Theo dõi Báo Hànộimới trên

Irena Sendler - “Mẹ của lũ trẻ Holocaust”

Thu Hằng| 17/08/2018 10:35

Tổng thống Ba Lan Lech Kaczynski ca ngợi bà Irena Sendler là biểu tượng của tất cả những người Ba Lan đã mạo hiểm để cứu người Do Thái. Ông trân trọng: “Bà xứng đáng được cả dân tộc tôn kính”.

Bà Irena Sendler trong chiến tranh


Cứu tinh của người Do Thái

Là nhân viên của Sở Phúc lợi Warsaw (Ba Lan) phụ trách các căngtin của các quận trong thành phố, bà Irena Sendler đã có điều kiện gần gũi những gia đình nghèo Do Thái. Trước chiến tranh, các căngtin này chuyên chu cấp bữa ăn, trợ giúp tài chính và những dịch vụ khác cho trẻ mồ côi, người già và người nghèo khó.

Năm 1939, khi Đức xâm chiếm Ba Lan và bắt đầu sàng lọc người Do Thái, dù bị cấm nhưng Irena vẫn tổ chức được các căngtin quyên góp quần áo, thuốc men và tiền bạc cho người Do Thái. Ba năm sau, quân Đức quyết định dồn 450.000 người Do Thái ở Ba Lan vào 16 khu nhà tại Warsaw Ghetto.

Vượt qua lệnh cấm của Đức quốc xã, với tư cách nhân viên xã hội, Irena tiếp tục giúp những người Do Thái trong các ghetto. Nhớ lại thời kỳ này, Irena từng viết: “Lúc đầu tôi chủ yếu hành động theo cảm tính: Nhận thức được sự khủng khiếp của cuộc sống sau những bức tường, tôi cố giúp những người bạn cũ”.

Cuối năm 1942, Irena Sendler tham gia phong trào Zegota (Hội đồng trợ giúp người Do Thái) của người Ba Lan và được phân công làm trưởng “nhóm trẻ em” gồm 20 thành viên. Một trong những nhiệm vụ hàng đầu của Zegota là giải thoát những đứa trẻ trong ghetto trước khi phát xít Đức đốt bỏ khu này, đồng nghĩa với việc chúng sẽ theo cha mẹ bị lùa lên các toa tàu chở gia súc để đưa đi “lao động” ở miền Đông, nhưng thực ra là đưa về Treblinka, một ngôi làng nhỏ ở Mazovia, nơi Đức quốc xã đã tổ chức các trại tử thần như một phần của chiến dịch Reinhard Aktion - mật mã của cuộc tàn sát người Do Thái ở Ba Lan.

Những trẻ em Do Thái trong chiến tranh.


Đầu năm 1943, Đức quốc xã bắt đầu đóng cửa các ghetto. Cho rằng những con người sống trong ngục tù đó không cần được chăm sóc nữa, Đức quốc xã cấm luôn các nhân viên xã hội vào ghetto, chúng chỉ cho phép các nhân viên y tế vào kiểm dịch vì sợ dịch bệnh bùng phát.

Irena Sendler liền xoay xở trở thành nhân viên y tế bằng giấy tờ giả của Sở Kiểm dịch Warsaw. Irena và cộng sự của mình gần như được vào trại hợp pháp. Ăn mặc như các y tá, họ tiếp tục mang thuốc men, quần áo, thực phẩm, tiền bạc, vắcxin chống thương hàn... đến giúp các nạn nhân. Có lúc họ vào trại mỗi ngày hai ba lần, tay phải mang một băng vải có in hình ngôi sao David để dễ tiếp cận với những người Do Thái.

Irena Sendler đã bí mật đem các trẻ em Do Thái ra khỏi ghetto, gửi chúng cho các cặp vợ chồng Kitô giáo nuôi dưỡng. Với Irena, khi đó là một bà mẹ trẻ, việc thuyết phục các bậc cha mẹ chia ly con mình là một nhiệm vụ đau đớn và nặng nề. Tìm được các gia đình sẵn lòng cưu mang các em và như thế, đặt cả gia đình họ vào vòng mạo hiểm, cũng là một việc không đơn giản. Tuy nhiên, bà đã làm được những điều tưởng như không thể.

Một gia đình Do Thái giao con mình cho Irena Sendler - Tranh minh họa về cuộc đời Irena Sendler.


Irena cùng đồng đội đã sử dụng nhiều cách khác nhau để đưa các em ra ngoài. Những đứa vài tháng tuổi được cho uống thuốc ngủ và xách ra bằng những cái túi có đục lỗ để tránh bị ngạt. Những đứa lớn hơn được dẫn ra qua đường cống ngầm, nhiều đứa được ném qua hàng rào có người chờ đón sẵn. Có khi chúng phải giả bị ốm nặng, hoặc thật sự ốm nặng, và được đưa ra ngoài bằng xe cứu thương.

Liều lĩnh nhất là có nhiều trẻ được chở thẳng ra bằng xe ô tô của Irena, nấp trong các bao tải, trong các thùng chứa khoai tây, valy, thậm chí trong những bao đựng xác. Để làm được như vậy bà đã huấn luyện một con chó rất khôn và cứ chở nó đi vào, đi ra theo bà hàng ngày, cứ thấy ai mặc quân phục Đức là nó sủa ầm ĩ, át hết cả tiếng khóc của trẻ con...

“Bà có bảo đảm chúng sẽ sống không?” - Irena nhớ đã bị những bậc cha mẹ lo âu gặng hỏi, và bà chỉ có thể đáp rằng: “Chúng sẽ chết nếu ở lại”.

Irena kể: “Tôi vẫn còn ám ảnh mãi tiếng khóc khi chúng rời khỏi mẹ cha mình”. Ra khỏi ghetto, các em được đưa tới những căn hộ an toàn mang tên “phòng khẩn cấp”, nơi những em lớn phải học thuộc tên mới của mình. Sau đó, chúng lần lượt được chuyển tới các gia đình Ba Lan, các cô nhi viện hay tu viện; nơi chúng sẽ được nhận quần áo và những hỗ trợ vật chất từ Zegota.

Cứ thế, Nhóm của Irena đưa được tổng cộng 2.500 em ra khỏi ghetto và chuyển chúng đến những nơi an toàn với lai lịch mới, thân thế mới.

Nhiệm vụ vô cùng khó khăn, nhưng có hai nguyên nhân đã giúp bà làm được điều kỳ diệu này: Bà không đơn độc, tổ chức Zegota đã kết hợp với các lực lượng khác, cũng như vận động và mua chuộc được một số tên tay sai Ba Lan, và hơn nữa điều kiện trong trại vô cùng khắc nghiệt, mỗi tháng số người chết vì bệnh tật lên đến hàng nghìn người, nên sự “thiếu hụt” một số lớn trẻ em cũng khó phát hiện ra ngay.

Tên và số liệu về tất cả trẻ em được cứu Irena ghi lại trong hai danh sách. Bà đào hai hố dưới hai gốc táo ở nhà mình và vườn lân cận, cho hai danh sách vào hai cái chai rồi chôn sâu. Đó là niềm hi vọng của bà về sự đoàn tụ gia đình của các đứa trẻ Do Thái.

Sau chiến tranh, hai cái lọ được đào lên, rất nhiều trẻ em Do Thái mà Irena cứu đã tìm lại gia đình, nhưng cũng rất nhiều trẻ đã mồ côi cha mẹ, được các gia đình Do Thái khác cưu mang hoặc sống trong các trại trẻ, cuối cùng chúng định cư ở Israel.

Giáo chủ Yona Metzger của Israel đến thăm bà Irena Sendler.


Vì có kẻ phản bội, tháng 10-1943 Irena bị Gestapo bắt. Ở nhà tù Pawiak, được coi là chốn “tử vì đạo” của hàng trăm người kháng chiến Ba Lan, Irena bị tra tấn dã man nhưng bà không phản bội những gia đình đã giúp các em trú ẩn và những đồng đội từng chung hiểm nguy với mình. Dự kiến là sẽ bị tử hình, Irena đã chuẩn bị cho cái chết.

Bất ngờ thay, vào phút cuối, Zegota mua chuộc được kẻ hành hình người Đức. Ngày thi hành án, Irena cũng bị gọi tên, nhưng thay vì dẫn bà tới cọc bắn, Irena được đưa ra ngoài tòa nhà, nơi người ta hô “bắn” nhưng đã để cho bà thoát thân. Hôm sau, chính mắt Irena đọc được thông báo “đã tử hình một kẻ phản bội” mà quân Đức dán đầy trên phố. Thoát chết, bà lui vào ẩn náu nhưng vẫn tiếp tục cứu giúp những người Do Thái với một mật danh khác.

Trái tim dũng cảm và nỗi day dứt khôn nguôi

Irena Sendler sinh ở Otwock, một thị trấn cách thủ đô Warsaw 15 dặm về phía Đông Nam. Là con một, Irena chịu ảnh hưởng rất lớn của thân phụ, một bác sĩ tận tâm cứu chữa người nghèo, chủ yếu là người Do Thái và chính ông đã qua đời năm 1917 vì bệnh thương hàn do lây nhiễm trong một trận dịch khi mới chỉ 40 tuổi.

Irena lớn lên luôn ấp ủ những giá trị và nguyên tắc của cha: “Con người chỉ chia ra hai loại: Người tốt và kẻ xấu, không phân biệt quốc tịch, chủng tộc, tôn giáo, tình trạng xã hội hoặc giáo dục”. Đó là những nguyên tắc mà bà sống theo cả đời.

Bà Irena Sendler


Không như nhà tư bản người Đức O.Schindler đã cứu sống hơn 1.000 người Do Thái bằng cách tuyển dụng họ vào nhà máy của mình ở Krakow và trở nên nổi tiếng qua bộ phim “Schindler’s list” (Bản danh sách của Schindler), chuyện của bà Irena Sendler chỉ được biết tới vào đầu thế kỷ 21 khi một nhóm học sinh ở trường Kansas (Mỹ) tình cờ phát hiện ra và viết thành một vở kịch mang tên “Cuộc sống trong cái lọ” biểu diễn ở nhiều nơi trên thế giới.

Thực ra, năm 1965, tổ chức Tưởng niệm Nạn nhân diệt chủng mang tên Yad Vashem của Israel đã tặng bà huân chương danh dự đầu tiên vì đã xả thân cứu người Do Thái nhưng mãi đến năm 1983, Chính phủ Ba Lan mới đồng ý cho bà ra nước ngoài để nhận. Năm 1991 bà được phong là công dân danh dự của Israel.

Năm 2003, sau khi bộ phim tài liệu “Danh sách của Irena Sendler” được trình chiếu và đoạt giải thưởng tại Liên hoan phim tài liệu quốc tế “Lòng nhân đạo cho thế giới” ở Thụy Điển, danh tiếng người phụ nữ anh hùng khi ấy đã 94 tuổi này mới lan truyền khắp thế giới. Báo chí Mỹ bình chọn bà là “Người phụ nữ của năm” (2003). Tổng thống Ba Lan trao cho bà giải thưởng cao quí nhất: Huân chương Đại bàng trắng. Đức Giáo hoàng Paul Đệ nhị đích thân viết thư cho bà Sendler, tán dương sự nỗ lực phi thường của bà trong thời chiến.

Bà Irena Sendler bên những cuốn sách viết về cuộc đời mình.


Năm 2007, khi Quốc hội Ba Lan nhất trí thông qua nghị quyết vinh danh bà Irena Sendler là nữ anh hùng dân tộc thì bà khiêm tốn từ chối: “Tôi không phải là một anh hùng. Ngược lại thì đúng hơn. Tôi đã có thể làm hơn thế. Tôi luôn bị cắn rứt lương tâm vì đã cứu được quá ít người. Sự nuối tiếc này sẽ theo tôi cho đến lúc chết”.

Trả lời phỏng vấn báo giới, bà nói: “Tôi được dạy dỗ phải cứu sống một người nào đó khi họ sắp bị chết đuối cho dù họ mang quốc tịch hoặc tôn giáo gì”. Bà cho rằng vinh dự này lẽ ra phải dành cho toàn nhóm Zegota - những người đã không còn sống để chứng kiến sự kết thúc của phát xít Đức. Họ đã trả giá cả cuộc đời mình cho việc cứu người.

Những ngày cuối đời, bà Irena Sendler sống lặng lẽ trong một nhà dưỡng lão ở Warsaw. Người Mỹ đã vinh danh bà bằng bộ phim “The Courageous Heart” (Trái tim dũng cảm) nhưng tiếc thay bà đã không kịp xem.


Ngày 12-5-2008, bà Irena Sendler đã ra đi về cõi bình an. Trong cuộc đời 98 năm của mình, những hình ảnh buồn thảm của Thế chiến II luôn quay trở lại trong giấc ngủ của Irena. Bà vẫn còn nhớ rất rõ tiếng những đứa trẻ Do Thái khóc khi rời khỏi tay mẹ, tiếng người mẹ gào lên đau khổ, và những lời nhắn nhủ yêu thương đầy tuyệt vọng của tình mẫu tử trước phút chia ly. Không có một giải thưởng hay một danh xưng nào có thể tương xứng với sự khiêm tốn và nỗi day dứt của bà.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Irena Sendler - “Mẹ của lũ trẻ Holocaust”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.