Theo dõi Báo Hànộimới trên

Lương tối thiểu đáp ứng ngày càng tốt hơn mức sống của người lao động

Minh Ngọc| 19/08/2018 06:27

(HNM) - Hội đồng Tiền lương quốc gia vừa thống nhất đề xuất điều chỉnh tăng lương tối thiểu vùng năm 2019 ở mức trung bình 5,3%. Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Chủ tịch Hội đồng Tiền lương quốc gia Doãn Mậu Diệp khẳng định, lương tối thiểu đáp ứng ngày càng tốt hơn mức sống tối thiểu của người lao động.

Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Doãn Mậu Diệp.


Luôn bảo vệ người lao động

- Thưa ông, nhiều người vẫn chưa biết lương tối thiểu vùng là gì và ý nghĩa của nó thế nào, xin ông giải thích rõ hơn?

- Đúng như bạn hỏi, phần lớn người lao động thường quan tâm đến tổng thu nhập hằng tháng mà họ nhận được từ người sử dụng lao động, nhưng không phải vì thế mà họ ít quan tâm đến lương tối thiểu. Mỗi lần Hội đồng Tiền lương quốc gia họp, đông đảo người lao động lại chú ý đến kết quả thương lượng điều chỉnh mức lương tối thiểu do Hội đồng đưa ra.

Theo Công ước 131 của Tổ chức Lao động thế giới (ILO), mức lương tối thiểu được xác định dựa trên các yếu tố cơ bản: Nhu cầu sống của người lao động và gia đình họ, chỉ số giá sinh hoạt, mức lương trung bình trên thị trường lao động và mức sống của các nhóm lao động khác, năng suất lao động, khả năng chi trả của doanh nghiệp… Quy định này nhằm bảo vệ, cải thiện đời sống cho người lao động, nhất là nhóm có thu nhập thấp; bảo đảm sự cạnh tranh công bằng giữa các doanh nghiệp; hướng tới mục tiêu phát triển lành mạnh của quốc gia thông qua việc giảm thất nghiệp, duy trì tỷ lệ có việc làm cao của lực lượng lao động.

Đối với các nước vận hành theo nền kinh tế thị trường, mức lương tối thiểu và điều chỉnh mức lương tối thiểu thường được thương lượng qua Hội đồng Tiền lương quốc gia, gồm đại diện của các cơ quan chính phủ, đại diện cho tổ chức của người lao động và đại diện cho tổ chức của người sử dụng lao động. Việt Nam đang thực hiện theo cơ chế này.

Nhằm điều tiết lực lượng lao động, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư và tạo việc làm ở những khu vực cần ưu tiên, nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam quy định mức lương tối thiểu theo vùng. Vùng thị trường lao động phát triển sẽ có mức lương tối thiểu cao hơn, vùng thị trường lao động ít phát triển hơn, cần khuyến khích, thu hút đầu tư sẽ có mức lương tối thiểu thấp hơn. Hiện nay, lương tối thiểu ở nước ta được áp dụng cho 4 vùng: I, II, III, IV.

Mức lương tối thiểu vùng là mức lương thấp nhất mà người lao động làm việc theo hợp đồng lao động trong doanh nghiệp tại vùng đó được nhận. Người lao động và doanh nghiệp có thể thỏa thuận về lương, nhưng lương thỏa thuận không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng do Nhà nước quy định.

- Trong những năm vừa qua, lương tối thiểu vùng đã được điều chỉnh như thế nào?

- Như trên tôi đã trao đổi, việc điều chỉnh tiền lương tối thiểu vùng phụ thuộc vào kết quả đàm phán, thương lượng giữa ba bên, gồm: Đại diện cho người lao động là Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; đại diện cho doanh nghiệp là Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam và đại diện cho cơ quan quản lý là Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. Trong quá trình thảo luận, bàn bạc, các bên đều phân tích, đánh giá khoa học, khách quan về nhu cầu sống của người lao động và gia đình họ; mức tăng của chỉ số giá sinh hoạt; mức lương trung bình trên thị trường lao động và mức sống của các nhóm lao động khác; mức tăng của năng suất lao động, khả năng chi trả của doanh nghiệp cũng như mong muốn của Chính phủ trong việc giải quyết bài toán về việc làm, thất nghiệp.

Từ năm 2008 đến nay, mức lương tối thiểu vùng ở nước ta đã qua 11 lần điều chỉnh tăng. So với năm 2008, mức lương tối thiểu năm 2018 tăng khoảng 5,5 lần, cao hơn mức tăng của chỉ số giá sinh hoạt và năng suất lao động.

Tại phiên họp gần đây nhất, Hội đồng Tiền lương quốc gia đã thống nhất đề xuất tăng lương tối thiểu vùng năm 2019 ở mức 5,3%.

Hài hòa lợi ích các bên

- Theo ông, mức tăng 5,3% của năm 2019 có hài hòa cho tất cả các bên?


- Trong quá trình đàm phán, thương lượng, các bên đều đưa ra những quan điểm bảo vệ lợi ích của mình. Phía đại diện cho người sử dụng lao động thường đề xuất không tăng hoặc hạn chế tăng lương để giảm giá thành sản phẩm, đầu tư mở rộng sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. Phía đại diện cho người lao động mong muốn người lao động nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống, nên thường đề xuất mức tăng khá cao. Do đó, các phương án đề xuất tăng lương tối thiểu vùng thường có sự chênh lệch lớn.

Mong muốn cho đời sống của người lao động được cải thiện, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp được duy trì, các cơ quan thuộc Chính phủ đã thúc đẩy, hỗ trợ hai bên thương lượng, đạt đến điểm cân bằng, hài hòa lợi ích. Trên tinh thần đó, đề xuất tăng lương tối thiểu vùng năm 2019 ở mức trung bình 5,3% được tất cả các thành viên Hội đồng Tiền lương quốc gia đồng thuận.

Phương án này tuy cao hơn đề xuất của phía sử dụng lao động, song các doanh nghiệp có thể cố gắng được vì chăm lo cho con người cũng là đầu tư cho sự phát triển lâu dài, bền vững của doanh nghiệp. Người lao động đương nhiên mong muốn được tăng lương nhiều hơn, nhưng trong điều kiện hiện nay, họ cần chia sẻ với doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp vượt qua những thách thức trước mắt, chuẩn bị cho bước phát triển tốt hơn trong tương lai. Phương án điều chỉnh tăng 5,3% thể hiện sự hài hòa quyền lợi giữa các bên, vừa đáp ứng được chỉ số trượt giá, vừa có thể “dưỡng sức” cho doanh nghiệp.

- Với mức tăng như hiện nay, lương tối thiểu có bảo đảm mức sống tối thiểu cho người lao động và gia đình họ vào năm 2020 như mục tiêu đề ra hay không, thưa ông?


- Hiện tại, trên thị trường lao động chỉ có khoảng 15%-17% người lao động nhận mức lương tối thiểu, còn lại nhận lương cao hơn mức tối thiểu.

Theo phương án đề xuất, lương tối thiểu vùng năm 2019 của người lao động sẽ tăng thêm từ 160.000 đồng đến 200.000 đồng/người/tháng. Cụ thể, lương tối thiểu vùng I sẽ tăng lên 4,18 triệu đồng/người/tháng; vùng II là 3,71 triệu đồng/người/tháng; vùng III là 3,25 triệu đồng/ người/tháng; vùng IV là 2,92 triệu đồng/người/tháng.

Các thành viên Hội đồng Tiền lương quốc gia có chung nhận định, lương tối thiểu hiện nay bảo đảm từ 92% đến 94% mức sống tối thiểu cho người lao động và gia đình họ. Nếu mức đề xuất tăng 5,3% được Chính phủ phê duyệt, thì năm 2019, lương tối thiểu sẽ đáp ứng khoảng 96%-97% mức sống tối thiểu của người hưởng lương và gia đình người hưởng lương. Như vậy, đến năm 2020, lương tối thiểu cơ bản đáp ứng được mức sống tối thiểu của người lao động.

Hướng tới sự đột phá


- Từ năm 2021 trở đi, doanh nghiệp sẽ tự quyết định chính sách tiền lương. Theo ông, các bên liên quan cần làm gì để chính sách tiền lương trong khu vực doanh nghiệp có thể tạo ra bước đột phá?

- Nội dung Nghị quyết số 27-NQ/TƯ, ngày 21-5-2018 của Hội nghị Trung ương 7, khóa XII (Nghị quyết 27) nêu rõ, từ năm 2021 trở đi, các doanh nghiệp, kể cả doanh nghiệp 100% vốn nhà nước được tự quyết định chính sách tiền lương, trong đó có thang, bảng lương, định mức lao động. Mức trả lương không thấp hơn lương tối thiểu do Nhà nước công bố.

Nhà nước sẽ công bố mức lương tối thiểu vùng theo tháng và theo giờ, tiền lương bình quân trên thị trường… Nhà nước không can thiệp trực tiếp vào chính sách tiền lương của doanh nghiệp, mà thúc đẩy cơ chế thương lượng, thỏa thuận giữa doanh nghiệp và tổ chức đại diện cho người lao động.

Để cơ chế này vận hành suôn sẻ, các tổ chức công đoàn cần được củng cố, kiện toàn, nâng cao năng lực hoạt động. Đại diện các tổ chức công đoàn cần hiểu rõ các quy định của pháp luật, cải thiện kỹ năng đàm phán, thương lượng với người sử dụng lao động. Ngoài ra, các cơ quan, đơn vị chức năng cần tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người lao động, thúc đẩy cơ chế thương lượng thực chất, có thiện chí và hợp tác, qua đó xây dựng quan hệ lao động hài hòa, giảm thiểu nguy cơ tranh chấp lao động.

- Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đang phối hợp với các cơ quan, đơn vị chức năng xây dựng dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi). Ông có thể cho biết, vấn đề lương tối thiểu vùng được đề cập trong dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) như thế nào?

- Dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) đề cập đến nhiều nội dung, trong đó lương tối thiểu vùng là vấn đề nhận được sự quan tâm đặc biệt. Trong quá trình xây dựng, các thành viên Ban soạn thảo lưu ý đến phương thức xác định mức lương tối thiểu; thẩm quyền công bố mức tiền lương tối thiểu; đổi mới thành phần và cơ chế hoạt động của Hội đồng Tiền lương quốc gia; quyền đại diện trong thương lượng về tiền lương, các nguyên tắc trả lương, tiền lương làm thêm giờ, tiền lương ngừng việc và nhiều vấn đề khác liên quan.

Hội đồng Tiền lương quốc gia cũng bổ sung thành viên là những người đại diện cho lợi ích chung, các chuyên gia am hiểu về lao động, việc làm, tiền lương để có thể đưa ra phương án điều chỉnh tiền lương tối thiểu vùng phù hợp nhất.

Khoản 1, Điều 91 của Bộ luật Lao động hiện hành có quy định: “Mức lương tối thiểu là mức thấp nhất trả cho người lao động làm công việc đơn giản nhất, trong điều kiện lao động bình thường và phải bảo đảm nhu cầu sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ”. Khái niệm “nhu cầu sống tối thiểu” khá chung chung, mơ hồ, nên sẽ được thay thế bằng “mức sống tối thiểu”, giúp các cơ quan chức năng dễ định lượng, tính toán. Nhìn chung, các quy định về lương tối thiểu vùng được đề cập trong dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) bám sát tinh thần Nghị quyết số 27 và cụ thể hóa các nội dung của nghị quyết.

Trong tương lai gần, tiền lương được trả theo giá cả sức lao động, hình thành trên cơ sở thỏa thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động, có sự quản lý của Nhà nước. Tôi tin rằng, chính sách này sẽ tạo ra bước đột phá về tiền lương, về mức sống của người lao động, mang lại lợi ích cho tất cả các bên.

- Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Lương tối thiểu đáp ứng ngày càng tốt hơn mức sống của người lao động

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.