Theo dõi Báo Hànộimới trên

Người đứng đầu cơ quan báo chí phải nêu gương đạo đức nghề nghiệp

Việt Nga| 06/08/2017 06:21

(HNM) - Dự thảo Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực báo chí, xuất bản (thay thế Nghị định số 159/2013/NĐ-CP hiện hành) đang được Bộ Thông tin và Truyền thông hoàn thiện để trình Chính phủ được kỳ vọng sẽ góp phần tạo ra môi trường lành mạnh cho hoạt động báo chí.

Ông Lưu Đình Phúc.


Không để “con sâu làm rầu nồi canh”

- Ông đánh giá thế nào về hoạt động của các cơ quan báo chí và đội ngũ những người làm báo những năm qua?


- Cả nước hiện có 859 cơ quan báo in, 135 cơ quan báo điện tử, với hơn 18.000 nhà báo được cấp thẻ. Những năm qua, báo chí đã có bước phát triển mạnh mẽ cả về số lượng và chất lượng. Nhân lực trong lĩnh vực báo chí tăng nhanh, từ 31.000 người năm 2010 lên gần 40.000 người năm 2016, tốc độ tăng trung bình khoảng 6,5%/năm. Chúng ta tự hào vì báo chí đã có sự đổi mới sâu, rộng cả về nội dung, hình thức, đáp ứng nhu cầu thông tin, thực sự là diễn đàn tin cậy của nhân dân.

Ngoài gương điển hình tiên tiến, nhân tố mới được biểu dương kịp thời, báo chí cũng đã dũng cảm, đưa ra ánh sáng nhiều vụ việc tiêu cực, tham nhũng, vi phạm dân chủ cơ sở, thói quan liêu, hách dịch, cửa quyền của một bộ phận cán bộ, công chức... góp phần xây dựng một nền hành chính công khai, minh bạch, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh. Qua đó, báo chí cũng tích cực giám sát, phản biện xã hội, góp phần quan trọng ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong đội ngũ cán bộ, đảng viên...

Tuy nhiên, có không ít cơ quan báo chí xa rời tôn chỉ, mục đích, vi phạm pháp luật về báo chí; một bộ phận cơ quan báo chí, nhà báo mắc sai phạm nghiêm trọng bị đình bản, thu hồi thẻ nhà báo. Rất đáng lo ngại khi báo chí bị coi là phương tiện để kiếm tiền, xem nhẹ chức năng định hướng, giáo dục, làm mất đi tính nhân văn, mất đi niềm tin của công chúng. Khi báo chí chính thống đánh mất niềm tin của công chúng thì hậu quả sẽ khôn lường.

- Phải chăng ông muốn nhắc đến hiện tượng “đánh hội đồng”, “sáng đăng, trưa gặp, chiều gỡ” của một nhóm phóng viên, lãnh đạo cơ quan báo chí mà dư luận đặt vấn đề thời gian qua?

- Vấn đề đó không còn là hiện tượng, thực tế đã có nhiều vụ việc cơ quan quản lý nhà nước về báo chí, cơ quan công an đã xử lý. Điều đáng quan tâm là nguyên nhân của tình trạng trên từ đâu và phải có giải pháp gì để phòng ngừa, hạn chế, không để “con sâu làm rầu nồi canh”, lấy lại niềm tin của công chúng.

- Vậy cơ quan quản lý nhà nước đã có biện pháp xử lý như thế nào?

- Tôi cho rằng, biện pháp xử phạt vi phạm chỉ là giải quyết tình huống, kể cả với chế tài xử phạt rất nặng, mang tính răn đe cao, vẫn chưa đủ để giải quyết triệt để những tồn tại đó. Hệ thống pháp luật về báo chí đang ngày càng hoàn thiện, điều chỉnh kịp thời những vấn đề nảy sinh trong thực tiễn đời sống báo chí, xã hội. Báo chí đang bị giám sát rất chặt chẽ bởi công luận. Do vậy, nắm bắt thông tin tốt từ công luận, từ người dân sẽ giúp cho cơ quan quản lý kịp thời xử lý hiện tượng tiêu cực trong đời sống báo chí. Phải kiên quyết loại bỏ những suy thoái về tư tưởng, đạo đức trong đội ngũ nhà báo.

Ngoài các biện pháp hành chính thì cần coi trọng biện pháp giáo dục. Vấn đề là ở chính những người làm báo, nhất là tổng biên tập, phải nêu gương đạo đức nghề nghiệp, không bị cám dỗ bởi vật chất, phải nghiêm khắc xử lý, không bao che, dung túng cho cái sai của cấp dưới.

Thêm chế tài, tăng mức xử phạt

- Chúng ta có số lượng các cơ quan báo chí và đội ngũ người làm báo đông đảo. Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, phát hành báo giảm sút, quảng cáo báo chí “co” lại trước mạng xã hội…, vậy tại sao chúng ta vẫn tiếp tục cấp phép thành lập mới cơ quan báo chí?

- Chúng ta không thể phủ nhận sự tác động của truyền thông xã hội tới báo chí chính thống. Người dân bây giờ có nhiều lựa chọn món ăn tinh thần cho mình và dễ dàng hơn nhiều trong tiếp cận thông tin. Sự cạnh tranh giữa các báo với nhau và giữa báo chí với truyền thông xã hội là một thực tế.

Việc các cơ quan báo chí được thành lập dựa trên nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của các cơ quan, tổ chức, quy định tại Điều 14, Luật Báo chí. Vấn đề là phải tăng cường công tác quản lý nhà nước để cơ quan báo chí thực hiện tốt chức năng thông tin, nâng cao chất lượng nội dung.

- Đó có phải là lý do để Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng và trình Chính phủ ban hành Nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực báo chí, xuất bản thay thế cho Nghị định số 159 hiện nay?

- Luật Báo chí năm 2016 có hiệu lực từ ngày 1-1-2017, có nhiều hành vi mới bị điều chỉnh. Vì vậy, Nghị định số 159 sẽ được thay thế bằng một nghị định mới có đầy đủ chế tài xử phạt đối với các hành vi vi phạm Luật Báo chí năm 2016.

- Những điểm mới của Dự thảo nghị định là gì, thưa ông?

- Về lĩnh vực báo chí, Nghị định số 159 quy định mức phạt tiền cụ thể với cá nhân. Còn mức phạt đối với tổ chức bằng hai lần mức tiền phạt đối với cá nhân cùng hành vi vi phạm. Tuy nhiên, việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực báo chí, xuất bản chủ yếu đối với tổ chức. Do đó, một thay đổi cơ bản trong dự thảo nghị định mới là đưa ra các mức tiền phạt cụ thể áp dụng với tổ chức, còn cá nhân chịu mức phạt bằng một nửa mức tiền phạt tổ chức cùng hành vi vi phạm.

Dự thảo nghị định mới bổ sung một số chế tài, cụ thể hóa hành vi bị cấm trong Luật Báo chí năm 2016. Đó là: Gây hằn thù, kỳ thị, chia rẽ, ly khai dân tộc, xâm phạm quyền bình đẳng trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam; gây chia rẽ người theo tôn giáo với người không theo tôn giáo, giữa người theo các tôn giáo khác nhau, chia rẽ các tín đồ tôn giáo với chính quyền nhân dân, với tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội; xúc phạm niềm tin tín ngưỡng, tôn giáo; thông tin quy kết tội danh khi chưa có bản án của tòa án; thông tin ảnh hưởng đến sự phát triển bình thường về thể chất và tinh thần của trẻ em…

Một số hành vi ở dự thảo nghị định mới tăng mức phạt so với Nghị định số 159 như: Lợi dụng tư cách nhà báo, phóng viên để trục lợi; không nêu rõ xuất xứ nguồn tin khi đăng, phát trên báo chí; không ghi rõ họ tên thật hoặc bút danh của tác giả, nhóm tác giả khi sử dụng để đăng, phát trên báo chí… Đáng chú ý nữa là thời gian tước quyền sử dụng giấy phép tối đa lên đến 12 tháng, thay vì 3 tháng như quy định hiện hành.

- Trong dự thảo này có quy định xử phạt nặng sai phạm của cơ quan báo chí, tại sao phải như vậy?

- Thực tế, Cục Báo chí nhận thấy, một số chế tài không theo kịp sự phát triển của hoạt động báo chí, còn gặp nhiều bất cập, hạn chế. Một số hành vi phải tăng mức xử phạt để bảo đảm tính răn đe và phù hợp với tính chất, mức độ vi phạm. Mức phạt tối đa trong lĩnh vực báo chí là 100 triệu đồng đối với cá nhân, 200 triệu đồng đối với tổ chức như dự thảo còn để bảo đảm phù hợp với quy định tại Luật Xử lý vi phạm hành chính.

- Các trang thông tin điện tử tổng hợp được ví là “cánh tay nối dài” của báo chí. Song bên cạnh mặt tích cực, đây lại là nơi xảy ra nhiều vi phạm nhức nhối, từ chuyện bản quyền, đến thông tin giả, không đúng sự thật… Vậy trong dự thảo có quy định đối với trang thông tin điện tử?

- Trang thông tin điện tử tổng hợp là sản phẩm thông tin có tính chất báo chí, đã được quy định cụ thể trong Luật Báo chí năm 2016. Trong dự thảo nghị định mới dành một điều quy định chế tài đối với những hành vi vi phạm của trang thông tin điện tử tổng hợp.

- Tăng mức phạt đối với một số hành vi như không ghi rõ họ tên hoặc bút danh của tác giả; đăng, phát ảnh của cá nhân mà không được sự đồng ý của người đó… liệu có gây cản trở cho tác nghiệp báo chí?

- Các quy định về tên tác giả đã có trong Nghị định số 159. Việc quy định chế tài nhằm gắn trách nhiệm của cơ quan báo chí đối với nội dung thông tin, tránh tình trạng đăng tin, bài của cộng tác viên hay bạn đọc nhưng khi có vấn đề thì không biết rõ tác giả là ai.

Đối với quy định xử phạt khi đăng, phát ảnh của cá nhân mà không được sự đồng ý của người đó là hoàn toàn phù hợp với Hiến pháp năm 2013 và Bộ luật Dân sự năm 2015, nhằm bảo vệ quyền nhân thân đối với hình ảnh cá nhân, xử lý và hạn chế sự xâm hại hình ảnh cá nhân của cơ quan báo chí.

Bên cạnh đó, cần lưu ý “các trường hợp pháp luật có quy định khác”, như tại Điều 32, Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định, các trường hợp sử dụng hình ảnh không cần có sự đồng ý của người có hình ảnh hoặc người đại diện theo pháp luật của họ là: “Hình ảnh được sử dụng vì lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng; hình ảnh được sử dụng từ các hoạt động công cộng, bao gồm hội nghị, hội thảo, hoạt động thi đấu thể thao, biểu diễn nghệ thuật và hoạt động công cộng khác mà không làm tổn hại đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của người có hình ảnh”.

- Lâu nay, người dân, doanh nghiệp vẫn ngại các cơ quan báo chí, thậm chí kể cả khi báo chí đưa tin không chính xác, sai sự thật về mình mà không dám phản ứng. Vậy, làm thế nào để người dân, doanh nghiệp không còn ngại báo chí?

- Luật Báo chí đã quy định rõ, khi tổ chức, cá nhân có căn cứ cho rằng cơ quan báo chí thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín, danh dự, nhân phẩm hoặc gây hiểu nhầm làm ảnh hưởng đến uy tín, danh dự, nhân phẩm thì có quyền nêu ý kiến phản hồi bằng văn bản đến cơ quan báo chí, cơ quan chủ quản báo chí, cơ quan quản lý nhà nước về báo chí hoặc khởi kiện tại tòa án. Cơ quan báo chí có nghĩa vụ phải đăng, phát ý kiến phản hồi của tổ chức, cá nhân; trường hợp không nhất trí với ý kiến phản hồi, vẫn phải đăng, phát ý kiến phản hồi đó và có quyền thông tin tiếp để làm rõ quan điểm của mình.

Mỗi tổ chức, cá nhân cần dũng cảm đấu tranh với cái sai, phải biết tự bảo vệ mình khi có căn cứ khách quan. Đồng thời, các cơ quan báo chí cần đẩy mạnh tuyên truyền pháp luật về báo chí, nâng cao nhận thức của mỗi người dân trong xã hội.

- Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Người đứng đầu cơ quan báo chí phải nêu gương đạo đức nghề nghiệp

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.