Theo dõi Báo Hànộimới trên

Kiến thức trong đầu, đạo đức trong tim

Mai Hoa thực hiện| 18/06/2017 07:04

(HNM) - Đúng dịp kỷ niệm 92 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2017), tối 21-6, lễ trao Giải Báo chí quốc gia lần thứ XI - năm 2016 sẽ được tổ chức trọng thể tại Cung Văn hóa lao động hữu nghị Việt - Xô.

Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Hồ Quang Lợi.


Chất lượng báo chí được thể hiện thế nào qua kỳ giải này? Cần làm gì để tiếp tục nâng cao vai trò của báo chí, trách nhiệm xã hội của nhà báo, tăng cường tính định hướng của báo chí trong áp lực của thời đại công nghệ số? Nhà báo Hồ Quang Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Giải Báo chí quốc gia lần thứ XI đã có cuộc trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới về các vấn đề này.

Báo chí luôn ở tuyến đầu

- Nhà báo đánh giá thế nào về chất lượng tác phẩm dự thi Giải Báo chí quốc gia lần thứ XI?

- Hội đồng Giải Báo chí quốc gia lần thứ XI - năm 2016 đã làm việc khoa học và công tâm, quyết định chọn 95 tác phẩm tiêu biểu nhất để trao giải từ khuyến khích đến giải A. Có thể thấy, qua giải lần này, báo chí vẫn luôn bám sát tình hình đất nước trên tất cả các lĩnh vực, phản ánh kịp thời và sinh động các sự kiện, nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm cũng như nhiệm vụ đột xuất. Nhiều tác phẩm báo chí xuất sắc trong phát hiện vấn đề, phân tích, kiến giải, đề ra những biện pháp xử lý. Các tác phẩm đoạt giải thực sự là những tác phẩm tiêu biểu, thể hiện phẩm chất dấn thân, bản lĩnh chính trị, trình độ năng lực nghiệp vụ vững vàng và sự sáng tạo của nhà báo.

- Tinh thần đổi mới thể hiện như thế nào qua các tác phẩm báo chí, thưa nhà báo?

- Chủ đề tập trung nhất trong nhiều tác phẩm dự giải năm nay chính là việc triển khai thực hiện Nghị quyết XII của Đảng và các công việc theo tinh thần “Quốc gia khởi nghiệp, Chính phủ kiến tạo phát triển”, thể hiện sức sống của một đất nước tràn đầy sinh lực, đang đổi mới mạnh mẽ. Các loạt bài đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực cho thấy tinh thần dấn thân, lòng quả cảm của nhà báo, sự tinh thông, sắc sảo trong nghiệp vụ, góp phần tích cực tạo những chuyển biến mới đáng khích lệ trong xã hội.

Các tác phẩm báo chí xuất sắc năm nay đã góp phần làm đẹp thêm hình ảnh đất nước, tăng cường vị thế Việt Nam trong quá trình hội nhập. Mặc dù thông tin trên mạng xã hội có thể lan tràn, nhưng người dân vẫn nhìn thấy báo chí có vai trò đặc biệt quan trọng, là một lực lượng thiết yếu với xã hội, góp phần quyết định xây dựng môi trường thông tin lành mạnh để phục vụ công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.

- Qua mỗi kỳ giải có thể phần nào đánh giá diện mạo, xu hướng của báo chí hiện đại, nhà báo suy nghĩ gì về điều này?

- Thứ nhất, có thể thấy xu hướng sử dụng công nghệ trong xây dựng tòa soạn hội tụ, cơ quan báo chí đa phương tiện. Thứ hai, khoảng cách chất lượng giữa báo chí trung ương và địa phương đã và đang ngày càng thu hẹp, số tác phẩm đoạt giải của các cơ quan báo chí địa phương là 48 trong tổng số 95 tác phẩm, chiếm hơn 50%. Đó là dấu hiệu rất đáng mừng.

Đề cao đạo đức nghề nghiệp trong thời công nghệ số

- Thưa nhà báo, trải qua 92 năm xây dựng và trưởng thành, Báo chí Cách mạng Việt Nam đã xây dựng được một đội ngũ làm nghề chính trực, phấn đấu quên mình vì lợi ích của đất nước, vì nhân dân. Bên cạnh đó cũng tồn tại một bộ phận người làm báo đã có những sai phạm cả về luật pháp và đạo đức nghề nghiệp. Nhà báo có nghĩ đây thực sự là một vấn đề "nóng" hiện nay?

- Số người làm báo có sai phạm thực ra rất nhỏ so với đội ngũ hơn 20 nghìn hội viên Hội Nhà báo Việt Nam, nhưng tác hại lại rất nghiêm trọng, làm tổn hại lợi ích của cộng đồng xã hội, làm tổn thương danh dự và lòng tự trọng của những người làm báo chính trực. Chính vì vậy, Hội Nhà báo Việt Nam, qua thảo luận từ các cấp hội, đã ban hành 10 điều Quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam, trong đó có nêu rõ trách nhiệm của những người làm báo Việt Nam là phải vì đất nước, vì nhân dân, vì một nền báo chí vừa có tính chiến đấu, vừa có tính nhân văn, tôn trọng con người, vì con người. Những người làm báo phải khách quan, công tâm, chính trực, bảo vệ công lý và lẽ phải, làm nghề vì những điều tốt đẹp trong cuộc sống, không vì mục đích vụ lợi cá nhân mà "bẻ cong" ngòi bút.

- 10 điều quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam cùng với Luật Báo chí 2016 đã tạo nên hành lang pháp lý rất cần thiết trong hành trang của mỗi người làm báo...?

- Thực vậy! Kiến thức ở trong đầu, đạo đức ở trong tim, mỗi nhà báo cần thấm nhuần 10 điều quy định đạo đức nghề nghiệp, đồng thời phải hiểu rõ, nắm thật chắc Luật Báo chí 2016 để phát huy tinh thần trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân của mình, góp phần xây dựng một nền báo chí cách mạng dân chủ, nhân văn, chuyên nghiệp và hiện đại, vì lợi ích của đất nước và nhân dân.

- Sự phát triển mạnh mẽ của thông tin thời công nghệ số, cùng sự phát triển chưa được kiểm soát của mạng xã hội, vừa tạo ra cơ hội lớn, vừa tạo ra vô vàn khó khăn và sức ép rất mạnh đối với báo chí. Bối cảnh đó càng khiến phải đề cao đạo đức nghề nghiệp người làm báo?

- Trong lúc thông tin không được kiểm chứng tràn lan trên mạng xã hội, thì báo chí càng phải phát huy vai trò và trách nhiệm của mình. Báo chí chỉ có thể thực hiện tốt nhiệm vụ đó khi tạo được niềm tin đối với xã hội bằng việc cung cấp cho xã hội những thông tin chính xác, kịp thời, bổ ích, vì lợi ích đất nước và nhân dân.

Trong thời đại công nghệ số, đạo đức nghề nghiệp đòi hỏi khi nhà báo tham gia mạng xã hội cần có tinh thần trách nhiệm và sự chuẩn mực. Khi nhà báo tiếp cận thông tin trên mạng xã hội, cần kiểm chứng cẩn thận để đưa thông tin chính xác, kịp thời, bảo đảm tính xây dựng và tính tin cậy của báo chí.

- Trong bối cảnh đó, yêu cầu cụ thể đặt ra với nhà báo hiện đại là gì, thưa nhà báo?

- Như đã chia sẻ, dù bị mạng xã hội tạo sức ép về tốc độ truyền tin, nhưng báo chí vẫn phải đặc biệt đề cao tính chính xác, không để mạng xã hội dẫn dắt và đưa tin không được kiểm chứng. Người làm báo cần nghiêm túc và hết sức trách nhiệm trong làm nghề, khai thác thông tin vừa đa diện, vừa có chiều sâu, tạo nên luồng thông tin tích cực nổi trội, bảo đảm quyền được thông tin chính xác của xã hội.

Khi đó, tôi tin báo chí vẫn luôn giữ vai trò không thể thay thế đối với xã hội. Chúng ta cần nhận diện được đầy đủ các thách thức và có biện pháp vượt qua các thách thức đó, làm chủ mặt trận thông tin, xây dựng xã hội thông tin lành mạnh theo xu hướng tích hợp thông tin - tòa soạn hội tụ - phát triển tập đoàn báo chí đa phương tiện và tăng cường tính liên kết trực tuyến. Nói cách khác, các cơ quan báo chí phải nỗ lực đổi mới hơn nữa, không ngừng nâng cao chất lượng các ấn phẩm báo chí.

Ngòi bút chính trực, nhân văn

- Nhiều nhà báo cho rằng, trước khi thực hiện những điều lớn lao họ phải sống được mới có thể tiếp tục làm nghề. Thế nên đã có những hành vi không đúng mực, nhà báo đánh giá như thế nào về điều này?

- Có những cơ quan báo chí, thu nhập, đời sống người làm báo tương đối tốt so mức độ chung của xã hội, nhưng số đó còn ít. Trong khi đó, ở nhiều cơ quan báo chí, đời sống anh em rất vất vả. Thậm chí, nhiều cơ quan báo chí còn nợ lương, nợ nhuận bút, nợ tiền công in. Đối với những trường hợp như vậy, áp lực với ban lãnh đạo cơ quan báo chí đó rất nặng. Đôi khi vì vấn đề cơm áo, họ “buông ra” để phóng viên tự lo cuộc sống. Điều đó rất nguy hiểm, như thế sẽ có người bị hút vào các hoạt động không minh bạch, dẫn tới làm nghề không khách quan. Thậm chí ngòi bút có thể bị bẻ cong, bị lợi dụng, đưa ra xã hội những thông tin sai lệch, làm sai bản chất sự việc.

Còn hiện tượng nữa cũng khá phổ biến, đó là nhiều cơ quan báo chí khoán quảng cáo, phát hành cho phóng viên. Khoán quảng cáo, phát hành cho người làm phát hành, quảng cáo là chuyện bình thường. Nhưng do “túng bấn” quá, có tòa soạn thường giao việc kết hợp viết bài với xin quảng cáo để tận dụng uy lực ngòi bút phóng viên. Nếu để thực tế này tiếp diễn, chắc chắn sẽ làm ảnh hưởng đến tính khách quan, tư thế của người làm báo.

- Theo nhà báo, phải làm gì để không bị cuốn theo vật chất tầm thường, thực hiện khát vọng làm nghề?

- Nghề báo là một trong những nghề đặc biệt, được xã hội tôn trọng, cao hơn nữa là quý trọng, đây là điều hết sức có ý nghĩa. Tôi cho rằng, cuộc sống không bao giờ hết khó khăn, nhưng nếu mình bỏ qua nguyên tắc hành nghề thì có thể nói mình đang phá bỏ nền tảng đứng chân để làm nghề. Trong bất cứ trường hợp nào, người làm báo vẫn phải đủ tỉnh táo để vượt mọi cám dỗ, mọi lôi kéo để giữ ngòi bút ngay thẳng. Không vin vào việc đời sống quá khó khăn để bào chữa, bao biện cho những việc làm sai.

Khi có sai phạm, không nên đổ mọi lỗi lầm cho người làm báo, mà cơ quan báo chí cũng có trách nhiệm. Môi trường nào tạo ra con người ấy và sản phẩm báo chí tương ứng. Người đứng đầu, lãnh đạo tờ báo rất quan trọng, phải mẫu mực về nghề, chính họ sẽ tạo ra môi trường nghiệp vụ hoặc lành mạnh, hoặc không lành mạnh, từ đó tác động đến hành xử của phóng viên. Trong cơ quan báo chí, người đứng đầu nghiêm cẩn, làm việc đúng đắn thì sẽ không có chỗ dung dưỡng cho các thói hư tật xấu, hành vi làm nghề sai trái. Nếu môi trường lộn xộn, nền nếp kỷ cương xộc xệch, bản thân lãnh đạo không gương mẫu, thì đây là nơi khởi nguồn, phát sinh những hành vi tiêu cực.

- Hội Nhà báo Việt Nam đã và đang phát huy vai trò của mình thế nào, thưa nhà báo?

- Hội đã thể hiện tốt vai trò trong việc nâng cao trình độ chính trị, chuyên môn nghiệp vụ và đạo đức nghề nghiệp cho người làm báo Việt Nam. Hội là trung tâm hội tụ, đoàn kết, bảo vệ lợi ích và hành nghề hợp pháp của hội viên, xứng đáng là "ngôi nhà chung" của hơn 20 nghìn hội viên, nhà báo trong cả nước. Hoạt động nghiệp vụ là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt của Hội. Bên cạnh Giải Báo chí quốc gia danh giá, Hội còn phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan, đoàn thể ở trung ương và các địa phương tổ chức nhiều giải báo chí mang tính chất toàn quốc. Hội sẽ tiếp tục góp sức nâng cao kỹ năng tác nghiệp cho nhà báo, bảo đảm tính đúng đắn, tránh những rủi ro cho nhà báo trong quá trình tác nghiệp, đáp ứng yêu cầu làm báo hiện đại của thời công nghệ số.

Thời gian gần đây, liên tiếp xảy ra các vụ cản trở, đe dọa, hành hung, hủy hoại phương tiện nghiệp vụ của nhà báo tác nghiệp đúng pháp luật, Hội đã nhanh chóng vào cuộc, thể hiện mạnh mẽ thái độ bảo vệ nhà báo và yêu cầu các cơ quan chức năng xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm.

- Trân trọng cảm ơn nhà báo đã dành thời gian trao đổi!

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Kiến thức trong đầu, đạo đức trong tim

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.