Theo dõi Báo Hànộimới trên

Giáo dục mầm non ngoài công lập: Bao giờ lấp đầy những "khoảng trống"?

Thống Nhất| 15/04/2018 06:48

(HNM) - Trong khi mạng lưới trường công lập chưa đáp ứng được nhu cầu gửi trẻ, các trường, nhóm, lớp mầm non ngoài công lập đã góp phần giảm áp lực cho ngành Giáo dục - Đào tạo. Tuy nhiên, đằng sau mặt tích cực ấy cũng còn nhiều bất cập về công tác quản lý, cơ sở vật chất...


Trường Mầm non Kim Chung (xã Kim Chung, huyện Đông Anh) thường xuyên quá tải học sinh. Ảnh: Anh Chung


Bài 1: Thiếu trầm trọng chỗ học ở khu công nghiệp

Thống kê tại Hà Nội cho thấy, số lượng trẻ mầm non đến trường tăng từ 25 đến 30 nghìn trẻ/năm, trong đó tập trung nhiều ở những địa bàn có khu công nghiệp, khu chế xuất. Do lượng công nhân làm việc luôn biến động, dẫn tới khó dự báo số trẻ mầm non trong độ tuổi đến trường, nên ở các địa bàn có khu công nghiệp thường trong tình trạng thiếu trầm trọng chỗ học…

Con công nhân khó vào trường công

Khu công nghiệp Bắc Thăng Long (xã Kim Chung, huyện Đông Anh) hiện là nơi thu hút đông công nhân nhất trong các khu công nghiệp tại Hà Nội, với khoảng 63 nghìn người, chiếm gần 50% số công nhân của các khu công nghiệp trên địa bàn thành phố. Tuy nhiên, tại xã Kim Chung chỉ có 2 trường mầm non công lập, còn lại là các cơ sở mầm non tư thục.

Theo ông Hoàng Đức Khang, Phó Chủ tịch UBND xã Kim Chung, cả xã có gần 4 nghìn trẻ trong độ tuổi mầm non ra lớp, song hệ thống trường, nhóm, lớp mầm non công lập và ngoài công lập mới đáp ứng được cho 2.200 cháu. Tương tự, xã Phú Nghĩa (huyện Chương Mỹ) - nơi có Khu công nghiệp Phú Nghĩa, quy mô 16 nghìn lao động, song chỉ có 1 trường mầm non công lập, vốn cũng trong tình trạng quá tải, nên đa phần công nhân nơi đây phải gửi con ở các nhóm, lớp tư thục.

Kết quả khảo sát về giáo dục mầm non tại huyện Đông Anh vào đầu tháng 4 vừa qua cho thấy, do trường công lập thiếu, lại không thể đáp ứng nhu cầu gửi trẻ theo ca, phần lớn người lao động làm việc ở các khu công nghiệp phải gửi con vào các nhóm, lớp tư thục. Năm học 2017-2018, toàn huyện có 16,5% số trẻ học tại cơ sở mầm non tư thục, thì riêng xã Kim Chung, tỷ lệ trẻ học tại cơ sở tư thục chiếm tới 91%.

Ông Phạm Xuân Tiến, Phó Giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo Hà Nội cho biết, Hà Nội hiện có 17 khu công nghiệp, khu công nghệ cao, tập trung tại các huyện Đông Anh, Sóc Sơn, Mê Linh, Thạch Thất, Thường Tín... Tỷ lệ lao động nữ chiếm khoảng 70% tổng số lao động tại địa bàn và phần lớn ở độ tuổi từ 18 đến 25... Thế nhưng, hiện mỗi xã chỉ có từ 1 đến 2 trường mầm non công lập và cũng chỉ tiếp nhận được trẻ trong độ tuổi từ 18 tháng trở lên, trong khi công nhân lao động được nghỉ thai sản theo quy định là 6 tháng và đa phần nữ công nhân đều làm ca, nên việc gửi trẻ gặp nhiều khó khăn.

Tiềm ẩn rủi ro


Nhóm lớp tư thục Sơn Ca, xã Phú Nghĩa (huyện Chương Mỹ).


Thực tế cho thấy, có không ít nguy cơ rủi ro xảy ra đối với trẻ khi gửi tại các nhóm, lớp tư thục. Đơn cử như ở huyện Đông Anh có 35 trong số 81 nhóm lớp tư thục có quy mô trẻ/lớp vượt quá quy định của Điều lệ trường mầm non. Không ít nhóm lớp đều nằm trong tình trạng chung là cơ sở vật chất hạn chế, các phòng học được cải tạo từ nhà ở, diện tích chật chội, thiếu ánh sáng, nhà vệ sinh không đủ tiêu chuẩn, thiếu đồ dùng, đồ chơi... Có thể kể ra một số nhóm lớp trong hoàn cảnh đó là: Họa Mi, Chuông Vàng, Hoa Hướng Dương (xã Kim Chung, huyện Đông Anh); Sơn Ca (xã Phú Nghĩa, huyện Chương Mỹ)...

Tại nhóm lớp của bà Hoàng Thị Hường (xã Ngọc Hòa, huyện Chương Mỹ) có hơn 10 cháu, hầu hết ở độ tuổi từ 12 đến dưới 36 tháng, nhưng chỉ có một phòng học được sử dụng đa chức năng, nhà vệ sinh và bếp dùng chung với gia đình. Bà Hoàng Thị Hường vừa là chủ nhóm lớp, vừa là giáo viên. Dù chưa được cấp phép hoạt động, song nhóm lớp này vẫn hoạt động từ nhiều tháng nay. Theo lãnh đạo xã Ngọc Hòa, lý do chưa được cấp phép là thiếu giấy tờ về nhà đất, nhưng trực tiếp có mặt tại đây mới thấy, đó không phải lý do duy nhất khiến cơ sở này chưa xin được giấy phép hoạt động.

Đáng chú ý, đây không phải là đơn vị duy nhất trên địa bàn thành phố chưa có giấy phép, song vẫn hoạt động. Theo báo cáo của Sở Giáo dục - Đào tạo Hà Nội, có 70 nhóm lớp chưa được cấp phép hoạt động, chiếm 3% trong tổng số nhóm lớp đang hoạt động. Lý giải về việc để tồn tại các nhóm lớp hoạt động sai quy định, đại diện chính quyền các địa phương cho rằng, việc xử lý các cơ sở không phép gặp nhiều trở ngại, bởi đều là người cùng thôn, cùng xã. Hơn nữa, mức phạt nặng nhất cũng chỉ là yêu cầu đóng cửa. Song, do nhu cầu gửi con ngày càng cao của người dân, các cơ sở thường chỉ chấp hành đối phó, đoàn kiểm tra đi khỏi là họ lại mở cửa đón trẻ. Khó xoay xở được chỗ gửi con, nhiều phụ huynh, nhất là người lao động nghèo, đành "tặc lưỡi" bỏ qua những thiếu thốn về cơ sở vật chất và cũng chẳng mấy quan tâm đến trình độ giáo viên.

Còn tại xã Kim Chung, huyện Đông Anh, có nhóm lớp lại ở trên tầng 3 của tòa nhà cao tầng - nơi sinh sống của hàng trăm công nhân. Dù quy mô có lúc lên tới hơn 50 trẻ, chia làm 3 lớp, phòng học được cải tạo từ phòng ở, thiếu ánh sáng, nhưng các thiết bị về phòng cháy, chữa cháy gần như không bảo đảm. Tương tự, nhóm lớp Quỳnh Trang (phường Trương Định, quận Hai Bà Trưng) cũng có nguy cơ mất an toàn về phòng cháy, chữa cháy khi sử dụng ngôi nhà cao tầng để làm chỗ trông trẻ, tầng 1 dùng để trông giữ xe máy... Đặc biệt, trên địa bàn huyện Thanh Trì hiện có tới 50% số cơ sở là nhà từ 3 tầng trở lên... Nếu không quan tâm đến các trang thiết bị phòng cháy chữa cháy, nếu xảy ra sự cố sẽ dẫn đến rủi ro khó lường.

Thực tế ấy lý giải vì sao, hầu hết các sự cố về việc mất an toàn đối với trẻ mầm non thường xảy ra tại các cơ sở tư thục, nhất là tại các địa bàn đông dân cư, nơi có các khu công nghiệp. Tuy nhiên, đây mới chỉ là một “góc khuất” nhỏ trong giáo dục mầm non ngoài công lập của Hà Nội.

(Còn nữa)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giáo dục mầm non ngoài công lập: Bao giờ lấp đầy những "khoảng trống"?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.