Theo dõi Báo Hànộimới trên

Sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đúng cách

Quỳnh Dung| 14/11/2017 06:53

(HNM) - Thời gian qua, đa số nông dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật không đúng cách, dẫn tới tồn dư trong sản phẩm, gây hại sức khỏe người tiêu dùng.

Mô hình trồng rau an toàn sẽ góp phần hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật.


Tiết kiệm 200 tỷ đồng mỗi năm

Theo Sở NN&PTNT Hà Nội, năm 2016, thành phố sử dụng 316 tấn thuốc bảo vệ thực vật với chi phí từ 2 triệu USD đến 2,2 triệu USD. Con số này chỉ bằng 0,32% so với cả nước. Lượng thuốc bảo vệ thực vật sử dụng cho một héc ta cây trồng chỉ từ 1,67kg đến 2,1kg (trung bình toàn quốc gấp 4,8 lần đến 6 lần so với Hà Nội). Bởi vậy, mỗi năm, Hà Nội tiết kiệm khoảng 200 tỷ đồng chi phí thuốc bảo vệ thực vật.

Tuy nhiên, trong năm 2016, việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật tăng khoảng 10-25% so với năm 2015, tập trung ở các huyện: Đông Anh, Mê Linh, Hoài Đức… Nguyên nhân chủ yếu là số hoạt chất và tên thương phẩm thuốc bảo vệ thực vật không ngừng tăng (hiện có 1.785 hoạt chất và 4.094 tên thương phẩm) gây khó khăn cho nông dân trong lựa chọn loại thuốc bảo vệ thực vật phù hợp với cây trồng. Bên cạnh đó, các công ty kinh doanh và cửa hàng buôn bán thuốc bảo vệ thực vật liên tục quảng cáo với nhiều hình thức ưu đãi, như: Cho sử dụng thử, ứng sản phẩm đầu vụ - cuối vụ trả tiền… Hơn nữa, diễn biến phức tạp của sâu bệnh khiến nông dân lúng túng khi lựa chọn đúng thuốc bảo vệ thực vật, nhất là với các hộ chưa được tập huấn quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) trên cây trồng; đồng thời, một số cán bộ tại địa phương còn hạn chế về kiến thức, nhận thức, trách nhiệm và xử lý vi phạm trong lĩnh vực sử dụng thuốc bảo vệ thực vật.

Còn một nguyên nhân nữa không thể không nhắc đến. Theo Phó Chủ tịch UBND thị trấn Chúc Sơn (huyện Chương Mỹ) Nguyễn Văn Đức, đa số cửa hàng bán thuốc bảo vệ thực vật phục vụ nhu cầu sản xuất nông nghiệp trên địa bàn nằm rải rác ở thôn, xóm. Mặc dù, các cửa hàng đều có giấy đăng ký kinh doanh, nhưng kiến thức về phòng trừ dịch bệnh của chủ cơ sở còn hạn chế. Trong khi đó, hầu hết nông dân dựa vào tư vấn của người bán. Thậm chí, nhiều cơ sở chạy theo lợi nhuận, đã tư vấn và bán cho nông dân các loại thuốc không nằm trong khuyến cáo của cơ quan chuyên môn. Thị trấn chỉ có một cán bộ làm công tác khuyến nông, bảo vệ thực vật nên không thể kiểm soát triệt để việc kinh doanh, tư vấn của cơ sở với nông dân...

Đẩy mạnh tuyên truyền

Trước thực trạng trên, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật Hà Nội Nguyễn Duy Hồng cho rằng: Để hạn chế việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, các ngành chức năng cần tăng cường phối hợp với chính quyền cấp huyện, xã trong kiểm tra, giám sát buôn bán và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, đặc biệt ở những vùng trọng điểm. Chính quyền cấp xã cần nắm rõ số cơ sở kinh doanh trên địa bàn; những cơ sở không đáp ứng đủ điều kiện, cần tuyên truyền, nhắc nhở, đi đôi với xử phạt hành chính. Mặt khác, cần củng cố, tăng cường năng lực hệ thống thanh tra, kiểm tra đối với địa bàn các tỉnh, thành phố; thực hiện thanh tra, kiểm tra định kỳ, đột xuất các hoạt động liên quan công tác bảo vệ thực vật. Hằng năm, các bộ, ngành nên rà soát hoạt chất thuốc bảo vệ thực vật có độc tố cao và đề xuất loại khỏi danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam. Ngoài ra, cần thực hiện nghiêm chế độ đăng ký hóa chất sử dụng trong nông nghiệp, đặc biệt là hóa chất độc hại và hướng dẫn các địa phương cách thu gom, xử lý bao bì thuốc bảo vệ thực vật nhập lậu, hết hạn sử dụng…

Song hành, các địa phương cần nhân rộng những mô hình nông dân không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, tổ chức lớp học đồng ruộng về quản lý dịch hại tổng hợp trên cây trồng; có chính sách hỗ trợ nông dân học tập, tiếp cận kỹ thuật mới, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật; tăng cường nâng cao trách nhiệm quản lý nhà nước về phát triển sản xuất, chất lượng vật tư nông nghiệp, an toàn thực phẩm ở cấp cơ sở…

Ngoài ra, các ngành chức năng cần đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho nông dân trong việc sử dụng thuốc đúng loại, thực hiện theo hướng dẫn của nhà sản xuất, mua thuốc ở những đại lý uy tín, không nên ham rẻ, vô tình “tiếp tay” cho cơ sở bán thuốc kém chất lượng. Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Đông Cao (xã Tráng Việt, huyện Mê Linh) Vũ Văn Kỳ cho rằng, Nhà nước cần quản lý chặt thuốc bảo vệ thực vật lưu thông trên thị trường và thông tin trên bao bì nhằm kiểm soát thành phần, bảo đảm không vi phạm quy định trong danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép lưu hành tại Việt Nam.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đúng cách

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.