Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chuyển mã mạng di động từ 11 số về 10 số: Ai hưởng lợi?

Việt Nga| 09/06/2018 07:51

(HNM) - Sau khi Bộ Thông tin và Truyền thông công bố việc chuyển mã mạng di động từ 11 số về 10 số từ ngày 15-9-2018, những thuê bao 11 số vốn khó nhớ, bị coi là


Sim số đẹp tăng giá trị

Theo kế hoạch chuyển đổi mã mạng di động do Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT) công bố, thuê bao 11 số khi chuyển sang 10 số sẽ được thay mã cũ bằng mã mới, giữ nguyên 7 số cuối.

Cụ thể, đầu số mới của VinaPhone gồm: 083, 084, 085, 081, 082 thay thế cho các đầu số 11 số tương ứng: 0123, 0124, 0125, 0127, 0129. Tiếp theo mạng Viettel sẽ có các đầu số mới 032, 033, 034, 035, 036, 037, 038, 039, thay thế cho các đầu số cũ: 0162, 0163, 0164, 0165, 0166, 0167, 0168, 0169.

Thuê bao 10 số của mạng MobiFone là: 070, 079, 077, 076, 078 thay thế tương ứng các đầu số: 0120, 0121, 0122, 0126, 0128. Thuê bao 11 số 0188 và 0186 của Vietnamobile được đổi sang đầu số 056 và 058. Thuê bao 11 số 0199 của Gtel đổi về đầu số 059.

Thuê bao 11 số khi chuyển sang 10 số sẽ được thay mã mới. Ảnh: Mạnh Hà


Trong các đầu số mới kể trên, đầu 08 của VinaPhone được giới kinh doanh sim số và chơi sim đánh giá là đẹp nhất. Ngay sau khi thông tin chuyển đổi mã mạng 11 số về 10 số, thị trường sim số trở nên sôi động. Trên mạng, việc rao bán sim 11 số có các số tứ quý, ngũ quý, lục quý... tăng gấp 4-5 lần so với trước, kèm theo lời giới thiệu khách hàng nên quyết định đầu tư sớm, vì chỉ sau ngày 15-9, giá sim có thể lên đến tiền tỷ.

Anh Nguyễn Thanh - hiện sở hữu nhiều sim, số đẹp (ở quận Cầu Giấy) chia sẻ, anh đang có nhiều sim 11 số ngũ quý 8 và 9, hoặc các số "tam hoa kép" 199799... mua từ vài năm trước. Có những sim 11 số khi mua giá chỉ từ 10 triệu đồng đến 40 triệu đồng, thì nay được trả giá cao gấp 9, 10 lần. Trong đó, sim 11 số ngũ quý 8 của Viettel lúc mua giá 34 triệu đồng, thì nay được trả giá 250-300 triệu đồng, có sim mua giá chỉ 7 triệu đồng, hiện được trả giá 68 triệu đồng.

"Nhiều người trả giá sim đẹp cao hơn, tuy nhiên tôi đợi sau ngày 15-9 lúc đó sẽ quyết định bán lại" - anh Nguyễn Thanh cho biết. Song, có không ít khách hàng dùng di động đang sở hữu những chiếc sim 11 số có số đẹp, dễ nhớ lại cho rằng dù sim có giá trị thì cũng chỉ để dùng.

Chị Hồng Oanh chủ thuê bao của VinaPhone 012xxxx6868 (quận Nam Từ Liêm) kể lại, chiếc sim này chị dùng đã gần 10 năm, vì có đuôi số "lộc phát" nên hay nhận được tin nhắn mua sim với giá 1,5-2 triệu đồng. Tuy nhiên, sau khi có thông tin chuyển đổi mã mạng từ 11 số về 10 số, thì chị liên tục nhận được tin nhắn trả giá cao gấp 3 đến 5 lần so với trước.

"Nếu được chuyển về sim 10 số thì số điện thoại của tôi sẽ dễ nhớ hơn, đó cũng là điều mừng. Nhưng, tôi để dùng nên không quan tâm đến những tin nhắn trả giá sim cao, song cũng rất phiền khi liên tục nhận tin nhắn bất kể giờ giấc" - chị Hồng Oanh chia sẻ.

Người dùng hưởng lợi


Việc chuyển đổi sim từ 11 số về 10 số sẽ giúp người dùng dễ nhớ hơn, đặc biệt không có cảm giác bị coi là "sim rác", nhất là khi gọi không bị người nhận từ chối cuộc gọi vì cho là "sim rác" quấy nhiễu. Theo lý thuyết, các nhà mạng có thể phân bổ lại lượng sim số đẹp 11 số để bán cho khách hàng với giá cao hơn, hoặc theo giá cam kết dùng cước.

Tuy nhiên, khả năng này thấp vì các đầu 11 số được đưa ra thị trường từ đầu năm 2008 và được các nhà mạng áp vào các gói cước để chạy đua cạnh tranh, khuyến mãi, nên giờ sẽ nằm trôi nổi trên thị trường... Còn với giới đầu cơ sim đẹp, việc chuyển đổi về đầu 10 số sẽ giúp họ thu được lợi nhuận không nhỏ.

Ông Trần Mạnh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Viễn thông cho biết, các đầu số nằm trong kế hoạch chuyển đổi đều được coi có giá trị như nhau, vì cơ quan quản lý nhà nước không phân biệt đầu số đẹp hay xấu. Được biết, trước khi cấp đầu số cho các doanh nghiệp, Bộ TT-TT và doanh nghiệp đã có thời gian bàn thảo về việc chọn đầu số chuyển đổi và đưa ra nhiều phương án khác nhau.

Các doanh nghiệp cũng đã thống nhất với phương án chọn đầu số do Bộ đưa ra. Việc phải chuyển đổi từ 11 số về 10 số là nhằm đáp ứng nhu cầu của sự phát triển khi thuê bao di động liên tục tăng nhanh. Trong đó có sự tăng trưởng thuê bao phục vụ cho kết nối các thiết bị trong kỷ nguyên internet vạn vật (IoT).

Được biết, trong đợt chuyển đổi này có 60 triệu thuê bao 11 số sẽ bị ảnh hưởng. Trong số 15,5 triệu thuê bao di động của VinaPhone có tới 3 triệu thuê bao di động đang được dùng cho các thiết bị kết nối; trong số 12 triệu thuê bao của MobiFone có 2 triệu thuê bao dùng cho thiết bị. Như vậy, vẫn còn một lượng lớn khách hàng sẽ bị xáo trộn khi việc chuyển đổi mã mạng di động được áp dụng.

Cùng với đó là các sản phẩm biển hiệu, card visit, bao bì... có ghi số điện thoại người dùng; hoặc trường hợp khách hàng dùng số điện thoại đăng ký internet banking tại các ngân hàng sẽ bị ảnh hưởng. Về vấn đề này, Bộ TT-TT và các doanh nghiệp cam kết đẩy mạnh tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông từ nay đến thời điểm áp dụng 15-9. Các nhà mạng cũng đã sẵn sàng duy trì các biện pháp kỹ thuật như cho quay số song song, có âm thông báo nhắc khách hàng gọi đúng đầu số mới.

Đồng thời, cung cấp phần mềm cập nhật đầu số để khách hàng tải về cập nhật danh bạ điện thoại. Các nhà mạng cũng đã, đang tìm giải pháp với đối tác để hỗ trợ khách hàng trong việc đăng ký thông tin nhằm giảm tối đa phiền hà cho thuê bao của mình.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Chuyển mã mạng di động từ 11 số về 10 số: Ai hưởng lợi?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.