Theo dõi Báo Hànộimới trên

Báo động về chất lượng nhân lực du lịch

Xuân Lộc| 26/02/2011 07:25

(HNM) - Hơn một tuần qua, những thông tin về vụ chìm tàu Trường Hải 06 vẫn làm "nóng" dư luận. Với ngành du lịch, sự cố trên không chỉ là bài học sâu sắc về công tác bảo đảm an toàn cho du khách mà còn gióng lên hồi chuông báo động về chất lượng nguồn nhân lực du lịch.

Hoạt động của các tàu du lịch trên Vịnh Hạ Long luôn diễn ra rất sôi động, mỗi năm thu hút hàng triệu lượt khách đến tham quan, nghỉ mát, trong đó 56% là người nước ngoài.

Các tàu du lịch trên Vịnh Hạ Long cần được quản lý chặt về chất lượng và độ an toàn.

Theo thống kê của Cảng tàu khách du lịch Bãi Cháy, hiện có khoảng 400 tàu hoạt động thường xuyên trên vịnh. Riêng 2 tháng đầu năm nay, trung bình mỗi ngày có 300 chuyến xuất bến và chở 4.500 khách/ngày. Trong số các tàu du lịch có hơn 130 tàu nghỉ đêm, với từ 1.000 đến 1.200 lượt khách /ngày. Không chỉ quyến rũ bởi cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp với gần 2.000 hòn đảo, Vịnh Hạ Long còn hấp dẫn du khách nhờ đội tàu du lịch tốt và sang trọng nhất cả nước. "Tuy nhiên, chất lượng tàu dù tốt, được đầu tư tới hàng chục tỷ đồng cũng không ngăn được tai nạn nghiêm trọng xảy ra nếu ý thức của thuyền trưởng, thuyền viên, nhân viên phục vụ yếu kém" - vụ chìm tàu Trường Hải 06 khiến 12 người thiệt mạng đã minh chứng cho nhận định trên.

Theo Ban Quản lý Vịnh Hạ Long, đội tàu du lịch tại đây đều mới được đưa vào sử dụng từ 3 đến 5 năm, giá thành mỗi chiếc từ 10 đến 15 tỷ, thậm chí có tàu tốn gần 30 tỷ đồng. Công tác đăng ký, đăng kiểm phương tiện tàu thuyền đều được thực hiện đúng trình tự và bài bản theo quy định của Bộ Giao thông Vận tải. Ngay cả tàu Trường Hải 06 được đóng mới từ năm 2008, lên đà ngày 27/10/2010 và đến ngày 29/4/2011, tàu mới phải kiểm tra, làm thủ tục gia hạn đăng kiểm. Cái giá quá đắt mà con tàu này phải gánh chịu chính từ sự thiếu trách nhiệm của thuyền trưởng và máy trưởng, không kiểm tra, khóa van thông nước biển khi tàu đậu qua đêm tại đảo Ti-tốp; thuyền viên bỏ trực ca, không kịp thời phát hiện khi nước tràn vào tàu và cũng không có biện pháp cứu hộ.

Từng tổ chức không ít tour du lịch cho khách trong và ngoài nước nghỉ đêm trên Vịnh Hạ Long, ông Nguyễn Công Hoan, Phó Giám đốc Trung tâm Lữ hành Hanoi Redtour đánh giá, các tàu du lịch hiện nay mới chỉ tuân thủ đăng kiểm chất lượng theo tiêu chuẩn mà ngành giao thông vận tải đề ra. Tuy nhiên, ngành du lịch lại chưa xây dựng bộ tiêu chuẩn đánh giá, quy định riêng về chất lượng cũng như xếp hạng sao đối với loại hình dịch vụ lưu trú trên tàu. Để thu hút khách, nhiều con tàu trên Vịnh Hạ Long đã tự ý gắn, phong sao. Về con người, đến nay, trong số lực lượng lao động trực tiếp ở ngành du lịch, chỉ duy nhất hướng dẫn viên được cấp chứng chỉ hành nghề. Còn lễ tân, nhân viên phục vụ… đều hoạt động tự do, không tuân theo bất kỳ quy định nào của cơ quan chức năng. "Ngoài quy định của Bộ Giao thông - Vận tải, Tổng cục Du lịch cần phải xây dựng bộ tiêu chuẩn đối với phương tiện vận chuyển, đưa ra các yêu cầu cụ thể đối với cơ sở vật chất, chất lượng dịch vụ, nhân viên phục vụ, đặc biệt vị trí thuyền trưởng hay lái tàu phải là người có nhiều năm kinh nghiệm, đồng thời được đào tạo nghiệp vụ phục vụ khách du lịch", ông Nguyễn Công Hoan nhấn mạnh.

Từ đầu tháng 12-2010, ngành du lịch tỉnh Quảng Ninh đã mở lớp đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ cho hơn 30 thuyền viên phục vụ trên các tàu nghỉ đêm tại Vịnh Hạ Long. Tuy nhiên, con số đó chẳng thấm vào đâu so với gần 600 nhân viên chưa qua đào tạo vẫn đang phục vụ ngày đêm trên các con tàu.

Với kinh nghiệm nhiều năm đưa các đoàn du khách đến Vịnh Hạ Long, hướng dẫn viên An Huy cho biết, nhân viên phục vụ trên tàu du lịch hiện nay thường là làm thời vụ, theo kiểu "cây nhà lá vườn". Không cần qua những lớp tập huấn đào tạo nghiệp vụ du lịch, chỉ cần biết vài câu giao tiếp bằng tiếng Anh là họ đã được nhận vào làm việc. Thậm chí, trên tàu đều có phao, áo cứu sinh nhưng chẳng mấy ai chú ý đến việc nhắc nhở hay hướng dẫn du khách sử dụng. "Sự việc xảy ra với tàu Trường Hải 06 cũng cho thấy, ngay cả việc tuyển chọn thuyền trưởng, máy trưởng, người nắm trong tay sinh mạng của hành khách cũng bị coi nhẹ. Quá non trẻ trong tuổi đời, thiếu kinh nghiệm trong tuổi nghề, người cầm lái sinh năm 1989 của con tàu xấu số đã gây ra vụ tai nạn lớn nhất từ trước tới nay trên Vịnh Hạ Long", hướng dẫn viên An Huy nói.

Tai nạn thảm khốc nói trên đã ảnh hưởng không nhỏ đến hình ảnh du lịch của Hạ Long nói riêng và ngành du lịch Việt Nam nói chung. Qua đó cho thấy, vấn đề bảo đảm an toàn cho khách du lịch phải được quan tâm hơn bao giờ hết. Bộ VH, TT& DL vẫn tiếp tục cho phép triển khai loại hình du lịch tham quan và nghỉ đêm trên Vịnh Hạ Long, nhưng kiên quyết loại bỏ và thu hồi giấy phép hoạt động đối với các tàu có chất lượng không đáp ứng tiêu chuẩn.

Ông Nguyễn Văn Tuấn, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cũng khẳng định, ngành du lịch sẽ sớm xây dựng và hoàn thành bộ tiêu chuẩn xếp hạng tàu khách du lịch. Thời gian tới, bộ tiêu chuẩn này sẽ được áp dụng với toàn bộ tàu du lịch đang hoạt động trên cả nước.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Báo động về chất lượng nhân lực du lịch

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.