Theo dõi Báo Hànộimới trên

Siết chặt kỷ cương, tăng cường trách nhiệm

Võ Lâm| 13/05/2018 06:39

(HNM) - Qua hơn một năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện

Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Nguyễn Văn Phong.


Triển khai đồng bộ, tạo chuyển biến rõ nét

- Thưa đồng chí, với mỗi nghị quyết của Đảng, khâu tuyên truyền, phổ biến, quán triệt, học tập đóng vai trò quan trọng để đưa nghị quyết vào cuộc sống. Đối với Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII), công tác này đã được Đảng bộ TP Hà Nội đổi mới như thế nào?

- Tuyên truyền, phổ biến, quán triệt, học tập là khâu đầu tiên có ý nghĩa quyết định. Nhận thức sâu sắc về điều này, Thành ủy Hà Nội đã chỉ đạo thực hiện một cách nghiêm túc, kịp thời, sâu rộng và có chất lượng. Mở đầu là hội nghị với hơn 1.000 đại biểu là cán bộ chủ chốt toàn thành phố học tập, quán triệt nghị quyết. Tiếp theo, các cấp ủy, cơ quan, đơn vị cơ bản đã hoàn thành việc này ngay trong tháng 1-2017 với tỷ lệ cán bộ, đảng viên tham dự đạt bình quân trên 90%. Ban Tuyên giáo Thành ủy chỉ đạo, hướng dẫn việc tuyên truyền thường xuyên Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) trên các phương tiện thông tin đại chúng thành phố. Đặc biệt, Thành ủy Hà Nội còn có sáng kiến tổ chức 4 lớp nghiên cứu, quán triệt, học tập nghị quyết cho các đối tượng đặc thù là báo cáo viên, phóng viên báo chí, văn nghệ sĩ và trí thức.

Hầu hết các đồng chí bí thư, phó bí thư cấp ủy đã trực tiếp làm báo cáo viên truyền đạt nội dung nghị quyết, đồng thời trao đổi về chương trình hành động, kế hoạch thực hiện của cấp mình.

- Những kết quả nổi bật sau hơn một năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) của thành phố là gì, thưa đồng chí?


- Việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) dù thời gian chưa lâu nhưng đã thấm sâu vào từng lĩnh vực, cơ quan, tổ chức, tạo ra chuyển biến chung trong toàn Đảng bộ thành phố. Hàng loạt giải pháp nhằm tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng đã được triển khai gắn với việc thực hiện Chỉ thị 05-CT/TƯ ngày 15-5-2016 của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”...

Thực hiện sự chỉ đạo của Thành ủy, UBND thành phố đã ban hành Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan thuộc TP Hà Nội và Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn TP Hà Nội. Đây là giải pháp có ý nghĩa quan trọng góp phần thực hiện một trong ba khâu đột phá của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XVI.

Đặc biệt, Thành ủy đã chỉ đạo nâng cao chất lượng kiểm điểm tự phê bình và phê bình; đánh giá, xếp loại tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên. Trong đó, Ban Thường vụ Thành ủy đã gương mẫu thực hiện, qua kiểm điểm chỉ rõ những kết quả đạt được cũng như những hạn chế, tồn tại. Ban Thường vụ Thành ủy chỉ đạo các tập thể, cá nhân xây dựng kế hoạch, đề ra giải pháp, lộ trình khắc phục. Việc tổ chức kiểm điểm đối với tập thể và cá nhân ban thường vụ các cấp ủy, tập thể lãnh đạo cơ quan, đơn vị từ thành phố xuống cơ sở được tiến hành nghiêm túc, gắn với nhận diện 27 biểu hiện suy thoái và thực hiện nhiệm vụ được giao. Năm 2017, Ban Thường vụ Thành ủy đã gợi ý kiểm điểm sâu đối với 18 tập thể và các cá nhân lãnh đạo liên quan. 25 quận, huyện, thị ủy đã gợi ý kiểm điểm sâu đối với 188 tổ chức cơ sở Đảng. Thành ủy Hà Nội cũng chủ động đổi mới công tác đánh giá cá nhân, tổ chức Đảng; hiện nay đang cụ thể hóa để triển khai đánh giá cán bộ, công chức, viên chức hằng tháng.

Thành ủy Hà Nội đã tập trung chỉ đạo công tác tổ chức, cán bộ đạt kết quả nổi bật, trước hết là chú trọng nâng cao năng lực của cấp ủy và tổ chức Đảng. Từ những đòi hỏi của thực tiễn như vụ việc mất an ninh trật tự xảy ra ở xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Ban Thường vụ Thành ủy đã chủ động bám sát tình hình, chỉ đạo giải quyết, đồng thời ban hành Nghị quyết số 15-NQ/TU ngày 4-7-2017 về “Xây dựng tổ chức cơ sở Đảng trong sạch, vững mạnh, củng cố cơ sở Đảng yếu kém; giải quyết các vấn đề phức tạp về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn xã, phường, thị trấn thuộc TP Hà Nội”. Qua chưa đầy một năm thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TU, không chỉ hàng chục cơ sở Đảng yếu kém được củng cố mà năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức cơ sở Đảng trong toàn thành phố cũng từng bước nâng lên... Năm 2018, thành phố cũng xác định chủ đề là “Năm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị”.

Bên cạnh đó, Thành ủy đã hoàn thiện hệ thống quy chế, quy định về công tác cán bộ; đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ diện Ban Thường vụ Thành ủy quản lý; ban hành Kế hoạch thực hiện công tác bố trí, sắp xếp, điều động, luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý giai đoạn 2017-2020; đi đầu trong thực hiện tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức...

- Kiểm tra và xử lý nghiêm vi phạm nhằm siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong Đảng là giải pháp cần thiết trong thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII). Thành ủy Hà Nội đã thực hiện giải pháp này ra sao, thưa đồng chí?

- Ngay từ năm đầu tiên thực hiện nghị quyết, Ban Thường vụ Thành ủy đã thành lập các đoàn kiểm tra, giám sát việc xây dựng và thực hiện chương trình hành động của một số cấp ủy địa phương, cơ quan, đơn vị. Qua kiểm tra, giám sát, các đoàn đã kịp thời chấn chỉnh những mặt còn hạn chế, khuyết điểm...

Đặc biệt, Thành ủy đã ban hành và triển khai Đề án số 06-ĐA/TU ngày 30-11-2017 về “Nâng cao chất lượng các cuộc kiểm tra, giám sát nhằm thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) trong Đảng bộ TP Hà Nội”, ban hành Quy định về kiểm tra giám sát việc kê khai tài sản của cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Thành ủy quản lý... Năm 2017, Ủy ban Kiểm tra Thành ủy đã tiến hành 8 cuộc kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với 25 tổ chức đảng và 57 đảng viên. Trong đó, 4 cuộc kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm được tiến hành ngay sau khi có kết quả kiểm điểm sâu theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) đối với 4 ban thường vụ quận, huyện ủy; 5 đảng ủy xã, phường và 20 cá nhân. Qua kiểm tra đã kiểm điểm rút kinh nghiệm 9 tổ chức Đảng; kiểm điểm và có hình thức kỷ luật đối với 2 tổ chức, 53 đảng viên; kiểm điểm trách nhiệm 35 đảng viên; kiểm điểm rút kinh nghiệm 46 đảng viên; chuyển cơ quan điều tra Công an thành phố làm rõ 2 vụ việc...

Niềm tin trong xã hội ngày càng được nâng lên

- Để siết chặt kỷ cương, kỷ luật, nâng cao ý thức trách nhiệm cán bộ, đảng viên không thể thiếu vai trò giám sát của nhân dân. Công tác này đã được Thành ủy tổ chức thực hiện như thế nào, thưa đồng chí?

- Thành ủy đã ban hành Quyết định số 2200-QĐ/TU, ngày 25-5-2017 về “Quy chế tiếp xúc, đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp với MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân trên địa bàn TP Hà Nội”. Đến nay đã có 29/30 quận, huyện, thị xã và 468/584 xã, phường, thị trấn tổ chức hội nghị đối thoại. Đồng thời, việc xây dựng và thực hiện cơ chế giám sát, phản biện xã hội của MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội và tạo điều kiện để MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền tiếp tục được các cấp ủy Đảng quan tâm thực hiện. Trong đó, MTTQ các cấp thành phố đã tham gia phản biện trong quá trình xây dựng các chính sách quan trọng, liên quan mật thiết tới quyền lợi của nhân dân. Hàng trăm hội nghị phản biện các cấp đã được tổ chức bảo đảm dân chủ, hiệu quả...

- Đồng chí cho biết dư luận đánh giá thế nào về tình hình, kết quả thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) của thành phố thời gian qua?

- Dư luận cán bộ và nhân dân đặc biệt quan tâm, luôn theo sát việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) của thành phố. Qua nắm bắt dư luận, chúng tôi thấy, cán bộ và nhân dân đánh giá cao kết quả thực hiện của thành phố. Mặc dù với khối lượng công việc rất lớn, tính chất ngày càng phức tạp, thậm chí có những vấn đề chưa có tiền lệ, nhưng với tinh thần quyết tâm cao, đề cao tính hiệu quả thực chất, cấp ủy các cấp từ thành phố đến cơ sở đã thực hiện một cách bài bản, khoa học, kiên trì và đồng bộ; đạt được kết quả tích cực, khắc phục đáng kể những hạn chế, yếu kém; nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức Đảng, chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên.

Có thể nói, niềm tin trong xã hội đối với công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và phòng, chống tham nhũng của Đảng bộ Hà Nội nói riêng và toàn Đảng nói chung ngày càng được nâng lên.

- Quá trình thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) chắc chắn còn không ít những hạn chế, khó khăn. Đồng chí có thể cho biết những đánh giá của Thành ủy về vấn đề này?

- Thành ủy Hà Nội đã thẳng thắn chỉ ra một số hạn chế, khó khăn. Trong đó, nổi bật là còn hiện tượng nhận thức chưa đầy đủ về vị trí, vai trò và chưa quan tâm đúng mức đến công tác tư tưởng chính trị; công tác nắm bắt, dự báo diễn biến tình hình tư tưởng, dư luận cán bộ, đảng viên và nhân dân. Còn đó tình trạng chưa kịp thời thông tin tình hình ở một số cơ sở, nhất là các vụ việc có tính chất phức tạp, liên quan đến an ninh trật tự. Không ít nơi còn lúng túng, bị động trong xử lý, giải quyết những vụ việc phát sinh. Công tác đổi mới nâng cao chất lượng hoạt động của chi bộ đạt hiệu quả chưa cao. Vai trò lãnh đạo của chi bộ còn mờ nhạt... Ngoài ra, việc chỉ ra các khuyết điểm, hạn chế để gợi ý kiểm điểm sâu đối với tập thể, cá nhân là đúng và trúng, song chưa được nhiều.

- Thành ủy Hà Nội xác định nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục thực hiện nghị quyết thời gian tới tập trung vào những nội dung gì, thưa đồng chí?

- Thành ủy Hà Nội xác định, phát huy kết quả bước đầu hơn một năm qua, Đảng bộ thành phố sẽ tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) gắn với Chỉ thị 05-CT/TƯ ngày 15-5-2016 của Bộ Chính trị, Nghị quyết Trung ương 6 (khóa XII) và Nghị quyết Trung ương 7 (khóa XII). Mục tiêu là quyết tâm tạo chuyển biến mạnh mẽ trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng; khắc phục có hiệu quả những hạn chế, yếu kém đã được chỉ ra; từ đó nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các cấp ủy, tổ chức Đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng, phát triển Thủ đô...

Trọng tâm là tiếp tục thực hiện 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp đã phát huy hiệu quả vừa qua, nhất là tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo và siết chặt kỷ cương, tăng cường trách nhiệm đối với mỗi cán bộ, đảng viên; tạo ý thức tự giác thực hiện nghị quyết.

- Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Siết chặt kỷ cương, tăng cường trách nhiệm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.