Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cấp bách đào tạo nguồn "nhân lực số"

Việt Nga| 08/09/2017 07:07

(HNM) - Tại hội nghị Diễn đàn cấp cao công nghệ thông tin - truyền thông được tổ chức ngày 6-9 tại Hà Nội, Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA) công bố kết quả khảo sát về sự chuẩn bị và sẵn sàng cho cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0.


Để các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp nhận thức về cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, thế mạnh và những việc cần làm, VINASA đã tổ chức khảo sát tại 275 cơ quan, đơn vị tham dự diễn đàn năm nay. Kết quả, 5 ngành, lĩnh vực được nhận định là có lợi thế gồm: 89,9% ý kiến cho rằng đó là lĩnh vực công nghệ thông tin; 47% thuộc về tài chính - ngân hàng; trong khi du lịch là 45,7%; nông nghiệp 44,9%; logistics 28,3%.

Về sự chuẩn bị và sẵn sàng cho cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0: Có 35,2% cơ quan, đơn vị (ngân hàng, một số doanh nghiệp công nghệ thông tin, cơ quan quản lý và ứng dụng công nghệ thông tin) cho biết đã sẵn sàng. 58,7% cơ quan, đơn vị đã tìm hiểu nhưng chưa biết chuẩn bị gì. Chỉ có 6,1% là chưa tìm hiểu gì và chưa biết chuẩn bị như thế nào. Về thế mạnh của Việt Nam trong Cách mạng công nghiệp 4.0, có 3 lợi thế được đưa ra đó là: Nguồn nhân lực (77,7%); nhận thức và quyết tâm hành động của Chính phủ (70,4%); hạ tầng công nghệ thông tin - viễn thông (59,1%).

Để Việt Nam tiếp cận thành công cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, các ý kiến cho rằng cần tập trung triển khai 3 giải pháp. Cụ thể, 81,8% nghiêng về tập trung đào tạo nguồn nhân lực; 70% ý kiến cho rằng cần thúc đẩy chuyển đổi số trong toàn nền kinh tế; 53% cho rằng phải thúc đẩy khởi nghiệp, sáng tạo. Đáng chú ý, để tiếp thu đề xuất các ý kiến khảo sát, Ban Tổ chức Diễn đàn đã dành riêng một tọa đàm với chuyên đề "Nhân lực số, đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp", bàn về việc đào tạo nguồn nhân lực trong thời đại số.

GS.TSKH Hồ Tú Bảo (Viện Khoa học công nghệ tiên tiến Nhật Bản - tham gia tọa đàm trực tuyến từ xa) lý giải câu hỏi: Tại sao đào tạo lại quan trọng? Theo ông Bảo, có một thực tế là lương của các kỹ sư phần mềm rất cao, còn lương công nhân rất thấp. Trong một số lĩnh vực lao động ở các ngành may mặc, da giày, nếu ứng dụng công nghệ tự động hóa, thì sẽ có thể có nhiều hình thức lao động tăng lên và nhiều loại lao động sẽ mất đi.

Hình thức lao động mới xuất hiện ở đây chính là kỹ năng số và kỹ năng mềm. Việc ứng dụng này buộc người lao động phải thay đổi, phải học, phải được đào tạo. Cũng theo ông Hồ Tú Bảo, để thực hiện chuyển đổi số, nên hướng đào tạo lao động để họ làm chủ trong chuyển đổi số và dạy họ kỹ năng tin học, thống kê cơ bản. Đặc biệt, cần chú trọng đào tạo với hai loại đối tượng có trình độ cao là tốt nghiệp đại học và có trình độ về công nghệ thông tin để trước hết, họ biết thích nghi và có kỹ năng làm việc tập thể, kỹ năng xã hội; thứ hai có khả năng phân tích xử lý dữ liệu và thông tin.

Đưa ra giải pháp trong đào tạo nhân lực công nghệ thông tin, ông Tô Hồng Nam, Phó Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho biết, Bộ này đã tháo gỡ cơ chế trong đào tạo nhân lực công nghệ thông tin. Cụ thể, không quy định chỉ tiêu mà để "đầu ra" tự quyết định; đào tạo đội ngũ có thể ứng dụng được ngay; các kỹ sư, chuyên gia có thể tham gia đào tạo để việc đào tạo sát với thị trường hơn. Đồng thời, công nhận một số tín chỉ trong đào tạo đại học, tăng cường đào tạo trực tuyến; doanh nghiệp đặt hàng hoặc tham gia xây dựng đào tạo theo mong muốn...

Với cộng đồng khởi nghiệp, Tiến sĩ Phạm Hồng Quất, Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và Doanh nghiệp khoa học công nghệ (Bộ KH-CN) nêu rõ, thế yếu của các start up chính là cách thức quản lý, quản trị. Nếu năng lực quản lý không tốt, doanh nghiệp không thể phát triển được. Vì vậy, ông Quất cho rằng, cần phải hướng dẫn, chia sẻ để start up biết ứng dụng, phát triển kinh doanh, mô hình kinh doanh gắn với kỹ thuật số...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cấp bách đào tạo nguồn "nhân lực số"

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.