Theo dõi Báo Hànộimới trên

Để tri thức khoa học gần gũi với trẻ

Mai Hoa| 13/03/2017 07:06

(HNM) - Hàng trăm em nhỏ đã háo hức tham gia trò chơi đố vui hỏi - đáp theo hình thức

Bìa bộ sách Thẻ học tập thông minh.


Hấp dẫn "phép thử" hỏi – đáp

Buổi giao lưu ra mắt bộ sách "Thẻ học tập thông minh" được tổ chức tại hội trường Trung tâm văn hóa Pháp (24 Tràng Tiền) cuối tuần qua. Khán phòng hội trường kín ghế và không khí sôi nổi được duy trì từ đầu đến cuối. Những câu hỏi liên tục được đưa ra cho các khán giả nhí với phần quà là những cuốn sách thú vị. Xen với đó, trên sân khấu, 21 bạn nhỏ được chia 3 đội tuyển, chơi trò hỏi - đáp trên nền nhạc điện tử trẻ trung.

Người dẫn chương trình "đọc rap" rất nhiều câu hỏi khoa học từ bộ sách "Thẻ học tập thông minh", ví như: Khủng long thuộc lớp động vật nào, có bao nhiêu đại dương trên trái đất, chữ viết ra đời cách nay bao năm, chiếc kim đầu tiên làm bằng xương hay bằng sắt...; và các thí sinh nhỏ tuổi hồ hởi, hào hứng giơ bảng chọn đáp án trong tiếng hò reo cổ vũ nhiệt thành của khán giả. Những tri thức khoa học về lịch sử, sinh vật, địa lý... được chuyển tải tự nhiên đã tạo cảm hứng vô cùng thích thú cho các em. Không khí ấy đã khẳng định, hình thức học kết hợp với giải trí qua cách hỏi - đáp sách khoa học có sức hấp dẫn, giúp trẻ tiếp nhận kiến thức nhanh hơn.

Bộ sách "Thẻ học tập thông minh" là bộ 4 hộp thẻ in giống như một trò chơi hỏi - đáp thú vị. Mỗi bộ tập trung một đề tài, gồm: Khủng long, thời tiền sử, động vật nuôi và nước, bao gồm 50 thẻ học tập có thể cầm gọn trong lòng bàn tay. Mặt trước thẻ có hình ảnh con vật, hiện tượng, sự vật đi kèm 3 câu hỏi tương ứng với 3 cấp độ dễ - trung bình - khó, mặt sau là câu trả lời tương ứng và một hộp thông tin bổ sung để các bé lứa tuổi 9 có thể biết thêm, nhớ kỹ về nhân vật, hiện tượng, sự vật đó.

Bộ sách có xuất xứ từ Pháp, được Nhà Xuất bản (NXB) Kim Đồng mua bản quyền, dịch và giới thiệu tại Việt Nam với sự hỗ trợ của Trung tâm văn hóa Pháp. Điểm đặc sắc nhất của bộ thẻ chính là ở cấu tạo đơn giản nhưng khoa học về cả lượng kiến thức và cách trình bày. Mỗi tấm thẻ được trau chuốt từng chi tiết nhỏ để vừa thuận tiện cho việc học tập, vừa đáp ứng mỹ cảm của các em, kích thích sự ghi nhớ thông qua hình ảnh.

Như chia sẻ của dịch giả Đỗ Thị Minh Nguyệt, Trưởng phòng Sách và Hội thảo Trung tâm văn hóa Pháp: "Có thể kể ra ba ưu điểm lớn của bộ thẻ. Thứ nhất, nội dung kiến thức vừa bao quát, vừa cụ thể, dễ sử dụng, các em có thể cùng chơi trong giờ ra chơi thông qua việc rút thẻ, lần lượt hỏi - đáp - chấm điểm, tăng cường sự tương tác. Thứ hai, hình ảnh trong bộ sách đẹp, hài hòa, sống động, phát triển khả năng cảm thụ nghệ thuật. Thứ ba, những câu hỏi được sắp xếp từ dễ đến khó giúp các em tiếp cận khoa học dễ dàng, thỏa mãn trí tò mò và lòng ham hiểu biết".

Để sách khoa học ngày càng gần gũi với các em


Trực tiếp tham gia dịch bộ nước trong bộ sách "Thẻ học tập thông minh" được xuất bản kỳ này, dịch giả Đoàn Thị Thảo chia sẻ: "Từng dịch 6-7 cuốn về mảng sách khoa học cho trẻ em, nguyên tắc tôi tự đặt ra cho mình là phải bảo đảm tính đơn giản, chính xác, lựa chọn những cuốn vui nhộn, không khô cứng, để các em vừa học vừa chơi, qua đó lĩnh hội kiến thức hiệu quả hơn".

Theo dịch giả Đoàn Thị Thảo thì mảng sách khoa học rất hữu ích cho các em nhỏ, không chỉ về kiến thức mà cả suy nghĩ về những giá trị nhân văn của cuộc sống. Chính vì vậy, khi dịch sách phải luôn căn cứ vào độ tuổi của đối tượng độc giả để có những tham khảo về ngôn ngữ, văn hóa sao cho bản dịch bảo đảm sự chính xác, đồng điệu giữa các nền văn hóa khác nhau. Cách làm ấy sẽ giúp các em nhỏ hiểu biết nhiều hơn về thế giới ngoài Việt Nam, về kiến thức chung của các bạn nhỏ trên thế giới.

Còn dịch giả Đỗ Thị Minh Nguyệt, với hơn 20 năm gắn bó công việc giới thiệu sách hay của Pháp đến Việt Nam và ngược lại, lạc quan cho biết: "Từ 3 đến 4 năm qua, sách Pháp, trong đó có mảng sách khoa học cho thiếu nhi, được dịch rất nhiều. Năm 2013, chỉ 54 đầu sách Pháp được chuyển nhượng và dịch ở Việt Nam. Đến 2014, con số này tăng lên 84. Năm 2015 đã có 194 đầu sách Pháp được chuyển nhượng bản quyền, trong đó có 150 đầu sách thiếu nhi với 2/3 là sách khoa học, đáp ứng một phần nhu cầu của phụ huynh trong quá trình tìm cách bổ trợ tri thức khoa học cho con em mình".

Bản thân có hai con nhỏ đều đang trong lứa tuổi thích tìm hiểu, khám phá, dịch giả Minh Nguyệt chia sẻ, các con chị đều rất mê đọc sách, và tủ sách gia đình luôn dành chỗ cho những cuốn sách khoa học có nội dung hay, hình ảnh, màu sắc đẹp và giàu giá trị thẩm mỹ như: "Dokeo - Bách khoa toàn thư thế hệ mới", "Tớ nên tin vào điều gì" thuộc bộ sách “Triết lý sống cho teen” (NXB Kim Đồng), "Tự do là gì" trong bộ sách "Thú vui tư duy" (NXB Tri thức), bộ sách "Khoa học chẳng khó" (Nhã Nam)...

Rõ ràng, để sách khoa học gần gũi, dễ tiếp cận hơn với độc giả nhỏ tuổi, việc giới thiệu ngày càng nhiều hơn những cuốn sách hay về nội dung và đẹp, phong phú về hình thức thể hiện, phù hợp tâm lý lứa tuổi là rất cần thiết. Tiến sĩ Diêu Thị Lan Phương, Chủ nhiệm CLB Ngôn ngữ và EQ nhận định: "Việc dịch sách khoa học cho học sinh trước đây có nhiều hạn chế, nhưng hiện nay đã phát triển và được các NXB quan tâm hơn. Rất cần có thêm những cuốn sách cung cấp tri thức cụ thể, trực quan với màu sắc, hình ảnh, thông tin dễ tiếp cận, giúp các độc giả "nhí" lĩnh hội tốt, có ích cho sự phát triển tư duy lâu dài của các em".

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Để tri thức khoa học gần gũi với trẻ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.