Theo dõi Báo Hànộimới trên

“Siêu bom” hay vũ khí tâm lý?

Hoàng Khuê| 16/04/2017 06:44

(HNM) - Ngày 13-4, một chiếc máy bay MC-130 của quân đội Mỹ đã thả quả bom phi hạt nhân lớn nhất từ trước tới nay xuống các mục tiêu của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng tại Afghanistan.

Việc lần đầu tiên loại vũ khí này được sử dụng trong chiến đấu thực sự cho thấy đây là thông điệp cứng rắn mà Chính phủ Mỹ gửi tới các chiến binh IS. Ngay sau khi vụ tấn công diễn ra, Thư ký báo chí Nhà Trắng Sean Spicer đã lên tiếng khẳng định, Mỹ rất nghiêm túc trong việc tiêu diệt IS, đồng thời cho biết việc ném quả bom này là nhằm thu hẹp không gian hoạt động của lực lượng khủng bố.

Là loại bom không sử dụng công nghệ hạt nhân có sức công phá lớn nhất trong quân đội Mỹ, GBU-43/B còn được gọi “trìu mến” bằng cái tên “Mẹ của các loại bom”, được quân đội Mỹ phát triển trong cuộc chiến Iraq những năm 90 của thế kỷ trước, trước khi hoàn tất các công đoạn thử nghiệm trong năm 2003. Tuy nhiên, phải tới năm nay nó mới được sử dụng lần đầu tiên trên chiến trường. Về mặt kỹ thuật, GBU-43/B là loại bom được thiết kế để phát nổ trước khi chạm đất, sử dụng lực ép không khí để tàn phá các mục tiêu ở mọi hướng. Số liệu công bố cho thấy, bán kính nổ của bom là 138m. Tuy nhiên, sóng xung kích đủ để san phẳng 9 khu nhà. Đặc điểm này khiến nó cũng rất phù hợp trong việc phá hủy các công sự kiên cố dưới lòng đất hoặc "dọn sạch" một khu vực quy tụ nhiều binh lính và trang thiết bị. Quả bom có chiều dài lên tới 9,17m, đường kính 102,9cm, trọng lượng gần 10 tấn, tích hợp hệ thống dẫn đường GPS, chứa tới 8 tấn chất nổ Tritonal (hỗn hợp gồm 80% TNT và 20% bột nhôm nhằm tăng uy lực nổ).

Theo giới chuyên môn, Tritonal có sức công phá mạnh hơn 18% so với TNT, cho phép GBU-43/B đạt sức công phá tương đương 0,011 kiloton. Dù con số vẫn khá khiêm tốn so với bom hạt nhân (thường vào khoảng 10-180 kiloton), nhưng GBU-43/B vượt xa mọi loại bom truyền thống. Do khá nặng, GBU-43/B chỉ có thể được thả từ các loại máy bay vận tải siêu trọng của Mỹ như C-130.

Theo các quan chức quân đội Mỹ, mục tiêu mà họ nhắm tới là hệ thống công sự, đường hầm của IS tại khu vực Achin, thuộc tỉnh Nangarhar, phía Đông Afghanistan, tiếp giáp với Pakistan. Các chuyên gia phân tích cho rằng, việc sử dụng vũ khí “khủng” như vậy cũng nhằm để trấn áp các lực lượng IS đang chiến đấu quyết liệt với lực lượng đặc nhiệm Mỹ và quân đội Afghanistan tại khu vực này trong suốt tuần vừa qua. Bởi lẽ, chưa cần bàn tới khả năng sát thương của loại bom này, "danh tiếng" và những thông số kỹ thuật “khủng” của nó cũng đã có uy lực rất lớn. Ngay trong những khâu thử nghiệm cuối cùng, một quan chức Mỹ từng khẳng định với báo giới rằng GBU-43/B thực chất là loại vũ khí được phát triển để sử dụng cho các “chiến dịch tâm lý” nhằm gây sợ hãi và hoảng loạn cho quân đội đối phương, ép họ phải đầu hàng. Chỉ cần xét về trọng lượng và kích thước, một chiếc "pháo đài bay" B52 của Mỹ - vốn chở được tới 30 tấn bom đạn các loại để rải thảm khắp nơi, cũng chỉ đủ chỗ cho 3 quả GBU-43/B mà thôi.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
“Siêu bom” hay vũ khí tâm lý?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.