Theo dõi Báo Hànộimới trên

Không có lăng quăng, bọ gậy, không có sốt xuất huyết

Thu Trang thực hiện| 09/08/2017 06:53

(HNM) - Thống kê cho thấy, cứ 10 năm số ca mắc sốt xuất huyết thường tăng gấp đôi, vì vậy khẩu hiệu “Không có muỗi, không có lăng quăng thì không có sốt xuất huyết” không bao giờ cũ và đây là việc dễ làm. Đó là khẳng định của PGS.TS Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội với phóng viên Báo Hànộimới khi trao đổi về các biện pháp phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết.


- Phun thuốc được xem là một trong những biện pháp hiệu quả tiêu diệt muỗi sốt xuất huyết. Vậy có phải chỉ cần phun một lần là hàng tháng sau, muỗi sẽ “sợ” không dám vào nhà?

- Việc phun thuốc (hóa chất) diệt muỗi chỉ có tác dụng nhất thời đối với đàn muỗi trưởng thành đang có nguy cơ gây dịch. Nhiều người nghĩ rằng, gia đình đã từng phun thuốc diệt muỗi là vĩnh viễn muỗi sẽ không xuất hiện trở lại là hoàn toàn sai lầm. Bởi thuốc phun diệt muỗi là phun không gian ở thể tích cực nhỏ với lượng hóa chất cực nhỏ dưới dạng phun sương và diệt được đàn muỗi gây bệnh ở thời điểm đó.

Chỉ vài giờ đồng hồ sau phun, lượng hóa chất sẽ khuếch tán trong không gian và bay đi hết, những đàn muỗi khác vẫn tiếp tục bay vào nhà, tấn công và truyền bệnh cho người. Nếu phun thuốc muỗi dập dịch cần phải phun tổng thể, đồng loạt ở cả cụm dân cư mới có tác dụng triệt để. Khi phun hóa chất diệt muỗi, cần phun ở tất cả các tầng trong nhà, nhằm diệt hết được đàn muỗi, tránh tình trạng muỗi di chuyển từ tầng dưới lên tầng trên, từ nhà này sang nhà khác.

- Thưa ông, dịch sốt xuất huyết gia tăng có phần do nhiều người dân lo sợ thuốc phun muỗi độc hại nên không hợp tác với cán bộ y tế và từ chối cho phun thuốc?

- Thời gian qua có tình trạng nhiều hộ gia đình không hợp tác khi đội cơ động cán bộ y tế vào nhà phun thuốc diệt muỗi, vì sợ hóa chất gây độc. Qua thống kê, có tới 20% hộ gia đình đi vắng khi cán bộ tới diệt bọ gậy, 5% không cho phun hóa chất, 7% hộ gia đình đi vắng khi phun hóa chất trong ổ dịch. Hiện thuốc phun muỗi được ngành Y tế sử dụng để diệt muỗi là loại bảo đảm an toàn, máy phun chuyên dụng được nhập từ Đức. Có nhiều biện pháp phun thuốc diệt muỗi.

Với máy phun cỡ lớn trên xe ô tô áp dụng cho những công trường xây dựng, còn máy phun đeo vai sẽ áp dụng cho từng ngõ xóm, từng hộ gia đình và phun mù nhiệt có hiệu quả ở các bãi đất trống, nhà trọ… Để bảo đảm an toàn khi phun thuốc muỗi, người dân cần tuân thủ các hướng dẫn của ngành Y tế. Cụ thể, dọn dẹp nhà cửa gọn trước khi phun thuốc. Thông thường, các loại thuốc diệt muỗi thường không có mùi hoặc có mùi hắc nhẹ. Vì vậy, để tránh ảnh hưởng tới sức khỏe thì mọi người nên ra ngoài khi nhân viên phun thuốc và sau 30-45 phút có thể vào nhà. Nếu nhà có trẻ nhỏ, trẻ sơ sinh, người già, phụ nữ mang thai thì sau 1-2 tiếng mới vào nhà, nhằm bảo đảm an toàn tuyệt đối.

- Do quá lo lắng nên một số gia đình đã thuê người phun thuốc diệt muỗi hoặc tự phun. Về vấn đề này, ông có khuyến cáo gì?

- Hiện nay, trên thị trường có rất nhiều loại hóa chất diệt muỗi được bán tràn lan và quảng cáo khắp nơi. Tuy nhiên, người dân cần lưu ý có những loại được phép sử dụng trong môi trường cho người, có những loại thuốc dùng cho nông nghiệp, không tốt cho sức khỏe con người. Việc người dân tự ý mua thuốc về phun hoặc thuê người đến nhà phun diệt muỗi có thể “lợi bất cập hại”. Bởi nếu phun không đúng liều lượng, không đúng quy trình, thậm chí không rõ hóa chất sẽ không tiêu diệt được muỗi. Hơn nữa, nguy cơ muỗi bị nhờn thuốc, kháng thuốc, người dùng bị dị ứng thuốc phun muỗi do không rành cách sử dụng. Người dân có nhu cầu phun thuốc nên đến trạm y tế xã, phường, thị trấn hoặc gọi tới đường dây nóng của Sở Y tế Hà Nội để được tư vấn đầy đủ.

Việc phun thuốc diệt muỗi là cần thiết tại khu vực ổ dịch sốt xuất huyết để loại trừ tác nhân gây bệnh. Song, phun thuốc phải được thực hiện bởi nhân viên y tế, nhằm bảo đảm hiệu quả diệt muỗi và an toàn cho cộng đồng. Loại thuốc mà đội dập dịch của y tế dự phòng phường, xã, thị trấn tới nhà phun sẽ được miễn phí và người dân không phải trả bất cứ một khoản kinh phí nào. Người dân cũng có thể sử dụng các bình xịt muỗi đã được cấp phép lưu hành trên thị trường để sử dụng phun diệt ở phạm vi hẹp trong gia đình. Tuy nhiên, việc cá nhân gia đình tự phun, xịt, diệt muỗi trong nhà chỉ diệt muỗi tức thì. Chỉ vài ngày sau, muỗi có thể xuất hiện trở lại, nếu không loại trừ được các ổ lăng quăng, bọ gậy ở hộ gia đình và khu vực xung quanh.

- Ông có cho rằng, người dân vẫn chủ quan trong phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết?

- Mặc dù sốt xuất huyết đang có dấu hiệu bùng phát, nhưng người dân vẫn hết sức chủ quan. Bệnh này hiện chưa có vắc xin phòng bệnh hay thuốc điều trị đặc hiệu, nên các biện pháp phòng bệnh chủ yếu là diệt muỗi và bọ gậy. Thế nhưng, qua kiểm tra thực tế tại nhiều hộ gia đình, việc thực hành làm như thế nào để không có bọ gậy lại không tốt. Chúng tôi đến nhiều hộ dân và phát hiện nhiều bình hoa để lâu ngày bên trong còn nguyên nước, dốc ra rất nhiều lăng quăng, bọ gậy. Hay trong các bể chứa nước, cũng phát hiện có nhiều lăng quăng, bọ gậy…

- Chống dịch sốt xuất huyết không phải là câu chuyện trong một hay hai tháng, mà là vấn đề của nhiều năm. Vậy, chúng ta phải làm gì để chống dịch một cách hiệu quả nhất, thưa ông?

- Cứ 10 năm số ca mắc sốt xuất huyết thường tăng gấp đôi, vì vậy khẩu hiệu: “Không có muỗi, không có lăng quăng thì không có sốt xuất huyết” không bao giờ cũ và đây là việc dễ làm. Mỗi người dân nên thay nước bình hoa hằng ngày, chú ý diệt lăng quăng bằng thu dọn phế thải, chai, lọ, bình, vỏ xe… chứa nước đọng. Chỉ cần hai ngày là đủ để muỗi đẻ trứng và bắt đầu vòng đời mới. Để chống dịch đạt hiệu quả, Sở Y tế Hà Nội đã đề nghị các quận, huyện, thị xã thành lập những đội xung kích diệt bọ gậy, nhằm giảm nhanh mật độ muỗi và bọ gậy truyền bệnh. Mỗi đội gồm 2-3 người; là thành viên từ các tổ chức, đoàn thể như: Thanh niên, hội phụ nữ, hội cựu chiến binh, dân phòng…

Mỗi đội phụ trách từ 30 đến 50 hộ gia đình, khu công trường, cơ quan, xí nghiệp, trường học, khu công cộng (vườn hoa, bãi đất trống, nghĩa trang, đình chùa…). Nhiệm vụ của các đội là kiểm tra, hướng dẫn, cùng các gia đình, cơ quan… xử lý triệt để dụng cụ chứa nước, đồ vật chứa nước có khả năng là ổ bọ gậy; tuyên truyền nâng cao kiến thức của người dân; giám sát phát hiện bệnh nhân nghi sốt xuất huyết tại cộng đồng. 7 ngày/lần các đội phải kiểm tra công tác diệt bọ gậy, bảo đảm 100% hộ gia đình, cơ quan được xử lý các nguồn có thể gây bệnh. UBND các quận, huyện, thị xã lập các tổ giám sát phòng, chống dịch. Các tổ này chịu trách nhiệm giám sát hoạt động của 5 - 10 đội xung kích diệt bọ gậy. Kết quả thực hiện của các đội xung kích được đánh giá bằng cách kiểm tra ngẫu nhiên từ 5 đến 10% hộ gia đình và khu vực phụ trách. Chống dịch không đơn giản, song khó mấy chúng ta cũng phải làm và phải vào cuộc quyết liệt hơn nữa.

- Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Không có lăng quăng, bọ gậy, không có sốt xuất huyết

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.