Theo dõi Báo Hànộimới trên

Một biện pháp hỗ trợ đổi mới đào tạo

Quỳnh Phạm| 10/01/2017 06:43

(HNM) - Hằng năm, Bộ GD-ĐT phải xử lý hơn 1.000 đơn thư khiếu nại, tố cáo. Nhiều vụ việc khó, không được giải quyết dứt điểm, gây ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình thực hiện nhiệm vụ chuyên môn của các cơ sở GD-ĐT. Để khắc phục tình trạng này, bên cạnh những nỗ lực đổi mới trong công tác thanh tra, việc tăng cường

Chuyển trọng tâm thanh tra

Tại hội nghị về hoạt động thanh tra công tác giáo dục toàn quốc vừa diễn ra, Chánh Thanh tra Bộ GD-ĐT Nguyễn Huy Bằng cho biết, thời gian gần đây, hoạt động thanh tra giáo dục được định hướng chuyển trọng tâm từ chuyên môn sang quản lý giáo dục, tăng cường thanh tra, kiểm tra các điều kiện bảo đảm chất lượng giáo dục. Việc thanh tra không chỉ với hoạt động diễn ra trong trường, mà cả ngoài trường. Hoạt động thanh tra giáo dục còn nhằm vào việc phát hiện sơ hở trong cơ chế, chính sách, pháp luật để kiến nghị các cơ quan quản lý giáo dục sửa đổi, bổ sung. Nhiều kết luận thanh tra được đưa lên website của Bộ GD-ĐT, tạo tác động trong cả hệ thống.

Trường Đại học Công nghệ Vạn Xuân tổ chức thi liên thông “chui” bị đoàn kiểm tra Cơ quan đại diện Bộ GD-ĐT tại TP Hồ Chí Minh phát hiện.


Việc đổi mới công tác thanh tra giúp tránh được chồng chéo giữa các công cụ quản lý, góp phần tăng hiệu quả, giảm số cuộc thanh tra, giảm số lượng thành viên đoàn thanh tra cũng như thời gian thanh tra. Nội dung các cuộc thanh tra tập trung vào một số vấn đề dễ phát sinh tiêu cực, vấn đề dễ có cách hiểu khác nhau, gây bức xúc trong xã hội như dạy thêm, học thêm, thu chi ngoài quy định, sử dụng văn bằng chứng chỉ, chế độ chính sách đối với cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh; tuyển dụng viên chức Ngành Giáo dục, tuyển sinh đầu cấp, liên kết đào tạo.

Tuy nhiên, Chánh Thanh tra Nguyễn Huy Bằng cũng cho biết: Hằng năm, Bộ GD-ĐT phải xử lý hơn 1.000 đơn thư, trong đó chủ yếu là đơn thư không đúng thẩm quyền. Nhiều trường hợp tố cáo quyết liệt, lâu dài với sự tham gia của nhiều người, có sự chuyển hóa từ khiếu nại sang tố cáo, kiện hành chính. Trong một số trường hợp, người giải quyết khiếu nại, tố cáo trở thành người bị kiện. Tuy đã có nhiều đổi mới song hoạt động thanh tra ở nhiều sở, trường còn dàn trải; có nơi, kế hoạch thanh tra vẫn chú trọng số lượng, có tính chất lần lượt, quy trình thanh tra chưa theo đúng quy định. Một số vấn đề nóng, kéo dài, gây bức xúc cho dư luận vẫn còn tồn tại. Việc xử lý sau thanh tra chưa mạnh, chưa thường xuyên nên nhiều kết luận thanh tra chưa được thực hiện nghiêm, khiến tình hình thậm chí còn phức tạp hơn.

Tăng cường thanh tra nội bộ

Với các cơ sở giáo dục đại học, từ nay, việc thanh tra tập trung vào những nội dung như công tác liên kết đào tạo, cấp văn bằng chứng chỉ, các điều kiện bảo đảm chất lượng... Riêng về liên kết đào tạo (bao gồm cả liên kết trong nước và có yếu tố nước ngoài), công tác thanh tra đã phát hiện nhiều dạng thức vi phạm như: Liên kết không phép, liên kết sai đối tượng, không bảo đảm điều kiện chất lượng, thực hiện trách nhiệm liên kết không đúng quy định, có biểu hiện thương mại hóa… Ngoài ra, theo đại diện Thanh tra Bộ Công Thương, các trường cao đẳng thuộc Bộ đang gặp khó khăn trong tuyển sinh và điều kiện tài chính không tốt nên phải tiến hành cắt giảm viên chức, tình trạng tố cáo, khiếu nại diễn ra khá phổ biến.

Một trong những khó khăn của công tác thanh tra các cơ sở giáo dục đại học là nhiều trường thiếu cơ chế thanh tra nội bộ. Bà Nguyễn Lệ Hằng, Trưởng phòng Thanh tra Trường Đại học Ngoại thương đánh giá, thanh tra nội bộ có thể được ví như hoạt động của hệ thống miễn dịch của cơ thể, bởi nhiệm vụ chính là thường xuyên rà soát, phát hiện sơ hở trong cơ chế quản lý của trường để kiến nghị biện pháp khắc phục; phòng ngừa, phát hiện hành vi vi phạm pháp luật, nội quy, quy chế của trường; giúp đơn vị, tổ chức, cá nhân trong trường thực hiện đúng chính sách pháp luật về giáo dục và những lĩnh vực liên quan… Vì vậy, nếu các cơ sở giáo dục đại học không có tổ chức thanh tra nội bộ thì thường không thể giải quyết dứt điểm các vụ khiếu nại, tố cáo ngay tại cơ sở, dẫn đến phát sinh phức tạp, nhiều vụ việc kéo dài, khiếu nại, tố cáo vượt cấp khiến Bộ GD-ĐT phải trực tiếp chỉ đạo hoặc xử lý, giải quyết.

Thực tế của Trường Đại học Ngoại thương cho thấy, công tác thanh tra nội bộ gặp khó khăn ở công tác cán bộ, do theo quy định thì cán bộ làm công tác thanh tra nội bộ phải có kinh nghiệm làm việc ít nhất 6 năm và đạt những thành tích nhất định. Đại diện của trường đề xuất: Nên chăng, đối với Phòng Thanh tra, cần có cơ chế tuyển dụng nhân sự trực tiếp từ nguồn bên ngoài, sau đó có cơ chế tập sự phù hợp để thuận lợi hơn cho việc tạo nguồn nhân lực cho hoạt động thanh tra.

Đại diện Thanh tra Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh cũng cho rằng, quy mô và mức độ tổ chức các hoạt động thanh tra nội bộ phụ thuộc vào sự xem trọng của lãnh đạo đơn vị và cũng phụ thuộc vào năng lực của đội ngũ thanh tra. Việc tiến hành tốt các hoạt động nội bộ không chỉ giảm tải cho các hoạt động thanh tra cấp trên mà quan trọng hơn, sẽ hỗ trợ tốt cho việc đổi mới và nâng cao chất lượng đào tạo và hoạt động chung tại đơn vị.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Một biện pháp hỗ trợ đổi mới đào tạo

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.