Theo dõi Báo Hànộimới trên

Giãn dân phố cổ: Nâng cao chất lượng cuộc sống, bảo tồn di sản

L.H| 29/12/2015 11:11

(HNMO) - Khu phố cổ Hà Nội với diện tích khoảng 81ha nằm trên địa bàn 10 phường thuộc quận Hoàn Kiếm, với tổng số dân khoảng 66.600 người tương ứng với mật độ 823 người/ha, sẽ thực hiện giảm xuống còn 500 người/ha là mật độ khống chế theo qui hoạch đến năm 2020, tương ứng phải di chuyển khoảng 6.550 hộ dân với khoảng 26.200 người dân.

Giai đoạn 1 sẽ di chuyển những hộ sống trong di tích, trường học…

Dự án giãn dân phố cổ được triển khai nhằm tạo điều kiện cho nhân dân phố cổ cải thiện về nhà ở và thụ hưởng các giá trị khác về vật chất tinh thần nơi đi và nơi đến. Góp phần thực hiện việc bảo tồn tôn tạo di tích và các công trình kiến trúc có giá trị, phát triển đô thị bền vững, thúc đẩy kinh tế phát triển trong đó có dịch vụ và du lịch.

Đề án Giãn dân phố cổ quận Hoàn kiếm được thực hiện gồm 2 dự án: Dự án Tổ chức di dời các hộ dân ra khỏi khu phố cổ Hà Nội (dự án đầu đi) và Dự án Đầu tư xây dựng Khu nhà ở giãn dân phố cổ tại khu đô thị mới Việt Hưng, quận Long Biên (dự án đầu đến).

Thực hiện Quyết định số 4569/QĐ-UBND ngày 01/8/2013 của UBND TP Hà Nội về việc cho phép thực hiện chuẩn bị đầu tư Dự án xây dựng khu nhà ở giãn dân phố cổ tại khu đô thị Việt Hưng, quận Long Biên; Quyết định số 1897/QĐ-UBND ngày 27/9/2013 của UBND quận Hoàn Kiếm về việc giao nhiệm vụ và ủy quyền chủ đầu tư thực hiện dự án Tổ chức di dời các hộ dân ra khỏi khu Phố cổ giai đoạn 1; UBND quận Hoàn Kiếm đã tích cực triển khai phối hợp cả dự án đầu đi và dự án đầu đến theo nội dung Đề án giãn dân phố cổ đã được UBND TP phê duyệt.

Ngày 22/12/2014, UBND TP Hà Nội đã có quyết định số 6866/QĐ-UBND về việc phê duyệt chấp thuận cơ chế đầu tư xây dựng khu nhà ở giãn dân phố cổ, quận Hoàn Kiếm. Với quyết định này, Đề án giãn dân phố cổ giai đoạn 1 sẽ bước vào giai đoạn triển khai chi tiết.

Nhiều hộ dân phố cổ đang sống trong đình, chùa, trường học, nhà nguy hiểm, xuống cấp cần được di chuyển.


Theo đó, về việc thống kê số liệu các đối tượng của dự án, Ban quản lý Phố cổ Hà Nội đã phối hợp với UBND các phường, Phòng Tài nguyên, Phòng Văn hóa, Phòng Giáo dục, tổ chức khảo sát số liệu tại các di tích, công sở, trường học.

Hiện số dân sống trong di tích (đình đền chùa) là 97 điểm với 464 hộ, tương ứng khoảng 1653 nhân khẩu. Trong công sở là 21 điểm, 29 hộ, khoảng 97 nhân khẩu. Trong trường học là 13 điểm, 40 hộ, khoảng 106 nhân khẩu.

Bên cạnh đó, với đối tượng sống trong nhà ở có giá trị cần được bảo tồn, tôn tạo, nhà đông hộ, nguy hiểm, chung cư cũ (rà soát theo Quyết định số 6398/QĐ-UBND ngày 23/10/2013 về Ban hành quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc khu phố cổ Hà Nội) có 205 biển số nhà có giá trị đặc biệt; số hộ sử dụng đất theo báo cáo của UBND phường là 519 hộ, khoảng 1557 nhân khẩu. Nhà có giá trị là 348 biển số nhà, số hộ sử dụng đất theo báo cáo của UBND phường là 891 hộ, khoảng 2673 nhân khẩu. Nhà đông hộ có 233 biển số nhà, nhà nguy hiểm có 87, chung cư cũ là 2 (xây theo hình thức chung cư 18 Hàng chiếu, 25 Cao Thắng). Trên cơ sở các số liệu thống kê, Ban quản lý Phố cổ đã triển khai tuyên truyền khảo sát đến từng nhóm đối tượng riêng biệt, qua đó xây dựng đề cương nhiệm vụ di dời cho từng nhóm một cách cụ thể và phù hợp.

Ban quản lý phố cổ Hà Nội cũng đã phối hợp với UBND 10 phường phố cổ triển khai phát đơn kê khai và thu hồi đơn xin tự nguyện tham gia Đề án giãn dân phố cổ tại 10 phường.

Nhìn chung, việc triển khai phát đơn tự nguyện đến từng hộ dân trong địa bàn phường đã bước đầu đẩy nhanh tiến độ. Công tác tuyên truyền đã triển khai sâu rộng trong cấp cơ sở.

Một phối cảnh dự án đầu đến ở khu đô thị mới Việt Hưng, Long Biên. Tại đây, để tạo điều kiện thuận lợi cho cuộc sống của người dân, gần 40% hộ dân có chỗ kinh doanh tại tầng 1 của các tòa nhà.


Giải đáp sâu rộng các thắc mắc của người dân, tạo sự đồng thuận cao

Trong thời gian qua, lãnh đạo UBND Quận Hoàn Kiếm đã tích cực chỉ đạo việc tuyên truyền trong hệ thống các cơ quan, phòng ban trong hệ thống chính trị quận về Đề án giãn dân phố cổ. Để giải đáp sâu sắc các thắc mắc của người dân, ngày 5/2/2015, Báo Hànộimới đã tổ chức Tọa đàm trực tuyến về Đề án giãn dân phố cổ với sự tham gia giải đáp trực tuyến từ lãnh đạo TP, UBND quận Hoàn Kiếm.

Mặt khác, Ban quản lý Phố cổ Hà Nội tổ chức và duy trì thường xuyên Triển lãm về đề án Giãn dân phố cổ tại Trung tâm thông tin Phố cổ - 28 Hàng Buồm từ tháng 10/2013, trực tiếp trả lời các câu hỏi của người dân khi có nhu cầu tham gia tìm hiểu về đề án. Tổ chức các hội thảo, hội nghị liên quan đến công tác bảo tồn, hoạt động văn hóa để người dân hiểu thêm về giá trị khu Phố cổ.

Hơn nữa, hệ thống thông tin báo chí đã mở rộng các chuyên mục về Đề án giãn dân phố cổ; Thông tin chính xác đến người dân các ý kiến đóng góp, tâm tư nguyện vọng về đề án và mức độ quan trọng của quá trình thực hiện công tác giãn dân. Từng bước góp phần tuyên truyền cho người dân hiểu rõ định hướng của nhà nước về sự phát triển trong khu vực và tầm quan trọng của đề án.

Trong 10 phường thuộc khu phố cổ, kế hoạch tuyên truyền cho Đề án giãn dân đều được lãnh đạo UBND phường trực tiếp chỉ đạo và tổ chức, các tổ công gồm cán bộ phụ trách Ban Quản lý Phố cổ và cán bộ phường đã trực tiếp đi xuống các hộ dân để hướng dẫn và giải thích chi tiết.

Theo Ban Quản lý Phố cổ, trong thời gian tới sẽ lập hồ sơ đề xuất nhiệm vụ, trình thẩm định phê duyệt đề cương, khái toán kinh phí chuẩn bị đầu tư của dự án giãn dân đầu đi. Tiến hành hồ sơ đo đạc khảo sát các điểm di tích, công sở, trường học trong diện GPMB bắt buộc.

Ban Quản lý Phố cổ phối hợp với Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng Khu nhà ở giãn dân phố cổ quận Hoàn Kiếm thực hiện kế hoạch di dời.

Có thể thấy, Đề án giãn dân phố cổ là một dự án trọng điểm chưa có tiền lệ thực hiện; Là chủ trương lớn của Thành ủy, UBND TP Hà Nội và UBND quận Hoàn Kiếm. Đồng thời đây cũng là một dự án có tính xã hội sâu sắc ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của nhiều người dân trong khu vực phố cổ. Để tạo được chất lượng sống tốt, ổn định và khả năng di dời có hiệu quả cao dự án Đầu tư xây dựng Khu nhà ở giãn dân quận Hoàn Kiếm cũng cần được khẩn trương thực hiện.

Với nhiều người dân phố cổ, mong muốn được sống trong không gian mới, không chỉ có nhu cầu đáp ứng được yếu tố vật chất, không gian sống mà khu đô thị còn phải tạo được cho họ những không gian văn hóa tinh thần phù hợp.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giãn dân phố cổ: Nâng cao chất lượng cuộc sống, bảo tồn di sản

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.