Theo dõi Báo Hànộimới trên

Ngỡ ngàng Vân Long

ANHTHU| 14/10/2007 07:28

(HNM) - Rất tình cờ, người ta phát hiện ra cái ô trũng có tên gọi “đầm Vân Long” (cách Hà Nội khoảng 90km về phía Nam, thuộc địa phận huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình) là một vùng đa dạng sinh học vô cùng quý giá.

 Nay Vân Long đã “lột xác”, trở thành một vùng sơn thủy hữu tình làm ngỡ ngàng từ các nhà khoa học tới khách du lịch, từ các doanh nhân tới cả những người dân địa phương vốn sinh ra và lớn lên tại chính nơi này...

Con thuyền nan nhỏ bé kết bằng nan tre nhẹ nhàng lướt trên đầm nước mênh mang. Mặt đầm phẳng như một tấm gương khổng lồ, phản chiếu rõ mồn một từng nét tạc mạnh mẽ của những khối núi đá vôi mang hình dáng đúng với tên gọi như Mèo Cào, Mâm Xôi, Hòm Sách, Đá Bàn... Phong cảnh khiến du khách liên tưởng đến thắng cảnh Hạ Long nổi tiếng thế giới. Chỉ khác ở đây nước không có màu xanh của biển, mà trong văn vắt.

Người chèo thuyền cho chúng tôi là chị Nguyễn Thị Yến, nhà ngay bên đầm Vân Long, kể trước kia dân làng chị vẫn cấy lúa một vụ ở đầm này nên cỏ năn, cỏ lác không thể lên nổi. Những đận tháng 2, tháng 3 âm lịch, có nhiều bác từ Hà Nội về, mặc đồ rằn ri, súng săn và bao đạn quàng quanh người, thuê thuyền ra đầm rình bắn chim sâm cầm. Súng nổ đì đùng suốt, chim cò, khỉ, sóc trốn biệt.

Dường như, những sự tình cờ đã đưa Vân Long trở thành một khu bảo tồn thiên nhiên (KBTTN) như ngày hôm nay. Những năm 60 của thế kỷ trước, một tuyến đê dài hơn 30 km được đắp bên phía tả ngạn để trị thủy sông Đáy, “tình cờ” biến Vân Long thành một vùng đất ngập nước rộng đến 3.500 ha, kéo những loài chim di trú dừng chân kiếm ăn trên đường tránh rét. Rồi những quả núi bị cô lập thành những đảo đá giữa thung lũng nước mênh mông đã “tình cờ” trở thành cứu cánh cho nhiều loài động, thực vật thoát khỏi bàn tay triệt phá của con người.

Nhưng sự tình cờ đáng giá nhất phải kể đến là khi một chuyên gia người nước ngoài làm việc tại Trung tâm Cứu hộ các loài linh trưởng Vườn quốc gia (VQG) Cúc Phương bắt gặp một tiêu bản nhồi voọc mông trắng bày bán ở chợ Ninh Bình. Con đường truy tìm xuất xứ tiêu bản loài linh trưởng quý hiếm này đã dẫn các nhà khoa học tới Vân Long, nơi có tới hơn 40 cá thể voọc mông trắng đang sinh sống. Phát hiện này làm giới khoa học ngỡ ngàng, bởi voọc mông trắng (hay còn gọi là voọc quần đùi trắng) là loài có nguy cơ tuyệt chủng cao, có tên trong sách đỏ thế giới. Trước đó, loài linh trưởng này chỉ được biết đến ở VQG Cúc Phương.

Việc nghiên cứu khu vực đầm Vân Long đã đưa các nhà khoa học từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác, bởi động thực vật nơi đây rất đặc trưng cho hai hệ sinh thái núi đá vôi và đất ngập nước của vùng châu thổ sông Hồng. Ngoài voọc mông trắng, tại Vân Long còn nhiều loài động, thực vật được ghi trong sách đỏ Việt Nam như tuế lá rộng, mã tiền, lát hoa, gấu ngựa, báo gấm, kỳ đà hoa v.v... Đặc biệt, ở đây còn có một loài côn trùng gần bị coi là tuyệt chủng, đó là loài cà cuống thuộc họ chân bơi. Nơi mà loài cà cuống này sống được chắc chắn phải có môi trường nước thực sự trong lành.

Việc phát hiện ra Vân Long làm ngỡ ngàng không chỉ các nhà khoa học, mà cả khách du lịch, các doanh nhân và chính những người dân địa phương. Từ chỗ “vô danh”, năm 2000 đã có khoảng 2.000 khách du lịch tìm đến Vân Long. Năm 2005, theo tài liệu của TS. Vũ Trung Tạng thuộc ĐH Quốc gia Hà Nội, con số này đã là 60.000 người. Theo đó là đường sá được mở mang, đổ bê tông phẳng phiu, bến thuyền được xây dựng. Giới doanh nhân từ khắp nơi đổ về, đầu tư xây dựng nhà hàng, khách sạn, xưởng mỹ nghệ bên chân con đê đầm Cút heo hút xưa kia. Cả xã Gia Vân hiện có tới 300 chiếc thuyền nan, nhiều quầy hàng lưu niệm thu hút gần 500 lao động vào “guồng máy” phục vụ khách du lịch. Có những thôn như Tập Vân, trước đây nghèo nhất xã, nay cũng không còn hộ đói.

Ngỡ ngàng hơn nữa là ý thức của người dân nơi đây đã chuyển biến rõ rệt, bởi họ đã được tham dự những lớp tập huấn nâng cao nhận thức cộng đồng để phát triển du lịch sinh thái bền vững. Chị Yến nói với chúng tôi: “Bây giờ không được phép cấy lúa, chặt cây ở đây nữa, để cho cỏ và rong rêu mọc làm sinh cảnh cho chim và voọc có chỗ kiếm ăn. Tuyệt đối không được bắn chim. Bắt cá cũng được, nhưng cấm dùng kích điện. Vân Long đã thành Khu bảo tồn thiên nhiên rồi mà...”.

Chị Yến chợt thoáng buồn khi chỉ cho chúng tôi xem một trong những mảng núi bị vạt nham nhở vừa hiện ra phía sau Kẽm Chăm, nơi được gọi là “Hạ Long không sóng” của Vân Long. Chị bảo: “Núi ấy là ở bên xã Gia Thanh. Người ta cho khai thác đá. Nhìn mất cả đẹp. Còn đằng kia là nhà máy xi măng 2,7 triệu tấn, sắp hoạt động rồi. Lúc ấy gió đông nam đem bụi vào khéo mà đàn voọc bỏ đi hết ráo...”. Theo hướng tay chị chỉ, chúng tôi nhìn thấy những khối lò cao chọc lên màn gương tĩnh lặng của đầm Vân Long. Thật ngỡ ngàng vì người ta lại cho phép xây dựng những cơ sở công nghiệp có thể gây ô nhiễm gần với một KBTTN quan trọng đến như thế. Và sẽ không có gì là ngỡ ngàng nếu một ngày nào đó, đàn voọc sẽ bỏ đi, lũ cò không về dẫm lúa, chỉ vì khói bụi từ nhà máy xi măng kia.

Bài và ảnh: Huy Kiên

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Ngỡ ngàng Vân Long

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.