Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nghề mộc ở Đại Nghiệp

Đỗ Minh| 20/06/2011 07:14

(HNM) - Thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM), người dân thôn Đại Nghiệp, xã Tân Dân, huyện Phú Xuyên đang chọn cho mình hướng đi mới, lấy làng nghề làm đòn bẩy để nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống và hiện thực hóa mục tiêu xây dựng NTM.

Giàu có nhờ nghề truyền thống
Làng nghề truyền thống Đại Nghiệp có nghề sản xuất chế biến gỗ lâu đời. Chẳng ai nhớ nổi nghề mộc nơi đây có từ bao giờ, chỉ biết từ xưa sản phẩm đồ gỗ đã có mặt ở khắp nơi, vào cả cung vua, phủ chúa. Đại Nghiệp xưa có tên là làng Tre. Theo Chủ tịch UBND xã Tân Dân Nguyễn Khắc Thuật, đây là một trong những làng nghề phát triển nhất Phú Xuyên hiện nay. Đại Nghiệp có trên 550 hộ thì có đến 90% số hộ làm nghề, 10% còn lại mở dịch vụ xung quanh nghề, thu hút hơn 1.000 lao động trực tiếp và nhiều hộ gia đình sản xuất vệ tinh quanh vùng, ở Đại Nghiệp, người trong độ tuổi lao động không thiếu việc.

Sản phẩm Đại Nghiệp được xuất đi khắp các tỉnh trong nước và ra nước ngoài đắt hàng bởi thợ Đại Nghiệp luôn cải tiến mẫu mã, phù hợp với thị hiếu, có sức cạnh tranh đáng kể. Sản phẩm nổi bật ở Đại Nghiệp như sập gụ, tủ chè, khay, hộp, bàn, ghế... với những hoa văn gắn với các tích truyện dân gian. Anh Phạm Ngọc Dư, chủ nhiệm CLB làng nghề thôn Đại Nghiệp cho biết, nhiều người nhờ nghề mà giàu có. Trung bình thợ thôn được từ 160-180 nghìn đồng/công; tính ra, một tháng cũng có 4-5 triệu đồng. Đấy là công thợ, còn các nghệ nhân, người thiết kế mẫu mã nhận nhiều hơn.

Xây dựng thương hiệu
Đến Đại Nghiệp hôm nay thấy bao nhà cao tầng đua nhau mọc lên, ô tô chở hàng vào ra liên tục, "phố làng" sầm uất hẳn lên. Theo chủ cơ sở sản xuất Đức Hiền, một trong những xưởng lớn nhất thôn, nhiều hộ có đến 4, 5 cửa hàng lớn nhỏ tại Hà Nội. Anh Hiền, người sở hữu 30 xưởng sản xuất, mỗi xưởng có trên 10 thợ tự hào cho biết, hai chiếc bàn thờ lớn nhất Đông Nam Á hiện được đặt tại chùa Bái Đính, tỉnh Ninh Bình được sản xuất ở xưởng của anh.

Tuy nhiên, theo anh Phạm Ngọc Dư,  hiện làng nghề vẫn phát triển theo hướng tự phát, chưa xây dựng được thương hiệu và hình thành mạng lưới buôn bán chuyên nghiệp. Hầu hết mẫu mã đều được người thợ Đại Nghiệp nghĩ ra, sản xuất theo tính cảm tính chứ chưa dựa trên sự phân tích thị trường. Hiện Câu lạc bộ làng nghề đang xúc tiến xây dựng thương hiệu, tham gia khóa đào tạo của Cục Sở hữu trí tuệ để nắm vững vấn đề bản quyền và thương hiệu. Làm được điều ấy,  Đại Nghiệp sẽ có  tiền đề quan trọng để giải bài toán thu nhập, góp phần tích cực xây dựng NTM.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nghề mộc ở Đại Nghiệp

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.