Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tết trồng cây góp phần hiện thực hóa mục tiêu trồng mới 1 triệu cây xanh

Bạch Thanh - Nguyễn Mai thực hiện| 12/02/2017 07:19

(HNM) - Đã thành truyền thống, hằng năm cứ mùa xuân về là nhân dân Thủ đô lại nô nức tham gia Tết trồng cây. Sau mỗi dịp như vậy, có thêm hàng vạn cây xanh được trồng mới, góp phần điều hòa khí hậu và tô đẹp thêm cảnh quan đô thị, làng xóm.

Giám đốc Sở NN&PTNT TP Hà Nội Chu Phú Mỹ.


TP Hà Nội đặt mục tiêu trong giai đoạn 2016-2020 sẽ trồng mới thêm 1 triệu cây xanh và Tết trồng cây năm 2017 là hành động thiết thực góp phần vào kế hoạch trên. Báo Hànộimới đã có cuộc trao đổi với Giám đốc Sở NN&PTNT TP Hà Nội Chu Phú Mỹ xung quanh vấn đề này.

Gieo những mầm xanh

- Cứ mỗi độ xuân về, nhân dân Thủ đô lại tham gia “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ”. Xin ông cho biết ý nghĩa của hoạt động này?

- Tết trồng cây mở đầu cho năm sản xuất mới, tạo ra phong trào trồng cây gây rừng và chăm sóc, bảo vệ rừng; đem lại những lợi ích thiết thực về kinh tế, xã hội và môi trường. Tết trồng cây nhắc nhở chúng ta ý thức gìn giữ môi trường sinh thái, làm cho Thủ đô ngày càng xanh, sạch, đẹp hơn. Điều kiện khí hậu, thời tiết, đất đai, nguồn nước… tại Hà Nội đã có thay đổi rất nhiều, do đó, thành phố đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục về mục đích của Tết trồng cây gắn với cảnh quan đô thị có vai trò quan trọng. Sau mỗi Tết trồng cây, thành phố có thêm nhiều cây xanh, mang lại lợi ích nhiều mặt, ngoài chức năng trang trí để làm tăng thêm vẻ đẹp thẩm mỹ, cây xanh đô thị còn góp phần điều hòa khí hậu.

- Thực hiện Tết trồng cây do Bác Hồ khởi xướng, Hà Nội đã đạt được những kết quả nổi bật gì, thưa ông?

- Đi đôi với trồng rừng, cải tạo vườn tạp, trồng cây ở công viên, vỉa hè, cây dưới đường sắt trên cao cũng như trên dải phân cách đã tạo ra những không gian xanh, điểm nhấn cho cảnh quan thành phố. Tại các địa phương, nhân dân tích cực trồng các loại cây xanh, bóng mát, hoa cây cảnh làm đẹp làng, phố; trồng cây ở đình, chùa, di tích lịch sử, nhà văn hóa… Trên mỗi cây xanh đó, hoặc trong hương ước của các làng đều ghi rõ ngày trồng, người trồng cây…

Một tín hiệu đáng mừng, công tác xã hội hóa trồng cây xanh lan tỏa ngày càng sâu rộng. Đã có nhiều người dân tự bỏ tiền ra trồng cây xanh ở nơi công cộng, công trình tín ngưỡng và coi đây là một việc làm thiện, gieo hạnh phúc cho đời sau. Ngoài ra, các địa phương chủ động mua cây xanh và tổ chức thực hiện Tết trồng cây theo phương châm không phô trương hình thức, bảo đảm thiết thực, tiết kiệm, hiệu quả. Năm 2016, toàn thành phố đã trồng được hàng trăm nghìn cây xanh là cây bóng mát và cây đường phố...

- Vấn đề đặt ra không phải là số lượng cây trồng được mà làm sao để duy trì tỷ lệ cây xanh sống cao. Là cơ quan chuyên môn, ngành Nông nghiệp đã có đề xuất gì để cung cấp đủ nguồn cây giống chất lượng?

- Chúng tôi đã hướng dẫn địa phương có rừng trồng cây thông, keo, lát hoa, sấu, trám, sao đen, de, mỡ, chiêu liêu; đô thị trồng cây muồng, sấu, phượng vĩ, bằng lăng, long não, sữa, bàng lá nhỏ; với cây ăn quả: Trồng bưởi, nhãn, cam, xoài, táo. Cơ quan chuyên môn ngành Nông nghiệp hướng dẫn kỹ thuật, đất đai, cây trồng phù hợp với từng địa bàn và cung cấp cây giống để các quận, huyện, thị xã, cơ quan, đơn vị có nhu cầu cây liên hệ.

Thực hiện chỉ đạo của thành phố, ngành Nông nghiệp rà soát diện tích đất lâm nghiệp chưa có rừng trên địa bàn thành phố để xây dựng vườn ươm cây xanh đô thị. Qua đó, chủ động nguồn cung ứng cho phát triển cây xanh đô thị và trồng rừng sinh thái trên địa bàn thành phố. Đặc biệt, cây xanh từ các vườn ươm này giảm giá chỉ bằng 50% so với giá trên thị trường. Không chỉ vậy, vườn ươm còn giúp cải tạo đất đai, tăng độ màu mỡ của đất, tăng cường đa dạng sinh học, góp phần phủ xanh diện tích đất chưa có rừng, tránh xói mòn, hoang hóa đất...

Thêm cảnh đẹp ở mỗi làng quê

- Như ông đã trao đổi, nhờ trồng cây xanh, ngoại thành trở thành những miền quê đáng sống?

- Trồng cây đầu năm là việc làm ý nghĩa. Nông dân ngoại thành quan niệm trồng cây đầu năm là thể hiện sự kính trọng với trời đất để cầu mong một năm mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu. Nhờ tích cực trồng cây, ngoại thành Hà Nội đã hình thành nhiều vùng chuyên canh tập trung trồng hoa, cây cảnh, cây ăn quả và cây bóng mát trong khu dân cư. Đáng nói, nhờ tiến bộ khoa học kỹ thuật, nhiều giống cây trồng mới năng suất, chất lượng cao được đưa vào trồng, góp phần cải tạo vườn tạp trong nông hộ, mở rộng mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Ước tính, mỗi năm, thành phố có thêm khoảng 500ha cây ăn quả các loại. TP Hà Nội đã mở rộng diện tích trồng cây ăn quả đặc sản được 16.400ha. Ở nhiều địa phương đã gắn trồng cây với phong trào xây dựng nông thôn mới (NTM), nhờ vậy hàng triệu cây xanh, cây ăn quả được trồng trên các tuyến đường làng, ngõ xóm, trường học, trạm y tế, nhà văn hóa, khu vui chơi công cộng… đã tô thêm cảnh đẹp ở mỗi làng quê.

- Trong tình hình biến đổi khí hậu gia tăng và sản xuất nông nghiệp dễ bị tổn thương nhất, trồng cây càng có ý nghĩa. Theo ông, trong thời gian tới việc xây dựng NTM ở Hà Nội có nên đưa tiêu chí xanh, sạch, đẹp để tạo sự đột phá?

- Đây là việc làm cần thiết để nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Cùng với việc huy động các nguồn lực xã hội, các địa phương nên bố trí kinh phí, giao trách nhiệm cho Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể, HTX trồng và chăm sóc cây xanh để tạo sức lan tỏa sâu rộng. Việc trồng cây xanh nên thực hiện từ làng ra đồng. Các tuyến đường giao thông nội đồng lớn cũng phải lựa chọn cây trồng phù hợp, vừa tạo cảnh quan, vừa tạo bóng mát, chỗ nghỉ ngơi cho người dân đi làm đồng, lại che chắn gió cho lúa và hoa màu mỗi khi gió lớn. Tiêu chí xanh, sạch, đẹp trong xây dựng nông thôn mới sẽ là động lực lớn thúc đẩy Tết trồng cây ở mỗi địa phương.

- Ông có thể dẫn chứng một vài địa phương thực hiện tốt việc làm trên?

- Hiện khu vực ngoại thành đã xuất hiện nhiều làng quê xanh, sạch, đẹp. Ví như xã Tứ Hiệp, huyện Thanh Trì. Sau khi hoàn thành xây dựng NTM, Tứ Hiệp đã xây dựng được nhiều tuyến đường liên xã, liên thôn. Trên các tuyến đường, cây xanh được trồng, bảo vệ và chăm sóc cẩn thận. Không chỉ cây bóng mát, dưới tán cây, người dân trồng các loại hoa theo mùa như: Mười giờ, sống đời, cúc… có độ bền cao, không cầu kỳ trong chăm bón nhưng lại tô đẹp cho làng xóm. Hay như xã Hồng Vân, huyện Thường Tín, các tuyến đường lớn trong xã đều được phủ kín cây xanh đồng nhất. Đến mùa, con đường dẫn vào các làng ở xã Hồng Vân rợp bóng bằng lăng, phượng vĩ, hoàng yến…

- Nhiều người trăn trở, Hà Nội đất chật người đông, khó tránh khỏi một vài làng quê mất dần đi vẻ đẹp vốn có của làng quê Bắc Bộ với cây đa, bờ dậu… Ông nghĩ sao về nhận định này?

- Đô thị hóa, nông thôn thay đổi là điều không tránh khỏi. Vấn đề là mỗi người dân, mỗi cấp ủy, chính quyền địa phương cần hành động để trả lại màu xanh vốn có cho nông thôn, mỗi miền quê trở thành miền quê đáng sống. Trồng cây xanh là việc làm hết sức cần thiết. Nếu như đường làng ngõ xóm quá chật hẹp, không thể trồng cây xanh thì đẩy mạnh trồng trên các tuyến đường mới mở, trồng cây xanh trên đường giao thông nội đồng, khu di tích lịch sử, nhà văn hóa… Làm được điều đó, tôi tin dù có đô thị hóa, đất chật người đông, màu xanh làng quê vẫn hiện hữu.

Hướng tới đô thị xanh

- Trồng cây không chỉ bảo vệ môi trường, mà còn bảo vệ chính sự sống của mỗi người dân đô thị. Thông điệp rất rõ, nhưng để thực hiện không phải là dễ. Ông có nghĩ như vậy không?

- Thực tiễn cho thấy, khu vực nông thôn có không gian rộng, việc trồng cây khá thuận lợi. Với nội thành, địa điểm trồng cây tốt nhất ở trong các trường học, công sở, trong khu đô thị mới, đặc biệt lựa chọn cây trồng phù hợp trên các tuyến phố để tạo cảnh quan xanh, sạch, đẹp. Trồng cây phải chăm sóc, với phương châm “Trồng cây nào sống tốt cây đó”. Việc duy trì tỷ lệ cây xanh sống cao sau khi trồng đòi hỏi phải có sự chung tay, góp sức của cả xã hội và công tác tuyên truyền, giáo dục trong các cơ quan, đơn vị, đặc biệt là các trường học nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm của mỗi người dân. Hà Nội khuyến khích các hộ gia đình, cá nhân trồng cây xanh, cây cảnh, trang trí hoa trong khuôn viên nhà mình. Đặc biệt, các mẫu nhà “xanh” bảo vệ môi trường cần được tuyên truyền rộng rãi để người dân tham khảo lựa chọn.

- Vậy theo ông cần làm gì để kêu gọi mọi người, mọi nhà, mọi đoàn thể, địa phương tích cực thi đua trồng, chăm sóc cây xanh hoàn thành mục tiêu trong giai đoạn 2016-2020 trồng mới 1 triệu cây xanh thành phố đề ra?

- Tết trồng cây đã trở thành phong trào sâu rộng trong toàn dân nhưng đâu đó vẫn còn tình trạng tổ chức, đơn vị tham gia theo kiểu đối phó. Nghĩa là trồng cây xong mà không chăm sóc khiến cây còi cọc, thậm chí chết dần, chết mòn nên rất lãng phí, lại mất mỹ quan đô thị. Để trở thành hành động ý nghĩa và thiết thực, công tác tuyên truyền, giáo dục về mục đích, ý nghĩa của việc trồng cây xanh đóng vai trò quan trọng. Thực tiễn cho thấy, nơi nào vận động tốt, nơi đó môi trường ngày càng xanh, sạch, đẹp. Vì vậy trồng cây phải gắn với trách nhiệm quản lý, bảo vệ của mỗi cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, cá nhân để bảo đảm tỷ lệ cây sống cao là việc làm cần thiết; đồng thời tập trung chăm sóc số cây đã trồng từ những năm trước để cây trồng sinh trưởng tốt...

- Trân trọng cảm ơn ông về cuộc trao đổi!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tết trồng cây góp phần hiện thực hóa mục tiêu trồng mới 1 triệu cây xanh

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.