Theo dõi Báo Hànộimới trên

Công khai hồ sơ, tăng cường sự giám sát của xã hội

Thống Nhất| 11/03/2018 06:57

(HNM) - Ngày 5-3, Chủ tịch Hội đồng Chức danh Giáo sư nhà nước đã có quyết định công nhận 1.131 ứng viên đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư trong tổng số 1.226 ứng viên đã được thông qua trước đó. Số lượng ứng viên tăng nhiều so với những năm trước, dẫn đến sự băn khoăn về chất lượng và không ít ý kiến cho rằng, cần công khai hồ sơ của các ứng viên và tăng cường sự giám sát của xã hội.


GS.TSKH Bùi Văn Ga, Phó Chủ tịch Hội đồng Chức danh Giáo sư nhà nước.


Chất lượng ứng viên năm sau cao hơn năm trước

- Sau khi có chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Hội đồng Chức danh Giáo sư nhà nước (HĐCDGSNN) đã có văn bản báo cáo về việc rà soát kết quả xét công nhận ứng viên đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư (GS, PGS) năm 2017. Kết quả rà soát cụ thể như thế nào, thưa giáo sư?


- HĐCDGSNN đã rà soát 1.226 hồ sơ ứng viên một cách nghiêm túc, khách quan. Kết quả rà soát đã xác định được 1.131 hồ sơ ứng viên đáp ứng hoàn toàn các điều kiện cần thiết để công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS. Số hồ sơ còn lại cần xác minh thêm một số điều hoặc xử lý các vấn đề liên quan đến đơn thư khiếu nại, tố cáo. Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) và HĐCDGSNN một mặt yêu cầu các hội đồng GS ngành, liên ngành rà soát về chất lượng hồ sơ, quy trình đánh giá; mặt khác, giao cho tổ công tác rà soát tất cả hồ sơ ứng viên để xác định những điều chưa rõ ràng, chưa đầy đủ để tiếp tục thẩm tra, làm rõ. Sau khi có báo cáo của các hội đồng ngành và của tổ công tác, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT đã giao Thanh tra Bộ chủ trì, xác minh 95 trường hợp mà hồ sơ có những chi tiết chưa rõ ràng hoặc có đơn thư khiếu nại, tố cáo để báo cáo kết quả tại cuộc họp HĐCDGSNN lần thứ 9, dự kiến diễn ra vào cuối tháng 3-2018.

- Được biết, Thường trực Chính phủ đã họp và có ý kiến về kết quả rà soát. Xin giáo sư cho biết HĐCDGSNN đã triển khai ý kiến của Thường trực Chính phủ như thế nào?

- Ngay sau khi có ý kiến của Thường trực Chính phủ, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, Chủ tịch HĐCDGSNN đã họp Thường trực Hội đồng và đã nghiêm túc rút kinh nghiệm sâu sắc vì còn có hồ sơ ứng viên chưa bảo đảm đầy đủ các yêu cầu theo quy định, cần xác minh thêm trong đợt xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS năm 2017. Thường trực Hội đồng cũng rút kinh nghiệm nghiêm túc về quy trình tập huấn, hướng dẫn các hội đồng chức danh GS cơ sở trong việc kiểm tra hồ sơ ứng viên trước khi chuyển lên HĐCDGSNN.

- Mặc dù có tới 95 hồ sơ phải để lại, song dư luận vẫn băn khoăn tại sao số lượng ứng viên được công nhận đủ tiêu chuẩn GS, PGS năm 2017 lại tăng nhiều đến vậy?


- Trước hết là bối cảnh chúng ta xét công nhận GS, PGS năm 2017 khác so với trước. Sau khi kết thúc đợt xét năm 2016, Bộ GD-ĐT đã đề xuất thay thế Quyết định 174/2008/QĐ-TTg và Quyết định số 20/2012/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tiêu chuẩn, thủ tục bổ nhiệm GS, PGS bằng quyết định mới phù hợp hơn. Cách đây 8 năm, chúng ta thấy quy định hiện hành phù hợp với thực tiễn, nhưng hiện nay trình độ của giảng viên, của cán bộ khoa học tăng lên đáng kể. Bộ GD-ĐT đã đề xuất Thủ tướng Chính phủ ban hành quy định mới nhằm nâng cao chất lượng ứng viên. Tuy nhiên, đến nay vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều nên Bộ GD-ĐT chưa trình Thủ tướng xem xét ban hành. Do phải chờ quyết định mới nên thời gian xét đạt tiêu chuẩn GS, PGS năm nay kéo dài hơn. Mọi năm, tháng 2 chúng ta triển khai kế hoạch thì năm vừa qua là tháng 7, do thời gian kết thúc nhận hồ sơ chậm lại nên số ứng viên tăng lên.

Mặt khác, trước đây Nhà nước có chủ trương cho cán bộ đi học ở nước ngoài, nhiều chương trình hợp tác song phương nên số lượng tiến sĩ ở các trường đại học tăng đáng kể. Cách đây 8 năm, tỷ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ tại các trường đại học chỉ khoảng 7% - 8%, còn hiện nay là hơn 20%, thậm chí có nơi hơn 40%. Cán bộ trẻ đạt tiêu chuẩn GS, PGS theo quy định hiện hành ngày càng nhiều hơn. Thống kê những năm qua cho thấy thường thì năm sau số lượng ứng viên nhiều hơn năm trước. Năm 2017 có thêm yếu tố khách quan về thời gian nên số lượng ứng viên tăng nhiều, điều đó không có gì là bất thường.

- Thế nhưng, nhiều ý kiến vẫn còn đặt câu hỏi về chất lượng của các ứng viên được công nhận đủ tiêu chuẩn GS, PGS năm 2017. Giáo sư có ý kiến như thế nào?


- Trước hết, phải khẳng định rằng chất lượng các ứng viên năm sau cao hơn năm trước. Các hội đồng đều nhìn nhận như vậy qua chất lượng hồ sơ của các ứng viên, cả về chất lượng sách, giáo trình và chất lượng các công bố khoa học, các công trình nghiên cứu khoa học… Đặc biệt, trình độ ngoại ngữ của các ứng viên ngày càng được cải thiện. Đó là điều rất đáng mừng.

Đơn cử, quy định hiện hành không bắt buộc các ứng viên phải có công bố quốc tế, nhưng có rất nhiều ứng viên có công trình nghiên cứu đăng tải trên tạp chí quốc tế, tại các hội nghị, hội thảo quốc tế, đặc biệt là số lượng công trình đăng trên các tạp chí uy tín trong danh mục ISI, Scopus tăng rất nhiều. Năm 2017, số lượng các bài báo trong các tạp chí ISI, Scopus của ứng viên tăng 2,1 lần so với năm trước đó.

Tăng cường giám sát quy trình xét duyệt


- Giáo sư đánh giá như thế nào về chất lượng ứng viên đã được phong GS, PGS trong thời gian qua?

- Giảng viên được công nhận GS, PGS đều thấy được trách nhiệm nặng nề hơn, nỗ lực phấn đấu làm tốt công tác giảng dạy, nghiên cứu khoa học. Rất nhiều giảng viên trẻ sau khi được phong GS, PGS đã phát huy tốt năng lực, có nhiều công trình khoa học giá trị, được giới khoa học trong nước và quốc tế đánh giá cao.

Có thể nói, những người được công nhận chức danh GS, PGS trong những năm qua đã phát huy rất tốt năng lực và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Một số người được chuyển sang làm nhiệm vụ quản lý hay nhiệm vụ khác, khi đó họ phải dành nhiều thời gian hơn cho nhiệm vụ chính, không còn nhiều thời gian nghiên cứu. Thực tế, số đông GS, PGS đã cống hiến và hoạt động rất tốt, là lực lượng cán bộ giảng dạy, nghiên cứu khoa học đóng vai trò chủ lực trong đổi mới GD-ĐT. Điều này thể hiện hiệu quả tích cực của hoạt động xét đạt tiêu chuẩn và bổ nhiệm GS, PGS mà chúng ta đã thực hiện trong mấy chục năm qua.

- Đối chiếu với quy định hiện hành, không ít người cho rằng tiêu chuẩn chức danh GS, PGS hiện đã lạc hậu, thậm chí có tiêu chuẩn còn thấp hơn cả tiến sĩ. Giáo sư nghĩ sao về điều này?

- Các quy định về đào tạo tiến sĩ trước đây nhẹ hơn rất nhiều so với quy định mới được ban hành năm 2017. Trước đây nghiên cứu sinh chỉ cần đăng báo trong nước, nay để bảo vệ tiến sĩ, nghiên cứu sinh phải đăng báo quốc tế. Người hướng dẫn luận án, thành viên Hội đồng chấm luận án cũng bắt buộc phải có công bố quốc tế. Đây là điều cần thiết trong bối cảnh giáo dục đại học của nước ta đang tiệm cận dần với chuẩn mực quốc tế.

Quy định về tiêu chuẩn GS, PGS hiện hành được ban hành từ năm 2008, với yêu cầu ứng viên phải đáp ứng cả 3 khía cạnh: Giảng dạy, nghiên cứu khoa học và phục vụ cộng đồng, chưa bắt buộc ứng viên phải có công bố quốc tế. Quy định này đã được áp dụng trong thời gian dài trong khi tình hình thực tế đã thay đổi nhiều. 8 năm qua, tình hình kinh tế - xã hội phát triển mạnh mẽ. Trình độ chuyên môn của cán bộ khoa học công nghệ, giảng viên cũng tăng lên đáng kể, nhất là thế hệ tiến sĩ trẻ được đào tạo ở nước ngoài. Vì thế, ngày càng có nhiều người có thể đạt chuẩn GS, PGS. Việc ban hành quy định mới cho phù hợp với thực tế là rất cần thiết.

- Giáo sư vừa nhắc đến dự thảo quy định mới thay thế quy định hiện hành về tiêu chuẩn, thủ tục bổ nhiệm, miễn nhiệm chức danh GS, PGS đang được Bộ GD-ĐT soạn thảo để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Xin giáo sư cho biết điểm mới của dự thảo?

- Dự thảo đã được đưa ra lấy ý kiến rộng rãi trong gần 2 năm qua. Trên thế giới có nhiều phương thức xét GS, PGS khác nhau. Do điều kiện thực tế của mỗi nước khác nhau nên không có mô hình chung áp dụng cho tất cả các nước. Điểm chung nhất có lẽ là thành tích nghiên cứu khoa học của ứng viên được xét với trọng số cao hơn. Điều này cũng tương thích với việc xếp hạng đại học trên thế giới khi thành tích nghiên cứu khoa học của trường được xét với trọng số cao hơn thành tích đào tạo và các hoạt động khác. Do đó, trong dự thảo, thành tích nghiên cứu khoa học của ứng viên được yêu cầu cao hơn. Ứng viên buộc phải có công bố quốc tế hoặc bằng độc quyền sáng chế, tác phẩm nghệ thuật, thành tích thi đấu thể thao đạt giải thưởng quốc gia, quốc tế...

- Bên cạnh yêu cầu cao hơn về chất lượng, trước những nghi ngại hiện nay, dự thảo chắc hẳn có đề cập đến các quy định nhằm giám sát, siết chặt hơn quy trình xét duyệt chức danh GS, PGS trong thời gian tới, thưa giáo sư?

- Quy định bắt buộc được nêu tại dự thảo là phải công khai toàn bộ hồ sơ của ứng viên GS, PGS trên trang thông tin điện tử của cơ sở giáo dục đại học và của HĐCDGSNN trong thời gian quy định trước khi các hội đồng xem xét để xã hội có thể tham gia giám sát chất lượng ứng viên. Mặt khác, sau khi có kết quả xét ở hội đồng GS ngành, liên ngành, các hội đồng này phải công bố công khai kết quả xét trên trang thông tin điện tử của HĐCDGSNN ít nhất 15 ngày trước khi báo cáo kết quả cuối cùng lên HĐCDGSNN.
Rõ ràng, với quy định mới về minh bạch hồ sơ ứng viên trong dự thảo, xã hội, giới khoa học sẽ có cơ hội tham gia góp ý kiến về các ứng viên và HĐCDGSNN sẽ có thêm nhiều thông tin để đánh giá chính xác hơn về ứng viên.

- Trân trọng cảm ơn giáo sư!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Công khai hồ sơ, tăng cường sự giám sát của xã hội

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.