Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chợ truyền thống đối mặt với nhiều khó khăn

Vũ Thủy| 21/03/2017 07:07

(HNM) - Thời gian qua, HĐND TP Hà Nội nhận được nhiều ý kiến của cử tri về mô hình hoạt động chợ dân sinh không hiệu quả, nhất là tại một số chợ chuyển đổi mô hình quản lý.

Chợ Quảng An (quận Tây Hồ).Ảnh: Khánh Huy


Chợ ngày càng vắng


Phó Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND thành phố Hồ Vân Nga cho biết, TP Hà Nội có hơn 400 chợ truyền thống được phân hạng, giao cho từng cấp quản lý từ thành phố đến cơ sở. Thực hiện Quyết định số 12/2011/QĐ-UBND của UBND TP Hà Nội về quy trình chuyển đổi mô hình quản lý, kinh doanh khai thác chợ, các quận, huyện, thị xã đã rà soát, lựa chọn mô hình chuyển đổi. Nhiều chợ sau chuyển đổi đã, đang phải đối mặt với không ít khó khăn. Chợ dân sinh khu vực nội thành gặp nhiều trở ngại hơn so với các chợ khu vực ngoại thành, bởi sự gia tăng các cửa hàng tiện ích và điều quan trọng, người tiêu dùng cảm thấy không an tâm với nguồn gốc xuất xứ hàng hóa ở chợ.

Quận Đống Đa có 11 chợ, trong đó các chợ: Thái Hà, Láng Thượng, Kim Liên, A12 Khương Thượng, Thổ Quan, Ô Chợ Dừa đã thực hiện chuyển đổi mô hình từ ban quản lý chợ sang doanh nghiệp, hợp tác xã quản lý. Theo Phó Chủ tịch UBND quận Đống Đa Trịnh Hữu Tuấn, sau chuyển đổi, sự đầu tư hạ tầng như
hệ thống điện, cấp thoát nước, PCCC, vệ sinh môi trường vẫn trong tình trạng chắp vá, chưa quy củ, nên hiệu quả chưa như mong muốn. Quận Tây Hồ cũng có 11 chợ, trong đó 5 chợ chuyển đổi mô hình doanh nghiệp, hợp tác xã quản lý gồm: Bưởi, Nhật Tân, Tam Đa, Quảng An, Xuân La.

Theo Phó Chủ tịch UBND quận Tây Hồ Nguyễn Đình Khuyến, duy nhất chợ Bưởi sau chuyển đổi thực hiện xây mới, còn lại 4 chợ vẫn giữ nguyên hiện trạng, chưa có kế hoạch, phương án đầu tư xây mới nên khó thu hút tiểu thương và khách hàng. Tuy nhiên, dù đã chuyển đổi, xây mới 4 tầng với số vốn 32 tỷ đồng nhưng chợ không còn đông đúc, sầm uất như trước, nhiều ki ốt bỏ trống. Chị Phan Thu Hà, tiểu thương chợ Bưởi cho biết, chợ xây mới nhưng khách hàng vắng vẻ hơn, giá thuê mặt bằng kinh doanh tăng nên nhiều tiểu thương bỏ chợ.

Ông Phạm Đình Đoàn, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Phú Thái (thành viên Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TP Hà Nội) cho biết, các chợ hiện nay đều trong tình suy giảm sức mua vì người tiêu dùng có nhiều sự lựa chọn tiện lợi hơn như: Trung tâm thương mại, siêu thị... Chưa kể, đến với những nơi này, người tiêu dùng còn an tâm hơn vì hàng hóa có xuất xứ, an toàn và có thể giao dịch qua điện thoại, internet. Bà Lê Thị Binh (phường Bưởi, quận Tây Hồ) chia sẻ: "Hàng hóa bây giờ đa dạng, tràn ngập các phố. Tôi già rồi nên sáng mới xách làn đi chợ, còn các con tôi đều đến siêu thị mua thực phẩm cho cả tuần vì ở đó tiện lợi, thực phẩm an toàn hơn”.

Quy hoạch phải theo nhu cầu

Thống kê từ Sở Công Thương, trong giai đoạn 2011-2016, địa bàn TP Hà Nội có 43 chợ xây mới, 16 chợ xây lại, 95 chợ cải tạo nâng cấp với tổng kinh phí hơn 3.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, nhìn chung, hoạt động các chợ dân sinh không hiệu quả. Nhiều chợ sau chuyển đổi mô hình quản lý, doanh nghiệp thiếu vốn, hoặc có đầu tư nhưng chưa thu được tiền từ hộ kinh doanh. Sở Công Thương đã đề xuất với UBND thành phố xem xét, kiến nghị với Chính phủ bổ sung thêm đối tượng được hưởng ưu đãi đầu tư vào danh mục ngành, nghề ưu đãi đầu tư quy định tại Phụ lục I, Nghị định số 118/2015/NĐ-CP ngày 12-11-2015 của Chính phủ, bởi hiện tại danh mục này chỉ quy định ưu đãi đầu tư xây dựng và quản lý, kinh doanh chợ tại vùng nông thôn.

Ngoài ra, Sở cũng đề xuất với UBND thành phố kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ sửa đổi Điểm 3, Mục I, Quy định các nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2016-2020 được ban hành kèm theo Quyết định số 40/2015/QĐ-TTg ngày 14-9-2015 của Thủ tướng Chính phủ. Vì tại mục này quy định, các chợ dân sinh, chợ đầu mối, trung tâm logistic, trung tâm hội chợ triển lãm, kết cấu hạ tầng xuất khẩu, nhập khẩu ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn mới được bố trí từ vốn ngân sách. Địa bàn TP Hà Nội không thuộc danh mục địa bàn thuộc diện này.

Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND thành phố Phạm Thị Thanh Mai cho biết, qua giám sát, khảo sát các mô hình quản lý chợ trên địa bàn 5 quận, huyện, thị xã: Hoàng Mai, Đống Đa, Tây Hồ, Hoài Đức, Sơn Tây cho thấy nhiều bất cập, khó khăn không chỉ ở chợ chưa chuyển đổi mô hình quản lý, mà kể cả chợ đã chuyển đổi. Ngoài sự thiếu quan tâm đầu tư, thu hút hộ kinh doanh, các chợ phải đối mặt với việc thương mại điện tử phát triển, chợ cóc chưa xóa bỏ triệt để.

Trước khó khăn này, bên cạnh giải tỏa triệt để chợ cóc, chỉ đạo quy hoạch ngành hàng phù hợp, nâng cấp hạ tầng, các quận, huyện, xã, phường cần rà soát quy hoạch mạng lưới chợ. Không cần thiết xã, phường nào cũng có chợ, mà phải kiểm định, đánh giá sát thực tế theo nhu cầu, thói quen của người dân khu vực để quy hoạch, xây mới hoặc nâng cấp chợ; tránh làm quy mô lớn, cung lớn hơn cầu, không khai thác hết sẽ gây lãng phí…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chợ truyền thống đối mặt với nhiều khó khăn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.