Theo dõi Báo Hànộimới trên

Du lịch Việt Nam trong năm 2013: Hướng đến thị trường mới

Thu Trang| 01/03/2013 06:34

(HNM) - Trong hai tháng đầu năm 2013, lượng khách quốc tế tại nhiều thị trường vốn được xem là thế mạnh của du lịch nước ta bất ngờ giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2012.

Đây là điều khó tránh khỏi trong bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước chưa có dấu hiệu thay đổi tích cực. Mở rộng thị trường, khai thác những thị trường mới nổi là xu hướng được ngành du lịch lựa chọn để vượt qua giai đoạn sóng gió.

Khách du lịch quốc tế tham quan Bảo tàng Dân tộc học. Ảnh: Khánh Nguyên


Mở rộng thị trường

Từ nhiều năm qua, thị trường khách du lịch truyền thống từ Châu Âu, Đông Bắc Á và Bắc Mỹ luôn chiếm tỷ trọng lớn với mức chi tiêu cao trong tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam. Đặc biệt, khách du lịch Trung Quốc, Nhật Bản, Campuchia, Đức, Pháp luôn tăng trưởng đều và đứng trong tốp 10 thị trường hàng đầu gửi khách tới nước ta. Tuy nhiên, bước sang năm 2013, lượng khách từ những nơi này bắt đầu có dấu hiệu suy giảm.

Theo tổng hợp của Tổng cục Du lịch, trong hai tháng đầu năm 2013, tổng số khách quốc tế đến Việt Nam ước đạt hơn 1,2 triệu lượt, giảm 9,6% so với cùng kỳ năm 2012. Trong đó, lượng khách tại nhiều thị trường trọng điểm giảm mạnh, cụ thể, tỷ lệ giảm như sau: Đức 69%, Hồng Kông (Trung Quốc) 55%, Lào 39,1%, Đan Mạch 35,9%, Pháp 25,7%, Đài Loan (Trung Quốc) 22,5%, Campuchia 21,1%, Anh 15,9%, Nhật Bản 9%, Trung Quốc 8,8%... Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Văn Tuấn cho rằng, năm 2013, kinh tế thế giới và trong nước còn không ít khó khăn, ảnh hưởng không nhỏ đến nhu cầu về du lịch, nhất là thay đổi thói quen lựa chọn điểm đến của du khách. Khách du lịch quốc tế sẽ ưu tiên cho các chuyến đi ngắn ngày, khoảng cách gần với mức chi tiêu hợp lý. Do đó, song song với việc tiếp tục đẩy mạnh thu hút khách tại các thị trường gần và có truyền thống như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, ASEAN và ở khu vực Thái Bình Dương, ngành du lịch sẽ hướng tới thị trường Đông Âu và nghiên cứu mở rộng thị trường sang khu vực Nam Á và Trung Đông.

Nhiều hãng lữ hành cũng bắt đầu dồn sự tập trung cho việc khai thác những thị trường mới, ít chịu sự tác động của suy thoái kinh tế toàn cầu. Theo ông Nguyễn Công Hoan, Phó Tổng Giám đốc Hanoi Redtours, Âu - Mỹ từng là thị trường tiềm năng nhất của du lịch Việt Nam nhưng cuộc khủng hoảng nợ công bao trùm Châu Âu thời gian qua khiến cho các chuyến bay từ thị trường này tới Việt Nam thưa thớt. Vì thế, các doanh nghiệp lữ hành chuyển hướng sang khu vực Trung Đông, Ấn Độ, Sri Lanka và các nước ASEAN. Riêng đối với các thị trường trong khu vực Đông Nam Á, theo ông Nguyễn Công Hoan, sự gần gũi về mặt địa lý, chi phí đi lại rẻ, dễ kết hợp các chương trình quảng bá… là những điều kiện thuận lợi để khai thác thị trường tiềm năng này. Thế nhưng, lâu nay thị trường này lại ít được các doanh nghiệp lữ hành quan tâm.

Đại diện hãng lữ hành Saigontourist cho biết, Ấn Độ và Trung Đông là thị trường khách có khả năng chi tiêu cao cũng như có nhu cầu đi du lịch cao. Bởi theo khảo sát mới đây, lượng khách Ấn Độ đi du lịch tại Singapore chiếm đa số và ngày càng tăng mạnh. Còn du khách đến từ Trung Đông thường là các thương gia, chi tiêu mạnh tay. Để khai thác tốt nguồn khách này, các đơn vị lữ hành cần xây dựng các dòng sản phẩm tour cao cấp cùng với việc tăng cường các chương trình xúc tiến, quảng bá.

Lượng khách du lịch nước ngoài đến Việt Nam giảm trong hai tháng đầu năm. Ảnh: Bảo Lâm


"Tăng sức" vượt bão

Dự báo của trang tư vấn du lịch trực tuyến Cheapflights về xu hướng du lịch năm 2013 trên thế giới là tăng nhu cầu du lịch giảm giá và đây là quan tâm hàng đầu của du khách. Ngành du lịch sẽ chứng kiến sự gia tăng nhu cầu đối với các chuyến đi giảm giá như kỳ nghỉ trọn gói, dịch vụ trọn bộ và du lịch biển…
Cùng với việc đổi hướng khai thác thị trường, nhiều đơn vị lữ hành lớn trên cả nước đã bắt tay với các đối tác nhằm giảm giá tour, tăng sức cạnh tranh. Ông Nguyễn Minh Mẫn, đại diện Công ty Du lịch Vietravel cho hay, thời điểm khó khăn như hiện nay cũng là lúc phân chia lại thị trường với ưu thế thuộc về công ty tiên phong đổi mới và nắm bắt thời cơ. Đa dạng các sản phẩm, phối hợp với hàng không và hệ thống nhà hàng, khách sạn để cung cấp mức giá tốt, hợp lý nhất dành cho du khách là cách mà Vietravel vượt qua khó khăn.

Còn với Saigontourist, để bảo đảm tình hình kinh doanh trong năm 2013, đơn vị này đã phối hợp với các đối tác cung ứng dịch vụ, vận chuyển, khách sạn… đẩy mạnh các sản phẩm du lịch tiết kiệm. Ngoài ra, Saigontourist cũng sẽ liên kết khai thác nguồn khách quốc tế đến Việt Nam theo đường hàng không, biển, sông và đường bộ, mở thêm nhiều tour mới, cả du lịch tiết kiệm lẫn cao cấp…

Trong khi đó, Tổng cục Du lịch cũng đang tích cực hoàn thiện đề án chương trình kích cầu du lịch năm 2013 với chính sách dành cho các doanh nghiệp tham gia như miễn giảm thuế, giảm giá vé hàng không, đơn vị lưu trú, nhà hàng, chính sách tính giá điện, nước ưu đãi… Đây là giải pháp để "tăng sức" cho ngành du lịch trước cơn "bão khủng hoảng", đưa Việt Nam trở thành điểm đến lý tưởng cho du khách quốc tế.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Du lịch Việt Nam trong năm 2013: Hướng đến thị trường mới

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.