Theo dõi Báo Hànộimới trên

Giáo dục mầm non: Vẫn là nỗi lo thiếu trường

Thống Nhất| 07/01/2016 06:41

(HNM) - Hiện nay, việc đáp ứng chỗ gửi con của phụ huynh vẫn là thách thức không nhỏ đối với các cấp quản lý, chính quyền.


Thêm nhiều trẻ được đi học

Đến nay, hơn một năm kể từ khi Trường Mầm non Ngã Tư Sở được khánh thành, niềm vui dường như vẫn còn đọng lại với bà con nhân dân phường Ngã Tư Sở (quận Đống Đa) bởi đây là ngôi trường mầm non công lập đầu tiên được xây dựng trên địa bàn. Nhiều năm liền không có trường, trẻ mầm non trong phường hoặc phải đi học ở các phường xung quanh hoặc gửi ở các cơ sở tư thục, gây không ít bất tiện và tốn kém cho các bậc phụ huynh. Mầm non Ngã Tư Sở là một trong số 6 trường mầm non công lập được đầu tư xây dựng trong giai đoạn 2010-2015, chính thức chấm dứt tình trạng "phường trắng trường mầm non công lập" của Hà Nội. Đây là một trong rất nhiều những nỗ lực của Hà Nội trong việc đầu tư xây dựng cơ sở vật chất nhằm đáp ứng chỗ học cho trẻ mầm non.

Một giờ học tại Trường Mầm non A xã Liên Ninh (huyện Thanh Trì). Ảnh: Bùi Tuấn


Bà Hoàng Thanh Hương, Trưởng phòng Giáo dục mầm non, Sở GD-ĐT Hà Nội khẳng định: Việc triển khai quyết liệt và đồng bộ các chính sách đối với giáo dục mầm non trong 5 năm qua đã tạo bước chuyển biến toàn diện về chất lượng giáo dục mầm non tại Hà Nội. Đây là giai đoạn quy mô trường lớp của giáo dục mầm non Thủ đô phát triển mạnh mẽ, vượt chỉ tiêu đề ra tại "Đề án nâng cao chất lượng giáo dục mầm non TP Hà Nội đến năm 2015". Những thay đổi về nhận thức và sự gia tăng về quy mô trường, lớp mầm non trong thời gian qua đã thu hút ngày càng nhiều trẻ đến trường.

Theo thống kê của Sở GD-ĐT, tính đến năm học 2015-2016, trong tổng số 515 nghìn trẻ mầm non được chăm sóc, giáo dục tại các cơ sở giáo dục mầm non của Hà Nội, số trẻ nhà trẻ (dưới 3 tuổi) gồm 101 nghìn bé, đạt tỷ lệ 35% số trẻ trong độ tuổi; tỷ lệ trẻ ra lớp ở độ tuổi mẫu giáo (3-5 tuổi) là 98%. So với năm 2010, tỷ lệ trẻ ra lớp ở hai độ tuổi này đều tăng, trong đó, số trẻ ở độ tuổi nhà trẻ tăng 9%, mẫu giáo tăng 18%. Kết quả nổi bật của giáo dục mầm non Hà Nội trong giai đoạn này là về đích trước 1 năm so với kế hoạch của thành phố, trước 2 năm so với toàn quốc về thực hiện phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi. Năm 2015, 30/30 quận, huyện, thị xã đều duy trì được chất lượng phổ cập giáo dục mầm non 5 tuổi.

Chưa đáp ứng đầy đủ so với nhu cầu

Với sự đầu tư tập trung cho cấp học giáo dục mầm non, so với 5 năm trước, số cơ sở giáo dục mầm non đã tăng nhanh, với 1.003 trường mầm non và hơn 16 nghìn nhóm, lớp. Dù vậy, lãnh đạo Sở GD-ĐT Hà Nội thừa nhận rằng do tốc độ tăng dân số cơ học quá nhanh, hằng năm, số trẻ mầm non đến trường tăng khoảng 25-30 nghìn trẻ, nên dù quy mô giáo dục mầm non tăng nhiều nhưng vẫn chưa đáp ứng kịp nhu cầu gửi con của các bậc phụ huynh.

Khảo sát thực tế cho thấy ở nhiều huyện như Ba Vì, Mỹ Đức, Thạch Thất…, điều kiện cơ sở vật chất trường lớp còn khó khăn, nhiều điểm lẻ; kinh phí đầu tư cho giáo dục mầm non còn hạn chế, chưa tương xứng với yêu cầu nhiệm vụ của cấp học nền tảng, cấp học đầu đời của mỗi con trẻ. Huyện Phú Xuyên, dù có chính sách hỗ trợ của thành phố và rất coi trọng việc đầu tư cho giáo dục, song như lời một vị lãnh đạo phòng GD-ĐT huyện thì "tiền vào nhà khó như gió vào nhà trống". Huyện Mỹ Đức đã ban hành nghị quyết với mức đầu tư mỗi năm cho giáo dục là 20 tỷ đồng, song do số trường trên địa bàn có nhiều (76 trường ở cả ba cấp mầm non, tiểu học và THCS), số phòng học cấp 4, phòng học tạm, phòng học bán kiên cố cần cải tạo, nâng cấp lên tới hàng trăm nên khó có thể quan tâm đầy đủ đối với từng cấp học. Đó là điều có thể hiểu được.

Một số quận cũng gặp không ít gian nan trong quá trình đầu tư xây dựng trường lớp nói chung và cho cấp học mầm non nói riêng. Theo thống kê cuối năm 2015 của quận Ba Đình, nhóm lớp đủ điều kiện theo điều lệ đạt tỷ lệ 91% và mới có 1/4 số trường mầm non trên địa bàn đạt chuẩn quốc gia. Lãnh đạo quận nhận định: Quy mô phát triển cấp học mầm non của Ba Đình gặp nhiều khó khăn, tỷ lệ trẻ/lớp vượt quá quy định của điều lệ trong những năm gần đây là do thiếu quỹ đất mở rộng, xây dựng trường, bổ sung phòng học... Từ nay tới năm 2020, Ba Đình đặt mục tiêu tập trung tìm, tận dụng quỹ đất xây dựng trường, lớp mầm non, phấn đấu giảm tỷ lệ trẻ/lớp xuống còn 40. Đó chắc chắn không phải là việc của riêng Ba Đình, mà còn là nhiệm vụ trọng tâm, cần được ưu tiên của nhiều đơn vị trong giai đoạn tới nhằm đáp ứng nhu cầu gửi con ngày càng cao của phụ huynh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giáo dục mầm non: Vẫn là nỗi lo thiếu trường

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.