Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hóa giải khủng hoảng thừa thịt lợn: Đồng bộ nhiều giải pháp

Bạch Thanh| 05/05/2017 07:11

(HNM) - Sở NN&PTNT Hà Nội nhận định, với sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành, việc tiêu thụ lợn đến kỳ xuất chuồng trên địa bàn thành phố đã được cải thiện, nhưng vẫn bộc lộ những bất cập, chưa triệt để...

Trước tình hình này, các đại biểu dự hội nghị đã đưa ra nhiều giải pháp đồng bộ, trong đó nhấn mạnh đến việc khoanh nợ, giãn nợ cho người chăn nuôi; tái cơ cấu ngành chăn nuôi theo hướng tập trung, tăng chất lượng đàn lợn...

Bộn bề khó khăn


Giám đốc Trung tâm Phát triển chăn nuôi Hà Nội Tạ Văn Tường cho biết: Trong tuần qua, dù người chăn nuôi đã bán tháo ồ ạt cả lợn giống và lợn thịt, tuy nhiên, số lượng lợn tồn trong vẫn còn. Theo tổng hợp của Sở NN&PTNT Hà Nội, số lượng lợn đến kỳ xuất chuồng chưa tiêu thụ trên địa bàn thành phố khoảng 8.500 tấn. Đại diện Sở NN&PTNT cho biết, với kế hoạch chung tay “giải cứu lợn” của các doanh nghiệp đã cam kết, dự kiến thời gian tới số lượng lợn tồn trong nhân dân giảm, giá bán sẽ tăng.

Các sản phẩm thịt lợn rõ nguồn gốc bày bán tại siêu thị.


Tuy nhiên, vấn đề đặt ra hiện nay là hộ chăn nuôi, hợp tác xã, doanh nghiệp trên địa bàn thành phố đang đối mặt với khó khăn về vốn khi đến kỳ đáo hạn trả ngân hàng và vốn để tái đầu tư, chuyển đổi sản xuất. Ông Nguyễn Văn Thanh, chủ cơ sở chăn nuôi 50 lợn nái và 400 lợn thương phẩm ở xã Bắc Sơn, huyện Sóc Sơn cho biết, đã thế chấp toàn bộ tài sản của gia đình để vay hơn 1 tỷ đồng phát triển chăn nuôi, nếu tình hình không được cải thiện sẽ đứng bên bờ vực phá sản.

Cùng cảnh ngộ với ông Nguyễn Văn Thanh, bà Bùi Thị Kim Dung, xã Châu Can, huyện Phú Xuyên, chủ trang trại chăn nuôi 380 lợn nái và 2.500 lợn thương phẩm, cho biết: Hiện ngân hàng đã tạm ngừng giải ngân, đồng thời đốc thúc thu lãi định kỳ 2 món vay trị giá 5 tỷ đồng, trong khi mỗi ngày trang trại phải chi ít nhất 50 triệu đồng để duy trì chăm sóc đàn lợn. Tương tự, gia đình ông Đinh Xuân Thủy chăn nuôi lợn quy mô lớn ở huyện Ứng Hòa cũng gặp vô vàn khó khăn bởi đang vay ngắn hạn 3 tỷ đồng của Ngân hàng NN&PTNT huyện, hằng tháng phải đáo hạn 500 triệu đồng, chưa kể trả lãi định kỳ.

Giãn nợ, giảm lãi vay

Để “giải cứu lợn”, thời gian tới ngành Nông nghiệp Hà Nội sẽ triển khai đồng bộ các nhóm giải pháp như: Nhanh chóng tái cơ cấu ngành chăn nuôi theo hướng quy mô, tập trung, có tốc độ phát triển phù hợp theo nhu cầu; giảm số lượng, nhất là đàn lợn nái và tăng chất lượng đàn lợn… Trước mắt ngành Nông nghiệp thống nhất kiến nghị bộ, ngành liên quan trình Chính phủ chỉ đạo lực lượng công an, quân đội… đăng ký nhu cầu sử dụng thực phẩm để doanh nghiệp cấp đông dự trữ theo nhu cầu; có quy định về giá trần tối thiểu thu mua bằng giá sản xuất để giảm bớt khó khăn cho người chăn nuôi. Bởi thực tế hiện nay cho thấy mức giá thu mua “giải cứu lợn” cho thấy, nông dân vẫn lỗ từ 5.000 đến 15.000 đồng/kg.

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Huy Đăng kiến nghị, Nhà nước cần có cơ chế về vốn hỗ trợ trang trại chăn nuôi thải loại đàn lợn nái kém chất lượng, hỗ trợ vắc xin, thuốc sát trùng, chế phẩm xử lý môi trường, phòng ngừa dịch bệnh trên diện rộng. Cạnh đó, các ngân hàng cần vào cuộc tích cực hơn hỗ trợ vốn vay cho đơn vị thu mua lợn của nông dân với số lượng lớn. Theo ông Nguyễn Huy Đăng, thành phố nên có chính sách hỗ trợ vốn vay từ quỹ bình ổn giá cho doanh nghiệp sản xuất thịt mát, thịt cấp đông đối với các sản phẩm thịt lợn.

Một vấn đề được người chăn nuôi đặc biệt quan tâm là tại Công văn số 3091/NHNN-TD ban hành ngày 28-4, Ngân hàng Nhà nước đã yêu cầu các tổ chức tín dụng căn cứ vào khả năng tài chính tập trung tháo gỡ khó khăn cho khách hàng vay chăn nuôi, sản xuất thức ăn chăn nuôi và sản xuất thuốc thú y. Tuy nhiên theo ông Nguyễn Huy Đăng, mặc dù đã có chỉ đạo của cấp trên về khoanh nợ, giãn nợ cho người chăn nuôi nhưng đến thời điểm này vẫn chưa được phía các ngân hàng đưa ra giải pháp cụ thể. Hiện nay mới có Ngân hàng Thương mại cổ phần Bưu điện Liên Việt cam kết dành 500 tỷ đồng để hỗ trợ người chăn nuôi. Ngân hàng NN&PTNT Việt Nam đang rà soát tổng hợp thiệt hại của các hộ chăn nuôi lợn; đồng thời tổng hợp đề xuất giải pháp của các chi nhánh để sớm đưa ra hình thức hỗ trợ chính thức… Trước thực trạng này, nhiều doanh nghiệp, cơ quan quản lý nhà nước kiến nghị các ngân hàng khoanh nợ, giãn nợ, tạo điều kiện thuận lợi cho người chăn nuôi tiếp cận vốn vay để vực dậy ngành chăn nuôi sau khủng hoảng giá thịt lợn hơi lao dốc.

Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ diễn ra ngày 4-5, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giao các bộ: NN&PTNT, Công Thương làm rõ nguyên nhân và có giải pháp khẩn trương khắc phục. Thủ tướng đề nghị rà soát các quy hoạch, kế hoạch và tình hình sản xuất, chế biến, lưu thông, tiêu thụ sản phẩm thuộc phạm vi quản lý, không để xảy ra những trường hợp tương tự.

Cùng ngày, Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) đã có Công văn số 5717/BTC-QLG về việc tăng cường bình ổn thị trường thịt lợn. Theo đó, đề nghị các doanh nghiệp thuốc thú y và thức ăn chăn nuôi kiểm soát chặt chẽ các yếu tố hình thành giá khi xây dựng phương án giá thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y. Các đơn vị không điều chỉnh tăng giá bán thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y khi các yếu tố hình thành giá không thay đổi. Trường hợp doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh có hành vi vi phạm trong lĩnh vực giá sẽ bị xử lý nghiêm và thu nộp vào ngân sách nhà nước số tiền thu lợi do vi phạm, công khai danh tính trên các phương tiện thông tin đại chúng.


Đức Anh

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hóa giải khủng hoảng thừa thịt lợn: Đồng bộ nhiều giải pháp

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.