Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thi hoa hậu tại Việt Nam: Có nên bỏ bikini?

Hoàng Lân| 12/06/2018 11:45

(HNMO) - Việc Cục nghệ thuật biểu diễn lấy ý kiến các tổ chức, cá nhân về các nghị định chung trong công tác tổ chức hoa hậu, người đẹp, trong đó có ý kiến về việc nên bỏ phần thi bikini hay không đang tạo ra nhiều tranh cãi.

Việc có nên bỏ thi bikini hay không đang gây nhiều tranh cãi.


Thế giới đã băn khoăn với bikini

Ngày 5-6 vừa qua, Ban tổ chức (BTC) cuộc thi Hoa hậu Mỹ (Miss America) tuyên bố bỏ phần bikini từ năm 2019. Điều này khiến cho không ít người theo dõi cuộc thi bất ngờ bởi phần thi bikini vốn được xem là một trong những phần thi hấp dẫn người xem nhất. Lý do mà cuộc thi Hoa hậu Mỹ quyết định bỏ phần thi bikini là BTC muốn hưởng ứng phong trào #MeToo (chống quấy rối tình dục).

Theo bà Gretchen Carlson, Chủ tịch mới của Tổ chức Hoa hậu Mỹ và cũng là Hoa hậu Mỹ 1989, khi bỏ phần thi bikini cuộc thi sẽ là một sự ganh đua thực sự về trí tuệ, tài năng, lòng nhân ái chứ không đơn thuần là nơi trình diễn sắc đẹp. Ngay khi ý kiến này đưa ra, 7/9 thành viên của Hội đồng quản trị cuộc thi Hoa hậu Mỹ đã nhất trí với sự thay đổi này từ tháng 3.

Trình diễn bikini từng là một trong những phần thi hấp dẫn của cuộc thi Hoa hậu Thế giới. Từ năm 2013, phần thi này bị loại khỏi cuộc thi.


Hoa hậu Mỹ không phải là cuộc thi đầu tiên quyết định bỏ trình diễn bikini, trước đó vào năm 2013, cuộc thi Hoa hậu Thế giới cũng khiến cho không ít người tiếc nuối khi bỏ phần thi bikini. Thời điểm đó, cuộc thi được tổ chức tại Indonesia (đất nước có tỉ lệ dân số đông theo đạo Hồi), đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ, thậm chí là tẩy chay của công chúng nước này. Trước làn sóng đó, bà Julia Morley - Chủ tịch của cuộc thi Hoa hậu Thế giới quyết định bỏ phần thi áo tắm. Đến năm 2015, Chủ tịch tổ chức Hoa hậu Thế giới tuyên bố chính thức loại hẳn bikini khỏi cuộc thi với lý do, Hoa hậu Thế giới hướng đến vẻ đẹp trí tuệ, nhân ái hơn là hình thể.

Không chỉ riêng Mỹ, tại một số quốc gia trên thế giới như Italia, Argentina… một số cuộc thi sắc đẹp cấp quốc gia và cấp thành phố cũng đã bỏ trình diễn bikini, vì cho rằng phần thi này gây hại cho phụ nữ.

Không thi bikini, hoa hậu Việt Nam thi gì?

Vừa qua, Cục NTBD cho biết sẽ lấy ý kiến các tổ chức, cá nhân về các nghị định chung trong công tác tổ chức hoa hậu, người đẹp, trong đó có ý kiến về việc nên bỏ phần thi bikini hay không.

Theo ông Lê Minh Tuấn - Phó Cục trưởng Cục NTBD, BTC cuộc thi Hoa hậu Mỹ cho rằng, phần thi bikini cho tới thời điểm này là không cần thiết, để tập trung đánh giá trí tuệ của thí sinh, đó cũng là cách nhìn nhận tích cực. Nhân việc này, Cục sẽ đưa ra nội dung về phần thi bikini để trao đổi, lấy ý kiến từ các tổ chức, cá nhân liên quan. Nếu có sự đồng thuận cao từ cơ quan quản lý, từ các tổ chức, cá nhân và quy định mới có khả năng giúp đạt hiệu quả quản lý tốt, không ảnh hưởng tới chất lượng các cuộc thi thì Cục NTBD sẽ thể chế việc này vào văn bản pháp luật.

Cục NTBD đang lấy ý kiến về việc có nên bỏ phần thi này hay không. Hiện nay, BTC cuộc thi Hoa hậu Việt Nam vẫn duy trì phần thi này.


Trước động thái này của Cục NTBD, rất nhiều ý kiến tranh cãi xung quanh việc có nên hay không bỏ phần thi bikini trong các cuộc thi sắc đẹp tại Việt Nam. Theo nhà báo Dương Xuân Nam - người nắm giữ vai trò Trưởng BTC cuộc thi Hoa hậu Việt Nam nhiều năm trước bày tỏ, không nên bỏ phần thi này khỏi cuộc thi hoa hậu, người đẹp.

“Đã là thi hoa hậu, người đẹp thì tiêu chí đầu tiên phải là vẻ đẹp hình thể hài hòa của thí sinh. Phần thi bikini có thể đánh giá được điều này ở các thí sinh. Nếu lấy lý do là bỏ phần thi bikini để tập trung cho phần thi trí tuệ, tài năng thì đó là ở cuộc thi khác, ví như Đường lên đỉnh Olympia chỉ chuyên dành tìm kiếm những người có kiến thức”, ông Dương Xuân Nam cho hay.

Đồng quan điểm này, bà Nguyễn Thúy Nga, Giám đốc công ty Elite Việt Nam - đơn vị nắm giữ nhiều bản quyền đưa thí sinh dự thi quốc tế - bày tỏ: "Ở các quốc gia phát triển, người đẹp dự thi đều là những người chuyên nghiệp, họ được đào tạo trong những “lò luyện” nên đã có kỹ năng trình diễn tốt, hình thể đạt chuẩn, phông nền kiến thức cũng được trau dồi kỹ, vì thế việc bỏ phần thi bikini không ảnh hưởng nhiều đến chất lượng cuộc thi. Tại Việt Nam, các người đẹp tham gia vẫn mang nhiều tính tự phát, ít được đào tạo từ trước, kỹ năng trình diễn còn vụng về, hình thể chưa đạt chuẩn do thiếu tập luyện. Nếu bỏ phần thi bikini sẽ khó đánh giá được chính xác vẻ đẹp hình thể của thí sinh. Người đẹp Việt Nam vốn yếu trong phần thi ứng xử, kỹ năng giao tiếp, nếu cho rằng bỏ phần thi bikini để tập trung vào phần thi kỹ năng ứng xử có thể sẽ biến cuộc thi hoa hậu, người đẹp thành cuộc thi có tính chất khác”, bà Thúy Nga nói.

Trong khi Cục NTBD vẫn đang lấy ý kiến dư luận, Thứ trưởng Bộ VH,TT&DL Vương Duy Biên khi trả lời báo chí cũng bày tỏ quan điểm: “Bikini thể hiện rõ nhất vẻ đẹp hình thể, là một trong những tiêu chí quan trọng của các cuộc thi hoa hậu, thì sao lại bỏ đi? Đây là câu chuyện cần bàn tính kỹ càng. Không phải tự nhiên mà phần thi bikini đã tồn tại mấy chục năm nay trong các cuộc thi hoa hậu trong nước và thế giới. Xét về góc độ thẩm mỹ, đây là phần thi mang lại hiệu ứng hấp dẫn khán giả. Vẻ đẹp hình thể của các thí sinh được thể hiện rõ hơn. Bóng chuyền bãi biển cũng lấy bikini là trang phục thi đấu, và trở thành một trong những bộ môn thể thao hấp dẫn. Nếu bỏ chúng đi thì phải đưa ra lý do, mặt trái của trang phục đó là gì? Nếu vì cho rằng bikini là phản cảm mà phải bỏ thì vô tình chúng ta áp đặt suy nghĩ lên một bộ trang phục đẹp”.

Đến thời điểm này, những tranh luận về việc có nên hay không bỏ bikini trong các cuộc thi hoa hậu tại Việt Nam vẫn đang “nóng”, nhất là khi cuộc thi Hoa hậu Việt Nam 2018 đã tổ chức vòng thi sơ khảo, cuộc thi Hoa hậu Bản sắc Việt toàn cầu cũng đang rục rịch chuẩn bị khởi động.

Được biết, sau khi lấy ý kiến, cơ quan quản lý dự kiến trình dự thảo Nghị định quy định về hoạt động nghệ thuật biểu diễn lên Chính phủ vào tháng 11 tới.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Thi hoa hậu tại Việt Nam: Có nên bỏ bikini?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.