Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chia tay một thiên tài vĩ đại

Minh Hiếu| 18/03/2018 07:34

(HNM) - Sáng 14-3, Giáo sư vật lý thiên tài Stephen Hawking qua đời tại nhà riêng ở TP Cambridge (Anh) ở tuổi 76.


S.Hawking là nhà vật lý lý thuyết và là một nhà vũ trụ học. Những công trình nghiên cứu của ông trải rộng trên nhiều lĩnh vực, từ khám phá nguồn gốc vũ trụ, thăm dò tiềm năng du hành thời gian, đến giải mã bí ẩn hố đen. Có thể nói, S.Hawking đã dành cả cuộc đời để tìm lời giải đáp cho những vấn đề phức tạp nhất của cuộc sống.

Ông là tác giả của rất nhiều công trình nghiên cứu vĩ đại, trong đó phải kể đến cuốn A Brife History of Time (Lược sử thời gian) - một trong những cuốn sách phổ thông về khoa học nổi tiếng nhất mọi thời đại, bán được hơn 10 triệu bản trong lần xuất bản đầu tiên và được dịch ra hơn 40 thứ tiếng. Một nghiên cứu khoa học quan trọng khác của S.Hawking là cùng hợp tác với nhà vật lý học Roger Penrose, kết hợp thuyết tương đối và thuyết lượng tử của nhà bác học vĩ đại A.Einstein để đưa ra giả thiết về việc không gian, thời gian có thể bắt nguồn từ vụ nổ Big Bang và kết thúc trong một hố đen. Nhờ những nghiên cứu của mình, ông được gọi là ngôi sao sáng nhất trong ngành vũ trụ học hiện đại.

Không chỉ được biết đến với một bộ óc vĩ đại, S.Hawking còn được kính nể bởi nghị lực sống phi thường, vượt lên bệnh tật để nghiên cứu và cống hiến cho khoa học. Sinh ngày 8-1-1942 ở TP Oxford (Anh), năm 8 tuổi, ông theo gia đình chuyển đến sinh sống tại TP St.Albans. Ông được các giáo viên địa phương đánh giá có khả năng đặc biệt và đã giành học bổng theo học chuyên ngành Vật lý tại Trường Đại học Oxford.

Tuy nhiên, năm 1963, ông bị chẩn đoán mắc chứng xơ cứng teo cơ một bên (ALS), một chứng bệnh thoái hóa thần kinh thường được biết đến với tên gọi Lou Gehrig. Căn bệnh khiến ông phải ngồi trên xe lăn khi mới 21 tuổi và chỉ có thể cử động được mắt và một vài ngón tay. Cuộc sống của ông phụ thuộc vào người thân và sự trợ giúp của công nghệ. Các bác sĩ khi đó cho rằng, ông chỉ có thể sống thêm một vài năm nữa, nhưng thực tế ông đã sống thêm hơn nửa thế kỷ.

Theo số liệu thăm dò của BBC năm 2002, S.Hawking được bình chọn đứng thứ 25 trong số những người Anh vĩ đại nhất trong lịch sử, đứng sau các nhà khoa học lớn như Richard Darwin, Isaac Newton, Alexander Fleming, Alan Turing và Michael Faraday.

Về cuộc sống riêng, S.Hawking đã kết hôn 2 lần và có 3 người con. Cuộc hôn nhân với người vợ đầu là bà Jane Wilde kéo dài 30 năm, họ ly hôn năm 1995. Nhà vật lý sau đó kết hôn lần 2 với y tá từng chăm sóc ông, song cuộc hôn nhân này cũng kết thúc sau 11 năm.

Thông báo về sự ra đi của cha mình, các con của S.Hawking viết: "Cha là một nhà khoa học vĩ đại và một người đàn ông phi thường. Những công trình và di sản mà ông để lại sẽ còn tồn tại mãi trong nhiều năm tới. Lòng dũng cảm, kiên trì, trí thông minh và khiếu hài hước của ông đã truyền cảm hứng cho hàng triệu người trên khắp thế giới. Ông từng nói, vũ trụ sẽ không có ý nghĩa gì nhiều nếu đó không phải là ngôi nhà của những người mà chúng ta thương yêu".

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chia tay một thiên tài vĩ đại

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.