Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bình yên ở Bình Ba

Tuấn Lương| 01/11/2017 05:54

(HNM) - Rất khó để tìm thấy ở nơi này những thứ được gọi là tiện nghi thường thấy của một vùng du lịch biển. Ở đây toát lên sự bình yên với những nụ cười chất phác, hồn hậu của người dân bản địa; những cảnh sắc đẹp đến mê mẩn của tự nhiên chưa bị khai phá...

Góc bình yên ở đảo Bình Ba. Ảnh: Tuấn khải



Hòn đảo không tiện nghi

Sau chuyến bay vội lúc sáng sớm từ Hà Nội vào Cam Ranh, thêm chừng 20km di chuyển bằng taxi, tôi có mặt trên chiếc tàu gỗ, xuất phát từ Cảng Ba Ngòi (TP Cam Ranh) để ra đảo. Tàu chở chừng hai chục người, chủ yếu là dân đảo, chỉ có vài ba người là khách du lịch. Ngoài chở người, tàu còn chở cả nước ngọt, bia, mì ăn liền... Ông chủ tàu bảo ngày thường vắng khách, chứ vào cuối tuần hoặc mùa du lịch, khách kín chỗ, tàu chạy liên tục.

Tàu cập đảo. Cũng đã trưa, mặt trời trên đỉnh đầu. Ngoắc cậu thanh niên chạy xe ôm, anh chàng bảo đi đâu trên đảo cũng 10.000 đồng/lượt. Vừa định thắc mắc sao chỉ có 10.000 đồng thì chiếc xe máy cà tàng đã đỗ xịch trước cửa nhà nghỉ ở ngay bãi Nồm, cũng là điểm trung tâm nhất của đảo. Phòng nhỏ, gọn gàng, thiết kế theo kiểu nhà gỗ có giàn hoa giấy rực rỡ sắc màu trước cửa. Điều thích thú là cách phòng nghỉ chỉ vài bước đã được nhúng chân xuống biển.

Từ bãi Nồm sang bãi Chướng, bãi Nhà cũ, hòn Con Rùa... chỉ vài phút chạy xe máy. Cậu thanh niên xe ôm tên Bi bảo, bãi Nồm, bãi Chướng là đặt tên theo hướng gió. Còn bãi Nhà cũ là nơi những người dân đầu tiên đến Bình Ba lập nghiệp. Còn về cái tên của đảo, chuyện kể rằng xa xưa lắm, từ hồi thế kỷ XVII-XVIII, có ba người đàn ông làm nghề chài lưới ở tỉnh Bình Định, trong lúc đánh cá trên biển bị sóng to, gió lớn đẩy dạt vào đây. Khi lên bờ, ba người thấy đảo tuy nhỏ nhưng có nhiều lợi thế cho việc làm ăn, sinh sống nên quyết định đưa anh em, bà con ra đảo, rồi từ đó dựng làng, lập ấp... Cái tên Bình Ba vừa mang ý nghĩa yên bình - hòn đảo chắn sóng, gió cho vịnh Cam Ranh, đồng thời mang nghĩa là ba ông người Bình Định đầu tiên lập nghiệp, nhắc nhở con cháu nhớ về tổ tiên.

Ấn tượng nhất của tôi trong ngày đầu trên đảo, ngoài khí hậu mát mẻ, người dân hiền hòa, mến khách thì rất khó tìm thấy ở đảo Bình Ba những thứ được gọi là tiện nghi thường thấy ở những vùng du lịch biển. Không thể tìm được một chiếc taxi hay ô tô du lịch chạy trên đảo. Đường ngang, đường dọc nơi đây chỉ rộng khoảng 3-4m. Nhưng với dân "phượt" thì hòn đảo nhỏ này là một địa điểm vô cùng hấp dẫn vì vẻ hoang sơ. Bạn có thể ngủ lại nhà dân cả tuần, hòa mình với nhịp sống thường nhật trên đảo.

Nỗi lo quá tải

Ở Bình Ba cái gì cũng rẻ. Từ xe ôm, nhà nghỉ cho đến đồ ăn thức uống. Thuê cả chiếc tàu gỗ (sức chứa khoảng 12 người) để lang thang trên vịnh tắm biển, ngắm san hô, câu cá (đi từ sáng đến chiều tối) cũng chỉ 600.000 đồng. Ly cà phê đặc sánh đúng vị chỉ 12.000 đồng, bát bún hải sản 20.000 đồng...

Bình Ba nổi tiếng là đất nuôi tôm hùm của tỉnh Khánh Hòa. Chủ khách lang thang trên vịnh cũng hợp chuyện. Ông Phí, tài công tàu gỗ bảo hai bố con ông chỉ chở khách mỗi khi vào mùa du lịch, chứ thu nhập chính là từ nuôi tôm hùm. Hai bố con ông Phí mỗi năm làm khoảng 50 lồng tôm giống, sau 11 tháng thì thu hoạch. Nếu không mất mùa, mỗi lồng lãi chừng 50 triệu. Chẳng may mất mùa thì hòa vốn nhưng nơi này sóng yên biển lặng, môi trường sạch sẽ nên tôm sống khỏe, thu nhập ổn định. Khoảng 80% người dân trên đảo sống bằng nghề nuôi tôm hùm. Người có vốn thì đầu tư thuê mặt biển thả lồng nuôi tôm, người ít vốn làm thuê, hằng ngày chăm sóc cho tôm và vệ sinh lồng. Những thanh niên vạm vỡ mặc đồ lặn lao xuống độ sâu 2-7m chăm sóc tôm, mỗi tháng thu nhập cũng từ 6 đến 7 triệu đồng/người. Lúc rảnh họ tranh thủ đi câu mực, câu cá bán cho mấy quán nhậu trên đảo. "Trông thì thấy nhà không cao, cửa không rộng như bên TP Nha Trang nhưng cuộc sống ở đây bình yên và thu nhập ổn định" - ông Phí chia sẻ.

Thức dậy ở Bình Ba thấy trong người khỏe. Khí hậu biển thật tuyệt, lại vắng vẻ đúng như mong ước. Buổi sáng, ngoại trừ khách du lịch còn đang chìm trong giấc ngủ thì phần lớn người dân địa phương đã ở khu chợ cá ngoài cầu cảng. Thời điểm này ở đây luôn tấp nập thuyền về. Những thùng xốp, thùng nhựa đầy cá, mực, ốc... từ dưới tàu đưa lên. Tất cả cùng mua bán ngay tại chân cầu cảng. Dường như toàn bộ dân đảo buổi sáng sớm tập trung hết ngoài chợ, không thấy một ai cáu gắt, chỉ là những nụ cười. Chợ cứ thế họp, ngày nào cũng vậy và kết thúc chừng 10h sáng.

Độ 2-3 năm gần đây, Bình Ba trở nên "hot" trên bản đồ du lịch Việt Nam nên khách đến rất đông. Vào mùa cao điểm (từ giữa tháng 6 đến đầu tháng 8) đảo luôn kín đặc du khách. Dân số đảo chỉ có hơn 4.000 người. Hạ tầng, phòng ốc cho du lịch hạn chế, chỉ có biển là bao la, nhưng có lúc phải phục vụ tới 5.000 khách. Số phòng nghỉ ít ỏi không thể đáp ứng nhu cầu nên nhiều khách phải dựng lều bạt ven bờ biển để ngủ. Khách "đến như bão", "ăn như bão" rồi cũng "đi như bão", để lại nơi này tràn ngập rác. 4.000 người dân trên đảo dọn rác không xuể. Cũng vì thế, người Bình Ba vừa mong đến mùa hè để có thêm thu nhập nhưng cũng sợ mùa hè sẽ mang đến những "cơn bão người"...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bình yên ở Bình Ba

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.