Theo dõi Báo Hànộimới trên

Du lịch nông nghiệp - Hiệu quả đa chiều

Nguyễn Mai| 18/06/2017 07:31

(HNM) - Mô hình xây dựng nông thôn mới gắn với phát triển du lịch được đánh giá mang lại hiệu quả đa chiều, vừa phát triển kinh tế, vừa bảo tồn văn hóa truyền thống ở nông thôn...

Mô hình du lịch nông nghiệp ở trang trại đồng quê Ba Vì.


Tiềm năng du lịch độc đáo

Trang trại đồng quê Ba Vì là một trong những mô hình du lịch nông nghiệp thành công với các chủ đề tham quan: Lúa nước và nền văn minh lúa nước; Nông trại chăn nuôi gắn với sinh hoạt cộng đồng làng xóm; Rau hữu cơ, rau rừng tự nhiên và đa dạng sinh học... Mô hình có sự liên kết với 5 hộ sản xuất nông nghiệp truyền thống ở địa phương, giúp du khách có cơ hội trải nghiệm việc nuôi bò, trồng thảo dược, trồng rau, chè...

Tham gia chuỗi hợp tác phát triển du lịch này, bà Triệu Thị Hòa (thôn Yên Sơn, xã Ba Vì, huyện Ba Vì) cho biết, gia đình làm nghề thuốc nam truyền thống, có 700m2 đất trồng 172 loài thảo dược, trong đó có nhiều thuốc quý như: Hoa tiên, củ dòm, sâm cau, khôi tía... Từ năm 2008 đến nay, gia đình phối hợp với trang trại đồng quê Ba Vì đón tiếp du khách đến tham quan và mua sản phẩm. Mỗi năm, mô hình này cho thu nhập khoảng 300 triệu đồng. "Bảo tồn nghề thuốc, gắn với phát triển du lịch đã mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn, góp phần xây dựng nông thôn mới bền vững hơn” - bà Hòa chia sẻ.

Theo Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT), nước ta đã có một số mô hình nông nghiệp du lịch thành công, có sức hấp dẫn với du khách tương tự trang trại đồng quê Ba Vì, như: Các tour du lịch Đồng bằng sông Cửu Long, giới thiệu cuộc sống sông nước miền Tây; phát triển du lịch biển có sự tham gia của cộng đồng bảo vệ sinh vật biển ở Rạn Trào (Khánh Hòa); du lịch nông nghiệp ở Mộc Châu (Sơn La)… Hà Nội cũng là địa phương có tiềm năng, lợi thế để phát triển du lịch nông nghiệp.

Đặc biệt, khu vực xung quanh chân núi Ba Vì có cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, diện tích rộng, nhiều sản vật địa phương. Nơi đây hình thành các làng nông nghiệp truyền thống lâu đời như: Làng chè Ba Trại, làng thảo dược người Dao ở xã Ba Vì; các trang trại nông hộ nuôi bò sữa, trồng rau rừng, hoa quả, nuôi ong mật, gà đồi, dê, thỏ, lợn, đà điểu, trâu, bò vàng nổi tiếng... "Xây dựng mô hình nông nghiệp du lịch là cách làm phù hợp thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn bền vững; là mục tiêu thực hiện xây dựng nông thôn mới; là cách làm hay để gìn giữ, bảo tồn những giá trị truyền thống" - Trưởng phòng Quy hoạch phát triển tài nguyên du lịch, Sở Du lịch Hà Nội Trần Trung Hiếu nhìn nhận.

Cần sự vào cuộc từ nhiều phía

Theo bà Ngô Kiều Oanh, chủ Trang trại đồng quê Ba Vì, mặc dù du lịch nông nghiệp đã triển khai thành công ở một số địa phương nhưng hiện nay vẫn chưa có kế hoạch phát triển tổng thể; chưa có văn bản hướng dẫn bài bản của các cấp, các ngành về lĩnh vực này. Khái niệm “nông nghiệp du lịch” vẫn chưa được công nhận chính thống về tên gọi nên doanh nghiệp khó hoạt động. Hơn nữa, loại hình du lịch này cần bãi đỗ xe, điểm sản xuất nông nghiệp bền vững... liên quan nhiều đến quy hoạch sản xuất của địa phương nên rất cần sự quan tâm của các cấp chính quyền, các ngành chức năng.

Đồng quan điểm, Trưởng phòng Truyền thông và Hợp tác quốc tế, Văn phòng Điều phối nông thôn mới trung ương Đặng Văn Cường chỉ ra thực tế việc kết nối với các hộ nông dân còn rời rạc, vì vậy, mô hình này đang cần sự vào cuộc của nhiều thành phần: Nhà nước, nông dân, doanh nghiệp du lịch... Hiện, vai trò
của chính quyền địa phương trong phát triển du lịch nông nghiệp chưa rõ nét.

Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới là tăng thu nhập cho cư dân nông thôn và bảo tồn, phát huy các nét đẹp văn hóa. Du lịch nói chung và du lịch nông nghiệp nói riêng được Ban Chỉ đạo trung ương đánh giá là một trong các giải pháp hiệu quả thực hiện mục tiêu Chương trình. Từ năm 2013, Văn phòng Điều phối nông thôn mới trung ương bắt đầu triển khai thí điểm một số mô hình liên kết trong du lịch nông nghiệp, trong đó có mô hình trang trại đồng quê ở Ba Vì và 5 hộ nông dân với kinh phí 200 triệu đồng để đầu tư cải tạo vườn tạp, tập huấn cho nông dân chuyển từ sản xuất truyền thống sang sản xuất bài bản; hỗ trợ xử lý môi trường; phát triển các chuỗi liên kết, truyền đạt kỹ năng giao tiếp với du khách... Bà Nguyễn Bảo An, chuyên viên Ban Hợp tác quốc tế, Đại sứ quán Israel cho biết: Năm 2016, mô hình liên kết du lịch này tiếp tục nhận được sự hỗ trợ của Đại sứ quán Israel nhằm giúp các hộ nông dân tham gia chuỗi du lịch, hỗ trợ trang trại đồng quê xây dựng phim tư liệu giới thiệu về du lịch Ba Vì, trang bị sổ tay hướng dẫn nông hộ và công ty lữ hành...

Xây dựng nông thôn mới gắn với phát triển du lịch mà không phá vỡ văn hóa truyền thống đang là hướng đi hiệu quả. "Thời gian tới, ngành Du lịch cùng ngành NN&PTNT xây dựng đề án riêng về phát triển du lịch nông nghiệp, đồng thời phối hợp với các nông hộ, doanh nghiệp... xây dựng sản phẩm du lịch, tăng cường quảng bá và đào tạo nhằm khai thác tiềm năng, lợi thế các vùng, miền. Qua đó, sẽ sớm đưa mô hình du lịch nông nghiệp hoạt động chuyên nghiệp hơn, hiệu quả hơn" - ông Trần Trung Hiếu khẳng định.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Du lịch nông nghiệp - Hiệu quả đa chiều

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.