Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cần chung tay đẩy lùi nạn bạo lực, xâm hại trẻ em

Minh Ngọc thực hiện| 17/12/2017 07:05

(HNM) - Luật Trẻ em và các quy định khác liên quan đã có hiệu lực thi hành, song, nhiều vụ bạo lực, xâm hại trẻ em vẫn xảy ra khiến dư luận lo lắng. Phóng viên Báo Hànộimới đã có cuộc trao đổi với ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ LĐ-TB&XH) xung quanh vấn đề này.

Ông Đặng Hoa Nam.


Báo động nạn bạo lực, xâm hại trẻ em

- Ông đánh giá thế nào về tình trạng bạo lực, xâm hại trẻ em ở nước ta hiện nay?

- Năm 1990, Việt Nam là quốc gia đầu tiên ở Châu Á và thứ hai trên thế giới phê chuẩn Công ước của Liên hợp quốc về quyền trẻ em mà không bảo lưu bất cứ điều, khoản nào. Từ đó tới nay, hệ thống pháp luật về thực thi quyền trẻ em ở nước ta liên tục được sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện. Điều đó cho thấy Nhà nước ta luôn dành sự quan tâm đặc biệt cho trẻ em và các vấn đề liên quan đến trẻ em.

Tuy đạt kết quả đáng ghi nhận trong chăm sóc, bảo vệ, giáo dục trẻ em nhưng tình trạng bạo lực, xâm hại trẻ em đang diễn biến ngày càng phức tạp. Thống kê của Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an) cho thấy, từ năm 2014 đến nay, mỗi năm cả nước xảy ra gần 2.000 vụ bạo lực, xâm hại trẻ em ở mức độ phải xử lý hình sự, thậm chí có những vụ nạn nhân mới vài tháng tuổi. Đáng lo ngại, đa số thủ phạm là họ hàng, người thân hoặc quen biết với nạn nhân.

Trên thực tế, số vụ bạo lực, xâm hại trẻ em có thể lớn hơn nhiều lần so với con số được công bố do nhiều vụ việc không bị phát hiện. Hiện nay, Nhà nước đã quy định cụ thể về trách nhiệm tố giác hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em với mọi cơ quan, tổ chức, cá nhân. Người tố giác và nạn nhân được giữ bí mật tuyệt đối về nhân thân, được pháp luật bảo vệ, nên thông tin tố cáo, tố giác về bạo lực, xâm hại trẻ em dự báo sẽ tăng trong thời gian tới.

- Ông có thể nói cụ thể hơn về nguyên nhân khiến người có trách nhiệm chăm sóc, bảo vệ trẻ em lại trở thành đối tượng xâm hại trẻ em nhiều nhất?

- Những vụ việc “nổi sóng” dư luận trong thời gian gần đây đều liên quan đến người thân, người quen. Chẳng hạn mới đây, cháu T.N.K ở phường Nghĩa Đô (quận Cầu Giấy) bị chính bố đẻ bạo hành suốt gần 2 năm. Vụ việc này chưa lắng xuống, thông tin về cháu T.D.N (9 tuổi, trú tại xã Vân Nội, huyện Đông Anh) bị bố đẻ bạo hành lại xuất hiện. Trước đó là vụ các cháu bé bị bảo mẫu cơ sở mầm non Mầm Xanh (TP Hồ Chí Minh) dọa nạt, đánh đập khiến cộng đồng phẫn uất…

Thực tế này chỉ có thể lý giải là nhiều người lớn, kể cả người có trách nhiệm trực tiếp chăm sóc trẻ em như bố, mẹ, ông, bà, người giúp việc, thầy cô giáo… còn thiếu hiểu biết pháp luật về bảo vệ trẻ em, thiếu kỹ năng ứng xử, giáo dục, chăm sóc trẻ em. Nguyên nhân khác là công tác phòng ngừa, đấu tranh chống các hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em trong một thời gian dài chưa được quan tâm đúng mức. Nguồn lực và các dịch vụ bảo vệ trẻ em còn thiếu và yếu.

Khung pháp lý phải đủ sức răn đe


- Vậy hệ thống pháp luật hiện hành đã có những quy định chặt chẽ nhằm nâng cao vai trò, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong chăm sóc, bảo vệ trẻ em chưa, thưa ông?

- Theo Luật Trẻ em (có hiệu lực từ ngày 1-6-2017), Nghị định 56/2017/NĐ-CP ngày 9-5-2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Trẻ em thì vai trò, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân về bảo vệ trẻ em được quy định rất rõ. Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ nếu nhận được ý kiến, nguyện vọng của trẻ em về những vấn đề tác động đến trẻ em thì phải tiếp nhận, xem xét và trả lời trực tiếp cho trẻ em. Bộ LĐ-TB&XH hướng dẫn, kiểm tra, thanh tra các hoạt động có sự tham gia của trẻ em. UBND các cấp quản lý, tạo điều kiện để trẻ em được tham gia các vấn đề liên quan. Nhà trường tạo điều kiện cho học sinh tham gia hoạt động xã hội phù hợp…

Đối với những vụ bạo lực, xâm hại trẻ em, tại Chỉ thị 18/CT-TTg ngày 16-5-2017 về tăng cường giải pháp phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Công an và Tòa án nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao rà soát toàn bộ hồ sơ tồn đọng, ưu tiên xử lý những vụ việc mới phát sinh. Chủ tịch UBND cấp tỉnh chịu trách nhiệm trước Thủ tướng về việc chậm trễ, không can thiệp, xử lý những vụ bạo lực, xâm hại trẻ em...

Có thể khẳng định, đến thời điểm này, khung pháp lý bảo vệ trẻ em tương đối đầy đủ, đủ sức răn đe với mọi hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em, đồng thời hỗ trợ, bảo vệ nạn nhân kịp thời.

- Luật đã quy định rõ trách nhiệm của chính quyền địa phương và các bên liên quan, nhưng qua một số vụ xâm hại trẻ em gần đây, có thể thấy cách giải quyết còn lúng túng. Ông nghĩ sao về thực trạng này?


- Trước khi Luật Trẻ em và Nghị định 56/2017/NĐ-CP được triển khai rộng rãi, hệ thống tư pháp và hệ thống trợ giúp xã hội chưa có sự phối hợp, hỗ trợ nhau trong quá trình điều tra, xử lý các vụ việc. Hiện nay, hai hệ thống đang phối hợp nhịp nhàng hơn, giải quyết vấn đề nhanh hơn, trẻ em được chăm sóc, hỗ trợ, bảo vệ tốt hơn.

Tuy nhiên, có lúc, có nơi, quy định mới về bảo vệ trẻ em chưa kịp đi vào cuộc sống. Hình thức trợ giúp trẻ em gần đây vẫn theo cách tiếp cận nhân đạo truyền thống như thăm hỏi, động viên, hỗ trợ tiền... Điều cần nhất là các cơ quan, tổ chức liên quan phải phân tích, đánh giá cụ thể nạn nhân và gia đình cần gì, từ đó chủ động đưa ra dịch vụ can thiệp, hỗ trợ phù hợp. Trong quá trình điều tra, xử lý vụ việc, các cơ quan chức năng phải thực hiện các biện pháp tư pháp thân thiện, bảo đảm lợi ích cho trẻ, tuyệt đối không xâm phạm quyền giữ bí mật đời tư của trẻ em.

Về mặt truyền thông, các cơ quan báo chí đã tích cực phản ánh, giám sát, phát hiện một số vụ việc, góp phần nâng cao nhận thức xã hội về bảo vệ trẻ em. Tuy vậy, tình trạng một số cơ quan truyền thông khai thác quá sâu diễn biến vụ việc, nhất là với nạn nhân bị xâm hại tình dục, cần được chấm dứt.

- Dường như dư luận vẫn có sự nhầm lẫn giữa việc bảo vệ quyền trẻ em với quyền được bảo vệ của trẻ em?


- Đúng vậy! Bảo vệ quyền trẻ em tức là làm sao để 25 quyền và nhóm quyền của trẻ em quy định trong Luật Trẻ em không bị vi phạm. Còn quyền được bảo vệ của trẻ em gồm những quyền được an toàn, không bị gây tổn hại cả về thể chất, tinh thần như: Quyền được sống chung, đoàn tụ, liên hệ, tiếp xúc với cha mẹ; quyền bí mật đời sống riêng tư; quyền được bảo vệ để không bị xâm hại tình dục, không bị bạo lực, mua bán, bắt cóc… Trong quá trình triển khai, chúng ta phải ứng dụng linh hoạt nhằm mang lại lợi ích tốt nhất cho trẻ. Ví dụ, pháp luật quy định trẻ dưới 3 tuổi được ưu tiên sống với mẹ, nhưng trong trường hợp trẻ em bị chính mẹ đẻ bạo hành thì việc bảo đảm an toàn cho trẻ phải đặt lên trên quyền được sống chung, tiếp xúc với mẹ. Người mẹ đó không thể khởi kiện đòi quyền nuôi con.

Một trường hợp khác, khá phổ biến là vợ chồng ly hôn khi con còn nhỏ, phía gia đình bố hoặc mẹ giữ con cho riêng mình, không cho phía còn lại tiếp xúc, chăm sóc con. Theo quy định hiện hành, hành vi đó là vi phạm pháp luật…

Chăm sóc trẻ em toàn diện để có nguồn nhân lực mạnh

- Theo ông, giải pháp cần thiết để bảo vệ trẻ em là gì?


- Trẻ em phải được chăm sóc, bảo vệ, giáo dục toàn diện thì đất nước mới có nguồn nhân lực mạnh. Do đó, cần phải đẩy mạnh tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức xã hội về thực hiện quyền trẻ em. Ngành Giáo dục và Đào tạo cần triển khai sớm chương trình tư vấn học đường, phối hợp với mạng lưới công tác xã hội, các chuyên gia tâm lý để kịp thời giúp đỡ trẻ. Cha mẹ cần trang bị cho bản thân và con cái kiến thức, kỹ năng chủ động phòng, tránh bạo lực.

Bên cạnh đó, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm đưa Luật Trẻ em và Nghị định 56/2017/NĐ-CP vào cuộc sống. Song song với công tác tuyên truyền, các cơ quan chức năng cần quy định rõ hơn trách nhiệm của tập thể, cá nhân trong bảo vệ, chăm sóc trẻ em; ban hành cơ chế phối hợp liên ngành bảo vệ trẻ em. Đặc biệt, vai trò của UBND cấp xã, phường cần nhận diện rõ ràng hơn.

- Trước tình trạng bạo lực, xâm hại trẻ em có xu hướng gia tăng, các nguồn lực hỗ trợ để giải quyết vấn đề này hiện có đủ đáp ứng nhu cầu không, thưa ông?

- So với trước, nguồn lực đầu tư cho công tác chăm sóc và bảo vệ trẻ em hiện nay lớn hơn rất nhiều. Theo Quyết định 565/QĐ-TTg ngày 25-4-2017 của Thủ tướng Chính phủ về “Phê duyệt chương trình mục tiêu phát triển hệ thống trợ giúp xã hội giai đoạn 2016-2020”, ngân sách nhà nước bảo đảm chi cho tất cả dịch vụ hỗ trợ trẻ em có nguy cơ cao hoặc bị xâm hại. Cục Trẻ em đề nghị các tỉnh, thành phố sớm phân bổ nguồn ngân sách hỗ trợ của trung ương và địa phương để triển khai biện pháp bảo vệ trẻ em. Nguồn lực con người cần phải được quan tâm hơn. Mỗi xã, phường, thị trấn phải có ít nhất một người được giao làm công tác bảo vệ trẻ em theo Luật Trẻ em và Nghị định 56/NĐ-CP.

Với hệ thống pháp luật đầy đủ, nguồn lực dành cho hoạt động chăm sóc, bảo vệ trẻ em tăng lên, tôi tin tình trạng bạo lực, xâm hại trẻ em sẽ từng bước được đẩy lùi.

- Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Cần chung tay đẩy lùi nạn bạo lực, xâm hại trẻ em

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.