Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cải thiện theo từng năm

Ngọc Quỳnh| 17/05/2017 06:39

(HNM) - Chất lượng môi trường không khí luôn là vấn đề được người dân đặc biệt quan tâm, nhất là tại các thành phố lớn như Hà Nội. Để giúp bạn đọc có thông tin đầy đủ, chính xác về vấn đề này, phóng viên Báo Hànộimới đã có cuộc trao đổi với ông Mai Trọng Thái, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội.

Trạm quan trắc chất lượng không khí tự động tại phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, TP Hà Nội.


- Chất lượng môi trường không khí ở Hà Nội hiện nay như thế nào, thưa ông?

- Theo quan trắc, chất lượng môi trường không khí tại Hà Nội đạt mức trung bình cho tất cả các tháng mùa mưa cũng như tháng mùa khô. So với năm 2010 trở về trước, chất lượng không khí tại các khu vực dân cư, khu công nghiệp được cải thiện dần theo thời gian. Riêng chỉ tiêu benzen, dù vẫn nằm trong giới hạn cho phép của Quy chuẩn Việt Nam nhưng do việc gia tăng sử dụng nhiên liệu hóa thạch (xăng) và phương tiện giao thông, hoạt động xây dựng nên môi trường không khí bị ô nhiễm, đặc biệt là ô nhiễm bụi và tiếng ồn.

Theo số liệu tại các trạm quan trắc từ tháng 1 đến tháng 4-2017, chỉ số mức cảnh báo ô nhiễm không khí (AQI) đa số ở mức tốt và trung bình, số ngày có chỉ số AQI kém rất ít (chỉ từ 1 đến 3 ngày). Đặc biệt, trong tháng 4, chỉ số AQI tại Trạm Trung Yên 3 và Trạm Minh Khai ở mức tốt, không có ngày chỉ số ở mức kém...

- Ông có thể cho biết năng lực hoạt động của các trạm quan trắc không khí môi trường tại Thủ đô?

- Hà Nội là thành phố đầu tiên trong cả nước đầu tư hệ thống mạng lưới quan trắc không khí đồng bộ theo tiêu chuẩn mạng lưới quan trắc môi trường quốc gia. Từ tháng 1-2017, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đã tiếp nhận và vận hành các trạm quan trắc môi trường không khí tự động do Tập đoàn Vingroup tài trợ gồm 2 trạm cố định và 8 trạm cảm biến. Mục đích của trạm quan trắc nhằm cập nhật liên tục chất lượng không khí để phục vụ công tác nghiên cứu, khảo sát xu hướng biến đổi môi trường và lập mô hình quan trắc trên địa bàn thành phố. Ngoài ra, thành phố đã đầu tư một trạm quan trắc không khí lưu động, quan trắc tự động các thông số cơ bản về không khí xung quanh, gồm: Lưu huỳnh dioxit (SO2), bụi lơ lửng, bụi (PM10) và một số chất độc hại trong không khí xung quanh như: NH3, H2S…

Số liệu quan trắc từ các trạm quan trắc tự động được truyền về Sở Tài nguyên và Môi trường để tổng hợp, công bố thông tin trên trang thông tin của Sở Tài nguyên và Môi trường cũng như của UBND TP Hà Nội.

- Trung tâm Phát triển sáng tạo Xanh (GreenID) cho rằng, trong năm 2016 Hà Nội trải qua 8 đợt ô nhiễm không khí nghiêm trọng và chỉ số nhiễm bụi PM 2.5 ở Hà Nội cao gấp 2 lần tại TP Hồ Chí Minh, ông đánh giá gì về thông tin này?

- Muốn để so sánh và phản ánh chất lượng môi trường không khí giữa các thành phố thì phải đánh giá đồng bộ về hệ thống mạng lưới quan trắc theo tiêu chuẩn quốc gia. Các chỉ số không khí đo ở trạm quan trắc phải liên tục 24/24 giờ mới có căn cứ đánh giá số liệu theo chuỗi, chứ không thể đưa số liệu tại mỗi thời điểm khác nhau.

Ở Hà Nội, hệ thống mạng lưới quan trắc không khí đồng bộ theo tiêu chuẩn mạng lưới quan trắc môi trường quốc gia, còn tại TP Hồ Chí Minh đang thực hiện chương trình quan trắc thụ động định kỳ nên kết quả số liệu quan trắc tính theo thời điểm đo và không theo chuỗi số liệu đánh giá liên tục 24/24 giờ.

Bên cạnh đó, vị trí đo chỉ số không khí ở các trạm quan trắc phải tương đương nhau mới cho kết quả so sánh chính xác. Các trạm quan trắc của GreenID tại Đại sứ quán Hoa Kỳ, gần ngã tư Giảng Võ, Đê La Thành, Hà Nội (có nhiều phương tiện tham gia giao thông) và Lãnh sự quán Hoa Kỳ đặt trong khu vực dân cư tại TP Hồ Chí Minh. Do đó, việc so sánh chất lượng không khí giữa hai thành phố dựa trên hai trạm cảm biến này là chưa khách quan và chưa phản ánh đúng thực tế. Mặt khác, các chỉ số quan trắc của GreenID chưa được cơ quan quản lý nhà nước tại Việt Nam công nhận, chỉ mang tính chất tham khảo.

- Để cải thiện chất lượng không khí, Hà Nội sẽ có những giải pháp như thế nào thưa ông?

- Trong thời gian qua, để nâng cao chất lượng không khí, Hà Nội đã phối hợp với tổ chức AirParif (Pháp) triển khai dự án hỗ trợ kỹ thuật nghiên cứu đánh giá hiện trạng môi trường không khí tại Hà Nội do Chính phủ Pháp tài trợ; triển khai dự án quan trắc tự động (nước thải, khí thải) tại các khu vực nhằm phục vụ công tác dự báo, cảnh báo sớm cho các nhà quản lý và người dân về các hiện tượng ô nhiễm môi trường cục bộ tại từng khu vực.

Bên cạnh đó, Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp chặt chẽ với Cục Đăng kiểm Việt Nam (Bộ Giao thông Vận tải) trong việc đăng kiểm phương tiện mới và định kỳ cho các loại phương tiện đang lưu hành; xây dựng lộ trình thực hiện áp dụng khí thải mức 4, mức 5 (Euro 4, Euro 5) trên địa bàn Hà Nội. Ngoài ra, Sở cũng đầu tư trang thiết bị đo nhanh khí thải từ phương tiện giao thông lưu thông trên đường để đánh giá nồng độ khí thải. Để giảm ô nhiễm môi trường không khí, cơ quan chức năng xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về giao thông, xây dựng hạ tầng đồng bộ. Đồng thời, tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân trong việc bảo vệ môi trường không khí, không xả rác bừa bãi, chấp hành nghiêm pháp luật về giao thông, không sử dụng than tổ ong trong hoạt động dân sinh, không đốt rơm rạ nhằm giảm khí thải gây ô nhiễm môi trường. Thành phố tiếp tục triển khai đồng bộ chương trình trồng 1 triệu cây xanh để môi trường ngày càng xanh, sạch, đẹp.

- Cảm ơn ông về cuộc trao đổi!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cải thiện theo từng năm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.