Theo dõi Báo Hànộimới trên

Vì sự phát triển hơn nữa của bóng đá Việt Nam

Minh An ghi| 14/01/2018 07:20

(HNM) - Hàng loạt câu hỏi của bạn đọc và người yêu bóng đá Việt Nam đặt ra với cơ quan quản lý nhà nước, Liên đoàn Bóng đá Việt Nam… đã được trả lời tại cuộc đối thoại với chủ đề “Phát triển bóng đá Việt Nam” - diễn ra trong buổi chiều 13-1, tại Hà Nội.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì buổi đối thoại.Ảnh: An Bình


Hướng đến sự phát triển

- Chiến lược phát triển bóng đá Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn năm 2030 đang được triển khai thực hiện. Theo Bộ VH-TT&DL, liệu các mục tiêu được đề ra trong Chiến lược có quá cao? Hiện nay, cần ưu tiên cho mục tiêu nào?

- Ông Nguyễn Ngọc Thiện, Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL: Mục tiêu của Chiến lược là phù hợp với bóng đá Việt Nam, không cần phải điều chỉnh. Kết quả chưa được như mong muốn nhưng cũng đã tạo được bước tiến nhất định. Mục tiêu hàng đầu là xây dựng Liên đoàn Bóng đá Việt Nam thành một tổ chức mạnh, có khả năng đảm nhận tốt nhiệm vụ xây dựng nền bóng đá.

- Sự phối hợp giữa Liên đoàn Bóng đá Việt Nam và Công ty cổ phần Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) có hiệu quả không? Có gì cần điều chỉnh?


- Ông Nguyễn Minh Ngọc, Phó Tổng Giám đốc VPF: Hiệu quả phối hợp thể hiện qua việc quản lý, tổ chức giải đấu chuyên nghiệp hơn, khai thác tài trợ tốt hơn, quyền lợi của các câu lạc bộ nhiều hơn. Tuy vậy, vẫn còn một số vấn đề cần khắc phục trong phối hợp hoạt động giữa hai bên.

- Tại sao hệ thống giải đấu cấp quốc gia của bóng đá Việt Nam lại làm ngược với thông lệ quốc tế, tức là Giải hạng Nhất có ít câu lạc bộ tham gia hơn so với Giải V-League, Giải hạng Ba có ít câu lạc bộ hơn Giải hạng Nhì?

- Ông Trần Quốc Tuấn, Phó Chủ tịch Thường trực Liên đoàn Bóng đá Việt Nam:
Đúng là đang có hiện tượng này trong làng bóng đá Việt Nam. Tuy nhiên, có một số lý do khách quan như doanh nghiệp, địa phương gặp khó khăn nên nhiều đội bóng bị giải thể. Cũng có thể là câu lạc bộ không đáp ứng được yêu cầu về kinh phí để có thể góp mặt ở các giải đấu. Hiện tại, Liên đoàn Bóng đá Việt Nam đã quy hoạch Giải Bóng đá chuyên nghiệp vô địch quốc gia với tổng số đội tham dự là 14, Giải hạng Nhất có 14 đội và Giải hạng Nhì có 16 đội. Tất nhiên, sẽ có lộ trình để dần xóa bỏ sự bất hợp lý.

- Ông Vương Bích Thắng, Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT: Không có chuyện lợi ích nhóm trong vấn đề hệ thống thi đấu mất cân đối. Chỉ là do kinh phí khó khăn, một số ông chủ không muốn làm bóng đá nữa nên Giải hạng Nhất có ít đội tham gia hơn. Chúng ta sẽ khắc phục tình trạng này theo lộ trình để bảo đảm sự cân đối giữa các cấp độ giải.

- Dư luận cho rằng có hiện tượng một người sở hữu hoặc đồng sở hữu nhiều đội bóng. Bộ VH-TT&DL và Liên đoàn Bóng đá Việt Nam đánh giá như thế nào về điều đó?

- Ông Vương Bích Thắng, Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT: Chúng tôi đã xác minh nhưng không có căn cứ để kết luận chuyện một ông chủ sở hữu nhiều đội bóng. Dù vậy, trong thời gian tới, chúng tôi cùng Liên đoàn Bóng đá Việt Nam sẽ nghiên cứu giải pháp để không để xảy ra tình trạng này.

- Theo quy chế bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam, các đội bóng chuyên nghiệp phải có trung tâm hoặc học viện bóng đá đào tạo các lứa trẻ như U11, U13, U15, U17, U19. Hiện nay, việc thực hiện quy định này ra sao? Trách nhiệm của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam trong việc này như thế nào?

- Ông Trần Quốc Tuấn, Phó Chủ tịch Thường trực Liên đoàn Bóng đá Việt Nam: Thực tế là vẫn có một số câu lạc bộ không đủ đội trẻ để dự ít nhất 4/6 giải trong hệ thống Giải Bóng đá trẻ của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam. Liên đoàn đã có chế tài - phạt 200 triệu đồng với câu lạc bộ không cử đội dự giải trẻ. Tuy vậy, giải pháp này vẫn chưa triệt để. Trong thời gian tới chúng tôi sẽ nghiên cứu để có chế tài mạnh hơn, buộc các câu lạc bộ phải xây dựng hệ thống đào tạo trẻ đáp ứng đúng tiêu chí của bóng đá chuyên nghiệp, hướng đến sự phát triển bền vững.

- Có chuyện Tổng cục TDTT phó mặc cho Liên đoàn Bóng đá Việt Nam hay không?

- Ông Vương Bích Thắng, Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT: Tổng cục TDTT chưa bao giờ phó mặc cho Liên đoàn Bóng đá Việt Nam trong mọi chuyện. Hai bên luôn trao đổi với nhau. Những vấn đề lớn, Tổng cục TDTT đều báo cáo Bộ VH-TT&DL để xin hướng giải quyết. Hiện tại, cách phối hợp giữa hai bên cũng linh hoạt hơn, nhưng chắc chắn không thể thiếu vai trò của cơ quan quản lý nhà nước.

Không coi nhẹ bóng đá phong trào

- Bộ VH-TT&DL có thực sự quan tâm đến bóng đá phong trào hay không? Trong thời gian tới Bộ sẽ có định hướng, chỉ đạo, hỗ trợ như thế nào để bóng đá phong trào phát triển theo hướng bài bản, có tính tổ chức hơn?

- Ông Vương Bích Thắng, Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT: Chúng tôi rất quan tâm đến bóng đá phong trào, bởi đây là nền tảng cho bóng đá đỉnh cao phát triển cũng như thúc đẩy người dân tập luyện thể thao. Vì vậy, cách làm cũng được thực hiện bài bản, có tính toán. Chúng tôi thường xuyên phối hợp với Liên đoàn Bóng đá Việt Nam, Bộ GD-ĐT khởi xướng nhiều phong trào thể thao quần chúng, hỗ trợ chuyên môn trong tổ chức giải. Trong thời gian tới, Tổng cục TDTT sẽ quyết liệt hơn trong khâu chỉ đạo, phối hợp với Liên đoàn Bóng đá Việt Nam để bóng đá phong trào phát triển mạnh mẽ.

- Ông Trần Quốc Tuấn, Phó Chủ tịch Thường trực Liên đoàn Bóng đá Việt Nam: Liên đoàn Bóng đá Việt Nam xác định bóng đá phong trào là quan trọng, đã phối hợp với 19 liên đoàn bóng đá địa phương, nhưng hiệu quả phát triển bóng đá phong trào ở nhiều địa phương còn hạn chế.

- Vai trò quan trọng của bóng đá học đường đã rõ và vấn đề này đã được đề cập nhiều trong những năm qua, song kết quả vẫn rất hạn chế. Bộ GD-ĐT và Bộ VH-TT&DL đã phối hợp triển khai như thế nào?

- Ông Ngũ Duy Anh, Vụ trưởng Vụ Công tác học sinh - sinh viên, Bộ GD-ĐT: Hai bộ đều có ý thức phát triển bóng đá học đường, rõ nhất là ở việc hình thành câu lạc bộ bóng đá trong trường học. Nhưng hiện nay, số câu lạc bộ chưa nhiều do nhiều nguyên nhân, trong đó có vấn đề về nhận thức của địa phương cũng như sự hạn chế về cơ sở vật chất. Trước mắt, cần có nhiều câu lạc bộ bóng đá học đường hơn nữa, tổ chức thêm giải đấu cho học sinh phổ thông, nâng cao năng lực chuyên môn cho đội ngũ giáo viên thể dục.

- Ông Vương Bích Thắng, Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT: Cũng phải bổ sung thêm là hai bộ đã phối hợp tổ chức rất nhiều chương trình. Bóng đá học đường chưa được như mong muốn còn vì nhận thức của một số nhà trường, cơ quan giáo dục, phụ huynh học sinh. Đúng là có thể làm được nhiều việc tốt hơn trong điều kiện hiện nay để bóng đá học đường phát triển hơn nữa. Trong năm 2018, chúng tôi sẽ phối hợp chặt chẽ hơn, tiến hành rà soát bóng đá học đường để có cơ sở thực hiện phần việc này chắc chắn, bài bản.

Không bao che cho sai trái

- Giải vô địch quốc gia hiện nay chưa hấp dẫn khán giả là do còn chưa “sạch”. Bộ VH-TT&DL, Liên đoàn Bóng đá Việt Nam có đồng ý với đánh giá đó không?

- Ông Lê Khánh Hải, Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL: Đúng là còn nhiều vấn đề khiến người ta cho rằng giải “chưa sạch”. Bộ VH-TT&DL sẽ kiên quyết chỉ đạo xử lý vấn đề này và coi đây là ưu tiên hàng đầu trong thời gian tới.

- Ông Trần Quốc Tuấn, Phó Chủ tịch Thường trực Liên đoàn Bóng đá Việt Nam: Tôi công nhận là còn hiện tượng “chưa sạch”. Liên đoàn Bóng đá Việt Nam sẽ kiên quyết giải quyết đến nơi đến chốn để bóng đá “sạch” hơn, hấp dẫn hơn.

- Ông Nguyễn Minh Ngọc, Phó Tổng Giám đốc VPF: Tôi cũng đồng tình với nhận định trên và VPF sẽ chú trọng hơn đến vấn đề này để có giải pháp mạnh tay hơn.

- Không ít chuyên gia cho rằng Ban Kỷ luật (Liên đoàn Bóng đá Việt Nam) xử lý thiếu công bằng và chọn giải pháp “an toàn”. Quan điểm của Bộ VH-TT&DL như thế nào? Trách nhiệm người đứng đầu Ban Kỷ luật đến đâu?

- Ông Nguyễn Hải Hường, Trưởng ban Kỷ luật (Liên đoàn Bóng đá Việt Nam): Chúng tôi làm việc công tâm, không bị sức ép, cứ đúng luật mà làm. Chúng tôi khẳng định là mình làm đúng, xử lý công bằng và đều căn cứ vào luật và điều lệ để thực hiện.

- Tình trạng dàn xếp tỷ số, bán độ ở các giải đấu có còn hay không? Liên đoàn Bóng đá Việt Nam phối hợp các cơ quan chức năng xử lý vấn đề đó như thế nào?

- Ông Trần Quốc Tuấn, Phó Chủ tịch Thường trực Liên đoàn Bóng đá Việt Nam: Đến lúc này, với những dữ kiện có được, chúng tôi khẳng định là không còn. Để ngăn chặn tình trạng này, Liên đoàn Bóng đá Việt Nam đã phối hợp với cơ quan an ninh để kiểm tra, giám sát các đội và cầu thủ trong quá trình dự giải. Chúng tôi cũng phối hợp với tổ chức đánh giá thông tin về cá cược để ngăn chặn từ xa và có cảnh báo.

- Có tình trạng bao che, dung túng cho một số trọng tài hay không?


- Ông Nguyễn Văn Mùi, Trưởng ban Trọng tài (Liên đoàn Bóng đá Việt Nam): Chúng tôi khẳng định là không có chuyện bao che, dung túng cho các trọng tài sai phạm. Mọi quyết định xử lý đều khách quan.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vì sự phát triển hơn nữa của bóng đá Việt Nam

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.