Theo dõi Báo Hànộimới trên

Gỡ “nút thắt”, hướng tới nền công nghiệp nông nghiệp ở Hà Nội

Bạch Thanh - Nguyễn Mai| 25/12/2016 06:47

(HNM) - Tại hội nghị “Xây dựng nền công nghiệp nông nghiệp Việt Nam” diễn ra ngày 18-12 vừa qua tại TP Hồ Chí Minh, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: Việt Nam phấn đấu trở thành trung tâm cung ứng sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao, có vị thế quan trọng trong mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu. Trong bức tranh chung ấy, với vị thế là Thủ đô, là một trong những đầu tàu kinh tế với nhiều lợi thế, Hà Nội sẽ phát triển Ngành CNNN ra sao?


Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ.


Nhiều lợi thế phát triển công nghiệp nông nghiệp

- Thưa ông, nông nghiệp nước ta đang có xu hướng chuyển từ sản xuất truyền thống manh mún, thô sơ sang NNCNC, tiến tới phát triển nông nghiệp thành Ngành CNNN. Vậy TP Hà Nội có những lợi thế nào để phát triển CNNN?

- Có thể nói, CNNN, xây dựng chuỗi liên kết giá trị là yêu cầu tất yếu. Đối với Thủ đô, đòi hỏi này càng phải cao hơn bởi Hà Nội hội đủ các yếu tố, xét cả về cơ chế, chính sách, vốn và đặc biệt là trí tuệ của nhiều nhà khoa học, chuyên gia cùng thành tựu khoa học từ các trường đại học, học viện, viện nghiên cứu trong lĩnh vực nông nghiệp… Hà Nội có diện tích đất nông nghiệp lớn nhất cả nước, phù hợp với nhiều loại cây trồng và vật nuôi khác nhau. Vùng núi Ba Vì, Thạch Thất có thế mạnh trồng rau, hoa, chăn nuôi; vùng trũng Ứng Hòa, Phú Xuyên, Mỹ Đức lại là vựa lúa lớn. Nông dân Hà Nội có kiến thức và tiếp cận nhanh với khoa học - kỹ thuật (KHKT) nên dễ dàng ứng dụng NNCNC, đưa cơ giới hóa vào sản xuất. Hà Nội cũng có thị trường tiêu thụ rộng lớn với hơn 7,5 triệu dân, mặt bằng đời sống nhân dân cao nên đòi hỏi được sử dụng những hàng nông sản giá trị cao.

- Tại hội nghị ngày 18-12, Thủ tướng nêu rõ thông điệp: Không phải địa phương nào được quy hoạch trong các vùng NNCNC thì mới được phép đầu tư vào lĩnh vực này. Thay vào đó, cần phải bảo đảm rằng mọi nông dân Việt Nam bất kể vùng miền nào, bất kể quy mô nào, tính chất như thế nào cũng được khuyến khích áp dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp. Ông nghĩ gì về thông điệp này, đặc biệt đối với Hà Nội?

- Tôi cho rằng chủ trương này đã mở ra hướng phát triển, cơ hội mới cho tất cả các địa phương và các loại hình doanh nghiệp (DN), hộ gia đình, cá nhân trong việc đầu tư công nghệ cao vào sản xuất. Với Hà Nội, chúng ta đã có rất nhiều cơ chế chính sách được ban hành nhằm hỗ trợ cơ giới hóa, hỗ trợ các vùng chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi… từ đó tạo ra những nền móng quan trọng trong hình thành nền sản xuất lớn. Nay với chủ trương này, chắc chắn việc phát triển Ngành CNNN sẽ tăng nhanh hơn.

“Rào cản” lớn nhất là đất đai và vốn

- Tuy có nhiều lợi thế nhưng Hà Nội mới chỉ đưa được công nghệ vào trong một số khâu nhất định, chứ chưa hình thành rõ nét và toàn phần theo hướng CNNN. Theo ông, đâu là nguyên nhân?

- Muốn phát triển CNNN hay nói cách khác là làm nông nghiệp thành công thì phải “kéo” DN đầu tư vào nông nghiệp. Chỉ DN mới có tiềm lực lớn về vốn, công nghệ, nhân lực và có thế mạnh về nghiên cứu thị trường, áp dụng KHKT ở khâu chế biến, bảo quản. Cùng với các DN là vai trò của các HTX, tổ hợp tác. Họ là lực lượng trung tâm trong mọi đầu mối liên quan trực tiếp đến sản xuất. Cùng với cả nuớc, vấn đề này ở Hà Nội vẫn còn thiếu và yếu.

- Hiện DN đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp của Hà Nội chiếm tỷ lệ rất thấp. “Rào cản” lớn nhất của thực trạng này là gì, thưa ông?

- Theo tôi, “rào cản” lớn ở Hà Nội là đất đai. Hà Nội có diện tích đất nông nghiệp lớn nhưng sản xuất lại nhỏ lẻ, phân tán và đã được chia hết cho các hộ dân; quỹ đất công của các xã, huyện không đáng kể nên rất khó để cho DN thuê. Giá bồi thường, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng đất nông nghiệp theo quy định ở Hà Nội cao hơn nhiều so với các tỉnh, thành phố khác. Ví dụ như ở các huyện Ứng Hòa, Phú Xuyên thấp nhất cũng là 8,1 tỷ đồng/ha; huyện cao nhất khoảng 10 tỷ đồng/ha. Với giá này, nhiều DN muốn đầu tư vào nông nghiệp ở Hà Nội nhưng sau khi tính toán lại sang tỉnh khác đầu tư.

Bên cạnh đó, vốn cũng là “rào cản” lớn, hạn chế DN đầu tư công nghệ vào sản xuất. Đa số các DN nông nghiệp trên địa bàn Thủ đô hiện có quy mô nhỏ và siêu nhỏ, nguồn vốn đầu tư hạn chế. Trong khi đó, tín dụng cho nông nghiệp nông thôn ở Hà Nội còn thấp, và nông dân vẫn khó khăn trong tiếp cận các nguồn vốn vay.

Chính sách cần cụ thể, không khuyến khích chung chung

- Tích tụ đất đai đủ lớn để phát triển CNNN là yếu tố rất quan trọng. Thời gian tới, Hà Nội sẽ tháo gỡ khó khăn về tích tụ ruộng đất theo hướng nào để vừa phát huy tốt nguồn lực này, vừa thu hút được DN đầu tư vào phát triển nông nghiệp?

- Tôi cho rằng, ngoài việc Nhà nước sớm sửa đổi Luật Đất đai để tháo gỡ khó khăn cho DN, các địa phương cũng cần linh hoạt trong lãnh đạo, điều hành để đạt kết quả cao nhất. Ví như, vừa qua một số huyện có ý tưởng đứng ra thuê đất của nông dân (tại những vùng nông dân có nghề phụ và không mặn mà với đồng ruộng) rồi giao lại cho các DN thuê. Làm vậy, nông dân vừa yên tâm mà DN cũng đỡ vất vả khi phải thỏa thuận với từng hộ dân. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh vai trò, vị thế của các HTX trong khâu liên kết nông dân để có vùng sản xuất lớn, đưa KHKT vào sản xuất.

- Tại hội nghị về phát triển CNNN, Thủ tướng đã quyết định: “Ngân hàng Nhà nước phải có một gói tín dụng 50.000 - 60.000 tỷ đồng để cho vay với cơ chế thuận lợi và thông thoáng nhất”. Hà Nội sẽ tranh thủ cơ hội này như thế nào để thúc đẩy đầu tư cho nông nghiệp?

- Đây là việc làm hết sức cấp thiết để tạo xung lực thúc đẩy nông nghiệp Thủ đô và cả nước. Như tôi đã nêu, bài toán vốn đầu tư đang là “rào cản” lớn cả trong phát triển kinh tế hộ cũng như trong hình thành CNNN ở địa bàn Hà Nội. Vì thế Hà Nội sẽ tháo gỡ tối đa mọi trở ngại về chính sách, thủ tục hành chính..., tạo ra môi trường đầu tư ngày càng hấp dẫn trong lĩnh vực nông nghiệp để thu hút mạnh mẽ nguồn vốn này.

- Xin ông có thể nói rõ hơn một số giải pháp mang tính đột phá để phát triển CNNN ở Hà Nội xứng tầm với tiềm năng và lợi thế của mình?

- Theo tôi, để nông nghiệp Hà Nội tiệm cận hơn với việc ứng dụng công nghệ vào sản xuất, tiến tới xây dựng một nền CNNN phát triển bền vững cần nhiều giải pháp. Trước hết, cần tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện cơ chế, chính sách về CNNN, đặc biệt có chính sách khuyến khích các DN tham gia nghiên cứu và chuyển giao khoa học - công nghệ, ứng dụng công nghệ cao nhằm tạo đột phá về năng suất, chất lượng cây trồng, vật nuôi, nâng cao khả năng cạnh tranh, hiệu quả của ngành; bảo đảm an toàn thực phẩm. Về mặt lực lượng, cần xác định DN, HTX giữ vai trò nòng cốt, từ đó tập trung đầu tư phát triển, tổ chức lại theo hướng sản xuất mang tính hàng hóa chuyên canh. Thành phố có 3,5 triệu người sống ở khu vực nông thôn, nếu không tập hợp lại thành nhóm để tổ chức sản xuất, thì sẽ không thể khắc phục được tình trạng manh mún, nhỏ lẻ như hiện nay.

- Theo ông, Hà Nội phát triển CNNN nên theo hướng đi toàn phần với những mô hình cụ thể hay chỉ áp dụng ở những khâu có thế mạnh?

- Tôi cho rằng, Hà Nội cần đi theo cả 2 hướng này. Một mặt cần xây dựng các mô hình CNNN cụ thể để các DN, HTX, hộ nông dân và người tiêu dùng tham quan, hiểu hơn về sản xuất công nghiệp trong nông nghiệp. Mặt khác, đối với từng khâu như trồng trọt, mỗi loại cây trồng sẽ ứng dụng công nghệ cao ở một khâu cần thiết. Ví dụ, với cây lúa tập trung vào cơ giới hóa trong làm đất, cấy, thu hoạch và phơi sấy; trồng rau màu tập trung ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất một số loại rau, củ quả chất lượng cao, hiếm, lạ; còn các loại rau ăn lá phổ biến vẫn có thể sản xuất đại trà nhằm giảm chi phí, giá thành và tập trung ở khâu hoàn thiện quy trình sản xuất, gắn tem nhãn truy xuất nguồn gốc.

100% rau an toàn sẽ được truy xuất nguồn gốc

- Thủ tướng đã ấn nút khởi động chương trình truy xuất nguồn gốc rau an toàn (RAT) cho Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Ông có thể chia sẻ cụ thể hơn về việc truy xuất nguồn gốc RAT của Hà Nội trong thời gian qua?

- Để truy xuất nguồn gốc, năm 2011 Hà Nội đã thí điểm gắn tem, nhãn nhận diện RAT tại Văn Đức (Gia Lâm) và nhân rộng ra nhiều vùng khác. Đến nay, các DN tự in, gắn tem, nhãn nhận diện sản phẩm để phát triển thương hiệu. Trong năm 2015, 2016, Ngành Nông nghiệp Hà Nội đã hỗ trợ các DN, cơ sở sản xuất trong việc dán nhãn mác điện tử để truy xuất nguồn gốc cho trên 500 sản phẩm nông sản, trong đó có nhiều loại rau, củ, quả. Qua một thời gian triển khai, được nhân dân và DN đánh giá cao.

- Để truy xuất nguồn gốc cho rau và các loại nông sản khác như thịt, cá, trứng… Hà Nội sẽ tiếp tục làm gì trong thời gian tới?

- Giai đoạn 2017-2020, Hà Nội đặt mục tiêu bảo đảm 100% rau được truy xuất nguồn gốc xuất xứ, an toàn thực phẩm. Thành phố sẽ duy trì sản xuất tốt trên 5.000ha rau đã được chứng nhận đủ điều kiện an toàn; đồng thời, phát triển chuỗi sản xuất, tiêu thụ RAT truy xuất nguồn gốc đến hộ gắn với hệ thống bảo đảm với sự tham gia của người sản xuất, người kinh doanh và người tiêu dùng (PGS); siết chặt công tác quản lý vật tư nông nghiệp ở tất cả các khâu, đánh giá sự phù hợp của thuốc bảo vệ thực vật để ứng dụng đối với sản xuất rau của Hà Nội.

- Mới đây, Câu lạc bộ Nông nghiệp công nghệ cao Việt Nam đã đưa ra ứng dụng sử dụng tem thông minh DAA STAMP truy xuất nguồn gốc và kiểm soát chất lượng thực phẩm an toàn. Xin ông cho biết việc ứng dụng này sẽ giúp gì trong sản xuất RAT của Hà Nội?

- Sử dụng tem thông minh DAA STAMP sẽ giúp cơ quan chức năng kiểm soát chất lượng đầu vào của chuỗi sản xuất như: Phân bón, giống, thuốc bảo vệ thực vật. Người tiêu dùng hoàn toàn dễ dàng biết nguồn gốc thực phẩm mình lựa chọn và giúp DN không bị đánh đồng sản phẩm chất lượng cao với sản phẩm trôi nổi trên thị trường. Cùng với việc tích cực truy xuất nguồn gốc nông sản, với lực lượng DN hùng hậu, chuyên nghiệp tham gia vào liên kết chuỗi và ứng dụng truy xuất nguồn gốc trên công nghệ mới sẽ là những tín hiệu tích cực cho nền CNNN của Hà Nội.

- Trân trọng cảm ơn ông về cuộc trao đổi!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Gỡ “nút thắt”, hướng tới nền công nghiệp nông nghiệp ở Hà Nội

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.