Theo dõi Báo Hànộimới trên

Sẵn sàng nguồn nước tưới vụ đông xuân

Kim Văn| 11/01/2017 07:14

(HNM) - Từ 0h ngày 10-1, các hồ thủy điện đã bắt đầu thực hiện kế hoạch xả nước đợt 1 phục vụ sản xuất nông nghiệp vụ xuân 2017 của các tỉnh Đồng bằng Bắc Bộ.


Công nhân công trình đầu mối cống Liên Mạc bảo dưỡng thiết bị bảo đảm lưu thông dòng nước. Ảnh: Thái Hiền


Hoàn thành nạo vét, tu bổ công trình thủy lợi

Nước tưới phục vụ sản xuất nông nghiệp của Hà Nội phụ thuộc vào hai nguồn chính là nước của 5 sông và 95 hồ chứa thủy lợi. Do biến đổi khí hậu, ít mưa, một số địa phương xuất hiện tình trạng khai thác cát quá mức khiến đáy sông bị hạ thấp nên mực nước tại các sông và hồ chứa hiện nay đều thấp. Để bảo đảm nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, Bộ NN&PTNT đã thống nhất với Tập đoàn Điện lực Việt Nam xả nước hồ thủy điện bổ sung nước cho các sông.

Triển khai phương án chống hạn, đến thời điểm này, 5 công ty khai thác công trình thủy lợi của thành phố đã hoàn thành nạo vét gần 1,6 triệu mét khối cửa khẩu, bể hút trạm bơm, kênh mương; tu bổ, sửa chữa hệ thống thủy lợi; duy tu, bảo dưỡng máy móc… Các quận, huyện, thị xã cũng đã nạo vét hơn 1,1 triệu mét khối kênh mương, bể hút... Chia sẻ khó khăn về nguồn nước với Tập đoàn Điện lực Việt Nam, 5 doanh nghiệp thủy lợi của Hà Nội đã chủ động lắp đặt 84 trạm bơm dã chiến, tương ứng 308 máy bơm, với tổng công suất 324.600m3/giờ… tận dụng nguồn nước sẵn có của các sông đưa vào đồng ruộng, phục vụ sản xuất và tích trữ trước thời điểm các hồ thủy điện xả nước.

Tại Công ty TNHH một thành viên (MTV) Đầu tư thủy lợi Mê Linh, ngay từ cuối tháng 10-2016, đã lắp đặt 16 máy bơm dã chiến Thanh Điềm, 1 tổ máy dã chiến trạm Bạch Trữ, loại 1.100m3/giờ/máy đưa nước vào đồng ruộng, kênh mương, ao hồ tích trữ phục vụ nhân dân gieo mạ, chăm sóc cây màu vụ đông xuân. Tính đến trước ngày hồ thủy điện xả nước đợt 1, Công ty đã bơm vào đồng ruộng bằng trạm bơm dã chiến được hơn 6 triệu mét khối nước. Tương tự, Công ty TNHH MTV Đầu tư phát triển thủy lợi Hà Nội đã lắp đặt, vận hành 20 máy bơm dã chiến, loại 1.100m3/giờ/máy tại trạm Ấp Bắc, khối lượng nước bơm vào đồng tích trữ được hơn 3 triệu mét khối. Công ty TNHH MTV Thủy lợi Sông Tích lắp đặt 21 máy bơm dã chiến, công suất 1.000m3/giờ/máy… Khi nước hồ thủy điện xả, các doanh nghiệp vận hành toàn bộ số trạm bơm để lấy nước đưa vào đồng ruộng…

Cần giải pháp căn cơ

Để tận dụng tối đa nguồn nước từ hồ thủy điện xả vào các sông, UBND thành phố đã yêu cầu các doanh nghiệp thủy lợi vận hành tối đa công suất máy bơm để lấy nước đổ ải, tưới dưỡng và trữ vào các ao, hồ, vùng trũng trong thời gian xả nước; đồng thời, quản lý chặt chẽ nguồn nước trong hệ thống công trình thủy lợi, không để rò rỉ, thất thoát…

Theo phản ánh của các doanh nghiệp, mấy năm gần đây, mực nước các triền sông cấp nguồn tưới cho Hà Nội luôn thấp hơn mức thiết kế công trình thủy lợi, vì vậy cần phải có các giải pháp căn cơ mới có thể phục vụ chống hạn hiệu quả. Từ nhiều năm nay, trạm bơm tưới Ấp Bắc có 6 máy, công suất 8.000m3/giờ/máy nhưng chỉ hoạt động được khi các hồ thủy điện xả nước đạt mức 2,2m. Tương tự, trạm bơm Thanh Điềm có 10 máy bơm, công suất 3.600m3/giờ/máy; trạm bơm Phù Sa có 2 máy, công suất 10.080m3/giờ/máy… phải “đắp chiếu” khi sông Hồng không được bổ sung nguồn nước nên hầu như năm nào các doanh nghiệp cũng phải lắp đặt trạm bơm dã chiến để chống hạn. Việc làm này vừa tăng chi phí, vừa ảnh hưởng tuổi thọ của thiết bị…

Sau khi các hồ thủy điện thực hiện kế hoạch xả nước đợt 1, các doanh nghiệp thủy lợi của Hà Nội đã vận hành trạm bơm, đưa nước vào đồng ruộng đúng phương án chống hạn đã phê duyệt. Tuy nhiên, kiểm tra công tác lấy nước trên địa bàn thành phố trong ngày đầu tiên cho thấy, nhiều địa phương đăng ký kế hoạch lấy nước đợt 1 rất thấp, chưa tới 10% tổng diện tích. Nguyên nhân là do chưa hoàn thành thu hoạch cây vụ đông; chưa thay đổi thói quen gieo trồng… nên chậm thu hoạch. Do đó, để sử dụng hiệu quả nguồn nước, Sở NN&PTNT đề nghị các địa phương khẩn trương đôn đốc nhân dân thu hoạch cây vụ đông để đưa nước vào đồng ruộng; tận dụng ao hồ, kênh mương… để tích trữ nước; đồng thời thực hiện biện pháp chống thất thoát rò rỉ; nghiêm túc thực hiện việc đăng ký và thực hiện kế hoạch lấy, sử dụng nước với các doanh nghiệp thủy lợi… Sở NN&PTNT cũng yêu cầu các doanh nghiệp thủy lợi kiểm tra thực tế tình hình sử dụng nước của các quận, huyện, thị xã để điều chỉnh kế hoạch lấy nước từng đợt cho phù hợp…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sẵn sàng nguồn nước tưới vụ đông xuân

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.