Theo dõi Báo Hànộimới trên

Để du khách chi tiêu nhiều hơn

Lâm Vũ| 24/02/2017 07:27

(HNM) - Kết quả điều tra của các chuyên gia dự án EU - vừa tiến hành đối với 1.543 khách du lịch trong nước và quốc tế tại 5 điểm đến là Huế, Đà Nẵng, Hội An, Hạ Long và Sa Pa - cho thấy, chi tiêu của khách du lịch tại Việt Nam còn ở mức thấp.

Ngành Du lịch cần đa dạng hóa và nâng cao chất lượng dịch vụ để du khách chi tiêu nhiều hơn. Trong ảnh: Khách quốc tế xem trình diễn múa rối nước tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam. Ảnh: Anh Tuấn.


Trăm cách "moi tiền"

Nguyên Đại sứ Việt Nam tại Ai Cập Nguyễn Lê Bách cho biết, ngành Du lịch Ai Cập không quá dựa vào những thứ "trời cho" bởi hiểu rõ một điều, nếu chỉ dựa vào tài nguyên có sẵn để khai thác thì sớm muộn gì điểm du lịch đó cũng bị "vắt" kiệt quệ. Ai Cập không thiếu điểm du lịch nổi tiếng như Kim tự tháp Cheops, Cây đèn biển Pharos... nhưng đất nước này vẫn xây dựng thêm những điểm du lịch mới. Làng Pharaoh ở Cairo là một ví dụ. Người Ai Cập đã xây dựng một khu du lịch "hốt ra bạc" rộng hơn 300ha ở ven sông Nil. Ở đó, người ta dựng lại những cảnh lao động, sinh hoạt dưới thời các Pharaoh cách đây hơn 5.000 năm. Các diễn viên ăn mặc trang phục thời đó, giới thiệu mô hình xây dựng kim tự tháp, công nghệ ướp xác, đóng góp của nền văn minh Ai Cập cổ đại cho nhân loại...

Chỉ riêng một điểm du lịch này, người Ai Cập đã thu không biết bao nhiêu tiền của khách. Không chỉ giải quyết công ăn việc làm cho hơn 300 người làm "diễn viên" thời cổ đại, làng Pharaoh còn có dịch vụ ăn uống, chụp ảnh với một studio đặc biệt mà ở đó, khách có thể thuê trang phục để vào vai vua, hoàng hậu thời cổ đại... Sau buổi tham quan, khách được phát giấy chứng nhận bằng tiếng Anh với nội dung: "Chứng nhận ông (bà)... đã đến làng Pharaoh ngày... và sử dụng cỗ máy thời gian lui lại 5.000 năm để chứng kiến những thành tựu của nền văn minh Ai Cập cổ đại...". Giấy có chữ ký và dấu của Cục trưởng Cục Du lịch Ai Cập, nói là tặng cho du khách nhưng ai cũng biết rằng nó nằm trong tiền vé vào cửa.

Chuyện ở Ai Cập chỉ là một trong số rất nhiều ví dụ có thể dẫn ra để minh chứng cho cách làm năng động, sáng tạo, hiệu quả của ngành Du lịch ở nhiều quốc gia. Theo ông Nguyễn Tiến Đạt, Phó Giám đốc Công ty Du lịch TransViet, các nước trong khu vực như Singapore, Thái Lan, Malaysia, Hàn Quốc... cũng có cách kinh doanh du lịch rất tốt. Giá tour của họ tương đối rẻ. Chẳng hạn, tour Thái Lan 5 ngày 4 đêm trọn gói chỉ có giá 6 triệu đồng nhưng hiếm có ai tới đây mà không tiêu thêm bởi người Thái có vô vàn cách để "moi tiền" của du khách.

Ví dụ, khách được dẫn đi xem Alcazar show, vốn nằm trong chương trình tour. Khách xem xong, người ta bắt đầu bán đĩa. Khi ra cửa, các nghệ sĩ đã đứng ở phía ngoài, ai muốn chụp ảnh cùng họ thì lại mất thêm một khoản tiền. Hoặc khi đến bãi biển Pattaya - nơi có các trò chơi như lặn biển, đi ca nô dù, ai đăng ký lặn biển mất khoảng 500.000 đồng, đi ca nô dù mất khoảng 300.000 đồng. Khi chuẩn bị hạ dù sẽ có người ra chụp ảnh, lúc du khách chuẩn bị trở về đất liền thì đã thấy ảnh của mình được in trên đĩa, rất đẹp. Nếu du khách lấy đĩa thì mất khoảng 200.000 đồng. Trong trường hợp khách không mua thì thợ ảnh vẫn vui vẻ. Tóm lại là người Thái Lan rất tinh tế trong việc "moi tiền" của khách.

Cần có thêm sản phẩm hấp dẫn

So với nhiều nước trong khu vực, tour vào Việt Nam đang bị cho là đắt. Nhưng vấn đề là chúng ta không biết cách và không có nhiều điều thú vị để khách phải rút ví ra. Đó là chưa kể những vấn nạn như chèo kéo hay ép khách vào điểm mua sắm, tỏ thái độ thiếu lịch sự khi khách xem nhưng không mua hàng. Nhiều khách nước ngoài sợ nạn "chặt chém", phải chi những khoản không có trong thỏa thuận một cách vô lý.

Theo ông Nguyễn Tiến Đạt, cho đến nay, Việt Nam làm du lịch chưa chuyên nghiệp, thiếu bài bản. Để lấy được tiền của khách, Việt Nam nên học các nước trong khu vực, chẳng hạn như ở Hàn Quốc. Hướng dẫn viên nước này thường dẫn khách vào các cửa hiệu sâm của Nhà nước. Tại đây, du khách thấy rất nhiều ảnh chụp của các nguyên thủ quốc tế nên dù giá sâm cao gấp 2, 3 lần bên ngoài nhưng ai cũng yên tâm mua. "Chúng ta cần nghiên cứu những mặt hàng đặc sản phù hợp với khách du lịch để Nhà nước công nhận thương hiệu. Với các cơ sở mua sắm như thế, khách sẽ yên tâm hơn, không còn lo bị "chặt chém". Tại Hà Nội, mới đây Sở Du lịch đã công nhận "Không gian Áo dài Việt", "Đình Đồng Lạc 38 Hàng Đào" là các cơ sở đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch, đó là những mô hình rất đáng khích lệ", ông Nguyễn Tiến Đạt cho biết.

Ông Nguyễn Công Hoan, Phó Tổng Giám đốc Công ty Hanoi Red Tour thì cho rằng, với du khách, ngoài tiền ăn ở, tham quan, di chuyển thì còn có mấy loại dịch vụ thường được khách lựa chọn, dễ thu thêm tiền là bar, spa hoặc các show biểu diễn. Về mua sắm, Việt Nam khó cạnh tranh với các thương hiệu nổi tiếng, do đó chúng ta nên chọn khai thác các sản phẩm đặc trưng Việt Nam, hàng thủ công mỹ nghệ. Cũng có thể tập trung cho những hoạt động du lịch chuyên đề, ví dụ du lịch MICE, du lịch chữa bệnh...

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Để du khách chi tiêu nhiều hơn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.