Theo dõi Báo Hànộimới trên

Kofi Annan - Ông “mắt bão”

Thu Hằng| 18/08/2018 21:50

Cả thế giới nghiêng mình và bày tỏ sự tiếc thương trước tin cựu Tổng thư ký Liên hợp quốc Kofi Annan vừa qua đời ở tuổi 80 tại Thụy Sĩ.

Cựu Tổng thư ký Liên hợp quốc Kofi Annan (1938-2018).


Ông được đánh giá là nhà ngoại giao ưu tú: "Bất cứ khi nào có ai đó đang thống khổ hoặc cần được trợ giúp, ông sẽ tìm cách giúp đỡ. Ông đã chạm đến con tim của rất nhiều người bằng sự thông cảm và thấu hiểu sâu sắc. Ông luôn đặt lợi ích của người khác lên trên bản thân một cách hoàn toàn vị tha, ông tỏa ra sự ấm áp, lòng tốt chân thành trong tất cả mọi việc mà ông làm". Cựu thủ tướng Anh Tony Blair viết trên Twitter: “Ông Kofi Annan là một nhà ngoại giao vĩ đại, một chính khách đích thực, người đồng nghiệp tuyệt vời của tôi và cũng là người nhận được rất nhiều sự tôn trọng. Mọi người sẽ luôn nhớ tới ông”…

Nhà thương thuyết toàn cầu

Ngoài thông thạo tiếng Anh, tiếng Pháp và một số ngôn ngữ châu Phi, ông Kofi Annan còn có những phẩm chất tuyệt vời của một người từng đứng đầu tổ chức lớn nhất toàn cầu: khéo léo, can đảm, ôn hòa, nói năng nhẹ nhàng, giàu ý tưởng và đầy lòng trắc ẩn. Nhiều nhà phân tích chính trị đã ví ông là “mắt bão” - nơi lặng gió nhất của cơn lốc xoáy mạnh, cũng giống như ông luôn là người bình tĩnh nhất trong mớ bòng bong các mối quan hệ quốc tế đan xen và phức tạp.

Ông Kofi Annan tại Đông Timor năm 2001


Sau hai nhiệm kỳ đứng đầu cơ quan quyền lực nhất thế giới, ông Kofi Annan được đánh giá là vị Tổng thư ký xuất sắc nhất trong lịch sử Liên hợp quốc (LHQ). Theo The New York Times, ông Annan là một người “rất có năng lực, có tài ứng biến khéo léo và một chút quyền lực bí ẩn khi cần thuyết phục”.

Quả thật, trong bất cứ cương vị nào từng đảm nhiệm tại LHQ, ông Kofi Annan đều thể hiện tài ngoại giao và thương thuyết của mình.

Năm 1990, với cương vị là trợ lý của Tổng thư ký LHQ, ông Annan đã thành công trong cuộc thương thuyết giúp trả tự do cho 900 nhân viên LHQ và hàng nghìn người nước ngoài bị bắt làm con tin ở Iraq, đồng thời đưa họ an toàn rời khỏi đất nước Hồi giáo này.

Thành công tiếp theo của Annan là khi tiến hành cuộc chuyển giao sứ mạng gìn giữ hòa bình ở Bosnia-Herzegovina từ tay LHQ sang NATO một cách êm đẹp.

Trên cương vị Tổng thư ký LHQ, thử thách đầu tiên mà ông Annan gặp phải là năm 1998, ông thương thuyết trực tiếp với nhà lãnh đạo Iraq Saddam Hussein để đảm bảo rằng, Iraq tuân thủ nghị quyết của Hội đồng bảo an.

Tuy sự hòa giải của ông không đạt kết quả (thanh tra vũ khí của LHQ phải rút khỏi Iraq) nhưng ông Annan giành được sự tôn trọng của nhà lãnh đạo Iraq lúc đó, người đã nói với Annan rằng: “Tôi biết ông là một người dũng cảm”.

Việc khó khăn nhất mà ông Annan từng đối mặt có lẽ là vụ bê bối chương trình “Đổi dầu lấy lương thực” (OFP) năm 2004 mà con trai ông, Koji Annan bị cáo buộc nhận hối lộ. Trước đó, với tư cách người đứng đầu cơ quan quyền lực quốc tế cao nhất, ông Annan đã tuyên bố thẳng rằng, cuộc xâm lược và chiếm đóng Iraq của Anh - Mỹ là “vi phạm Hiến chương LHQ”.

Nhà Trắng không muốn có một nhà lãnh đạo LHQ chống đối những quyết định của Washington sau khi chiến tranh lạnh kết thúc nên đã nắm lấy “cơ hội” này để mở cuộc vận động buộc ông Annan từ chức.

Tin tưởng rằng mình đã làm một việc tốt giúp đỡ người dân Iraq, ông Annan kiên quyết không từ chức và đề cử Paul Volker – cựu Giám đốc Cục dự trữ liên bang Mỹ - đứng đầu Ủy ban điều tra về OFP để đảm bảo tính khách quan. Kết quả cuộc điều tra độc lập cho thấy chính quyền Iraq không tham nhũng số tiền bán dầu và con trai ông Annan cũng không nhận hối lộ. Nhờ vậy, bất chấp sự lạnh nhạt của Washington, ông Annan tiếp tục nhận được sự ủng hộ của đại đa số thành viên LHQ.

Tố chất lãnh đạo

Kofi Atta Annan sinh năm 1938 tại Kumasi trong một gia đình “dòng dõi” ở Ghana khi mà ông nội, ông ngoại, phụ thân và chú ruột đều là tù trưởng bộ lạc. Chữ “Atta” có nghĩa là “sinh đôi” vì cậu có người chị song sinh và trong văn hóa Ghana, những đứa trẻ sinh đôi được coi là những đứa trẻ đặc biệt.

Ngay từ bé, tố chất về lãnh đạo ở Annan đã bộc lộ. Khi còn học ở Mfansipim – khu trường chuyên ở trung Ghana được thành lập dưới sự bảo hộ của Anh, cậu từng vận động đông đảo các bạn tuyệt thực để yêu cầu nhà trường cải thiện bữa ăn cho học sinh.

Năm 1958, cậu trở thành sinh viên trường Đại học Khoa học Kỹ thuật Kumasi. Mùa thu năm 1959, Annan giành được học bổng của Ford để hoàn thành chương trình cử nhân tại Đại học Macalester (Mỹ). Những năm tháng đó, người da đen sống và học tập tại Mỹ không sao tránh khỏi những phiền phức của nạn phân biệt chủng tộc.

Tuy nhiên, Annan không hề bận tâm và ngược lại, cậu luôn có cách ứng xử khôn khéo. Trong một lần vào hiệu cắt tóc, người thợ nói: “Chúng tôi chưa bao giờ cắt tóc cho người da đen”. Annan bình tĩnh đáp: “Tôi không phải người da đen. Tôi là người châu Phi”. Người thợ cắt tóc đành phải mời cậu vào ghế.

Ông Kofi Annan đối thoại với Tổng thống Syria Bashar al-Assad tại Damascus với tư cách là đặc phái viên chung của LHQ và Liên đoàn Arab về Syria năm 2012.


Bảo vệ thành công học vị cử nhân Kinh tế năm 1961, Annan trở về Ghana tìm việc nhưng không thành. Lúc này nghe nói Thụy Sĩ là vùng đất lý tưởng để thực hiện khát vọng tuổi trẻ, Annan thẳng tiến tới Genèva, theo học chuyên ngành “Các vấn đề quốc tế” tại Học viện Nghiên cứu Quốc tế. Bước đi táo bạo này đã đặt viên gạch đầu tiên cho sự nghiệp cao cả của Annan.

Cậu bắt đầu làm việc cho LHQ với tư cách là nhân viên kế toán của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) từ năm 1962 rồi chuyển sang phục vụ tại Ủy ban kinh tế châu Phi tại Addis Ababa (Ethiopia) chuyên về các dự án phát triển. Sau khi có bằng Thạc sĩ quản lý của Viện Công nghệ Massachusetts (Mỹ) năm 1974, Annan về nước làm Giám đốc Công ty Du lịch Ghana. Vào thời điểm này, tình hình chính trị ở Ghana không ổn định. Annan nói: “Tôi muốn đóng góp cho Ghana nhưng tôi thấy các cuộc đấu đá, tranh giành quyền lực diễn ra thường xuyên, do đó, tôi quay lại LHQ”.

Thăng tiến đều đặn với công việc về nhân lực và tài chính ở LHQ từ năm 1976 đến năm 1990, cái tên Kofi Annan mới bắt đầu được thế giới chú ý về tài thương thuyết trong cuộc chiến tranh Vùng Vịnh năm 1990. Năm 1993, ông Annan được Tổng Thư ký Boutros Ghali đề cử giữ vị trí cao nhất trong Lực lượng gìn giữ hòa bình của LHQ, nắm quyền chỉ huy 70.000 nhân viên quân sự và dân sự từ 77 quốc gia trên thế giới. Tháng 1-1997, ông được Đại hội đồng bầu làm Tổng thư ký thứ 7 của LHQ và được tái đắc cử nhiệm kỳ 2 (2001-2006).

Cùng với LHQ, Tổng thư ký Kofi Annan giành giải Nobel Hòa bình 2001


Xuất phát từ lợi ích của cộng đồng thế giới, ông Kofi Annan đã đề xuất nhiều phương hướng và kiến nghị mang tính cải tổ nhằm tinh giảm biên chế hành chính của các cơ quan LHQ, nâng cao hiệu suất công việc đồng thời tìm cách để tổ chức này ngày càng hoạt động tốt hơn vì con người.

Ông Annan tích cực kêu gọi các quốc gia phát triển giúp đỡ các nước nghèo hơn, xóa nghèo và bất bình đẳng. Nhà lãnh đạo này triển khai nhiều chiến dịch quốc tế để ngăn ngừa bạo lực tại Đông Timor và tìm kiếm hòa bình tại Trung Đông.

Chính sách kêu gọi hành động ngăn chặn đại dịch HIV/AIDS toàn cầu của ông đã tạo tiền đề cho việc thành lập Quỹ Y tế và AIDS lấy ngân sách từ các nước giàu để giúp đỡ các nước đang phát triển chống lại căn bệnh thế kỷ… Cùng với LHQ, Tổng thư ký Kofi Annan giành giải Nobel Hòa bình 2001 vì những nỗ lực đem lại sức sống mới cho tổ chức lớn nhất toàn cầu.

Cuộc sống đời thường

Cuộc hôn nhân đầu của ông Annan không suôn sẻ. Năm 1960, chàng thanh niên Annan gặp Titi Alakija, một cô gái Nigeria xinh đẹp tại Mỹ. Tình yêu nảy nở và 5 năm sau họ kết hôn, có 2 mặt con. Do quá toàn tâm toàn ý vào công việc nên ông Annan không có điều kiện chăm lo vun vén cho tổ ấm khiến Titi Alakija không hài lòng và yêu cầu ly dị.

Ông Annan và phu nhân, bà Nane Lagergren


Ông Annan gặp bà Nane Lagergren - một luật sư người Thụy Điển tại Genéva khi cả hai đang làm việc cho Cao ủy Liên hợp quốc về người tỵ nạn (UNHCR). Tình yêu vượt qua ranh giới chủng tộc và màu da, đó là sự thể hiện hoàn mỹ nhất “tinh thần” LHQ. Họ kết hôn năm 1984.

Bà Nane đã tình nguyện rời bỏ phần công việc yêu thích của mình làm người vợ hiền thục giúp ông thực hiện hoài bão. Bà nói: “Con người tôi muốn chia đôi, một nửa là bức tường để anh ấy dựa, còn một nửa bức tường kia luôn ở trong nhà thờ, ngày đêm cầu chúc cho anh ấy mạnh khỏe”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kofi Annan - Ông “mắt bão”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.