Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bước tiến “đạn đạo” của Triều Tiên

Trung Hiếu| 14/12/2012 07:29

(HNM) - Vụ phóng vệ tinh thành công của CHDCND Triều Tiên là bằng chứng cho thấy khả năng tên lửa đạn đạo của nước này đã đạt bước tiến mới.


Mặc dù, thế giới đã lên tiếng về vụ việc này, nhưng với Bình Nhưỡng, "Sự kiện ngày 12-12" đã đánh dấu một bước tiến quan trọng về khả năng quân sự chiến lược của quốc gia Đông Bắc Á. Bởi cách đây không lâu, hồi tháng 4-2012, Bình Nhưỡng đã thất bại khi tên lửa bị rơi chưa đầy 2 phút sau khi rời bệ phóng. Phóng thành công tên lửa mang vệ tinh Quang Minh Tinh 3, Triều Tiên được cho là đã đặt "một chân" vào cuộc chinh phục không gian.


Việc Triều Tiên phóng thành công tên lửa mang vệ tinh Quang Minh Tinh 3 đã và đang khiến nhiều nước phương Tây đau đầu.

Tên lửa đẩy lần này được cải tiến từ Teapodong-2 mà Triều Tiên phóng hồi tháng 4-2009 với 3 tầng nhiên liệu, dài 30m có thể đạt tầm bắn 6.000km. Sau khi tầng thứ nhất tách ra, tên lửa đã bay qua bầu trời cách vùng đông bắc Nhật Bản 400km và sau khi tách khỏi tầng thứ hai, tên lửa đã bay được 3.000km và tầng thứ hai rơi xuống Thái Bình Dương. Với Bình Nhưỡng, vụ phóng tên lửa hoàn tất đã giúp nâng cao danh tiếng cho nhà lãnh đạo trẻ Kim Jong-un sau 1 năm nắm quyền.

Vụ việc đã và đang khiến giới chức phương Tây, đặc biệt là Lầu Năm Góc đau đầu. Bởi cách đây không lâu, hồi tháng 10-2012, khi Bình Nhưỡng tuyên bố có trong tay tên lửa có thể tấn công vào đất liền của nước Mỹ thì dư luận còn cho rằng đây là sự phóng đại. Do đó, việc nghiên cứu một cách đầy đủ vụ phóng ngày 12-12 đang được các quan chức Mỹ và Hàn Quốc đặc biệt quan tâm.

Cho đến nay, chương trình hạt nhân của Triều Tiên vẫn là một ẩn số. Theo chuyên gia Ham Hyeong-Pil, thuộc Viện Nghiên cứu Quốc phòng Hàn Quốc, kho plutoni hiện có của Triều Tiên ước tính đủ để sản xuất 6 đến 8 quả bom nguyên tử. Sau sự việc vừa diễn ra, Triều Tiên sẽ tìm cách cải tiến độ chính xác của loại tên lửa này và hoàn thiện công nghệ thu nhỏ đầu đạn. Đây được xem là tiến bộ vượt bậc của Bình Nhưỡng về an ninh quốc phòng.

Còn nhớ, năm 1981, Triều Tiên nhập tên lửa Scud B của Ai Cập với tầm bắn 300km, sau đó đã nghiên cứu và sản xuất hàng loạt tên lửa Scud C cải tiến có tầm bắn 500km. Đến thập niên 1990, nước này đã phát triển được tên lửa Nodong (hay Rodong) tầm bắn tới 1.300km, có thể vươn tới Nhật Bản. Hệ thống phòng thủ tên lửa của Nhật Bản (MD) xác định được Nodong nhưng do được đặt trên các xe mang bệ phóng chuyên dụng với khoảng 300 chiếc, bố trí ở nhiều nơi, nên rất khó định vị vị trí của tên lửa khi nó rời bệ phóng. Tháng 9-1998, Triều Tiên phóng Taepodong-1 với tầng 1 là Nodong và tầng 2 là Scud. Tên lửa đã bay qua quần đảo Nhật Bản và rơi xuống vùng biển Sanriku, đông bắc Nhật Bản, cách địa điểm phóng khoảng 1.600km. Nhưng đến năm 2010, tầm bắn của tên lửa đã vươn xa hơn. "Sách trắng quốc phòng 2010" của Hàn Quốc cho rằng từ năm 2007, Triều Tiên đã trang bị tên lửa Musudan tầm bắn 2.500-4.000km cải tiến từ tên lửa phóng từ tàu ngầm của Liên Xô (cũ). Với tầm bắn này, tên lửa của Bình Nhưỡng đã mở rộng tới căn cứ Guam của Mỹ. Khi tầm bắn đạt tới 6.000km, nó có thể vươn tới các căn cứ quân sự Mỹ ở bang Alaska.

Vụ phóng tên lửa vừa qua chắc chắn sẽ trở thành mối quan tâm hàng đầu trong chương trình nghị sự an ninh quốc gia của Washington cũng như nhiều nước sở hữu tên lửa đạn đạo mặc dù Triều Tiên cho biết, vụ phóng chỉ nhằm đưa một vệ tinh thời tiết vào quỹ đạo, đồng thời tuyên bố sẽ tiếp tục phát triển chương trình nghiên cứu không gian.

HĐBA LHQ lên án vụ phóng tên lửa
Ngày 12-12, Hội đồng Bảo an (HĐBA) Liên hợp quốc (LHQ) đã họp khẩn cấp về vụ phóng tên lửa tầm xa mang theo vệ tinh của CHDCND Triều Tiên. Sau cuộc họp kín, HĐBA LHQ đã ra tuyên bố lên án vụ phóng tên lửa của Triều Tiên vì cho rằng vụ phóng vi phạm rõ ràng các nghị quyết số 1718 và 1874 của HĐBA LHQ. Tuyên bố cũng nhấn mạnh, HĐBA sẽ tiếp tục các cuộc tham vấn về phản ứng với hành động của Triều Tiên và sẽ kiên quyết hành động nếu nước này tiếp tục có các vụ phóng mới.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bước tiến “đạn đạo” của Triều Tiên

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.