậy, với nguồn thu tăng thêm từ việc điều chỉnh giá cũng giúp cơ sở y tế có điều kiện tăng chất lượng dịch vụ…

Bà Trần Thị Nhị Hà, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho rằng, việc điều chỉnh viện phí lần này giúp các cơ sở y tế có điều kiện tăng chất lượng phục vụ do bảo đảm các yếu tố cấu thành giá dịch vụ, như: Thuốc, hóa chất, vật tư y tế, tiến tới tính đúng, tính đủ. Giá cả và chất lượng dịch vụ y tế có mối liên quan mật thiết, người dân sẵn lòng bỏ nhiều tiền hơn để chi trả nếu dịch vụ có chất lượng tốt. Đối với các bệnh viện đã, đang và sẽ tiến tới thực hiện cơ chế tự chủ phải luôn xác định, con đường duy nhất để tự chủ thành công là nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh.

Đợt điều chỉnh này được áp dụng với hơn 1.900 dịch vụ y tế, với mức tăng giá từ 20% đến 50%. Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền cho biết, tấm thẻ BHYT chẳng khác gì “phao cứu sinh” đối với người bệnh. Hà Nội hiện có 82,4% dân số đã có thẻ BHYT. 17,6% dân số còn lại chưa tham gia BHYT sẽ là đối tượng chịu tác động của việc điều chỉnh viện phí đợt này.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sau một tuần Hà Nội triển khai tăng viện phí: Chất lượng dịch vụ có tăng?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.