Theo dõi Báo Hànộimới trên

Loại bỏ những cuộc thi gây áp lực

Thống Nhất| 06/01/2017 06:42

(HNM) - Những năm gần đây, các trường tiểu học, THCS, THPT tổ chức khá nhiều cuộc thi dành cho học sinh (HS), từ thi về kiến thức, văn hóa đến văn nghệ, thể dục thể thao... Tuy nhiên, không phải cuộc thi nào cũng nhận được sự ủng hộ của các em.


Tác dụng còn hạn chế

Hầu hết phụ huynh đều không mấy xa lạ với thông báo của nhà trường về việc đăng ký cho con tham dự các cuộc thi như vẽ tranh, trình bày hiểu biết, giao lưu, tiểu phẩm... Với sự đa dạng về hình thức, nội dung, các cuộc thi này ít nhiều đem lại tác động tích cực cho HS về phát triển trí tuệ và các kỹ năng. Ông Lê Minh Hiếu, phụ huynh HS Trường THCS Trưng Vương (quận Hoàn Kiếm) cho biết: Thỉnh thoảng nhà trường có gửi tin nhắn cho phụ huynh thông báo về nội dung các cuộc thi đang được triển khai, nếu HS nào tham gia thì đăng ký. Vì thế, các con có thể tùy ý lựa chọn nội dung tham gia theo sở thích và khả năng.



Tuy nhiên, theo nhận định của một số phụ huynh và cả giáo viên, không phải cuộc thi nào cũng khiến HS hào hứng, mà ngược lại, có những khi các em chỉ tham gia cho có, cốt sao không làm ảnh hưởng đến kế hoạch của lớp, của trường. Ông Nguyễn Văn Khang, Hiệu trưởng Trường THPT Mari Curie Hà Nội nhận định: Thực tế cho thấy có những cuộc thi không khiến HS hào hứng tham gia. Nếu buộc phải làm thì các em sẽ đối phó bằng cách phân công một bạn trong lớp viết, các bạn khác chép hoặc photocopy để nộp cho đủ số lượng, hiệu quả không cao.

Phạm Ngọc Lâm, HS lớp 7 Trường THPT Lương Thế Vinh cho biết: “Có khá nhiều cuộc thi nhưng chủ yếu là mang tính phong trào, vì vậy em chỉ tham gia cuộc thi nào mà em thấy vừa sức và thích thú”. Khi được hỏi về tác dụng của các cuộc thi đối với HS nói chung, Phạm Ngọc Lâm không ngần ngại chia sẻ rằng hầu hết bạn của em tham gia "cho vui", chứ thực sự không mấy để tâm.

Không phải là tiêu chí đánh giá thi đua

Mới đây, cùng với quyết định dừng cuộc thi trực tuyến “Chinh phục vũ môn” đã được triển khai trong hai năm qua, Bộ GD-ĐT đã chỉ đạo các địa phương rà soát, làm rõ ưu, nhược điểm của từng cuộc thi dành cho HS hiện nay nhằm loại bỏ những kỳ cuộc không thiết thực, tạo áp lực đối với HS và gây băn khoăn cho giáo viên và cha mẹ HS.

Tại Hà Nội, theo ông Phạm Xuân Tiến, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT, quan điểm chỉ đạo của ngành là chỉ tổ chức các cuộc thi phù hợp với trình độ, tâm lý lứa tuổi, có tác dụng nâng cao kiến thức và năng lực kỹ năng cho HS, đồng thời không tạo ra áp lực cho các em. Vài năm trước, Hà Nội từng tổ chức cuộc thi viết chữ đẹp cho HS, song đã phải dừng lại vì quá trình triển khai cho thấy cuộc thi gây căng thẳng cho cả cô và trò. Nhiều năm nay, cấp tiểu học của Hà Nội không có những cuộc thi về kiến thức văn hóa mà chỉ có những cuộc thi văn nghệ, vẽ tranh… theo tinh thần tự nguyện. Riêng với tiếng Anh, Hà Nội chỉ tổ chức Olympic ở cấp thành phố, không tổ chức ở cấp quận, huyện và cấp trường, cũng không thành lập đội tuyển hay tổ chức ôn luyện để tránh gây áp lực với HS. Mọi HS có nguyện vọng và khả năng đều có thể tham dự Olympic cấp thành phố.

Nhiều phụ huynh HS cho rằng, mặc dù chủ trương của Ngành Giáo dục là giảm tải nhưng trong thực tế, ngành lại có quy định cộng điểm thưởng vào lớp 6 cho những HS tiểu học đoạt giải tại các cuộc thi về văn hóa, văn nghệ, vẽ tranh, khoa học kỹ thuật… Giải đáp mối băn khoăn này, ông Phạm Xuân Tiến khẳng định: Hai năm gần đây, toàn bộ các trường THCS trên địa bàn Hà Nội đều áp dụng chung một phương thức tuyển sinh là xét tuyển theo tuyến, không trường nào tổ chức thi tuyển. Chỉ có một vài trường chất lượng cao, có số lượng HS đăng ký vào nhiều hơn so với chỉ tiêu thì xét tuyển thêm tiêu chí phụ, trong đó có dùng kết quả của HS khi tham gia các cuộc thi. Số lượng HS tham gia xét tuyển vào các trường này cũng rất ít so với tổng số HS vào lớp 6 hằng năm.

Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Phạm Xuân Tiến khẳng định không có việc các nhà trường bị áp đặt chỉ tiêu về số HS đăng ký tham gia các cuộc thi tại trường và việc có tham gia hay không tùy thuộc hoàn toàn vào quyết định của các em. Sở GD-ĐT không xem xét, đánh giá thi đua dựa trên kết quả tổ chức các cuộc thi này, mà đây chỉ là một tiêu chí tham khảo. Vì vậy, các nhà trường, phụ huynh HS không được bắt buộc HS tham gia, không được gây áp lực để bắt HS tham dự các cuộc thi này với bất cứ lý do nào.

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thị Nghĩa vừa ký văn bản gửi Giám đốc các sở GD-ĐT, yêu cầu rà soát toàn bộ các cuộc thi dành cho giáo viên và HS phổ thông. Mục tiêu của việc này là nhằm loại bỏ những cuộc thi không thiết thực, gây áp lực với giáo viên, HS, đồng thời thực hiện tốt mục tiêu đổi mới nội dung, phương pháp và hình thức tổ chức giáo dục phổ thông theo hướng tinh giản, thiết thực, hiệu quả. Bộ GD-ĐT chỉ đạo các sở GD-ĐT nắm rõ thực trạng việc tổ chức các cuộc thi trong trường học hiện nay, làm rõ những khó khăn của giáo viên và HS khi tham gia các cuộc thi này và đề xuất hướng triển khai trong thời gian tới
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Loại bỏ những cuộc thi gây áp lực

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.